Về trang chủ

Tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

06/02/2015 , Bài viết có liên quan đến Hoàng Thế Thiện

Đại tướng Lê Văn Dũng
Ngày 27-11-1965, sau khi Trung đoàn 1 chúng tôi tiêu diệt gọn Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 ngụy tại làng 14, sở cao su Dầu Tiếng, Bến Cát, tỉnh Bình Dương, thì được lệnh rút quân về khu vực căn cứ Dương Minh Châu đóng quân ở hai bờ sông Sài Gòn. Tiểu đoàn 3 chúng tôi đứng chân ở Bến Nha Thức trong một khu rừng già gần chân núi Cậu. Bến Nha Thức là bến vượt sông Sài Gòn của giao liên đưa đón cán bộ và bộ đội từ căn cứ Dương Minh Châu đến chiến khu Đ và ngược lại. Hiện nay khu vực này nằm trong lòng hồ Dầu Tiếng. Bến Nha Thức nằm trong tầm pháo của địch ở Dầu Tiếng, Bến Cát, Lai Khê, tỉnh Bình Dương và Dương Minh Châu thuộc tỉnh Tây Ninh.
Đầu giờ chiều ngày 25-12-1965, Đại đội trưởng thông báo có thủ trưởng cấp trên đến thăm. Đại đội 12 chúng tôi tập trung ra một khu đất trống là hội trường dã chiến, có hai dãy ghế làm bằng những cây gỗ đường kính 8cm dài 3cm được ken lại, mỗi ghế là 4 cây gỗ, mỗi dãy là 15 hàng ghế, ở giữa để khoảng trống độ một mét đi lại, phía trên là một chiếc bàn cũng được ghép những cây gỗ nhỏ bằng ngón tay để 40 dùng cho cán bộ mỗi khi lên lớp.
Chúng tôi vừa tập hợp xong thì một đoàn cán bộ khoảng bảy, tám người, đi đầu là đồng chí Hoàng Thế Thiện – Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị sư đoàn 9 (chúng tôi biết đồng chí Hoàng Thế Thiện vì một vài lần đồng chí đến thăm Đại đội). Đi sau đồng chí Phó Chính ủy là một người dong dỏng cao, nước da ngăm đen, đôi mắt sâu, rất sáng. Ông mặc bộ quần áo bà ba màu xanh ô liu, đội mũ nan có trùm vải dù ngụy trang, đi đôi dép râu. Đoàn không đi theo đường lớn dẫn vào đơn vị mà đi một lối mòn nhỏ vào thẳng Đại đội chúng tôi. Đại đội 12 là một tập thể chiến đấu dũng cảm đã lập thành tích xuất sắc trong trận đánh ở làng 14 Dầu Tiếng, diệt và bắt được nhiều tù binh địch nên Sư đoàn chọn Đại đội 12 để đoàn đến thăm và kiểm tra các mặt, Đoàn đến thẳng Đại đội, không qua Tiểu đoàn, không qua Trung Đoàn. Các đồng chí đi đến chỗ đơn vị tập trung. Đồng chí Đại đội trưởng chạy lại phía đồng chí Hoàng Thế Thiện. Đồng chí Hoàng Thế Thiện chỉ sang người mặc áo bà ba đã đứng tuổi. Đại đội trưởng hiểu ý liền quay sang người mặc áo bà ba: Báo cáo Thủ trưởng! Đơn vị đã tập trung đầy đủ, kính mời Thủ trưởng nói chuyện!
Người mặc áo bà ba liền bước lên phía chiếc bàn không có ghế ngồi và tự giới thiệu:
– Tôi là Sáu Di, hôm nay thay mặt Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền đến thăm các đồng chí.
Rồi đồng chí hỏi anh em chúng tôi một cách mộc mạc và chân thành:
– Đồng chí nào tuổi từ 25 trở xuống giơ tay!
Hầu hết Đại đội giơ tay.
Chúng tôi tuổi đời mười chín đôi mươi, trừ cán bộ Đại đội tập kết về tuổi lớn hơn.
