Về trang chủ

Cuộc biểu tình của quần chúng và cuộc tấn công quân Nhật ở Thái Nguyên (tháng 8 năm 1945)

11/02/2015 , Bài viết của Hoàng Thế Thiện

 

Bìa sách “Việt Nam Giải phóng quân – Nhớ lại bước khởi đầu” xuất bản năm 1995

 

 

Bìa sách “Việt Nam Giải phóng quân – Nhớ lại bước khởi đầu” tái bản năm 2004
Hồi ký của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, in trong sách “Việt Nam Giải phóng quân – Nhớ lại bước khởi đầu” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân Việt Nam, Hà Nội, 1995, tái bản 2004)
Trong tập hồi ức Những chặng đường lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Chúng tôi tới Thịnh Đán thì được tin có một đội tuyên truyền xung phong từ Võ Nhai tiến xuống hôm trước, đã đột nhập thị xã, tổ chức quần chúng tuần hành thị uy. Một đội dân quân của Phú Bình, Phổ Yên cũng đã vào thị xã lùng bắt một số tay chân của địch. Tình hình bảo an binh đang hết sức hoang mang”[1].
Hồi ức của Đại tướng gợi cho tôi nhớ lại những tháng ngày hoạt động sôi nổi ấy.
Sau tháng 5 năm 1945, khu giải phóng Việt Bắc ngày càng củng cố và phát triển, thanh thế Việt Minh và Quân giải phóng ngày càng lớn, thanh niên từ vùng xuôi lên xin gia nhập Quân giải phóng ngày một đông. Vào thời điểm đó, Đội Vũ trang tuyên truyền Võ Nhai chúng tôi nhận được chỉ thị phát triển xuống phía Nam, đến các xã thuộc huyện Đồng Hỷ và hướng vào thị xã Thái Nguyên. Một sáng cuối tháng 5 năm 1945, có một nhóm thanh niên thị xã đến gặp Việt Minh Võ Nhai. Tôi – Đội trưởng và Đào An Thái – Chính trị viên gặp họ ngay. Nhóm này có 15 người, đa số là học sinh vừa mới nghỉ học muốn lên chiến khu để xin gia nhập Quân giải phóng. Khi gặp dân quân xã, vì một sự hiểu lầm, dân quân đã nổ súng làm chết một người. Chúng tôi sớm ổn định tư tưởng cho anh em. Sau khi biết nguyện vọng của anh em, chúng tôi giải thích:
– Cách mạng ở đâu cũng quan trọng, thị xã Thái Nguyên là một đô thị có ý nghĩa rất lớn về quân sự và chính trị. Nếu các tổ chức cách mạng ở đây được xây dựng và phát triển thì có lợi hơn rất nhiều. Chúng tôi muốn anh em quay về thị xã thành lập các tiểu tổ Việt Minh bí mật, sẵn sàng tổ chức ra các đoàn thể Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc…
Anh em hiểu ra ngay và tự nguyện quay trở lại thị xã. Chúng tôi liền tổ chức một lớp huấn luyện cấp tốc 3 ngày. Tôi và Đào An Thái phụ trách giảng dạy về chính trị, đồng chí Bắc huấn luyện về quân sự. Khi kết thúc lớp huấn luyện, tôi trao đổi với anh em một số kinh nghiệm hoạt động bí mật của Việt Minh ở địa bàn đô thị. Chúng tôi tổ chức việc giữ liên lạc với anh em trong thị xã qua cơ sở ở đồn điền Đồng Bẩm do anh Hoàng Công phụ trách. Hoàng Công là bí danh của anh Cát, con thứ hai của nhà tư sản dân tộc Cát Hanh Long ở Hải Phòng, đã liên lạc và nhận nhiệm vụ của chúng tôi từ đầu tháng 5 năm 1945. Từ đó, chúng tôi đã có thêm cơ sở trong đồng bào thị xã. Theo báo cáo, lực lượng do chúng tôi huấn luyện đã nhanh chóng tổ chức được nhiều cơ sở Việt Minh bí mật trong thanh niên, phụ nữ và viên chức. Một cơ sở do anh Mực (tức Phạm Nghiêm, là nhân viên đoạn đường sắt Thái Nguyên – Phấn Mễ) phụ trách đã gửi cho Đội Vũ trang tuyên truyền chúng tôi một máy chữ xách tay và giấy tờ cần thiết để làm công tác tuyên truyền. Chúng tôi đến các xã thuộc huyện Đồng Hỷ, họp dân tuyên bố xóa bỏ chính quyền của địch; tịch thu bằng, triện của các chánh tổng và lý trưởng; cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng. Ở một vài xã, chúng tôi tước vũ khí của dân binh được trang bị súng trường Mỹ hiệu rơ-manh-tông bắn phát một. Chúng tôi gửi một thư đánh máy cho tri huyện Đồng Hỷ, kêu gọi ông này ủng hộ Việt Minh. Công việc của Đội Vũ trang tuyên truyền tiến triển thuận lợi.
