Về trang chủ

Ý nghĩa cuộc khởi nghĩa ở Thái Nguyên trong Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 (1)

19/08/2016 , Bài viết có liên quan đến Hoàng Thế Thiện

Đại tá, Nhà sử học Lê Hồng Lĩnh – Nguyên Cán bộ nghiên cứu lịch sử, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
Thành phố Thái Nguyên cách Hà Nội khoảng 80km được coi như là thủ phủ của Việt Bắc.
Từ tháng 5 năm 1945, khi Giải phóng quân thành lập bằng cách hợp nhất các lực lượng vũ trang cách mạng và Khu Giải phóng Việt Bắc ra đời, tỉnh Thái Nguyên có vị trí hết sức quan trọng. Đây là một trong sáu tỉnh của Khu Giải phóng, là tỉnh bàn đạp của cách mạng từ căn cứ kháng Nhật tiến về miền xuôi và cũng là tỉnh cửa ngõ để thanh niên từ miền xuôi, từ Hà Nội lên “Chiến khu”. Hai từ Chiến khu lúc ấy đang có một sức hút lớn đối với thanh niên học sinh.
Từ tháng 3 năm 1945, khởi nghĩa từng phần đã nổ ra ở phần Đông Bắc, phần Bắc Tỉnh. Cuộc khởi nghĩa ở Vũ Nhai – Đình Cả cổ vũ mạnh mẽ phong trào ở dưới xuôi và Hà Nội.
Từ tháng 5 năm 1945, Đội vũ trang tuyên truyền Vũ Nhai do đồng chí Hoàng Thế Thiện làm Đội trưởng, đồng chí Đào An Thái làm Chính trị viên đã tổ chức và huấn luyện về chính trị và quân sự cho một lớp thanh niên về tổ chức Mặt trận Việt Minh và Thanh niên Cứu quốc trong thị xã Thái Nguyên. Nhóm lãnh đạo của Thanh niên Cứu quốc trong thị xã này gồm có các anh: anh Vĩ, anh Xuyên, anh Khánh, anh Đích, anh Giai, anh Mực… Anh Mực tức Phạm Nghiêm là công nhân xe lửa đoạn đường sắt Thái Nguyên – Phấn Mễ.
 Đội Vũ trang tuyên truyền Vũ Nhai liên lạc chỉ đạo và nhận báo cáo của Việt Minh và Thanh niên Cứu quốc thị xã qua cơ sở ở Đồng Bẩm là anh Hoàng Công (bí danh của anh Cát) con thứ hai nhà tư sản yêu nước Cát Hanh Long (tức bà Nguyễn Thị Năm).
Trong khi Đội Vũ trang tuyên truyền Vũ Nhai xây dựng và phát triển cơ sở Việt Minh ở thị xã và huyện Đồng Hỷ thì các đồng chí Nhị Quý, Lê Trung Đình xây dựng và phát triển cơ sở ở huyện Phú Bình, huyện Phổ Yên và cả ở thị xã.
Phong trào cách mạng ở Thái Nguyên phát triển ngày một mạnh mẽ và sôi nổi. Tháng 8 năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Hội nghị Toàn quốc của Đảng được triệu tập từ tháng trước, đến ngày 13 tháng 8 năm 1945 mới họp được. Lúc họp thì được tin Nhật đầu hàng Đồng Minh. Nhận định rằng cơ hội cho nhân dân ta giành quyền độc lập đã tới, Hội nghị Toàn quốc của Đảng chủ trương kịp thời lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền và quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.
Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đại hội Quốc dân cũng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa, bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Trung ương (Chính phủ Lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta…”.
Lực lượng Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến về đánh Thái Nguyên để cổ vũ cho phong trào tổng khởi nghĩa trên cả nước và mở đường tiến về xuôi, về Hà Nội.
Ngày 20 tháng 8, Quân Giải phóng tới Thịnh Đán một làng ở phía Tây thị xã Thái Nguyên thì “được tin có một đội tuyên truyền xung phong từ Vũ Nhai xuống hôm trước, đã đột nhập thị xã, tổ chức quần chúng tuần hành thị uy. Một đội dân quân của Phú Bình, Phổ Yên cũng đã vào thị xã lùng bắt một số tay chân của địch”[2].
