Về trang chủ

Nhớ về người đồng chí đàn anh

10/02/2015 , Thân thế và sự nghiệp

Đại tá, Nhà sử học Lê Hồng Lĩnh – Nguyên: Bí thư Văn phòng Chính ủy Nam Bộ; Trưởng phòng Lịch sử chiến tranh chống Mỹ, Viện lịch sử Quân sự Việt Nam

Tôi được gặp Anh Hoàng Thế Thiện từ đầu năm 1946 khi chúng tôi lên Thái Nguyên để học Trường Quân chính Bắc Sơn. Trường Quân chính Bắc Sơn là trường quân sự đào tạo cơ bản dài ngày đầu tiên do Trung ương Đảng quyết định mở đầu tháng 3 năm 1946.

Trung ương Đảng trực tiếp giáo dục về chính trị. Việc chỉ đạo huấn luyện về quân sự, Trung ương giao cho Bộ Tổng Tham mưu. Trung ương giao cho Tỉnh ủy Thái Nguyên trực tiếp lãnh đạo nhà trường về mặt chính trị. Tỉnh ủy Thái Nguyên lúc này do anh Nhị Quý làm Bí thư, anh Lê Trung Đình làm Phó Bí thư – Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh, Anh Hoàng Thế Thiện làm Ủy viên Thường vụ – Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh.

Anh Thiện sinh trước tôi 4 tháng. Theo dương lịch thì Anh sinh năm trước (năm 1922) nhưng theo âm lịch cả Anh và tôi đều sinh vào năm Nhâm Tuất, năm mà các thầy tướng số cho rằng tốt đối với nam. Chúng tôi đều tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1940 nhưng bề dày thành tích của Anh thì nhiều.

Mới gặp lần đầu thấy Anh còn rất trẻ, người cao dong dỏng, khuôn mặt tròn trịa, trắng trẻo, dễ mến, dễ gần với nụ cười luôn ở trên đôi môi son. Nhìn bề ngoài tưởng Anh là một học sinh con nhà giàu, một cậu ấm, có lẽ không chịu đựng được gian khổ. Nhưng đây là một thanh niên tham gia cách mạng từ tuổi 17, bị kết án 5 năm tù khổ sai, đã qua hai nhà tù: nhà lao Hỏa Lò và ngục Sơn La. Anh đã từng là Đội trưởng Đội Vũ trang tuyên truyền Cứu quốc quân của huyện Võ Nhai và là một trong những người có công đầu trong khởi nghĩa cướp chính quyền hồi tháng 8 năm 1945 ở thị xã Thái Nguyên – Thủ đô của Việt Bắc.

Nói về hoạt động của Anh Thiện ở Thái Nguyên thì sau khi các anh Hoàng Thế Thiện, Đào An Thái, Nguyễn Bắc vượt ngục từ nhà tù Sơn La theo anh Trần Quốc Hoàn về, các anh tham dự lễ thành lập Ủy ban lâm thời châu Võ Nhai. Anh Lê Thanh Nghị cử Anh Thiện và anh Thái vào Ban cán sự châu. Đội Vũ trang tuyên truyền Cứu quốc quân Võ Nhai được thành lập do Anh Thiện làm Đội trưởng, anh Thái làm Chính trị viên. Từ Võ Nhai, Đội đã vũ trang tuyên truyền sang các huyện khác của tỉnh Thái Nguyên. Ta giải phóng liên tục một loạt các xã tại các huyện. Ở Đồng Hỷ, Anh Thiện đã xây dựng cơ sở ở đồn điền Đồng Bẩm, tổ chức anh Hoàng Công (tức Cát – con trai cả của nhà tư sản yêu nước Cát Hanh Long) làm cán bộ Việt Minh và làm cơ sở liên lạc cho ta. Đội Vũ trang tuyên truyền Võ Nhai đã giải phóng hầu hết các xã đến tận Tân Cương. Ở Đại Từ, ta giải phóng hết vùng nông thôn rộng lớn chỉ còn huyện lỵ là còn bọn Nhật và ngụy quyền. Viên tri phủ Đại Từ tên là Đường xin gặp Việt Minh được ta giao nhiệm vụ. Đội Vũ trang tuyên truyền Võ Nhai hoạt động rất có kết quả sang Phổ Yên và Phú Bình – những nơi ta đã có nhiều cơ sở Việt Minh. Đối với phong trào thị xã Thái Nguyên thì từ tháng 5 năm 1945, ta đã đẩy lên mạnh. Có 15 thanh niên từ thị xã kéo lên gặp Việt Minh Võ Nhai xin vào Giải phóng quân. Đội Vũ trang tuyên truyền Võ Nhai đã tổ chức cho họ học tập chính trị, quân sự rồi động viên họ trở về xây dựng, mở rộng cơ sở Việt Minh trong thị xã.

