Về trang chủ

Đường Hồ Chí Minh trên biển đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam

08/02/2015 , Bài viết có liên quan đến Hoàng Thế Thiện

Trung tá, TS. Trương Mai Hương – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau những năm đầu hết sức khó khăn, đến năm 1959, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam có bước phát triển nhảy vọt. Phong trào nổi dậy của quần chúng kết hợp với đấu tranh vũ trang ngày càng lan rộng.
Trước tình hình đó, yêu cầu về cán bộ và vũ khí ngày càng lớn. Đường vận tải chiến lược Trường Sơn lúc này chỉ mới vươn tới được các tỉnh phía Bắc Khu 5, còn các tỉnh thuộc miền Đông Nam và đồng bằng sông Cửu Long không đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhất là đối với các tỉnh Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ. Ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QĐ-QP thành lập Đoàn vận tải biển 759. Đoàn 759 nhanh chóng xây dựng lực lượng, chuẩn bị phương tiện, tổ chức trinh sát nhằm nắm chắc quy luật tuần tra, hoạt động ngăn chặn trên biển của địch; hiệp đồng với các tỉnh ven biển Nam Bộ và Nam Trung Bộ, xây dựng các bến bãi sẵn sàng tiếp nhận vũ khí. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuyến chi viện chiến lược – Đường Hồ Chí Minh trên biển đã có những đóng góp quan trọng, thể hiện trên một số điểm chủ yếu sau đây:
Một là, đường Hồ Chí Minh  viện chiến lược, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 11-10-1962, một tàu vỏ gỗ mang mật danh “Phương Đông 1”, do đồng chí Lê Văn Một và đồng chí Bông Văn Dĩa chỉ huy, chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) rẽ sóng ra khơi nhằm hướng Cà Mau tiến tới. Đến ngày 19-10-1962, tàu cập bến Vàm Lũng an toàn. Nhân dân đón nhận chuyến tàu chi viện vũ khí đầu tiên cho cách mạng miền Nam với lòng phấn khởi vô hạn. Họ nhanh chóng khuân vác vũ khí cất giấu vào những kho bí mật an toàn. Tiếp theo tàu Phương Đông 1 là tàu Phương Đông 2, 3, 4 cũng lần lượt lên đường vận chuyển vũ khí vào Nam Bộ.
Trong vòng hai tháng, các tàu này đã chuyển vào Nam 111 tấn vũ khí, cập các bến đã chuẩn bị của tỉnh Cà Mau. Vượt qua những thử thách ác liệt, gian nan, đấu trí và đấu lực căng thẳng với địch và sóng gió biển khơi, các chiến sĩ Hải quân đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc thời kỳ đầu tiếp tế vũ khí cho cách mạng miền Nam, góp phần rất quan trọng tăng cường nhanh chóng sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang giải phóng… Công việc vận chuyển vũ khí vào chiến trường Nam Bộ tạm ổn, tuy số lượng chưa nhiều, nhưng đã góp phần quan trọng giúp quân và dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phát triển lực lượng vũ trang, tạo được thế mới, lực mới, đánh thắng địch nhiều trận, củng cố và mở rộng vùng giải phóng.
Đồng thời với việc vận chuyển vũ khí vào Nam Bộ, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân nghiên cứu mở đường vận chuyển vũ khí bằng đường biển vào Nam Trung Bộ – một chiến trường có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Vận chuyển bằng đường biển vào Nam Trung Bộ tuy cung đường ngắn hơn nhưng lại hết sức khó khăn, nguy hiểm. Khó khăn lớn nhất là tìm địa điểm tổ chức bến bãi. Địa hình vùng ven biển Nam Trung Bộ trống trải, độ dốc lớn, không có nhiều kênh rạch và rừng ngập mặn như ở Nam Bộ. Các cửa sông mà tàu của ta có thể vào để giao hàng dày đặc đồn bốt và căn cứ hải quân của địch. Đây lại là vùng nằm dọc theo Quốc lộ 1 nên địch tổ chức tuần phòng rất gắt gao.