Sáng sớm ngày 19 tháng 8 năm 1945, chúng tôi nhận được thư của anh Hoàng Công từ Đồng Bẩm gửi đến. Trong thư anh báo tin: mẹ anh từ Hà Nội lên cho biết Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, chính phủ Trần Trọng Kim sắp đổ, anh em Việt Minh và nhân dân Hà Nội đã biến cuộc mít-tinh của tổng hội viên chức ủng hộ chính quyền bù nhìn ngày 17 tháng 8 năm 1945 thành một cuộc mít-tinh lớn tại sân Nhà hát thành phố ủng hộ Việt Minh. Anh Công gửi cho chúng tôi tờ nhật báo Đông Pháp ra ngày 18 tháng 8 có đăng ảnh cuộc mít tinh lớn ấy của nhân dân Hà Nội. Anh cũng cho biết nhân dân thị xã Thái Nguyên cũng đang sục sôi khí thế cách mạng.
Tôi và Thái hội ý cấp tốc và đi đến quyết định: Thái về ngay Khu Võ Nhai báo cáo tình hình và xin chỉ thị cấp trên, tôi đưa Đội Vũ trang tuyên truyền về đồn điền Đồng Bẩm gặp Công và anh em trong nhóm thanh niên thị xã để hiểu thêm tình hình. Chúng tôi cũng thống nhất, khi chưa có chỉ thị của trên, tôi và Đội Vũ trang tuyên truyền sẽ căn cứ tình hình cụ thể mà quyết định hành động.
Vào khoảng trưa ngày 19 tháng 8, chúng tôi về tới đồn điền Đồng Bẩm. Tại đây, anh Hoàng Công cho biết: khí thế cách mạng của quần chúng thị xã Thái Nguyên và các xã ven thị xã đang lên rất cao, mọi người đang mong chờ Quân giải phóng. Các anh trong nhóm thanh niên thị xã đã quyết định tổ chức một cuộc mít-tinh vào 2 giờ chiều ở sân vận động thị xã. Tình hình rất khẩn trương và yêu cầu tôi xử trí. Tôi hỏi thêm về tin tức ở Hà Nội nhưng anh Công nói chưa có. Tội liền nhanh chóng cùng Công và Đội Vũ trang tuyên truyền đến sân vận động. Theo sau chúng tôi có hàng trăm đồng bào thuộc xã Đồng Bẩm mang theo gậy gộc, giáo mác và nhiều cờ đỏ sao vàng. Chúng tôi tới nơi đã thấy hàng nghìn người đang tập họp đông đủ và cả một rừng cờ đỏ sao vàng. Không khí cách mạng sôi nổi. Các anh trong nhóm thanh niên thị xã đang khẩn trương hướng dẫn đồng bào đứng vào hàng ngũ. Anh Vĩ, anh Xuyên, anh Khánh, anh Đích, anh Giai, anh Mực… báo cáo tóm tắt tình hình thị xã: quân Nhật đóng tại dinh công sứ và bảo an binh đóng tại trại lính Tây cũ chưa tỏ rõ thái độ; bọn tỉnh trưởng và tri huyện Đồng Hỷ đang hoang mang; nhân dân thị xã đang hướng về cách mạng, nóng lòng chờ đón Quân giải phóng. Các anh đã thông báo truyền miệng sẽ tổ chức cuộc mít-tinh tại đây vào lúc 2 giờ chiều. Đến lúc đó đã có hơn 5.000 người trong thị xã và các xã ven như Đồng Bẩm và nhiều xã khác thuộc huyện Đồng Hỷ, Phú Yên đã đến. Một số đồng