Phong trào cách mạng trong thị xã và các vùng lân cận sang tháng 7, tháng 8 năm 1945 phát triển rất nhanh chóng. Nông thôn toàn tỉnh hầu như đã hoàn toàn được giải phóng.

Sáng sớm ngày 19 tháng 8 năm 1945, Anh Thiện và Đội Vũ trang tuyên truyền Võ Nhai nhận được tin và tờ báo Đông Pháp (ra ngày 18 tháng 8) do anh Hoàng Công gửi lên cho biết: anh em Việt Minh và nhân dân Hà Nội đã biến cuộc mít-tinh của tổng hội viên chức ủng hộ chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim trong ngày 17 tháng 8 năm 1945 thành một cuộc biểu tình lớn ủng hộ Việt Minh. Anh Công cũng cho biết nhân dân thị xã Thái Nguyên cũng đang náo nức khí thế cách mạng.

2 giờ chiều ngày 19 tháng 8 năm 1945, một cuộc mít-tinh trên 5.000 người ở sân vận động thị xã do nhóm thanh niên Việt Minh thị xã tổ chức và do Đội Vũ trang tuyên truyền Võ Nhai chỉ đạo đã diễn ra với khí thế cách mạng sục sôi. Trước tình hình đó, Anh Thiện quyết định biến cuộc mít-tinh thành cuộc biểu tình tuần hành vũ trang thị uy vào nội ô thị xã. Đoàn biểu tình rầm rộ diễu qua các phố tiến vào trung tâm thị xã, vừa đi vừa hô khẩu hiệu: đả đảo phát xít Nhật, đả đảo bọn bù nhìn tay sai, ủng hộ Việt Minh, anh em bảo an binh quay về với cách mạng. Anh Thiện leo lên một cột điện nói chuyện với đồng bào. Anh báo tin Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, chính phủ bù nhìn đang lung lay, kêu gọi đồng bào ủng hộ và tham gia Việt Minh, kêu gọi anh em bảo an binh quay súng về với cách mạng. Tham gia đoàn biểu tình có nhiều thanh niên, phụ nữ thị xã, nông dân các xã ven thuộc Đồng Hỷ và Phổ Yên, có cả các quan lại của tỉnh và tri huyện Đồng Hỷ. Quân Nhật trong thị xã lo sợ, án binh bất động.

Ta cử người đến gặp tỉnh trưởng và đồn trưởng bảo an binh yêu cầu tỉnh trưởng trao quyền cho cách mạng và yêu cầu bảo an binh theo cách mạng hoặc nộp súng cho cách mạng. Ta đã chuẩn bị căn bản mọi mặt về chính trị, quân sự để giành chính quyền ở Thái Nguyên.

Tờ mờ sáng hôm sau, Giải phóng quân do anh Võ Nguyên Giáp và anh Trần Đăng Ninh chỉ huy đã bao vây tấn công quân Nhật kết hợp với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân trong thị xã do anh Nhị Quý và Trung Đình lãnh đạo.

Ngày 20 tháng 8 năm 1945, khởi nghĩa hoàn thành ở Thái Nguyên.