Cũng giống như ở Nam Bộ, việc tổ chức xây dựng các bến bãi ở Nam Trung Bộ đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ hết lòng của cấp ủy Đảng và nhân dân các địa phương. Tính đến năm 1965, hàng chục bến bãi tiếp nhận vũ khí đã được bí mật xây dựng ở một số tỉnh ven biển như: Vàm Lũng, Bồ Đề, Bến Cũ, Kiến Vàng, Cái Bầu (Cà Mau, Bạc Liêu); Hố Lồng Đèn (Rạch Giá), Ba Động, Khâu Lầu, La Ghi, Láng Nước, Rạch Cờ, Hố Tàu (Trà Vinh)1… Chính hệ thống bến bãi kể trên đã góp phần làm nên những chiến công của tuyến chi viện chiến lược – Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Tính từ tháng 10-1962 đến tháng 2-1965, ta đã sử dụng 3 tàu vỏ gỗ, 17 tàu vỏ sắt tổ chức đưa 88 chuyến tàu tới đích (không tính các chuyến trinh sát, mở đường) vận chuyển được 4.919,636 tấn vũ khí và một số mặt hàng thiết yếu vào chiến trường2 (Cà Mau, Bạc Liêu 45 chuyến, Bến Tre 23 chuyến, Trà Vinh 12 chuyến, Bà Rịa 3 chuyến, Vũng Rô 4 chuyến, Bình Định 1 chuyến), đạt 93% kế hoạch, vượt chỉ tiêu Trung ương giao (Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao chỉ tiêu đưa được 50% số hàng tới đích đã là thành công). Riêng hai năm 1962 và 1964, đạt tỷ lệ cao nhất: 100% (57/57) số chuyến thành công.
Thành công của những chuyến vũ khí đã trực tiếp góp phần đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, xây dựng và phát triển khối chủ lực ở chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ; góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt của quân dân ta ở Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã, Đồng Xoài… Đặc biệt, điều đó có ý nghĩa hơn khi cũng trong thời gian này, tuyến chi viện chiến lược trên bộ (Đoàn 559) tuy đã được tổ chức ngang cấp sư đoàn, được biên chế 2 trung đoàn gùi thồ, 1 đại đội ôtô vận tải, một số đơn vị công binh, giao liên… đã có những nỗ lực rất lớn trong nhiệm vụ mở đường và đã vươn vào tới chiến trường Bắc Tây Nguyên. Nhưng do đường mới mở, bị mưa lớn, lại bị địch ngăn chặn quyết liệt, nên chỉ chuyển tới các chiến trường được 1.410 tấn vật chất các loại (chủ yếu cho Trị Thiên và Nam Lào), đạt 25% kế hoạch trên giao3.
Qua con đường vận tải biển, hậu phương lớn miền Bắc đã tiếp tế kịp thời vũ khí, đạn dược cho chiến trường miền Nam. Được trang bị vũ khí, kỹ thuật quân sự tương đối đầy đủ, đồng bộ, năm 1964, Quân giải phóng mở chiến dịch tiến công Bình Giã; năm 1965, mở chiến dịch Đồng Xoài và Ba Gia đánh bại hoàn toàn “chiến lược chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Sau các chiến thắng có ý nghĩa chiến lược này, năm 1965, khối chủ lực cơ động Quân giải phóng phát triển thành 5 sư đoàn và 11 trung đoàn bộ binh, cùng nhiều trung đoàn, tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật, sẵn sàng bước vào cuộc đọ sức với quân Mỹ. Sự kiện này đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam nhờ vào sự chi viện tích cực của hậu phương miền Bắc qua 2 con đường chiến lược huyền thoại: Đường bộ Trường Sơn và Đường vận tải biển.
Từ tháng 2-1965 đến tháng 1-1973 là giai đoạn khó khăn nhất nhưng hết sức hào hùng của tuyến chi viện chiến lược trên biển. Sau sự kiện xảy ra với tàu C143 ở Vũng Rô (Phú Yên), bí mật của tuyến chi viện chiến lược trên biển của ta không còn nữa. Công việc tiếp tế cho miền Nam bằng đường biển vẫn phải tiếp tục, nhưng ta chuyển hướng vận chuyển từ phương thức trực tiếp sang phương thức gián tiếp. Bằng phương pháp vận chuyển này, trong một năm (từ 1-11-1968 đến 31-10-1969), lực lượng vận tải biển đã đưa vào cảng sông Gianh 21.737 tấn vũ khí. Từ đây, số vũ khí này được chuyển vào Nam theo đường bộ. Đồng thời với đưa hàng vào cảng sông Gianh, Quân chủng Hải quân chọn một số tàu và thủy thủ có kinh nghiệm tiếp tục vận chuyển vào Nam theo đường Hồ Chí Minh trên biển. Ngoài ra, trong giai đoạn này, cán bộ chiến sĩ Đoàn 125 còn tham gia chiến dịch vận tải VT5 – Vận tải tranh thủ tụt thang (từ tháng 11-1968 đến năm 1969), cùng các lực lượng trong và ngoài quân đội vận chuyển hàng chục vạn tấn vũ khí, lương thực, xăng dầu… từ Hải Phòng vào các tỉnh Nam Khu 4, tạo chân hàng cho tuyến chi viện chiến lược trên bộ (Đoàn 559)4.