bào đang tiếp tục đi tới. Chúng tôi trao đổi ý kiến và xác định mục đích cuộc mít-tinh này là biểu dương lực lượng cách mạng của quần chúng, thị uy để thăm dò thái độ của quân Nhật và bọn bù nhìn trong thị xã. Hội ý xong đã gần 2 giờ chiều nên tôi quyết định biến ngay cuộc mít-tinh thành cuộc biểu tình. Khi vào đến trung tâm thị xã, cuộc biểu tình sẽ dừng lại, tôi sẽ lên diễn thuyết.
Chúng tôi bố trí Đội Vũ trang tuyên truyền như sau: có bốn anh và một chị đi đầu, đội viên nữ đi đầu là chị Thanh (sau này trở thành Trưởng ty Y tế tỉnh Bắc Thái). Có sáu anh chị em đi hai bên và bốn anh đi sau hộ vệ đoàn biểu tình. Các anh chị mặc quần áo chàm, có thắt lưng da mang bao đạn, chân quấn xà cạp màu đen hoặc màu chàm, đa số đi chân đất và mang súng kíp. Chúng tôi cử một số thanh niên điều khiển hô khẩu hiệu. Cuộc biểu tình bắt đầu tiến vào thị xã. Các anh trong nhóm thanh niên thị xã dẫn đầu đi sau năm đội viên của chúng tôi. Anh Vĩ đi bên phải tay cầm một khẩu súng ngắn. Các anh khác mang cờ, gậy gộc, có người cầm cây đinh ba. Hàng trăm lá cờ đỏ sao vàng được đồng bào giương lên. Có nhiều thanh niên, phụ nữ thị xã mặc áo dài. Có nhiều quần áo nâu, áo trắng quần đen là những nông dân các xã ven thuộc Đồng Hỷ và Phú Yên. Nhóm mặc quần áo chàm là dân xã Đồng Bẩm.
Đồng bào vừa đi vừa hô khẩu hiệu: Đả đảo phát xít Nhật, đả đảo bọn bù nhìn tay sai, ủng hộ Việt Minh. Không khí cách mạng hừng hực. Tôi đi bên trái, quãng giữa đoàn biểu tình. Vào đến một phố trung tâm thị xã, đoàn biểu tình được lệnh dừng lại. Tôi chọn một cột điện leo lên và nói chuyện với đồng bào. Tôi báo tin quân Nhật thua trận đã đầu hàng Đồng Minh, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim đang lung lay và kêu gọi đồng bào ủng hộ và tham gia Việt Minh, kêu gọi anh em bảo an binh quay súng về với cách mạng. Tôi còn báo tin Quân giải phóng đang tiến đánh quân Nhật ở Cao Bằng, Lạng Sơn và sẽ về đến Thái Nguyên, kêu gọi mọi người sẵn sàng hưởng ứng Quân giải phóng… Sau đó, các khẩu hiệu “đả đảo phát xít Nhật”, “ủng hộ Việt Minh” lại vang lên và có thêm khẩu hiệu kêu gọi anh em bảo an binh quay về với cách mạng. Đoàn biểu tình lại rầm rộ kéo qua các phố, không khí phấn chấn rực lửa cách mạng tràn trề. Tôi đi vòng xuống phía cuối đoàn biểu tình, thấy có bốn người mặc áo dài gấm, ngoài có áo the, ngực đeo thẻ bài, đầu đội nón dứa, đi giày da có cổ. Tôi nhận ra ngay là các quan lại. Tôi hỏi họ:
– Các ông là ai? Tại sao tham gia biểu tình?
