Về trang chủ

Quân đoàn 4 – “Quả đấm thép” hướng Đông trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

30/04/2016 , Bài viết có liên quan đến Hoàng Thế Thiện

Là đơn vị chủ lực cơ động chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Quân đoàn 4 – Binh đoàn Cửu Long đã sát cánh cùng với quân và dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc quân đoàn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. (Từ phải sang: Thiếu tướng Hoàng Cầm – Tư lệnh quân đoàn đứng thứ nhất, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện – Chính ủy, Bí thư Đảng ủy quân đoàn ngồi thứ hai).
Là đơn vị chủ lực cơ động chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Quân đoàn 4 – Binh đoàn Cửu Long do Thiếu tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy đầu tiên, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện làm Chính ủy đầu tiên, đã sát cánh cùng với quân và dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Chấp hành Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 21 Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường quân sự tiến tới thống nhất đất nước, tháng 10/1973, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Chính trị thành lập các quân đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ở Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ, từ đầu năm 1974, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền đã chỉ đạo lập phương án tổ chức biên chế, dự thảo chức năng nhiệm vụ của một quân đoàn chủ lực trên chiến trường.
Sau khi thông qua kế hoạch tổ chức biên chế, ngày 20/7/1974, đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục chính thức công bố quyết định thành lập Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) tại Khu căn cứ Suối Bà Chiêm, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, miền Đông Nam Bộ.
Đây là quân đoàn chủ lực đầu tiên của Nam Bộ với lực lượng ban đầu là 2 Sư đoàn Bộ binh 7 và 9, các Trung đoàn Pháo binh 24, Phòng không 71, Đặc công 429, Thông tin 69 và các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Với chức năng là quả đấm chủ lực mạnh, lực lượng cơ động của Bộ Quốc phòng ở chiến trường B2 (Nam Bộ), nhiệm vụ của Quân đoàn 4 là tiêu diệt quân địch, giải phóng nhân dân, làm nòng cốt cho lực lượng vũ trang 3 thứ quân, làm chỗ dựa vững chắc cho lực lượng đấu tranh chính trị của quần chúng, đảm nhận một hướng chiến lược, một khu vực chiến trường, mục tiêu cuối cùng là giải phóng Sài Gòn.
Thiếu tướng Hoàng Cầm được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Quân đoàn 4. Tháng 2/1975, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, được điều vào chiến trường B2 làm Chính ủy đầu tiên – Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 4.
Ngay trận đầu ra quân, tháng 1/1975, Quân đoàn 4 đã làm nên chiến thắng Đường 14 – Phước Long, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long, uy hiếp trực tiếp hệ thống phòng thủ phía Bắc Sài Gòn. Đây là “đòn trinh sát chiến lược”, tạo cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược: giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Chiến công nối tiếp chiến công, trong tháng 3/1975, Quân đoàn 4 cùng với lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ đã giải phóng Dầu Tiếng, Chơn Thành, Định Quán, Lâm Đồng,… làm chủ hoàn toàn Đường 13, Đường 14 và Đường 20, mở rộng các hành lang cơ động và vận chuyển lớn lực lượng, vật chất vào chiến trường, chuẩn bị địa bàn tập kết lực lượng, tạo thế và lực cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Trong thế phát triển như vũ bão, ngày 2/4/1975, Quân ủy, Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 triển khai lực lượng trên hai hướng: Đông và Tây Nam Sài Gòn. Sư đoàn 9 tạm thời tách khỏi đội hình Quân đoàn 4 hoạt động trên hướng Tây Nam trong đội hình Đoàn 232 (Binh đoàn Tây Nam).