Trên con đường vận chuyển này, nhiều trận chiến đấu ác liệt đã diễn ra, nhưng cán bộ, chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ vận tải biển không sờn lòng, nản chí, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp tế cho miền Nam, góp phần tăng cường sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang giải phóng đánh bại “chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.
Từ 1973 đến 1975, tuyến chi viện chiến lược bằng đường biển đã dốc toàn bộ lực lượng và phương tiện, sử dụng hàng ngàn lượt chuyến tàu chuyển vũ khí và vật chất các loại vào các chiến trường. Đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đã sử dụng 140 lượt chuyến tàu, vận chuyển 6.282 tấn vũ khí và vật chất khác, cùng hàng ngàn lượt cán bộ chiến sĩ vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ và Khu 5, cơ động bộ đội đặc công chiến đấu giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Cù Lao Thu, các đảo phía Nam và Tây Nam của Tổ quốc.
Theo số liệu đã được Quân chủng Hải quân công bố, tính chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuyến chi viện chiến lược – Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trực tiếp và gián tiếp vận chuyển hơn 96.000 tấn vũ khí đạn dược và các vật chất khác cùng hơn 170.000 lượt cán bộ chiến sĩ chi viện chiến trường miền Nam5. Con số đó so với Đường Hồ Chí Minh trên bộ tuy ít hơn nhưng lại có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt.
Có thể thấy, hiệu quả vận chuyển của tuyến chi viện chiến lược biển đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trên tất cả các vùng chiến lược, các địa bàn chiến lược ở miền Nam, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta. Đặc biệt, sự xuất hiện kịp thời những vũ khí tương đối hiện đại, có tính năng chiến đấu cao đã làm thay đổi cách đánh của quân và dân ta, thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch.
Hai là, tuyến chi viện chiến lược trên biển bảo đảm thời gian nhanh hơn, kịp thời hơn, vũ khí trang bị đồng bộ và đạt hiệu quả cao.
Vận chuyển đường bộ phải qua nhiều cung, chặng, qua nhiều lực lượng phương tiện… phải mất hàng tháng trời mới đến đích. Vận chuyển bằng đường biển tuy gian nan, nguy hiểm vì phải độc lập đối phó với địch và sóng gió, nhưng nếu vượt qua sự ngăn chặn của địch thì chỉ khoảng 5-6 ngày đã vào tới chiến trường Tây Nam Bộ.
Trong giai đoạn từ tháng 10-1962 đến tháng 2-1965, với 88 chuyến tàu, mỗi tàu có từ 10-20 cán bộ chiến sĩ, tỷ lệ đến đích đạt 93% (trong khi tỷ lệ cấp trên cho phép là 50%), tuyến chi viện chiến lược trên biển đưa tới các chiến trường được 4.919,636 tấn vũ khí và các mặt hàng thiết yếu. Với khối lượng đó, nếu dùng người gùi thồ, mỗi người trung bình gùi 25kg thì phải huy động tới 196.785 người đi liên tục trong 6 tháng (trong điều kiện đường sá bị địch đánh phá ngăn chặn). Mỗi người mỗi tháng sử dụng 21kg, 6 tháng 126kg gạo thì phải cần tới 24.794.910kg gạo (chưa tính các nhu yếu phẩm khác và tổn thất dọc đường). Còn nếu dùng ôtô, trung bình 1 xe chở được 2,5 tấn thì phải huy động 1.968 xe đi trong 2 tháng, sử dụng khoảng 4.000 tấn xăng dầu, chưa kể các chi phí bảo đảm khác và tổn thất dọc đường. Trong mùa vận chuyển 1970-1971, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn bị tổn thất 2.842 xe (44,3%); mùa vận chuyển 1971-1972 bị tổn thất 4.228 xe, chiếm 50,7% số xe được trang bị6.
 Ba là, tuyến chi viện chiến lược trên biển còn vận chuyển những loại hàng “đặc biệt”.