Một người tự xưng là bố chính hay án sát nói:
– Chúng tôi trong dinh tỉnh trưởng và tri huyện Đồng Hỷ. Được tin các ông tổ chức mít-tinh, chúng tôi hỏi về Hà Nội. Phủ khâm sai bảo chúng tôi phải tham dự với Việt Minh nên chúng tôi có mặt từ lúc đoàn biểu tình đi vào thị xã[2].
Tôi nói:
– Hoan nghênh các ông đã đi biểu tình với nhân dân. Sáng mai sẽ có phái viên của Quân giải phóng trực tiếp đến gặp các ông.
Đoàn biểu tình tiếp tục đi và giải tán có trật tự. Quân Nhật đóng ở thị xã “án binh bất động”. Lúc đó vào khoảng 5 giờ chiều.
Tôi cho Đội Vũ trang tuyên truyền quay về đồn điền Đồng Bẩm để ăn cơm và nghỉ ngơi, sẵn sàng chờ lệnh và chú ý cử người đón chính trị viên Đào An Thái. Tôi và anh Minh, một cán bộ của Đội vũ trang tuyên truyền ở lại (anh Minh sau này là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Thái những năm 60). Chúng tôi đảo một vòng quanh thị xã còn nghe đồng bào râm ran nói chuyện với nhau về cuộc biểu tình. Có những toán nông dân cầm cờ đỏ sao vàng kéo nhau về các xã ngoại thành. Chúng tôi hẹn gặp Công và các anh trong nhóm thanh niên thị xã ở Nhà sở điện vào khoảng 7 giờ tối. Anh em cho biết sau cuộc biểu tình thị uy, quân Nhật co lại và có ý nghe ngóng tình hình, bảo an binh hoang mang, có người đã nộp súng cho cách mạng. Anh em thanh niên đã nhận được 5 khẩu súng kiểu Pháp. Viên tỉnh trưởng và tri huyện Đồng Hỷ rất lo sợ. Cũng trong thời gian đó, có đồng bào đã tự động đi bắt bọn Việt gian thân Nhật về giam giữ tại một phòng trong Nhà sở điện. Tôi đến gặp họ và khuyên họ nên biết ăn năn nhận lỗi, cách mạng sẽ khoan hồng. Trong số những người này có anh Đô là người phiên dịch tiếng Nhật, sau trở thành một người hoạt động tích cực cho Việt Minh tỉnh Thái Nguyên. Khoảng 10 giờ rưỡi tối, tôi tạm biệt Công và nhóm thanh niên. Tôi và anh Minh về đồn điền Đồng Bẩm để chờ tin tức của Đào An Thái. Chúng tôi ăn qua loa mấy miếng cơm, sao lúc bấy giờ chúng tôi không cảm thấy đói. Trong khi chờ đợi Thái, tôi tập trung suy nghĩ về việc phải làm vào sáng ngày mai. Có mấy tình huống: Đào An Thái về mang theo chỉ thị của cấp trên, có hoặc không có Quân giải phóng đi cùng; Đào An Thái chưa về. Trong các trường hợp đó, Đội Vũ trang tuyên truyền sẽ hành động ra sao ? Tôi nhớ lại các bài học mà các bậc đàn anh truyền cho trong thời gian tôi bị giam ở nhà tù Hỏa Lò và Sơn La về tình thế khởi nghĩa, kinh nghiệm của Cách mạng Nga là quân khởi nghĩa phải chiếm ngay các vị trí đầu não của bọn cầm quyền, trong đó có Nhà bưu điện và Sở kho bạc… Cuối cùng, tôi tập trung suy nghĩ về việc cần