Về trang chủ

Đi trong “Trận đồ bát quái” Trường Sơn

09/02/2015 , Bài viết có liên quan đến Hoàng Thế Thiện

LTS: Tác giả người Mỹ viết trong cuốn sách “Một di sản cay đắng Việt Nam và nền dân chủ Mỹ” xuất bản ở Luân Đôn (Anh) năm 1967, viết về đường Trường Sơn- Hồ Chí Minh như sau: “Đó không phải là con đường rộng lớn làm cho máy bay có thể hoạt động được, mà là một “Trận Đồ Bát Quái” gồm những mạng lưới đường xuyên qua rừng rậm”.
Báo Quân đội nhân dân xin trích đăng nhật ký của đồng chí Trần Ngọc, phóng viên Báo Quân đội nhân dân, về một trong những lần đi qua “Trận Đồ Bát Quái” đó để vào chiến trường Nam Bộ.
Theo đoàn xe trong đợt tổng công kích vận chuyển hàng quân sự trước mùa mưa
5-5-1973
Giao xong nhiệm vụ vào chiến trường Nam Bộ cho mình, Phan Huỳnh và Minh Điền, đồng chí Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân đưa cho hai tờ giấy: “Đây là giấy tờ cần thiết để đi đường. Sẽ có xe ô tô đưa các đồng chí đến cơ quan Bộ tư lệnh đoàn 559. Từ đó phải tự liên hệ lấy”.
Mình đọc nhanh. Đó là giấy giới thiệu hành quân số 367, ghi rõ: “Đoàn mang phiên hiệu QL 203, quân số 3 người. Đoàn trưởng: Trần Ngọc. Đi Nam Bộ/ 470”. Kèm theo là bức thư tay của đồng chí Hoàng Thế Thiện, Chính ủy đoàn 559, gửi Bộ tư lệnh 470. Thư viết: “Đoàn cán bộ 3 người do Báo QĐND phái vào B2 gấp. Mong các anh bố trí cho anh em đi ca nô hoặc xe vào BTL B2 kịp thời gian. Đoàn do đồng chí Trần Ngọc, Thiếu tá, làm trưởng đoàn”. Thế là bọn mình lên đường.
6-5-1973
Vào đến cơ quan chính trị đoàn 559, được anh Quang Vân, chủ nhiệm và anh Lục Văn Thao, cán bộ Báo Trường Sơn giúp đỡ rất tận tình. Chỉ trong ngày, anh Quang Vân cho biết: “Sắp tới có hai đoàn xe con vào 470 và B2, nhưng chưa xác định ngày đi cụ thể. Hiện chỉ có đoàn xe của tiểu đoàn 72 ô tô vận tải đang chuẩn bị để ngày mai thực hiện đợt Tổng công kích vận chuyển hàng hóa vào chiến trường trước mùa mưa. Xe sẽ chạy suốt ngày, đêm; vất vả đấy nhưng đến vùng ba biên giới nhanh lắm!”.
Nghe anh Quang Vân nói thế, bọn mình quyết định xin đi theo đoàn xe ô tô vận tải tiểu đoàn 72. Anh Lục Văn Thao lấy ngay mấy bọc báo Trường Sơn mới in xong, vui vẻ nói: “May quá! Nhờ các anh mang theo món ăn tinh thần này, cứ thấy chỗ nào có bộ đội, thanh niên xung phong thì gửi báo xuống cho anh chị em đọc”. Thế là ngay tối hôm đó, bọn mình được đưa tới khu vực xe tập kết ở Mỹ Đức (Lệ Thuỷ-Quảng Bình) để chuẩn bị xuất phát.
Trời đang oi bức, bỗng nổi gió lớn, rồi mưa sầm sập trút xuống. Mình, Phan Huỳnh và Minh Điền, mỗi người được xếp đi theo một xe chở đầy hàng quân sự, ngồi trong buồng lái cùng hai lái xe của đại đội 3. Muỗi ở đây nhiều quá, chúng bâu vào cổ, vào mặt mà đốt; không thể xua được, đành phải ngồi chịu trận.