Đó là những ngoại tệ mạnh, những loại máy móc thiết bị y tế quý hiếm, những hóa chất đặc biệt… Và đặc biệt hơn cả là đã đưa đón an toàn tuyệt đối hàng trăm cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội và các chuyên gia đầu ngành tăng cường cho chiến trường như các đồng chí: Lê Đức Anh (đi Tàu 55 vào Nam Bộ năm 1964 và đi Tàu 159.TT của Đoàn 371 ra miền Bắc tháng 11-1973), Võ Văn Kiệt (đi Tàu 159.TT vào Nam Bộ tháng 10-1973), Nguyễn Hòa (đi tàu 56 năm 1964), Hoàng Thế Thiện (đi tàu 69 năm 1964), Nguyễn Thiện Thành (đi Tàu 69 năm 1964), Nguyễn Văn Sĩ (đi Tàu 54 năm 1964), Nguyễn Thế Bôn (đi Tàu 55 năm 1964), Bùi Cát Vũ (đi Tàu 165 năm 1964), Nguyễn Trọng Xuyên (đi Tàu 67 năm 1964), Lương Văn Nho (đi Tàu 69 năm 1964), Bùi Phùng (đi Tàu 65 năm 1965), Ung Răng (đi Tàu 55 năm 1965), Nguyễn Thụy Nga (đi Tàu 69 năm 1965)7…
Tuyến chi viện chiến lược trên bộ được thành lập từ năm 1959 và ngay lập tức được tiến hành soi đường, gùi vũ khí vào chiến trường. Nhưng những năm đầu do bị địch ngăn chặn quyết liệt, do địa hình phía Đông Trường Sơn quá phức tạp và hiểm trở nên hoạt động hết sức khó khăn. Chỉ sau khi mở đường sang phía Tây Trường Sơn (năm 1961), lấy vận tải cơ giới là chính (từ mùa khô 1964-1965) qua 7 tỉnh, 17 huyện của nước Lào anh em rồi vòng về Nam Tây Nguyên, thì đường Trường Sơn mới thực sự trở thành tuyến vận tải cơ giới, tuyến chi viện chiến lược, thực sự trở thành “động mạch chủ” của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân hai nước Việt – Lào8. Còn Đường Hồ Chí Minh trên biển, ngay sau khi chính thức được khai thông (tàu Phương Đông 1, tháng 10-1962) đã ngay lập tức phát huy hiệu quả, trở thành tuyến chi viện chiến lược, tuyến chi viện chủ yếu cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Đây cũng là tuyến chủ yếu vận chuyển, cơ động lực lượng giải phóng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Có thể khẳng định rằng, cùng với Đường Hồ Chí Minh trên bộ, Đường Hồ Chí Minh trên biển là một sáng tạo chiến lược của Đảng, một kỳ công chiến lược của dân tộc, có vai trò to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đánh giá: “Năm tháng sẽ qua đi, nhưng những chiến công anh hùng và sự hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên biển Đông, của các con tàu “không số” của quân và dân các bến bãi, làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc ta… Tổ quốc và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao của những người đã làm nên kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển”9.
Chú thích
1. Đặng Phong: 5 đường mòn Hồ Chí Minh, Nxb. Tri thức, H, 2008, tr. 178, 184.
2. Dẫn theo: Lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển và Lữ đoàn tàu vận tải quân sự 125 Hải quân (1961-2011), Bản thảo lần cuối, tr. 202. Một số công trình trong và ngoài quân đội đưa số liệu 4.719 tấn, 5.256 tấn.
3. Tổng kết công tác vận tải phục vụ chiến trường Trị Thiên và Nam Lào giai đoạn từ 1965-1973, Hộp 68, Hồ sơ 83, tr. 9, Tư liệu lưu Văn phòng Tổng cục Hậu cần.
4. Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng: Chống Mỹ phong tỏa vùng sông biển Hải Phòng, Nxb. Hải Phòng, 1988, tr. 148.
5. Bộ Tổng Tham mưu 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2005, tr. 193, 194, 195.
6. Tổng kết công tác vận tải quân sự chiến lược trên đường Hồ Chí Minh (Phụ lục tình hình trang bị xe ôtô và tổn thất), Tổng cục Hậu cần, 1984.
7. Bộ Tư lệnh Hải quân: Lịch sử công tác chỉ huy tham mưu Hải quân trong vận tải quân sự đường biển chi viện chiến trường miền Nam (1961-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2007, tr. 215-216.
8. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Đường Hồ Chí Minh – một sáng tạo chiến lược của Đảng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học. Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1999, tr. 432.
9. Điện của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 nhân kỷ niệm 35 năm mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (1961-1996), Lưu trữ Văn phòng Đảng ủy Quân  Hải quân.
Nguồn: nxbctqg.org

Các bài viết liên quan

Video

Chuyên mục

Tag