Về trang chủ

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, hình ảnh Chính ủy tiêu biểu trên chiến trường

07/02/2015 , Thân thế và sự nghiệp

Nhà văn Phan Hoàng

Hoàng Thế Thiện là một con người đa năng, có trình độ toàn diện, một vị tướng có mặt trên khắp các chiến trường, làm công tác chính trị, quân sự, kinh tế và cả việc đền ơn đáp nghĩa. Đánh giá về vị tướng dày dạn trận mạc dưới quyền chỉ huy của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Suốt đời chiến đấu vì sự nghiệp của Đảng, của Dân tộc, đồng chí có ưu điểm nổi bật là dù ở cương vị nào cũng là tấm gương đoàn kết và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng chí, đồng đội tin yêu”. Minh chứng là hai Lễ tưởng niệm Ông được đồng đội, đồng chí, bầu bạn và gia đình tổ chức tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (Hà Nội) ngày 5 tháng 9 năm 2003 và tại Bảo tàng Lực lượng võ trang miền Đông Nam Bộ (thành phố Hồ Chí Minh) ngày 17 tháng 10 năm 2003. Vì những đóng góp lớn lao cho Tổ quốc, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều huân, huy chương cao quý khác. Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam đã ghi nhận Ông là một nhân vật quân sự của nước Việt Nam độc lập trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của Dân tộc ta.

1. Người học sinh yêu nước của thành phố Cảng

Hải Phòng là một trong những vùng “địa linh” sản sinh nhiều “nhân kiệt” cho đất nước, trong đó có Hoàng Thế Thiện, một vị tướng tài nổi tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông tên thật là Lưu Văn Thi, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1922 ở ngõ Mai Viên, lớn lên học Trường Bonnal, nay là Trường phổ thông trung học Ngô Quyền. Cha của Ông là một nhà Nho nghèo yêu nước và là một đầu bếp giỏi ở thành phố Cảng, từng tổ chức đưa người sang Trung Quốc cho chí sĩ Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du, về sau là cơ sở hoạt động cách mạng cho “Anh cả Sao Đỏ” Nguyễn Lương Bằng. Được sự giáo dục của cha, cậu học trò Lưu Thi (bạn bè hay gọi tắt như thế) sớm có tinh thần yêu nước, tích cực tham gia phong trào hướng đạo sinh, rồi Đoàn Thanh niên cứu quốc, giúp đỡ nhiều học sinh đi vào con đường cứu dân, cứu nước.

Tháng 3 năm 1943, Lưu Văn Thi bị thực dân Pháp bắt, kêu án 5 năm tù khổ sai, giam ở nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội cùng tổ “Trung Kiên” với nhạc sĩ Đỗ Nhuận và Vũ Duy Nhai (tức Đào An Thái – về sau là Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình). Ở đây, Ông được gặp và học hỏi rất nhiều ở nhà cách mạng đàn anh Trần Đăng Ninh về công tác bí mật và vận động quần chúng đấu tranh. Sau đó, kẻ trước người sau bị đày lên ngục Sơn La giữa rừng thiêng nước độc như lời một bài hát của chính nhạc sĩ Đỗ Nhuận “Sơn La âm u, núi khuất trong sương mù, đoàn tù tha hương cất bước đi trên đường, tiếng chân xéo đá trong đêm trường”. Trên đường đi đày, hai bạn tù cùng chịu án 5 năm khổ sai Lưu Văn Thi và Vũ Duy Nhai bị xích tay chung. “Rời khỏi phố phường Hà Nội đến giữa đường đi Hà Đông, tên mật thám Tây bắt dừng đoàn xe lại và đánh chúng tôi vì trong phố chúng tôi đã hát vang các bài ca cách mạng. Thi đẩy tôi nằm rạp vào lòng xe để Thi nhô ra cùng anh em trên sáu xe hét tướng: “Phản đối đánh đập!”“Phản đối khủng bố!”. Đến suối Rút, tên chánh quản lại kiếm cớ đánh anh em chúng tôi. Thi lại kéo tôi đứng vào phía trong để che cho tôi, tôi nói với Thi: “Mình chịu được, mình không nhát”, Thi gạt phắt: “Ai bảo cậu nhát đâu?”. Anh em chúng tôi lại hô to: “Phản đối đánh đập!”“Ngồi lại không đi được nữa!”. Tên chánh quản không dám đánh tiếp, vội lủi luôn vào nhà. Thế là chúng tôi yên ổn đi đến Sơn La” – ông Đào An Thái xúc động nhớ lại những kỷ niệm với người bạn tù chí cốt.