Đồng chí Sáu Di nói:
– Như thế là Đại đội các đồng chí đều là thanh niên cả. Đồng chí nào quê ở đồng bằng sông Cửu Long giơ tay lên?
Hai phần ba Đại đội giơ tay.
Đồng chí hỏi tiếp:
– Các đồng chí ai quê ở Đông Nam Bộ giơ tay lên?
Một số cánh tay giơ lên.
Đồng chí Sáu Di nói rất giản dị:
– Như vậy Đại đội các đồng chí chủ yếu là anh em ở Nam Bộ.
Sau đó hỏi tiếp:
– Các đồng chí có bao nhiêu người có vợ?
Một vài cánh tay giơ lên
– Thế đồng chí nào có vợ và đã có con?
Lại một hai đồng chí giơ tay.
Đồng chí nói:
– Số có gia đình và có con cũng ít.
Đồng chí Sáu Di hỏi ba điều về tuổi tác, về địa phương và hoàn cảnh gia đình của cán bộ và chiến sĩ Đại đội. Sau đó đồng chí đột ngột hỏi:
– Các đồng chí học được những vấn đề gì về quân sự, chính trị?
Anh em giơ tay, đồng chí chỉ định từng người, chứ chúng tôi không được trả lời tập thể. Có khi đồng chí chỉ người ngồi hàng đầu, có khi đồng chí chỉ người ngồi ở giữa và có khi đồng chí chỉ người ngồi hàng cuối. Đồng chí Sữa, người cùng thôn với tôi cũng được hỏi. Đồng chí Sữa trả lời:
– Thưa Thủ trưởng, chính trị chúng em học được 10 bài cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Sáu Di lại hỏi:
– Bài một đồng chí học là gì?
– Thưa Thủ trưởng, bài một về con người và đất nước Việt Nam!
– Thế đồng chí hiểu thế nào?
– Thưa Thủ trưởng, đất nước Việt Nam ta giàu và đẹp, dân tộc Việt Nam ta cần cù lao động, có lòng yêu nước nồng nàn và căm thù giặc ngoại xâm sâu sắc. Đồng chí Sáu Di chỉ tôi đứng lên rồi hỏi:
– Thế học kỹ thuật, thì các đồng chí học những gì?
Tôi trả lời:
– Thưa Thủ trưởng, chúng em học ngũ đại kỹ thuật.
– Ngũ đại kỹ thuật là những môn gì?
– Thưa Thủ trưởng, Ngũ đại kỹ thuật là bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn, công sự ngụy trang và gói buộc thuốc nổ.
Tôi nói xong, đồng chí khen: Tốt! Và đồng chí hỏi tất cả mọi người:
– Các đồng chí học về đất nước Việt Nam rồi, bây giờ tôi hỏi những con sông lớn từ Bắc vào Nam là những con sông nào?
Nhiều cánh tay giơ lên, đồng chí chỉ một người đứng lên nói:
– Thưa Thủ trưởng, Việt Nam ta nếu tính từ Bắc vào Nam thì có những con sông lớn: sông Hồng, sông Mã, sông Lam, sông Gianh, sông Bến Hải, sông Hương, sông Thu Bồn, sông Đà Rằng, sông Đồng Nai, sông Bé và hệ thống sông Cửu Long ạ.
Đồng chí khen anh em trả lời tốt và có hệ thống. Rồi đồng chí giải thích:
– Sông lớn là sông không những có chiều rộng mà phải có chiều dài, chảy qua nhiều nước, nhiều tỉnh, như sông Hồng, sông Cửu Long. Các đồng chí thấy không, gọi là sông Bé mà đâu có bé, nó chảy qua nhiều tỉnh rồi nhập vào sông Đồng Nai trước khi đổ ra biển phải không?
Khi đồng chí Sáu Di hỏi bờ biển Việt Nam dài bao nhiêu kilômét, thì nhiều người trả lời trật. Đồng chí liền giải thích, bờ biển của Việt Nam chạy dài từ Móng Cái đến Hà Tiên dài hơn 3.200 km. Đồng chí lại hỏi:
– Thế các đồng chí đã học lịch sử Việt Nam mình chưa? Đồng chí nào cho biết vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất?