có hành động gì đối với tỉnh trưởng và đồn trưởng bảo an binh. Chúng tôi sẽ cử hai người đến gặp họ và nói rõ quân Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, chính phủ Trần Trọng Kim đang hoang mang sắp đổ, Việt Minh nổi dậy khắp nơi, Quân giải phóng sắp về đến Thái Nguyên, yêu cầu tỉnh trưởng trao quyền cho cách mạng, yêu cầu anh em bảo an binh quay về với cách mạng (theo cách mạng hoặc nộp súng cho cách mạng). Còn đối với quân Nhật, chúng tôi chờ xem thái độ của chúng mà quyết định sau. Tôi cũng thảo hai thư của cách mạng gửi tỉnh trưởng và đồn trưởng bảo an binh. Ngay trong đêm, tôi ngồi đánh máy hai bức thư. Tôi dự định sẽ bàn với nhóm thanh niên thị xã về việc cử người đi gặp tỉnh trưởng và đồn trưởng bảo an binh. Quá nửa đêm, tôi ngủ thiếp đi, vai vẫn mang túi dết và chân đi dép. Khoảng 4 giờ sáng, tôi được đánh thức. Đồng chí gác cầu Gia Bảy vừa về tới báo tin đã bị Quân giải phóng chiếm trạm gác và tước khẩu súng. Đồng chí ấy đưa cho tôi xem một giấy ký nhận có tước một khẩu súng của đồng chí gác cầu Gia Bảy, dưới có ký tên Đại đội trưởng Quân giải phóng – Quốc Chủng hoặc Thế An, tôi không còn nhớ rõ. Tôi cùng Đội Vũ trang tuyên truyền đến ngay trạm gác. Ở đây, tôi gặp anh Quốc Chủng. Anh nói:
– Hiện nay Quân giải phóng do anh Văn[3] và anh Trần Đăng Ninh chỉ huy đang bao vây tấn công quân Nhật và đồn bảo an binh trong thị xã. Mọi việc ở đây, từ lúc này đều do Sở Chỉ huy quyết định.
Anh cho biết tôi cần về gặp anh Trần Đăng Ninh để nhận chỉ thị. Tôi tạm giao Đội Vũ trang tuyên truyền cho anh Quốc Chủng và một mình đến Sở Chỉ huy để gặp anh Trần Đăng Ninh. Khi đến nơi, tôi thấy anh Ninh đang lên cơn sốt rét nặng. Anh nằm trên một chiếc chiếu rải xuống sàn nhà, mình đắp hai, ba chăn. Tôi mừng quá, vội ngồi sà xuống bên anh và nắm tay anh. Mặc dù đang mệt, anh Ninh vẫn nói cụ thể với tôi từng công việc lúc đó: Quân giải phóng đang bao vây tấn công quân Nhật và bảo an binh… Về quân sự, mọi việc đã có anh Văn chỉ huy. Anh Ninh phụ trách công việc chính trị, tuyên truyền vận động nhân dân trong thị xã tiếp tế đạn dược, lương thực cho quân ta đang chiến đấu. Anh chỉ thị cho tôi quay về bàn giao Đội Vũ trang tuyên truyền cho anh Quốc Chủng và về ngay đây để nhận nhiệm vụ mới. Anh Trần Đăng Ninh là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, cùng bị tù với chúng tôi ở nhà giam Hỏa Lò. Lúc chúng tôi ở Võ Nhai đã có dịp gặp anh và các đồng chí Trung ương lên dự cuộc họp thống nhất lực lượng Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành Việt Nam Giải phóng quân.