Tại ngục tù Sơn La, Lưu Văn Thi tiếp tục được học tập về chính trị, quân sự từ các bậc đàn anh, trong đó có nhà cách mạng Nguyễn Trọng Cảnh (Trần Quốc Hoàn). Hai năm sau, lợi dụng việc Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, vào ngày 18 tháng 3 năm 1945, Ông cùng các đồng chí của mình thoát khỏi ngục tù, băng rừng, vượt núi tìm về cơ sở cách mạng. Trong toán của Lưu Văn Thi gồm hai mươi người do ông Trần Quốc Hoàn dẫn đầu, có các ông Đào An Thái, Đỗ Nhuận, Vũ Văn Thuẫn… và Sang Siu Pô – một Hoa kiều tham gia cách mạng Việt Nam. Về khu giải phóng Hoàng Hoa Thám, Ông được cử làm Đội trưởng Đội Vũ trang tuyên truyền Cứu quốc huyện Võ Nhai, hoạt động vùng đồng bào dân tộc Tày, Mán, Cao Lan… Theo yêu cầu của tổ chức, Lưu Văn Thi đổi tên thành Hoàng Thế Thiện để giữ bí mật công tác. Trong Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, Hoàng Thế Thiện dẫn đầu đoàn biểu tình vũ trang của quần chúng tiến vào thị xã Thái Nguyên thị uy quân Nhật và cướp chính quyền thành công. Ông lần lượt được phân công làm Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh Thái Nguyên rồi Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh Vĩnh Yên.

2. Chính ủy mẫu mực trên chiến trường – Hạt nhân đoàn kết

Tháng 4 năm 1947, do yêu cầu của chiến trường, Hoàng Thế Thiện được điều động vào Quân đội làm Phái viên chính trị, Trưởng phòng Chính trị Liên khu 10; rồi chuyển sang làm Chính ủy Trung đoàn Sông Lô. Từ đây, Hoàng Thế Thiện gắn liền với cuộc đời binh nghiệp, xông pha lửa đạn, chinh chiến khắp các chiến trường, từ Việt Bắc đến Tây Nguyên, Nam Bộ và làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Cam-pu-chia, được tín nhiệm giao nhiều trọng trách. Thượng tướng – Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Hoàng Minh Thảo nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên khi Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện làm Chính ủy Sư đoàn 1 đã nhận định: “Điểm đặc biệt của Anh Thiện: tuy là Chính ủy nhưng rất chú ý đến quân sự. Anh nắm địch tương đối chắc. Anh hiểu phiên hiệu các đơn vị địch. Lúc đó, Anh như một người chỉ huy quân sự. Do Anh nắm chắc địch, từ các phiên hiệu đến các đơn vị địch, nên Anh đã góp được nhiều ý kiến để bàn bạc với đồng chí Sư trưởng trong việc đánh địch”.

Thời kỳ ở Mặt trận Tây Nguyên, Chính ủy Hoàng Thế Thiện đã sát cánh với Sư trưởng Nguyễn Hữu An chỉ huy Sư đoàn 1 đánh nhiều trận hay, nhất là trận gây thiệt hại nặng cho lữ đoàn dù 173 của Mỹ trong chiến dịch Đắc Tô I trên Đồi 875 ở tây bắc Kon Tum mùa Đông năm 1967. Trung tướng – Phó Giáo sư Lê Hữu Đức nguyên Sư phó kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn 1 cho hay rằng Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện luôn là “hạt nhân đoàn kết”: “Trong lúc chiến đấu, cũng như khi về hậu cứ, bất cứ một đồng chí nào trong Bộ Tư lệnh, trong Đảng ủy, chủ trì các cơ quan hay trung đoàn có gì lo âu đều không qua con mắt đầy tình người của Anh. Anh luôn luôn chủ động trao đổi, giúp thêm nghị lực cho từng đồng chí. Có thể nói ít có gương mặt Bộ Tư lệnh Sư đoàn nào đẹp như vậy vì mọi người đều chân thành, đoàn kết thật sự, chung lưng đấu cật cho mọi thắng lợi và trưởng thành của Sư đoàn mà Anh là tiêu biểu, có công đầu vun đắp mối tình đồng chí, đồng đội trong sáng ấy”.