7-5-1973
4 giờ sáng, trời còn mù sương, xe bắt đầu chuyển bánh. Đoàn xe của tiểu đoàn 72 rất dài, chia thành nhiều đội, mỗi đội lại chia thành nhiều tốp, xuất phát cách nhau một khoảng thời gian quy định. Các tốp xe được phép chạy theo lộ trình, không phải dừng lại chờ xe bị hỏng hóc, vì đầu đoàn xe và cuối đoàn xe đều có cán bộ chỉ huy và các xe sửa chữa lưu động dọc đường.
Đỗ Ngọc Bảo, chiến sĩ lái xe, quê ở Tân Lại, Tân Khang, Nông Cống, Thanh Hóa, ngồi bên mình vừa lái xe, vừa giới thiệu những địa danh xe chạy qua.
Ngày đầu tiên, xe qua làng Ho, Dốc Khỉ dài 16km, bên dãy núi cao 1.007m, có con đường mây phủ được mang tên Đèo Mây. Đến 10 giờ sáng, Bảo cho xe dừng lại nghỉ ở cửa khẩu 27 (nơi tháng trước máy bay B52 Mỹ rải thảm liên tục) để nấu cơm ăn. Với tác phong sinh hoạt dã chiến thuần thục, chỉ trong vòng 30 phút, hai chiến sĩ lái xe đã cho mình ăn xong một bữa cơm nóng, thịt hộp, có nước trà Ba Đình và thuốc lá Tam Đảo, rồi lại khẩn trương lên đường vượt đèo dốc Trường Sơn.
Trời sẩm tối, xe đang chạy trên đường 22 A thì được tin chiếc xe vận tải Phan Huỳnh đi nhờ bị hỏng, tụt lại phía sau, không biết có theo kịp đội hình không. Cậu Bảo biết mình lo Phan Huỳnh bị lạc, nói cho mình yên tâm: “Anh đừng lo. Tiểu đoàn đã giao nhiệm vụ đưa các anh đến trạm đầu tiên của đoàn 470 ở vùng ba biên giới. Đến đó, nhất định các anh sẽ gặp lại nhau”. Đêm hôm ấy, đoàn xe vận tải đuổi kịp đoàn xe dân-chính-đảng vào B3. Hai đoàn xe gặp nhau trong một cánh rừng thưa, trên đường 22 A. Có tiếng máy bay Mỹ ầm ì trên trời đêm. Tất cả xe ô tô tắt máy, dừng lại, tạm nghỉ tại chỗ cho đến khi máy bay bay xa mới tiếp tục lên đường.
8-5-1973
Đoàn xe vượt qua sông Sê Ta Nông và nhiều đoạn đường lầy lội, dốc cao. Nhiều xe phải nhờ sự trợ giúp của xe ba cầu dùng tời kéo mới qua được trở ngại.
9-5-1973
Khoảng 5 giờ chiều, xe đến được trạm tiếp xăng. Trong khi một lái xe đi nhận xăng, thì Bảo giới thiệu mình với một cán bộ trạm: “Đây là nhà báo đi cùng xe”. Thế là mình có tiêu chuẩn như một lái xe trong đợt tổng công kích này. Mọi người được ăn bữa cơm bồi dưỡng rất ngon với thịt gà, thịt hộp, miến, khoai tây. Ăn xong, trước lúc đi tiếp, mỗi người còn được trạm phát cho một cái bánh chưng, hai cái kẹo, hai điếu thuốc lá. Việc tổ chức bảo đảm cho lái xe trên đường thật chu đáo.
10-5-1973
Xe chạy tới một vùng rừng khoọc. Sau những trận mưa đầu mùa, lá khoọc xanh rờn, xòe ra ở đầu những cành cây khô nứt nẻ. Đặc biệt là những bụi le rải rác dọc đường, mùa khô lá rụng hết, vậy mà bây giờ, trên thân cây le đã nảy ra tua tủa những chồi non tơ, trông đẹp lạ lùng.
Vượt qua hai đỉnh dốc cao lầy lội, rồi vượt qua ngầm sông Sê Nọi, đoàn xe của đại đội 3 dừng lại nghỉ dọc theo bờ sông. Sông Sê Nọi là một nhánh của sông Sê Kông, đoạn này nước nông, đá nhấp nhô từng vạt, chảy uốn quanh giữa hai bờ rừng khoọc, trông đẹp như tranh vẽ.