Quân giải phóng tiến vào Xuân Lộc
Ngày 8/4/1975, Quân đoàn 4 được giao nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc. Đây là tuyến phòng thủ liên hoàn kéo dài từ Phan Rang, Xuân Lộc đến Tây Ninh (Xuân Lộc nằm trên Quốc lộ 1, cách Sài Gòn 60 km về phía Đông Bắc), là khu vực phòng thủ kiên cố nhất được mệnh danh là “cánh cửa thép” của địch, nhằm ngăn chặn ta tiến công Biên Hòa, Sài Gòn theo Quốc lộ 1 và Đường 20.
Sau thời gian khẩn trương làm công tác chuẩn bị, ngày 9/4/1975, Quân đoàn 4 do Thiếu tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh và Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện làm Chính ủy chỉ huy, nổ súng mở màn chiến dịch tiến công Xuân Lộc bằng nhiều trận đánh liên tiếp, giằng co, ác liệt, trên nhiều hướng. Địch tổ chức lực lượng chống trả điên cuồng (sử dụng cả bom CBU-55 có sức hủy diệt lớn để ngăn chặn), quyết giữ Xuân Lộc bằng mọi giá, bởi chúng xác định mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn. Ta gặp nhiều khó khăn, phải thay đổi cách đánh, tổ chức lực lượng kiềm chế, bao vây, nghi binh,… thực hiện chiến thuật vận động tiến công giải phóng chi khu Gia Kiệm, ngã ba Dầu Giây và chốt chặn chiến dịch đánh địch phản kích, cắt đứt Quốc lộ 1 đoạn Xuân Lộc, Bàu Cá, Đường 20; ngăn chặn không cho địch tăng viện từ Biên Hòa, Bà Rịa lên.
Trước nguy cơ bị tiêu diệt, hơn nữa đã mất Dầu Giây, Xuân Lộc không còn thế phòng thủ, ngày 20/4/1975, địch buộc phải rút chạy khỏi Xuân Lộc. Các đơn vị của Quân đoàn 4 cùng lực lượng vũ trang địa phương tổ chức truy kích diệt một bộ phận lớn quân địch, bắt sống đại tá tỉnh trưởng Long Khánh.
Ngày 21/4/1975, thị xã Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh hoàn toàn giải phóng, “cánh cửa thép” ở cửa ngõ phía Đông Sài Gòn mở toang. Sau 12 ngày đêm tiến công, Quân đoàn 4 cùng lực lượng vũ trang địa phương đập tan chiến tuyến phòng ngự kiên cố nhất của địch ở Đông Bắc, tạo thuận lợi cho các quân đoàn chủ lực bạn triển khai lực lượng tiến công giải phóng Sài Gòn – Gia Định.
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, Quân đoàn 4 cấp tốc điều chỉnh lực lượng, cùng lực lượng vũ trang địa phương áp sát chuẩn bị tiến công giải phóng Sài Gòn.
Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Ở hướng Đông, Quân đoàn 4 với lực lượng gồm các Sư đoàn 6, 7, 341, Lữ đoàn bộ binh 52, một tiểu đoàn pháo 130mm, một trung đoàn và một tiểu đoàn phòng không hỗn hợp cùng 3 tiểu đoàn xe tăng – thiết giáp với quân số khoảng 30.000 người, đã tiến về Sài Gòn bằng những bước chân thần tốc. Bằng nhiều trận đánh liên tục, diễn ra gay go, quyết liệt, Quân đoàn 4 phối hợp với các lực lượng lần lượt giải phóng Trảng Bom, sân bay Biên Hòa, Tam Hiệp và tiến thẳng về Sài Gòn. Trên hướng Tây Nam, Sư đoàn 9 (lực lượng chủ yếu trong đội hình Đoàn 232) giải phóng thị xã Hậu Nghĩa, Long An, Bến Lức, các địa bàn thuộc quận 8, quận 10, quận 5, đánh chiếm Biệt khu Thủ Đô, bắt sống tướng Lâm Văn Phát – Tư lệnh Biệt khu.
Đến trưa ngày 30/4/1975, đội hình Quân đoàn 4 có mặt tại Sài Gòn – “Điểm hẹn lịch sử” – trong giờ phút thiêng liêng của ngày vui Đại thắng.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng Việt Nam bước sang một thời kỳ lịch sử mới – Thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Quân đoàn 4 được giao nhiệm vụ quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định.
Thiếu tướng Hoàng Cầm -Tư lệnh Quân đoàn 4 được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định. Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện – Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 4 được cử làm Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Sài Gòn – Gia Định. Thời kỳ này, Quân đoàn 4 còn được vinh dự gọi là Quân đoàn bảo vệ thành phố Sài Gòn – Gia Định. Trong quá trình làm nhiệm vụ quân quản, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 luôn đoàn kết một lòng, cùng bắt tay nhau thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm cao “Vào thành, vững như thành”. Sau 2 năm kiên trì thực hiện nhiệm vụ, cán bộ chiến sĩ đã nêu cao hình ảnh, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân quản, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân Sài Gòn – Gia Định.
Qua hơn 40 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 xây đắp nên truyền thống vẻ vang “trung thành, đoàn kết, anh dũng, sáng tạo, tự lực, quyết thắng”. Quân đoàn 4 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 4 Huân chương Hồ Chí Minh, 5 Huân chương Quân công hạng nhất; được Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Ăng-ko.
Bình Minh
Nguồn: http://infonet.vn/quan-doan-4-qua-dam-thep-huong-dong-trong-chien-dich-ho-chi-minh-lich-su-post197536.info

Tag

Các bài viết liên quan

Video

Chuyên mục

Tag