Sống nghĩa tình với đồng đội, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện cũng là người thẳng thắn, nghiêm túc trong công việc và biết tự phê bình, khắt khe với bản thân. Thiếu tướng Trần Thế Môn nguyên Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên kể rằng trong Đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Sư đoàn 1 chủ lực cơ động được lệnh tập trung trên Đường 18 – Plây Cần để chờ đón Mỹ đổ quân ra phản kích khi Kon Tum bị ta tấn công. Tuy nhiên, do phán đoán sai tình hình địch và chuẩn bị chưa tốt nên Sư đoàn 1 không có thời cơ để tiêu diệt lớn và cũng không chuyển sang tấn công Đắc Tô – Tân Cảnh được. Giữa hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm Đợt 1, Chính ủy – Bí thư Đảng ủy Sư đoàn Hoàng Thế Thiện đã nghiêm túc tự phê bình: “Trong khi các đơn vị chủ lực và địa phương đã vượt qua muôn vàn khó khăn, mưu trí dũng cảm đánh vào các thị xã và kiên cường bám trụ, đánh bại các cuộc phản kích của địch suốt mấy ngày đêm. Các đồng chí đã đưa cuộc chiến tranh vào sâu trong lòng địch, biến hậu phương địch thành tiền phương của ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy là thời cơ chiến lược của Đảng ta, vậy mà Sư đoàn 1 chúng tôi đã không đánh được một trận có kết quả”. Vừa nói xong, Ông xúc động đưa hai tay bưng mặt khóc, khiến mọi người ai cũng cảm động và khâm phục sự thẳng thắn của Ông. Bằng sự quyết tâm của Chính ủy Hoàng Thế Thiện và toàn Sư đoàn 1, trong Đợt 2 của chiến dịch, Sư đoàn đã lập công xuất sắc khi tấn công tây bắc Kon Tum.

Tất nhiên, không chỉ riêng ở Sư đoàn 1, mà bất cứ ở đơn vị nào mà Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện từng công tác cũng thể hiện được vai trò “hạt nhân đoàn kết” của một Chính ủy mẫu mực, để lại tấm gương sáng về tài năng và nhân cách trong lòng cán bộ, chiến sĩ. Đầu năm 1971, khi đã về làm Phó Chính ủy rồi Chính ủy Bộ Tư lệnh Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn, trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch đánh ra Đường 9 – Nam Lào, Ông được phân công trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 2 của Quân khu 5 đánh chặn hai tiểu đoàn ngụy Lào và quân Thái Lan không cho chúng tấn công xuống Sê Pôn phối hợp với quân ngụy Sài Gòn. Rồi tháng 4 năm 1971, Ông trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 968 giải phóng vị trí Đồng Hến để ba ngày sau quân ta bao vây chia cắt đánh ba tiểu đoàn ngụy Lào và quân Thái Lan thiệt hại nặng phải rút chạy. Thiếu tướng Võ Sở nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Đoàn 559 đã tâm sự: “Anh Thiện đã ghi lại dấu ấn của người cán bộ chính trị có trình độ toàn diện cả chính trị – quân sự, kinh nghiệm giải quyết các vấn đề khó khăn phức tạp. Anh Thiện cũng thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ, kiểm tra việc thực hiện các chế độ cung cấp nhu cầu ăn, ở, mặc cho bộ đội khi làm nhiệm vụ”.

Tháng 2 năm 1975, sau khi Quân đoàn 4 được thành lập, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã điều động Hoàng Thế Thiện từ Trường Sơn về giữ cương vị Chính ủy Quân đoàn chủ lực đầu tiên của chiến trường Nam Bộ, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Trung tướng – Phó Giáo sư Hoàng Nghĩa Khánh nguyên Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 cho biết ông cùng Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện sát cánh bên nhau “Từ Lộc Ninh, Bà Điểm đến Dầu Tiếng, An Lộc, Chơn Thành, qua Chiến khu “D” đến Xuân Lộc rồi vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ. Anh là một người lãnh đạo linh hoạt, sâu sát đơn vị trong chiến đấu; quan tâm đến đời sống cán bộ, chiến sĩ; trong sinh hoạt có tác phong dân chủ, bình đẳng với mọi người…”.

Vâng, có thể nói Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện là hình ảnh tiêu biểu của một Chính ủy xuất sắc trên chiến trường. Từ cấp trung đoàn, sư đoàn cho đến quân đoàn, quân khu và cao hơn nữa, ở cương vị nào Ông cũng thể hiện được bản lĩnh, tài năng, nhân cách và vai trò “hạt nhân đoàn kết” của một người tổ chức, chỉ huy có nhiều công tích.