Tôi quay về chỗ Đại đội trưởng Quốc Chủng để bàn giao Đội Vũ trang tuyên truyền. Tôi có yêu cầu xin vài đồng chí về công tác tại thị xã Thái Nguyên. Đồng chí Quốc Chủng hứa sẽ đáp ứng yêu cầu của tôi. Tôi tạm biệt anh chị em trong Đội Vũ trang tuyên truyền với tâm trạng xúc động bồi hồi, luyến tiếc. Anh chị em là những người thuộc thành phần các dân tộc Kinh, Tày, Dao tự nguyện đi theo cách mạng. Một số người có học, biết đọc, viết thông thạo; nhiều người còn chưa biết chữ. Trong nhiều tháng, chúng tôi đã gắn bó thân thiết, cùng ăn, cùng ở, cùng chịu đựng gian khổ và chia vui thắng lợi với nhau. Tôi quay đi thật nhanh và đến Nhà sở điện. Tôi được giới thiệu đi gặp các anh Trung Đình, Nhị Quý để nhận sự phân công. Tôi có nhiệm vụ: một mặt vận động nhân dân trong thị xã tổ chức tiếp tế ăn uống cho các toán quân ta đang bao vây đồn Nhật và đồn bảo an binh, một mặt tổ chức ngay các đoàn thể thanh niên, phụ nữ… của thị xã. Tôi cũng có nhiệm vụ huy động đồng bào đi dự cuộc mít-tinh ở sân vận động thị xã để ra mắt Ủy ban Cách mạng tỉnh Thái Nguyên. Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi đến gặp anh em trong nhóm thanh niên thị xã. Lúc này đã có thêm nhiều người tham gia, có nhiều viên chức cấp sở – tỉnh Thái Nguyên như anh Giai, anh Chung… và nhiều chị em, trong đó có các chị Tư Phòng (mẹ của đồng chí Nguyễn Khánh – Phó Thủ tướng Chính phủ hiện nay), chị Bạch Thị Tân là các chị nhiệt tình, hăng hái trong công tác tổ chức tiếp tế cho Quân giải phóng và vận động chị em phụ nữ tham gia Việt Minh. Chúng tôi làm việc với sự hăng say không biết mệt, sự sôi nổi và nhiệt huyết của tuổi trẻ trong những ngày đầu của Tổng khởi nghĩa tháng Tám.
Cuộc tiến công quân Nhật kéo dài trong nhiều ngày. Sự đầu hàng của tỉnh trưởng và đồn bảo an binh giao nộp vũ khí cho cách mạng… đã được trình bày trên một số bài báo của chúng ta. Tôi nhớ lại vài chi tiết :
Vào 8 giờ sáng ngày 20 tháng 8, ta dùng loa nói cho quân Nhật biết sẽ có hai người mang theo thư của Bộ Chỉ huy Quân giải phóng vào cho viên quan tư chỉ huy Nhật. Hai người đưa tối hậu thư lúc đó là chị Trịnh Thị Tâm – cán bộ Việt Minh và người phiên dịch tiếng Nhật (không phải như có bài báo viết là tỉnh trưởng Phạm Hy Lượng buộc phải cầm thư vào trại Nhật, có bài báo lại viết là vợ tuần phủ).
Trong ngày 20 tháng 8 có các trung đội Quân giải phóng của Bắc Giang đến tăng cường cho cuộc tiến công quân Nhật. Các anh mặc quân phục, đội mũ bê-rê may bằng vải ka-ki vàng, người đi dép, người đi chân đất. Khi đến nơi, anh em được bố trí ở một số góc đường để tiến công bọn lính Nhật đóng ở các điểm lẻ trong những ngôi nhà hoặc trên các mái nhà. Tôi đến thăm một trạm cứu thương. Ở đây có một cáng thương binh vừa mới được đem tới. Anh thương binh bị thương ở cổ, viên đạn còn nằm trong cuống họng, mê man bất tỉnh. Theo người phụ trách trạm, anh thương binh đó là một Trung đội trưởng của Quân giải phóng Bắc Giang. Tôi lại gần và nhận ra anh thương binh đó là đồng chí Đề cùng bị tù với tôi ở nhà giam Hỏa Lò (Hà Nội). Sau đó, đồng chí Đề đã hy sinh.