Vào 2 giờ chiều ngày 19 tháng 8 năm 1945 đã nổ ra một cuộc mít tinh tuần hành to lớn chưa từng có ở Thái Nguyên.
Sáng sớm ngày 19 tháng 8 năm 1945, Đội vũ trang tuyên truyền Vũ Nhai nhận được thư và báo do anh Hoàng Công gửi đến. Anh Công báo tin mẹ anh, bà Cát Hanh Long từ Hà Nội lên cho biết Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, chính phủ Trần Trọng Kim sắp đổ, anh em Việt Minh và nhân dân Hà Nội đã biến cuộc mít tinh của Tổng hội viên chức ủng hộ chính quyền bù nhìn ngày 17 tháng 8 năm 1945 thành một cuộc mít tinh lớn tại Nhà hát lớn thành phố ủng hộ Việt Minh. Tờ báo anh Công gửi tới là tờ Đông Pháp ra ngày 18 tháng 8 có đăng ảnh cuộc mít tinh lớn ấy của nhân dân Hà Nội.
Trưa ngày 19 tháng 8, Đội vũ trang tuyên truyền Vũ Nhai do Đội trưởng Hoàng Thế Thiện chỉ huy về tới đồn điền Đồng Bẩm. Anh Hoàng Công báo cho biết: khí thế cách mạng của quần chúng thị xã Thái Nguyên và các xã ven thị xã đang lên rất cao, mọi người đang mong chờ Quân Giải phóng. Các anh trong nhóm thanh niên thị xã đã quyết định tổ chức một cuộc mít tinh ở sân vận động thị xã.
Đồng chí Hoàng Thế Thiện, đồng chí Hoàng Công cùng Đội vũ trang tuyên truyền Vũ Nhai lập tức đến Sân vận động để ủng hộ và hướng dẫn cho nhóm thanh niên thị xã. Hàng trăm đồng bào xã Đồng Bẩm tự võ trang gậy gộc, giáo mác giương cao nhiều cờ đỏ sao vàng đi liền theo Đội vũ trang tuyên truyền.
Cuộc mít tinh chỉ thông báo bằng truyền miệng mà đến 2 giờ chiều đã có hơn 5.000 người trong thị xã và các xã ven đã đến. Một số đoàn đang tiếp tục đi tới. Đúng lúc đó sau những khẩu hiệu hô vang như sấm dậy, rừng người chuyển động dưới rừng cờ từ Sân vận động vào trung tâm thị xã. Đi đầu, đi bảo vệ hai bên và đi sau hộ vệ là các anh chị chiến sĩ Đội vũ trang tuyên truyền mặc quần áo chàm, thắt lưng da mang bao đạn, chân quấn xà cạp, đi chân đất và mang súng kíp.
Trong đoàn biểu tình thị uy có người mang gậy gộc, giáo mác, đinh ba, có người tay cầm cờ, có người không vũ trang… nhưng tất cả với khí thế hùng dũng lạ thường. Thanh niên, phụ nữ thị xã thì mặc áo dài. Nông dân Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên thì mặc quần áo nâu, áo trắng quần đen. Nhóm mặc quần áo chàm là dân xã Đồng Bẩm. Đi gần sau đoàn biểu tình có bốn người mặc áo dài gấm, ngoài có áo the, ngực đeo thẻ bài, đầu đội nón dứa, chân đi giày da. Đó là Tỉnh trưởng, Tỉnh phó Thái Nguyên, Tri huyện Đồng Hỷ. Hỏi ra mới biết là họ đã nhận được điện Phủ Khâm Sai bảo phải tham dự với Việt Minh và đã có mặt từ lúc đoàn biểu tình đi vào thị xã[3]. Đoàn người với khí thế cách mạng sôi sục, vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu: Đả đảo phát xít Nhật – đả đảo Việt gian tay sai – Ủng hộ Việt Minh.
Đến trung tâm thị xã, đoàn biểu tình được lệnh dừng lại. Đồng chí Hoàng Thế Thiện, Đội trưởng Đội vũ trang tuyên truyền Vũ Nhai leo lên một cột điện cao nhìn rõ bốn phía nói chuyện với đồng bào. Đồng chí báo tin quân Nhật thua trận đã đầu hàng Liên Xô và Đồng Minh, Chính phủ Trần Trọng Kim sắp đổ, kêu gọi đồng bào ủng hộ và tham gia Việt Minh, kêu gọi anh em binh lính Bảo an binh quay súng về với cách mạng. Đồng chí báo tin Quân Giải phóng đã tiến đánh quân Nhật ở Cao Bằng, Lạng Sơn và sắp đến Thái Nguyên và kêu gọi đồng bào sẵn sàng hưởng ứng Quân Giải phóng.