Nhiều người tranh nhau trả lời. Có người nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đồng chí xua tay:
– Tôi hỏi người anh hùng dân tộc nào trong lịch sử chống ngoại xâm cơ mà?
Một vài người nói: Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…
Đồng chí nói:
– Đúng, các vị anh hùng dân tộc đó cũng rất đặc biệt, nhưng tôi muốn hỏi các đồng chí anh hùng dân tộc nào vừa đặc biệt lại vừa độc đáo, tiêu biểu cho các thời đại?
Tôi mạnh dạn đứng lên nói:
– Thưa Thủ trưởng, đó là Quang Trung có phải không ạ?
– Vì sao?
– Quang Trung từ Tây Sơn, Bình Định hành quân thần tốc ra Thăng Long, đại phá 20 vạn quân Thanh vào đúng dịp Tết Nguyên đán ạ.
Nghe tôi nói xong, đồng chí gật đầu:
– Đúng! Đúng! Đúng!
Rồi đồng chí giải thích:
– Quang Trung đưa quân tới Tam Điệp ngày 20 tháng Chạp. Biết quân Thanh dự định trong ngày 6 tháng Giêng âm lịch sẽ từ Thăng Long xuất quân, ông hạ lệnh cho quân sĩ ăn Tết trước và tuyên bố: “Ngày mùng 7 sẽ vào Thăng Long mở tiệc ăn Tết khai hạ”. Mờ sáng ngày mùng 5, nghĩa quân Tây Sơn đánh chiếm đồn Ngọc Hồi – một trong những đồn lũy quan trọng nhất của quân Thanh được phòng thủ kiên cố. Quang Trung cho hơn 100 voi tiến trước, quân Thanh không địch nổi, bỏ đồn xéo lên nhau mà chạy. Chiến thắng lịch sử đại phá 20 vạn quân Thanh diễn ra cực kỳ nhanh chóng và mãnh liệt. Chiến thắng vĩ đại ấy được xây dựng trên tinh thần chiến đấu quả cảm của quân sĩ, nhiệt tình tham gia ủng hộ của nhân dân và thiên tài quân sự xuất sắc của Quang Trung.
Mọi người chú ý lắng nghe những lời đồng chí giải thích. Nói rồi, đồng chí quay sang và nói như tâm sự:
– Các đồng chí ăn cơm có no không? Có thiếu muối không?
Anh em thưa, có lúc cũng khó khăn nhưng thường xuyên ăn đủ no.
Đồng chí bảo:
– Chiến trường các đồng chí ở gần vựa thóc lớn là đồng bằng sông Cửu Long, nơi cung cấp lương thực cho chiến trường Nam Bộ, kết hợp chi viện ở miền Bắc vào. Nhưng miền Bắc chủ yếu chi viện súng đạn chứ lương thực chưa nhiều đâu. Đôi khi vận chuyển không kịp là do địch ngăn chặn chứ lương thực mình không đến nỗi thiếu. Mình vẫn đủ gạo cung cấp cho bộ đội. Còn muối, bờ biển mình dài, đồng chí nào kể cho tôi nghe một vài đồng muối ở Nam Bộ?
Lúc đó anh em chúng tôi chỉ biết sơ sơ mấy đồng muối ở Phan Thiết, Ba Tri, Bình Đại kéo dài đến chân núi lớn Bạc Liêu.
Đồng chí nói:
– Như vậy, muối mình không thiếu, gạo mình không thiếu phải không?
Bất ngờ đồng chí hỏi:
– Các đồng chí có lãng phí không?
Mấy anh em chúng tôi nhanh nhảu:
– Báo cáo Thủ trưởng, chúng em cũng rất tiết kiệm vì nhân dân mình còn nghèo.
– Các đồng chí nói chỗ này là chưa đúng. Tôi đi đường thấy có nơi bộ đội vẫn bỏ lại cơm vắt, có nơi muối rơi vãi dọc đường đi. Nhân dân mình còn nghèo mà các đồng chí lãng phí là có lỗi với dân.
Đồng chí hỏi đến mặc:
– Ai có hai bộ quần áo giơ tay?