Trong khởi nghĩa Thái Nguyên, cuộc biểu tình tuần hành thị uy của quần chúng trong ngày 19 tháng 8 năm 1945 do Anh Thiện chỉ đạo là bước thắng lợi có ý nghĩa quyết định đầu tiên. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời từ Tuyên Quang qua Thái Nguyên để về Hà Nội rất sớm và Giải phóng quân sớm về được Thủ đô cũng nói lên ý nghĩa của khởi nghĩa thành công rất sớm ở Thái Nguyên quan trọng đến nhường nào.

Tháng 10 năm 1946, Anh Thiện được cử sang Vĩnh Yên làm Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh. Tôi được tin Anh đã xây dựng gia đình ở bên ấy.

Ngày 1 tháng 6 năm 1947, tôi được cử làm Chính trị viên Tiểu đoàn 56 (110) Bắc Giang thì cũng là lúc được tin Anh Hoàng Thế Thiện đã được cử vào bộ đội làm Phái viên Chính trị rồi làm Trưởng phòng Chính trị Liên khu 10. Có thời gian Anh được cử làm Chính ủy Trung đoàn Sông Lô.

Tháng 10 năm 1948, tôi được cử vào Nam Bộ trong Phái đoàn của Trung ương Đảng và Chính phủ do các anh Lê Đức Thọ, Phạm Ngọc Thạch, Dương Quốc Chính phụ trách. Chúng tôi đi theo đường Trường Sơn mà lúc đó anh em đã gọi là đường Hồ Chí Minh. Vào Nam Bộ, tôi được phân công làm nhân viên kiểm tra của Trung ương đi kiểm tra các trung đoàn, tiểu đoàn ở miền Trung và miền Đông. Sau đó tôi được cử làm Bí thư Văn phòng Chính ủy Nam Bộ và làm thư ký cho đồng chí Lê Duẩn – Bí thư Xứ ủy, Chính ủy Nam Bộ.

Đến tháng 9 năm 1949, Anh Thiện cùng với một số cán bộ quân sự như anh Nguyễn Thanh Tâm nguyên là Phó Giám đốc Trường Quân chính Bắc Sơn, anh Lê Thọ (Lê Văn Điệp) nguyên là học sinh Trường Quân chính Bắc Sơn cùng với chúng tôi và là Chính trị viên Tiểu đoàn 57… cũng theo đường Hồ Chí Minh vào Nam Bộ.

Tôi bất ngờ gặp lại Anh Thiện ở Nam Bộ. Hai anh em vui mừng nhận ra nhau ngay và coi nhau như là đồng chí, đồng đội quen thân nhau từ lâu.

Bộ Tư lệnh Nam Bộ đóng ở Khu 9 từ tháng 10 năm 1949 cho đến tháng 10 năm 1950. Anh Thiện được cử làm Phái viên kiểm tra của Bộ Tư lệnh Nam Bộ nên chúng tôi có mấy tháng gặp nhau nhiều, cùng làm việc với nhau và dự nhiều cuộc họp của Bộ Tư lệnh Nam Bộ ở căn cứ miền Tây.

Tôi thấy Anh làm việc chín chắn, có suy nghĩ, có nhiều kinh nghiệm và nhiều sáng kiến, luôn bình tĩnh trước mọi tình hình và chưa thấy Anh nổi nóng bao giờ. Anh làm việc thật giống như câu nói của Bác Hồ nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi Bác sang Pháp: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Anh đã đóng góp trí tuệ, công sức, kinh nghiệm xây dựng bộ đội chủ lực ở miền Bắc và cả lòng dũng cảm để xây dựng lực lượng bộ đội ta ở miền Tây Nam Bộ.

Tháng 10 năm 1950, tôi lên miền Đông với anh Ba Duẩn thì tháng 11 năm 1950, Anh Thiện được cử làm Chính ủy Trung đoàn Tây Đô (Khu 9) do anh Huỳnh Thủ làm Trung đoàn trưởng.

Về Trung đoàn Tây Đô, Anh làm Chỉ huy phó hai chiến dịch quan trọng ở Khu 9 lúc đó là Long Châu Hà II và Sóc Trăng II. Trong các chiến dịch này ta có tiêu hao, tiêu diệt được nhiều địch nhưng ta cũng bị tổn thất và nói chung chưa chuyển được tình thế.