Cuộc mít tinh tuần hành đông đảo và hùng dũng ở thị xã Thái Nguyên chỉ rõ toàn dân Thái Nguyên đã tiến theo ngọn cờ Việt Minh, chính quyền bù nhìn ở tỉnh và huyện Đồng Hỷ sẵn sàng đầu hàng cách mạng. Bảo an binh không chống đối lại Việt Minh. Đêm hôm đó đã có một số anh em Bảo an binh ra theo cách mạng, nộp cho Việt Minh 5 khẩu súng Pháp.
Việc giành chính quyền và chính thức nhận sự đầu hàng của Tỉnh trưởng và đồn Bảo an binh nộp toàn bộ vũ khí cho cách mạng được tiến hành ngày 21 tháng 8 năm 1945 do các đồng chí Nhị Quý và Lê Trung Đình phụ trách lãnh đạo.
8 giờ sáng ngày 20 tháng 8, ta dùng loa nói cho quân Nhật biết sẽ có hai người mang theo thư của Bộ chỉ huy Quân Giải phóng vào cho viên quan tư Nhật tại đồn lớn vốn là tòa công sứ Pháp ở Bắc thị xã. Hai người đó là chị Trịnh Thị Tâm cán bộ Việt Minh và một người phiên dịch tiếng Nhật. Quân Nhật không chịu nộp vũ khí, đầu hàng.
Đêm 20 tháng 8, Quân Giải phóng bắt đầu tấn công doanh trại Nhật. Quân Giải phóng rất thành thạo đánh du kích nhưng với trình độ và nhất là trang bị vũ khí ta lúc ấy chưa thể dùng công kiên mà diệt đồn lớn có công sự kiên cố và do cả tiểu đoàn địch đóng giữ. Cuộc chiến đấu kéo dài 3, 4 ngày.
Ngày 23 tháng 8, sau khi được tin Hà Nội đã khởi nghĩa giành chính quyền, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng một số lực lượng về Hà Nội. Nhiệm vụ bao vây tiến công quân Nhật ở đây giao lại cho đồng chí Đàm Quang Trung chỉ huy.
Ngày 26 tháng 8, với sự chứng kiến của thiếu tá Thomas, chỉ huy đội hành động của Mỹ bên cạnh Quân Giải phóng Việt Nam, phái viên của Tổng bộ Việt Minh có phái viên của Bộ tư lệnh quân Nhật đi theo đã giải quyết ổn thỏa vấn đề quân Nhật triệt thoái khỏi Thái Nguyên. Cùng ngày 26 tháng 8, lực lượng Quân Giải phóng ở Thái Nguyên tiến về Hà Nội.
Trước đó ngày 25 tháng 8 năm 1945 Thái Nguyên đã khởi nghĩa giành chính quyền, mặc dù quân Nhật còn đóng ở tòa công sứ, đồng chí Trần Đăng Ninh đã lấy xe hơi ở Thái Nguyên đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào qua Thái Nguyên về Hà Nội.
Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Lâm thời từ Tuyên Quang qua Thái Nguyên về Hà Nội rất sớm và Quân Giải phóng sớm về được Thủ đô cũng nói lên ý nghĩa của khởi nghĩa thành công sớm ở Thái Nguyên quan trọng đến nhường nào. Vai trò xung kích của Thanh niên Cứu quốc Thái Nguyên rõ ràng rất năng động.
Thành phố Hồ Chí Minh, mùa Thu năm 2000
L.H.L
——————–
[1]. Bài viết đăng trên tạp chí Xưa & Nay số 241, tháng 08-2005, trang 7 (số kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám).
[2]. Võ Nguyên Giáp, “Những chặng đường lịch sử”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, trang 202.
[3]. Trưa 19-8-1945 khởi nghĩa đã thắng lợi ở Hà Nội. Sau khi chiếm phủ Khâm Sai, Việt Minh đã điện cho các Tỉnh trưởng báo tin Hà Nội đã khởi nghĩa xong, lệnh cho họ trao chính quyền cho Việt Minh.

Tag

Các bài viết liên quan

Video

Chuyên mục

Tag