Đại bộ phận có từ hai bộ trở lên, có người hai bộ nhưng có bộ rách còn may vá lại được.
Đồng chí nói:
– Hiện nay đại bộ phận các đồng chí là hai bộ, vải của mình thô, chiến trường thì ẩm ướt cho nên các đồng chí phải biết giữ gìn làm sao có đủ mặc, đủ ấm, có võng, màn chống muỗi.
Đồng chí Sáu Di hỏi tiếp:
– Sau mỗi trận đánh, các đồng chí về huấn luyện được bao nhiêu ngày?
Tôi đứng lên trả lời:
– Sau mỗi trận đánh có từ 7 đến 10 ngày luyện quân rút kinh nghiệm, sau đó lại ra chiến trường đánh tiếp. Kết thúc mỗi mùa chiến dịch thì đơn vị rút về củng cố, xây dựng huấn luyện khoảng hai tháng lại bắt đầu một chiến dịch mới ạ.
– Sau một trận đánh, sau một chiến dịch phải luyện quân, rút kinh nghiệm bình chỉ huy, bình chiến đấu là tốt.
Đồng chí khen những việc làm đó.
Dừng một lát, đồng chí Sáu Di nói với đồng chí Hoàng Thế Thiện cho gọi hai người trẻ nhất Trung đoàn là Nguyễn Văn Thắng (15 tuổi) con của anh Ba Hà, Chính trị viên phó Tiểu đoàn và Nguyễn Văn Trừ (15 tuổi), chiến đấu rất dũng cảm có huân chương. Khi Thắng và Trừ đến, đồng chí Sáu Di ân cần bắt tay, hỏi thăm sức khỏe, tình hình chiến đấu. Nhưng tôi nhớ nhất đồng chí Sáu Di hỏi Thắng:
– Mình có đánh thắng Mỹ không?
– Thưa Thủ trưởng, mình đánh thắng ạ.
– Tại sao? Cậu giải thích cho mình nghe.
– Thưa Thủ trưởng, em đi tải gạo thấy bộ đội mình nhiều lắm, súng lớn ba bốn người khiêng, nhất định mình thắng Mỹ.
Lúc này anh Ba Hà và một số cán bộ Trung đoàn đã có mặt.
Quay sang Nguyễn Văn Trừ, đồng chí hỏi:
– Theo cậu, mình có đánh thắng được Mỹ không?
– Dạ, thưa Thủ trưởng thắng ạ.
– Vì sao mình thắng Mỹ, cậu nói tôi nghe coi?
– Dạ, thưa Thủ trưởng, chiến tranh của mình là chiến tranh chính nghĩa được toàn dân ủng hộ và tham gia kháng chiến. Và là chính nghĩa nên được nhân dân thế giới ủng hộ nên mình nhất định thắng, Mỹ nhất định thua.
Đồng chí Sáu Di quay sang anh Ba Hà nói:
– Ông Hà thấy không, lính “Triều đình” ở Tiểu đoàn bộ đâu được huấn luyện, đâu được giáo dục đến nơi, đến chốn nên trình độ chính trị còn non. Cậu Trừ là lính chiến đấu, được học tập rất kỹ nên trình độ khác hẳn. Ta thắng Mỹ không phải nhiều súng đạn mà là vì cuộc chiến tranh của ta chính nghĩa, cái đó quyết định để dân tộc Việt Nam mình thắng giặc Mỹ xâm luợc.
Cuối buổi nói chuyện, đồng chí Sáu Di kêu hai chiến sĩ trẻ đứng hai bên chụp ảnh kỷ niệm. Tôi xin nói thêm, sau đó vài năm, anh Trừ chiến đấu hy sinh, anh Thắng chuyển về đơn vị biệt động Sài Gòn, chiến đấu rất dũng cảm và đã hy sinh oanh liệt.