Sang năm 1951, Nam Bộ từ chỗ chỉ có ba trung đoàn chủ lực là Đồng Nai, Đồng Tháp, Tây Đô tổ chức lại thành hai trung đoàn chủ lực là Đồng Nai và Cửu Long. Anh Thiện được cử làm Chính ủy Trung đoàn Cửu Long (Phân Liên khu miền Tây) do anh Nguyễn Hữu Xuyến làm Trung đoàn trưởng. Trung đoàn Cửu Long gồm các Tiểu đoàn 307, 308, 410.

Nhưng rồi cả Trung đoàn Đồng Nai và Trung đoàn Cửu Long cũng bị giải thể. Chỉ để lại Tiểu đoàn 302 làm chủ lực ở miền Đông và Tiểu đoàn 307 làm chủ lực ở miền Tây. Anh Thiện về làm Trưởng phòng Chính trị rồi Chủ nhiệm Chính trị Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ.

Tháng 4 năm 1952, khi Anh Hoàng Thế Thiện đang ở miền Tây thì vợ Anh – chị Lệ Trinh (Hào Kim Oanh) từ Việt Bắc vượt Trường Sơn vào Nam Bộ trong Đoàn cán bộ của Trung ương do anh Võ Văn Kiệt phụ trách. Trong đoàn chỉ có hai phụ nữ là Chị và chị Chung. Trước khi lên đường vào Nam, đoàn đã được gặp Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương ở chiến khu Việt Bắc. Riêng Chị đã được Bác trực tiếp hỏi thăm, căn dặn và được hôn lên má Bác. Đoàn đã đi bộ ròng rã hơn một năm, trải qua nhiều hiểm nguy, gian khổ mới vào đến đất Nam Bộ.

Lần đầu tiên tôi được gặp chị Lệ Trinh mới biết anh em khen Chị đẹp quả không sai. Chị vốn là một nữ sinh Hà Thành kiều diễm rất đẹp đôi với Anh Thiện. Thế mà Chị đã tham gia Thanh niên cứu quốc từ năm 1944 khi mới 16 tuổi. Với tài sắc “nghiêng nước nghiêng thành”, Chị được tuyển vào Ban Trinh sát đặc biệt thuộc Kỳ bộ Việt Minh Bắc Kỳ, làm công tác điệp báo lấy tên là Mai cùng với chị Tiếp (Lê Song Toàn) lấy được nhiều tài liệu quan trọng của bọn phản động Việt cách (Việt Nam cách mệnh đồng minh hội, đảng phản động của Nguyễn Hải Thần, theo chân quân Tàu Tưởng về Việt Nam hoạt động phản cách mạng). Có lần Chị đã giúp anh em công an bắt trói được một tên ủy viên trung ương đảng Việt cách ngay tại nhà mình ở phố Đường Thành (Hà Nội)… Bị địch truy bắt, Chị và chị Tiếp được tổ chức cử lên Thái Nguyên công tác. Tại đây, Chị đã gặp gỡ Anh Thiện…

Kháng chiến chống Pháp kết thúc, chúng tôi đều tập kết ra miền Bắc. Tôi từ khu tập kết 100 ngày Cao Lãnh. Anh chị Thiện từ khu tập kết 200 ngày Năm Căn.

Sau ngày tập kết ra Bắc, tôi hiếm có dịp gặp Anh Thiện song vẫn dõi theo các hoạt động của Anh sau này…

Tháng 10 năm 1964, Anh Thiện trở lại chiến trường Nam Bộ theo đường Hồ Chí Minh trên biển, đi trên con tàu “Không số” của Đoàn 125 đến bến Rạch Gốc, Năm Căn.

Từ miền Tây sang miền Đông, Anh làm Phó Chính ủy Quân khu 8 rồi tham gia thành lập Sư đoàn 9 – Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Nam Bộ, làm Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn.