3. Nghĩa tình với Nam Bộ

Cuối năm 1949, trước tình hình chiến trường Nam Bộ xa xôi gặp nhiều khó khăn về thông tin, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định cử Hoàng Thế Thiện làm Trưởng đoàn cán bộ quân sự vào Nam Bộ kiểm tra tình hình, giúp Bộ Tư lệnh Nam Bộ xây dựng các đơn vị bộ đội chủ lực, sớm giành quyền chủ động trên chiến trường. Cũng từ đây, Ông có nhiều duyên nợ với chiến trường phía Nam này của Tổ quốc, lần lượt được cử làm Chính ủy Trung đoàn Tây Đô, Chính ủy Trung đoàn Cửu Long, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ… cho tới khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc.

Ông Dương Đình Thảo nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, một người làm công tác chính trị lâu năm trong quân đội, cho hay: “Đầu năm 1954, Anh cử tôi phụ trách Trường Chỉnh huấn của Phân Liên khu cho các đối tượng là chính trị viên đại đội, tiểu đoàn. Bài học lớn nhất cho tôi là bài học biết thuyết phục. Trong các cuộc họp do Anh chủ trì bàn về chương trình, kế hoạch thảo luận nội dung các bài học, Anh luôn luôn lắng nghe ý kiến của anh em, ý kiến của tôi. Tôi lấy làm lạ, khi có sự tranh cãi ý kiến giữa tôi với anh em, lắm khi không ngã ngũ được, Anh phát biểu ý kiến kết luận, trong nhiều trường hợp, Anh bảo vệ và làm rõ thêm ý kiến của tôi, thế mà không còn ai phản bác. Trong một thời gian tôi cứ nghĩ anh em chấp nhận ý kiến của Anh là do “uy thế Thủ trưởng” của Anh. Dần dần tôi mới nhận ra “uy thế” của Anh là từ trình độ kiến thức, phạm vi hiểu biết, sức nhạy cảm và đặc biệt là thái độ khiêm nhường, chân tình”.

Năm 1955, sau khi đưa quân tập kết ra miền Bắc, Hoàng Thế Thiện được cử phụ trách Ban Đại diện miền Tây Nam Bộ. Năm 1964, để tăng cường lực lượng cho Nam Bộ, Quân ủy Trung ương chọn một số cán bộ có năng lực và từng quen thuộc chiến trường xa xôi này. Hoàng Thế Thiện là Chính ủy Cục Không quân được cử đi tu nghiệp hai năm ở Học viện Không quân Trung Quốc trở về, lại mới tiếp tục học tại Trường cao cấp Nguyễn Ái Quốc, trở thành một trong những người đầu tiên được chọn vào Nam Bộ. Tháng 10 năm 1964, Ông ở trong Đoàn 125 vượt biển trên con tàu “không số” trở lại chiến trường xưa, với bí danh Hoàng Dân (Tư Dân) về thẳng miền Tây chuẩn bị cho việc xây dựng sư đoàn chủ lực đầu tiên ở vùng sông nước Chín Rồng. Tuy nhiên, do điều kiện chưa cho phép, Ông lên miền Đông tham gia xây dựng Sư đoàn 9 chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam, làm Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn…

Gắn bó lâu dài và sâu sắc với Nam Bộ nên Hoàng Thế Thiện cũng am hiểu và có nhiều tình cảm với mảnh đất phương Nam này. Thiếu tướng Trần Đình Cửu, bạn cùng trường với Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện từ thuở thiếu thời ở Hải Phòng đã thổ lộ: “Nhìn lại cuộc đời hoạt động của Anh Hoàng Thế Thiện, tôi thấy ở Anh nổi lên tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt”. Tuy sinh ra và lớn lên ở quê hương miền Bắc nhưng Anh rất xứng đáng là người con thân yêu của Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”. Qua hai cuộc kháng chiến, Anh đã có những đóng góp xứng đáng trong bước đầu xây dựng lực lượng quân sự ở chiến trường Nam Bộ. Công lao của Anh được đồng bào, chiến sĩ miền Nam nhất là ở Khu 9 và miền Đông Nam Bộ luôn nhớ mãi”.

Trân trọng những đóng góp của Ông với đất nước, nhất là với Nam Bộ, trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của Ông, Hãng phim TFS – Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành bộ phim tài liệu Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện ba lần Nam tiến do Việt Bình làm đạo diễn, dựa theo bài báo Một vị tướng ba lần đánh giặc ở Phương Nam của nhà báo Đinh Phong (đăng trên nguyệt san Đại đoàn kết số 164, tháng 12 năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam).