Cuối cùng đồng chí Sáu Di nói đại ý:
– Hôm nay thay mặt Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền, tôi đến thăm Đại đội 12 để tìm hiểu đời sống sinh hoạt, hoàn cảnh gia đình, tình hình học tập quân sự, chính trị của cán bộ, chiến sĩ Đại đội. Tôi rất hài lòng về tinh thần hăng say học tập, ý chí vươn lên, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của các đồng chí. Tôi hoan nghênh thành tích của Đại đội 12, mong rằng các đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống, lập nhiều chiến công mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao cho.
Mấy ngày sau, chúng tôi được Đại đội trưởng thông báo đồng chí Sáu Di chính là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, hiện tại là Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam.
Tôi không ngờ một vị Đại tướng, một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, của quân đội mà ra tận chiến trường gặp gỡ chiến sĩ như vậy. Vị trí đóng quân của Đại đội tôi nằm trong tầm pháo của địch, chúng có thể bắn đến bất cứ lúc nào.
Sau này, khi trưởng thành, tôi có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu những bài viết, bài nói của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tôi càng cảm phục và mến mộ đồng chí. Trước khi chạm trán với Mỹ, Đại tướng có chủ trương tất cả đơn vị bộ đội chủ lực đưa trinh sát, đơn vị nào không có trinh sát thì đưa một bộ phận bộ đội xuống các địa phương học dân quân, du kích, xem họ đánh Mỹ thể nào để rút kinh nghiệm mà đánh. Khi Mỹ đưa quân viễn chinh vào miền Nam, nhiều người băn khoăn: liệu ta có đánh được Mỹ không và đánh bằng cách nào? Đại tướng Nguyễn Chí Thanh giải thích thắc mắc ấy bằng câu nói rất đơn giản: Chưa biết đánh Mỹ thì hãy đánh Mỹ đi, cứ đánh rồi khắc tìm ra cách đánh.
Nghĩ lại lời nói của Đại tướng, tôi thấy không có gì chúng ta không biết mà chúng ta chỉ chưa biết mà thôi. (Lời nói đó đã trở thành phương châm hành động của tôi: cứ làm rồi sẽ biết cách làm). Câu nói của Đại tướng không chỉ đúng trong đánh Mỹ mà trong cuộc sống cũng thế. Cái gì cứ làm rồi sẽ làm được. Đại tướng còn nói: Chúng ta biết đánh Mỹ, thì chúng ta khắc biết cách thắng Mỹ. Muốn hạn chế phi pháo của Mỹ, đồng chí chỉ đạo cách đánh cho Quân giải phóng chúng tôi: Bám thắt lưng địch mà đánh.
Đánh giá về địch năm 1965, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho rằng: Việc Mỹ ồ ạt đưa vào miền Nam gần 20 vạn quân viễn chinh trong năm 1965, có nghĩa là Mỹ đã phải thú nhận là 50 vạn quân ngụy không còn có thể đương đầu với cuộc chiến tranh nhân dân ở miền Nam nước ta. Như thế cũng có nghĩa là chiến tranh nhân dân ở miền Nam nước ta đã thắng “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, trong giai đoạn mà chúng lấy quân ngụy làm chỗ dựa chủ yếu.
Từ câu hỏi: Làm thế nào để quân và dân miền Nam đánh thắng mấy chục vạn quân Mỹ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã phân tích một cách sâu sắc và khẳng định chắc chắn rằng ta hoàn toàn có thể thắng Mỹ, với những lý do:
Một là, quân Mỹ được trang bị hiện đại, bảo đảm hậu cần của chúng tốt, nhưng qua thử lửa với Quân giải phóng ở Vạn Tường, Plâyme, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Đất Cuốc,… chúng ta thấy rõ quân Mỹ hoàn toàn ở thế bị động, không những chúng không thể tiến công mà trái lại đang bị ta tiến công liên tục. Vì vậy, quân Mỹ đã thua đậm một số trận đầu ra quân là điều tất nhiên, không có gì khó hiểu cả.