Tháng 8 năm 1966, Anh ra Tây Nguyên (B3) làm Chính ủy Sư đoàn 1 – Sư đoàn chủ lực thứ hai của Quân Giải phóng miền Nam. Sư đoàn 1 mới thành lập ở Tây Nguyên gồm sư đoàn bộ của Sư đoàn 304, các Trung đoàn bộ binh: 66, 88, 320. Lúc này, anh Nguyễn Hữu An làm Sư trưởng, Anh Hoàng Thế Thiện làm Chính ủy, anh Lê Hữu Đức làm Sư phó kiêm Tham mưu trưởng, anh Trần Văn Trân làm Sư phó, anh Nguyễn Viên làm Phó Chính ủy.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh B3 đã mở chiến dịch Sa Thầy với lực lượng chủ yếu là Sư đoàn 1. Mục đích của chiến dịch: kéo quân Mỹ ra tiêu diệt đồng thời đập tan ý đồ chiến lược phản công mùa khô của đế quốc Mỹ.

Ta đã thực hiện dụ quân của sư đoàn 4 Mỹ vào “lưới” ta đã giăng sẵn để diệt quân Mỹ từng đợt cho đến quyết chiến điểm.

Chiến dịch diễn ra từ ngày 18 tháng 10 đến ngày 6 tháng 12 năm 1966. Ta loại khỏi vòng chiến đấu trên 2.000 tên Mỹ, diệt gọn một tiểu đoàn và tám đại đội Mỹ, bắn rơi 21 máy bay, phá hủy 26 pháo, 16 xe…

Tiếp đến, Sư đoàn 1 tham gia chiến dịch Đắc Tô I. Trong chiến dịch này, Trung đoàn 174 đã thay thế Trung đoàn 88 trong đội hình Sư đoàn 1. Chiến dịch diễn ra ở phía tây nam quận lỵ Đắc Tô, tây bắc thị xã Kon Tum 50 ki-lô-mét. Mục đích chiến dịch: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực quân Mỹ, thu hút quân Mỹ lên Tây Nguyên càng nhiều càng tốt. Tiêu diệt một bộ phận quân ngụy làm tan rã trung đoàn 42 và 45 ngụy. Yêu cầu cụ thể là: cố gắng tiêu diệt một đến hai tiểu đoàn Mỹ và một số đại đội lẻ, tiêu diệt và làm tan rã trung đoàn 42 ngụy, phát triển chiến tranh du kích rộng khắp trên ba tỉnh Tây Nguyên.

Sư đoàn 1 được phân công chiến đấu trên hướng chủ yếu. Lần này khác với bình thường, Sư trưởng Nguyễn Hữu An và Chính ủy Hoàng Thế Thiện lại ở Sở Chỉ huy Tiền phương để kịp thời chỉ huy các đơn vị đánh địch.

Cùng thời gian ta mở chiến dịch, quân Mỹ cũng mở cuộc hành quân mang tên Mắc A-thơ (Mac Arthur) để càn quét, phá hoại cuộc tiến công mùa khô của ta.

Chiến dịch đã diễn ra từ ngày 3 tháng 11 đến ngày 22 tháng 11 năm 1967.

Các đơn vị đã dùng chiến thuật “vận động tiến công kết hợp với chốt” và dụ địch vào chiến trường ta lựa chọn sẵn để tiêu diệt. Cuối cùng, Trung đoàn 174 đã tập kích tiêu diệt liên tiếp hai tiểu đoàn 1 và 2 thuộc lữ đoàn dù 173 Mỹ ở khu vực Điểm cao 875. Trong khi lúng túng, máy bay phản lực Mỹ ném nhầm bom 500 pound (cân Anh) vào cả quân mình.

Trong 19 ngày chiến dịch, Sư đoàn 1 đã đánh quỵ lữ đoàn dù 173 Mỹ, diệt gọn hai tiểu đoàn và đánh thương vong nặng các tiểu đoàn khác của Mỹ. Do đó, ta cũng đánh bại cuộc hành quân Mắc A-thơ của Mỹ. Lữ đoàn dù 173 “con cưng” của Mỹ trong Thế chiến thứ nhất, thứ hai và qua Triều Tiên chưa hề bị thua nhưng đến đây đã bị Sư đoàn 1 đánh quỵ.

Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Sư đoàn 1 đánh địch ở Tân Cảnh và hoạt động trên trục Đường 18 Plây Cần, quần nhau với một lữ đoàn của sư đoàn 4 Mỹ.

Đúng 0 giờ 30 phút vào đêm giao thừa, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 174 nổ súng vào thị trấn Tân Cảnh. Tiếng súng của Sư đoàn 1 ở Tân Cảnh thay pháo hiệu cho cuộc tấn công địch đồng loạt trên Mặt trận Tây Nguyên.

Ở hướng Sư đoàn 1, sau khi nổ súng vài chục phút, quân ta đã làm chủ thị trấn Tân Cảnh đồng thời bao vây khống chế sân bay. Ta chiếm thị trấn Tân Cảnh trong ba ngày để nhử quân của sư đoàn 4 Mỹ cho lực lượng Sư đoàn 1 bố trí ở Đường 18 Plây Cần tiêu diệt địch.

Nhưng quân địch không tới. Viên trung tướng tư lệnh Sư đoàn 4 Mỹ sau khi bị thua đau ở “Đắc Tô I” đã tuyên bố sẽ không đưa quân sâu vào hậu phương của đối phương.

Ta phải chuyển sang đánh nhỏ. Quả là sau “Đắc Tô I”, sức chiến đấu của Sư đoàn 1 đã mệt mỏi, không đủ sức “nuốt trôi” một lữ đoàn Mỹ đóng trong công sự vững chắc trên điểm cao…

Sau Mậu Thân, anh Nguyễn Hữu An bàn giao Sư đoàn 1 cho anh Vương Tuấn Kiệt và Anh Hoàng Thế Thiện để về nhận chức Tham mưu trưởng B3.

Nói về Anh Hoàng Thế Thiện, anh Nguyễn Hữu An viết: “Anh Hoàng Thế Thiện – Chính ủy là người toàn năng, không chỉ giỏi về chính trị mà còn là người hiểu biết về quân sự, khá sâu những vấn đề có liên quan tới cương vị của mình và rất xứng đáng là nhân vật trung tâm của Sư đoàn 1

Tháng 8 năm 1970, Bộ Tổng Tư lệnh thành lập Mặt trận 968 (Nam Lào) do anh Cao Văn Khánh làm Tư lệnh, anh Nguyễn Hòa làm Phó Tư lệnh và Anh Hoàng Thế Thien làm Phó Chính ủy. Sau đó, Bộ Tổng Tư lệnh thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch Đường 9 – Nam Lào do anh Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, anh Lê Quang Đạo làm Chính ủy. Anh Cao Văn Khánh được điều về Bộ Chỉ huy chiến dịch. Ở lại có anh Nguyễn Hòa làm Phó Tư lệnh và Anh Hoàng Thế Thiện làm Phó Chính ủy của Đoàn 559.

Vào đến Trường Sơn, Anh Thiện đã có những đóng góp tích cực vào chiến dịch vận tải đầu mùa khô 1970 – 1971, anh Đồng Sĩ Nguyên nguyên Tư lệnh Đoàn 559 kể lại:

“Để tình hình chuyển biến mau lẹ, theo đề nghị của Thường vụ Đảng ủy và Chính ủy Vũ Xuân Chiêm, chúng tôi quyết định chọn những cán bộ có năng lực đưa xuống từng hướng trực tiếp chỉ huy.

Ở hướng Đường 20, bất luận mọi tình huống, đều phải cần nắm chắc. Bộ Tư lệnh phân công Phó Chính ủy Hoàng Thế Thiện – một cán bộ dày dạn kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường Nam Lào và một số cán bộ tham mưu, chính trị xuống ATP, trực tiếp giải quyết những khó khăn, ách tắc của hai Binh trạm 14, 32; đồng thời chỉ huy Sư đoàn 377 cao xạ, tên lửa mà Bộ vừa tăng cường vào

Trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, cùng với các sư đoàn chủ lực của Bộ, sự đóng góp của Đoàn 559 trong việc đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch nhằm cắt đứt tuyến chi viện miền Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thắng lợi của các trận địa pháo mặt đất, các trận địa súng máy 12,7 ly, của lực lượng tại chỗ và hệ thống thông tin liên lạc do Đoàn 559 bố trí, trang bị, đóng góp và các trận đánh độc đáo của Sư đoàn 2 do Đoàn 559 phụ trách đánh vào lực lượng sư đoàn 1 ngụy.