Trong một lần đi vận động đồng bào, tôi có ghé thăm một trạm gác của quân ta ở ngã ba đường Thái Nguyên đi Hà Nội. Đêm hôm trước ở tại đây, quân ta đã bắt được một tù binh Nhật. Tên này có nhiệm vụ liên lạc với bộ tư lệnh quân Nhật ở Hà Nội. Tên này còn rất trẻ, có vẻ là người có học thức, da trắng trẻo, có bộ râu quai nón xanh xanh, tỏ vẻ lo sợ. Khi gặp tên tù binh này, tôi ra hiệu bằng tay là Quân giải phóng sẽ đối xử tử tế với tù binh. Hắn cúi đầu và chắp tay trước ngực tỏ vẻ cảm phục và cảm ơn.
Ngày 23 tháng 8, khi anh Văn chuẩn bị về Hà Nội, tôi được dự cuộc họp anh Văn giao nhiệm vụ tiếp tục bao vây tiến công quân Nhật cho anh Đàm Quang Trung chỉ huy. Khi anh Văn nói xong và anh Đàm Quang Trung đã nhận nhiệm vụ, tôi có đưa ra một ống nhòm quân sự loại lớn do một anh thanh niên đưa cho tôi lúc bước vào họp. Tôi đề nghị để anh Quang Trung dùng. Anh Văn gạt đi và nói rằng lúc này không để mất thì giờ vào những việc lặt vặt như thế. Tôi nhớ mãi bài học này.
Ngày 26 tháng 8, Phái viên của Tổng bộ Việt Minh có Phái viên của bộ tư lệnh quân Nhật đi theo đã giải quyết ổn thỏa vấn đề quân Nhật triệt thoái khỏi Thái Nguyên. Tôi được anh Lê Trung Đình phân công tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi bọn sĩ quan chỉ huy quân Nhật ở Thái Nguyên, tiễn chúng về Hà Nội. Khi mấy chị phụ nữ bày xong bàn tiệc, phía quân Nhật có sáu sĩ quan đến dự. Họ mặc quân phục, đeo kiếm. Khi đến phòng tiệc, họ đều cởi kiếm và mũ, đặt kiếm dựa vào tường rồi mới ngồi vào bàn tiệc. Có anh Quý đen làm phiên dịch, tôi thay mặt cho Việt Minh Thái Nguyên hoan nghênh quân Nhật đã giao nộp vũ khí và chúc họ bình an lên đường về Hà Nội. Tôi cũng chúc họ sớm đoàn tụ với gia đình. Viên chỉ huy quân Nhật cảm ơn Việt Minh đã giúp đỡ họ và hứa sẽ không làm gì có hại cho Việt Minh.
Sau bữa tiệc, tôi được cấp trên gọi về Hà Nội báo cáo tình hình. Tôi đến Hà Nội ngay trong ngày và vào thẳng Bắc Bộ phủ để gặp anh Văn. Tôi ngồi chờ ít phút ở phòng khách lớn, bỗng thấy anh Đàm Quang Trung từ trên gác đang đi xuống. Tôi mừng quá kêu lên: “Quang Trung! Quang Trung!”. Lập tức, hai tiếng “Quang Trung” được truyền đi khắp phòng khách từ bàn này đến bàn kia bởi các vị khách đang ngồi chờ. Tôi vô cùng xúc động khi thấy đồng bào mình quý mến và cảm phục một người chỉ huy của Quân giải phóng đến thế.