Hai là, quân Mỹ là quân đội có nhiều binh chủng hợp thành, có nhiều phương tiện cơ động. Nhưng vì tinh thần chúng kém, vì chiến tranh nhân dân và các lực lượng vũ trang của ta có tinh thần tiến công mạnh, có trình độ chỉ huy khá hơn Mỹ, có nghệ thuật quân sự riêng biệt, có sự chỉ huy chiến lược, chiến thuật chủ động sáng tạo và độc đáo hơn Mỹ. Trên một chiến trường như miền Nam nước ta, với địa hình ấy, thì việc huấn luyện, trang bị, cách đánh của Mỹ theo các điều lệnh tác chiến và huấn luyện của chúng chẳng khác nào “lấy râu ông nọ cắm vào cằm bà kia”, do đó lục quân Mỹ không thể thoát khỏi bị động. Mặc dù lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam không coi thường quân địch, nhưng nhất định quân xâm lược Mỹ sẽ bị tiêu hao và tiêu diệt.
Ba là, bộ chỉ huy quân đội Mỹ đang vướng một loạt vấn đề chưa và không thể ổn định, như chiến lược đánh nhanh hay đánh lâu dài? Chiến thuật tức là cách đánh thế nào là phù hợp? Do đó trên cả một loạt vấn đề về tổ chức, trang bị, huấn luyện, các tướng Mỹ còn đang phân vân về chiến thuật. Thực tế chứng tỏ rằng, không những về chính trị và chiến lược mà cả về chiến thuật Mỹ cũng đang khủng hoảng. Vì vậy, dù Mỹ có tăng thêm bao nhiêu quân mà không giải quyết được chiến lược và chiến thuật thì chúng cũng không thể nào tránh khỏi thất bại.
Cuối cùng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định: Chỉ trong vòng 9 tháng, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 15 nghìn quân địch. Điều đó chứng tỏ khả năng của chiến tranh nhân dân, của các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam có đủ sức đánh và đánh thắng quân Mỹ. Từ những phân tích và nhận định đó đã tạo thêm lòng tin cho quân dân miền Nam tiến lên, kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Trong bài “Lửa chiến tranh nhân dân đốt cháy mùa khô giặc Mỹ”, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lấy bút danh Trường Sơn, có một câu tôi rất tâm đắc: “Không có lực lượng cơ động nào nhanh hơn lực lượng tại chỗ”. Quân tại chỗ là nền của chiến tranh nhân dân. Quân Mỹ cơ động bằng trực thăng, bằng cơ giới, xe tăng thiết giáp nhưng cũng không thể nhanh hơn lực lượng tại chỗ đã cài sẵn thế trận. Trong chiến dịch Gianxơn Xiti, Bộ Chỉ huy Miền, cơ quan Bộ chỉ huy Miền cũng tổ chức du kích, cả chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều đánh kiểu du kích. Thì đúng là thiên la địa võng đối với quân Mỹ, làm cho chúng không kịp trở tay và chịu thất bại thảm hại. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn trực tiếp chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam, với một tầm nhìn chiến lược và với một phương pháp tư duy khoa học, chính xác, luôn luôn bám sát thực tiễn, gắn chặt giữa thực tiễn với lý luận, dùng lý luận soi sáng thực tiễn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đánh giá kịp thời và chính xác về địch trong những năm từ 1965 đến 1967, đã góp phần rất quan trọng để Bộ Chính trị và Bác Hồ hạ quyết tâm trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phát triển lên một bước mới, chuẩn bị cho việc tiến lên giành thắng lợi quyết định.
Hình ảnh đồng chí Nguyễn Chí Thanh – một vị Đại tướng vô cùng giản dị, vô cùng thân thiết, những kỷ niệm đẹp đẽ, sâu sắc đầy tình người, tình đồng chí, những cử chỉ ân cần, săn sóc, những lời động viên, khuyến khích, chỉ dẫn, giáo dục của đồng chí luôn in đậm trong lòng cán bộ, chiến sĩ quân đội ta. Với tôi, dù chỉ một lần được gặp Đại tướng, nhưng lần ấy là một kỷ niệm sâu sắc, mãi mãi không bao giờ phai trong ký ức cuộc đời.
Nguồn: cuốn sách “Vị tướng khởi nguồn gió Đại Phong”, NXB Thời Đại, 2012

Các bài viết liên quan

Video

Chuyên mục

Tag