Anh Đồng Sĩ Nguyên kể lại rằng:

“Địch hy vọng làm chủ và biến Đường 9 thành “lưỡi dao” cắt ngang tuyến vận tải quân sự Trường Sơn, song ta làm chủ con đường này từ Bản Đông đến Mường Phìn. Đội hình vận tải quy mô lớn vẫn qua lại bình thường. Bộ Chỉ huy Tiền phương Trường Sơn do các anh Hoàng Thế Thiện và Nguyễn Hòa – những cán bộ cao cấp có bề dày chiến tích và kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vẫn trụ vững tại huyện lỵ Sê Pôn, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền bạn suốt chiến dịch.

Ngày 18 tháng 2 – đúng vào lúc ta và địch đang giành giật nhau từng mỏm đồi, khe cạn… tại Bản Đông, Sê Pôn… thì đài AFP đưa tin: Quân Việt Nam cộng hòa đã chiếm được huyện lỵ Sê Pôn. Ngay lập tức tôi gọi điện cho Anh Thiện. Biết địch đưa tin xằng bậy, chúng tôi bàn cách “bịt miệng” chúng lại và dạy cho chúng một bài học.

Rất may là liền đó, anh Song Hào gọi điện vào, anh gợi ý nên cho ghi âm lời phát biểu của đồng chí Chủ tịch huyện Sê Pôn. Thật là đơn giản! Và đúng tối ngày 19 tháng 2 năm 1971, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi lời của đồng chí Bun Đi – Chủ tịch huyện Sê Pôn. Địch bị “đo ván” trong cuộc khẩu chiến này

Anh Bùi Đức Tạm nguyên Phó Chính ủy Đoàn 559 nói về Anh Thiện: “Anh là một cán bộ nhiệt tình, sôi nổi, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đâu cần là Anh có mặt. Anh cởi mở, tình nghĩa với bạn bè, chịu khó học hỏi, nghiên cứu để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”.

Đầu năm 1975, Anh Thiện được điều vào chiến trường B2 làm Chính ủy đầu tiên của Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) do anh Hoàng Cầm làm Tư lệnh. Đây là Quân đoàn chủ lực đầu tiên của Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”. Anh Thiện trực tiếp chỉ huy hướng tiến công Dầu Tiếng – Chơn Thành. Quân đoàn 4 đã đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc ở cửa ngõ Sài Gòn, mở đường cho các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Anh tham gia chỉ huy Quân đoàn 4 đánh vào Sài Gòn trên hướng đông…

Năm 1989, Anh Thiện nghỉ hưu ở thành phố Hồ Chí Minh nên Anh và tôi có điều kiện gặp nhau nhiều hơn.

Tháng 4 năm 1995, Anh và tôi cùng dự một cuộc họp mặt ở Quân khu 7. Lúc này, hai anh em mới rõ với nhau là cùng ở tuổi Nhâm Tuất. Anh nói với tôi là anh Võ Nguyên Giáp rất khen ngợi Trường Quân chính Bắc Sơn.

Ngày 5 tháng 9 năm 1995, Anh Hoàng Thế Thiện mất. Tôi đã theo tiễn đưa linh cữu Anh tới nơi an nghỉ cuối cùng…

Hồng Lĩnh nhớ Anh, một đồng chí đàn anh, một người bạn thắm thiết tình bình đẳng trong quan hệ tình cảm bạn bè, một người cách mạng chân chính, nhân nghĩa như đúng hình thức bề ngoài cao đẹp của Anh. Là bạn nhưng tôi luôn coi Anh như người Anh.

L.H.L

Các bài viết liên quan

Video

Chuyên mục

Tag