4. Đền ơn đáp nghĩa

Từ cuối năm 1978, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng được đặc phái sang chiến trường Cam-pu-chia làm nghĩa vụ quốc tế, giữ các trọng trách: Trưởng ban B.68 Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Đoàn Chuyên gia Việt Nam, Cố vấn cho Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia, Phó Tổng đoàn Chuyên gia Việt Nam, Phó Tư lệnh Chính trị Quân tình nguyện kiêm Trưởng đoàn chuyên gia Quân sự Việt Nam.

Tháng 7 năm 1982, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện được “triệu hồi” về nước làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Thương binh và Xã hội. Điều này không có gì lạ, nếu ta biết rằng, vị tướng có tấm lòng nhân hậu này ngay trong mưa bom bão đạn của chiến tranh chống Mỹ đã nghĩ đến việc đền ơn đáp nghĩa những người đã hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc. Hãy nghe Thiếu tướng Võ Sở thổ lộ: “Một điều làm chúng tôi luôn trân trọng là từ năm 1973 khi chiến tranh chưa kết thúc, Anh Thiện đã cùng Bộ Tư lệnh Đoàn 559 chủ trương lập các đội tìm kiếm mộ, bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh trên đường Trường Sơn, chuẩn bị cho việc xây dựng nghĩa trang liệt sĩ của Bộ đội Trường Sơn. Trong hai năm đã tìm kiếm được hơn 10.000 hài cốt liệt sĩ và đến đầu năm 1975 (khi chưa giải phóng hoàn toàn miền Nam), Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã tổ chức xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ở Gio Linh, Quảng Trị – một nghĩa trang có qui mô lớn nhất nước ta được xây dựng rất sớm”.

Có thể nói, việc làm có ý nghĩa đó thể hiện một tầm nhìn, một tinh thần trách nhiệm và một tấm lòng nhân nghĩa cao đẹp của một con người mà theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Suốt đời chiến đấu vì sự nghiệp của Đảng, của Dân tộc, đồng chí có ưu điểm nổi bật là dù ở cương vị nào cũng là tấm gương đoàn kết và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng chí, đồng đội tin yêu”.

Nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4 Nguyễn Văn Quảng, người có nhiều gắn bó với Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện từ chiến trường đến chính trường, đã tâm sự: “Trong từng bước đi và trưởng thành, tôi rất quý các kinh nghiệm của Anh về phát triển tư duy và sáng tạo mà không hề là những công thức theo một khuôn mẫu xơ cứng. Và điều vui ở cuối đời phục vụ cách mạng, Anh và tôi được trên điều động cùng về làm Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội. Ở đây, Anh và tôi lại cùng gặp nhau rất “ý hiệp tâm đầu”. Nghĩa là thời chiến tranh, hai anh em cùng góp sức đánh địch ở chiến trường miền Nam, cùng đi giúp bạn, nay thắng lợi và đất nước hòa bình, Anh và tôi cùng được về góp sức nhằm thực hiện các chính sách hậu phương, góp phần khắc phục các hậu quả chiến tranh, góp một phần công sức cho ổn định và phát triển”.

Vâng, đóng góp của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện và những đồng đội của Ông sẽ còn mãi trong ký ức của Dân tộc, nhất là đồng bào Nam Bộ, đúng như lời Thiếu tướng – Phó giáo sư – Tiến sĩ Trịnh Vương Hồng, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam nhận định: “Cuộc đời và sự nghiệp của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện là một tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, một vị tướng trưởng thành từ cơ sở, qua nhiều cương vị, là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội đứng mũi chịu sào của nhiều đơn vị. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí đã được Đảng tin cậy giao nhiệm vụ vào chiến trường Nam bộ trong thời điểm khó khăn nhất nhưng đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Dù Ông đã mãi mãi ra đi vào ngày 5 tháng 9 năm 1995 nhưng hình ảnh và công lao của vị tướng có tài tổ chức và chỉ huy chiến đấu, một Chính ủy kiên trung, mẫu mực, một trái tim nhân hậu, nghĩa tình vẫn còn in đậm trong tâm khảm mọi người.

P.H

(Bài viết được trích đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay số 478 ngày 20 tháng 11 năm 2003)

Các bài viết liên quan

Video

Chuyên mục

Tag