Sau khi nghe tôi báo cáo ngắn gọn, anh Văn giao nhiệm vụ cho tôi đưa một đồng chí lãnh đạo lên Thái Nguyên để đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội. Anh cũng nhắc tôi chú ý đảm bảo an toàn và giữ bí mật. Anh đưa cho tôi một giấy công lệnh. Tôi đến phòng thường trực ở bên cạnh Bắc Bộ phủ để nhận một xe ô-tô du lịch màu đen, ở mũi xe có cắm một lá cờ đỏ sao vàng lớn. Tôi đến phòng làm việc của anh Nguyễn Văn Trân lúc đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ, thấy anh Lê Đức Thọ đã chờ sẵn. Anh Thọ mang chứng minh thư là Đặc phái viên của Ủy ban Hành chính Bắc Bộ có nhiệm vụ lên Thái Nguyên “kiểm tra tình hình”. Tôi đưa anh Lê Đức Thọ lên xe và chạy ngay lên Thái Nguyên. Xe chúng tôi phải qua phà ở Phủ Lỗ vì đường bị ngập nước. Dọc đường đi, xe chúng tôi nhiều lần bị ngăn lại. Có những dân quân trai và gái rất trẻ đứng ở hai bên đường, nét mặt rạng rỡ kiểm soát giấy tờ. Tôi đưa giấy chứng minh của anh Thọ cho họ xem và chỉ vào lá cờ đỏ sao vàng ở trước mũi xe. Các trạm gác đều cho đi qua, có người còn giơ tay chào. Tối hôm đó, chúng tôi đến thị xã Thái Nguyên. Anh Trung Đình và anh Nhị Quý cho biết anh Trần Đăng Ninh đã đưa Hồ Chủ Tịch về Hà Nội rồi. Anh Thọ làm việc với chúng tôi ngay trong đêm và sáng hôm sau quay về Hà Nội.
Sau khi Đào An Thái về đến Thái Nguyên, chúng tôi cùng nhau xếp đặt các công việc tổ chức các đoàn thể quần chúng, các cơ sở chính quyền nhân dân… ở một thị xã có truyền thống cách mạng. Chúng tôi đặc biệt chăm lo việc lựa chọn và đào tạo những người dự kiến sẽ trở thành cán bộ cho cách mạng…
Chúng tôi cũng được chỉ thị phải chuẩn bị đối phó với việc “Hoa quân nhập Việt” lúc này đã trở thành nhiệm vụ trước mắt khẩn cấp. Mọi công việc đều được tiến hành khẩn trương, thuận lợi. Theo tôi, đó là nhờ có sự đoàn kết của toàn dân, triệu người như một. Chúng tôi – những cán bộ ít ỏi của Đảng lúc bấy giờ chỉ có hai bàn tay trắng nhưng biết dựa vào dân, gắn bó chặt chẽ với dân, mọi việc đều có dân đảm nhiệm và gánh vác. Tinh thần đoàn kết của nhân dân ta sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám thật là cao đẹp. Tôi nhớ mãi câu nói của một cụ nhân sĩ trong Hội nghị Việt Minh ở thị xã Thái Nguyên:
– Việt Minh thật tài giỏi. Việt Minh đã biến toàn dân thành những người cùng trong một dòng họ: họ Đồng đệm Chí, đồng chí A, đồng chí B, đồng chí C, đồng chí X, đồng chí Y, đồng chí Z… Tất cả đều họ Đồng đệm Chí cả. Như vậy, mọi công việc sao chẳng thành công.
Làm được như vậy, bởi lẽ chúng tôi đã thấm nhuần sâu sắc chiến lược đoàn kết của Bác Hồ vô vàn kính yêu:
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công
Năm mươi năm đã trôi qua, song mỗi lần nghĩ về những ngày tháng Tám ở Thái Nguyên, tôi thấy như mình trẻ lại bởi được sống trong âm vang của bầu không khí Cách mạng tháng Tám “long trời lở đất” của dân tộc. Tôi mơ ước sống lại một thời kỳ cao trào cách mạng của tuổi trẻ đầy nghị lực, sáng tạo và gắn bó mật thiết với nhân dân./.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 3 năm 1995
H.T.T
[1] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, trang 202 (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994).
[2] Sau này, tôi được biết: ngày 19 tháng 8 năm 1945, sau khi chiếm Phủ khâm sai ở Hà Nội, Việt Minh liền dùng điện thoại gọi các tỉnh trưởng báo tin Hà Nội đã khởi nghĩa giành được chính quyền và lệnh cho họ trao chính quyền cho Việt Minh.
[3] Bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Video

Chuyên mục

Tag