14 giờ, đoàn xe lại lên đường, vượt qua ngầm Bạc-một ngầm rộng, nước chảy ào ào như thác và hối hả tiến về phía nam cho tới lúc không nhìn rõ mặt người mới được nghỉ, nấu cơm ăn trong một cánh rừng.
Một cán bộ đại đội 3 cho biết: Đây là nơi kín đáo, an toàn, đơn vị nghỉ lại, sáng mai mới đi tiếp. Mình rời khỏi buồng lái, nhìn ra xung quanh đã thấy các tiểu đội đang nhen lửa nấu cơm. Không gian im ắng. Từng đám lửa nhỏ rải rác trong rừng đêm.
Mình đến bên Bảo, hỏi: “Bao giờ chúng ta đến trạm đầu của đoàn 470?”. “Khoảng trưa ngày mai. Anh em mình sắp chia tay rồi”. Bảo ngập ngừng một lát rồi ướm hỏi: “Các anh có thể chụp ảnh cho chúng em để kỷ niệm không?”.
Mình bàn với Minh Điền dành một cuộn phim chụp ảnh cho cán bộ đại đội xe ngay tại nơi xe dừng nghỉ. Có ánh sáng của hai đèn pha ô tô hỗ trợ thêm cho đèn máy ảnh, Minh Điền hoàn thành công việc khá thuận lợi. Chụp ảnh xong, Minh Điền trùm vải bạt tráng phim ngay để giao phim cho đơn vị, vì nếu không làm như vậy thì biết đến bao giờ anh em lái xe mới gặp được lại chúng mình.
11-5-1973
Một trận mưa lại đột ngột ập đến. Đoàn xe vẫn lên đường đi tiếp, vượt qua sông Sê Ca Máng, trên một chiếc cầu phao.
10 giờ 30 phút, xe dừng lại trước một trạm gác bên đường. Bảo nói: “Đã đến lúc các anh phải vào đoàn 470 rồi. Đơn vị em còn phải đưa hàng sang phía B3”. Bảo đưa ba lô, bao gạo và mấy phong lương khô rồi ôm lấy mình, nghẹn ngào nói tiếp: “Anh cứ đứng đợi ở đây, thế nào anh Điền, anh Huỳnh cũng sẽ xuống trạm này. Thôi, em đi nhé! Các anh chú ý giữ sức khoẻ!”.
Mình đeo ba lô vào trạm, đưa giấy giới thiệu hành quân và thư tay của đồng chí Hoàng Thế Thiện. Người cán bộ trực ban đọc xong các giấy tờ, ân cần cho biết tình hình các tuyến đường giao liên hiện nay. Bây giờ đang là thời điểm cuối mùa khô, đầu mùa mưa, các trạm giao liên tuyến bên này đang chuyển sang tuyến bên kia. Đường bộ tạm dừng. Đường sông cũng vậy, bởi vì các đơn vị quan sát báo động máy bay và pháo phòng không cũng đã chuyển địa điểm, không còn điều kiện để đảm bảo an toàn được nữa. Phải chờ đi tuyến bên kia thôi.
Theo yêu cầu của mình, anh trực ban hứa là sẽ báo cáo cấp trên để xem có cách gì cho đoàn tiếp tục đi không?
12-5-1973
Nằm đợi ở trạm. Ngày ăn ba bữa cơm với món thức ăn duy nhất là cá khô.
13-5-1973
Cán bộ trạm tìm đến tận chỗ mắc võng, thông báo: Đơn vị giao liên sẽ tổ chức cho đoàn mình và một số đoàn cán bộ khác nằm chờ đã lâu, đi bằng ca nô. Từ đây đến địa điểm chờ ca nô phải hành quân bộ ba ngày, qua một vùng rừng khoọc, qua một khúc sông Sê Ca Máng, qua thị trấn Măng Đen và thị xã A Tô Pơ. Cũng là một dịp đi du lịch đấy, mỗi người phải mang theo ba ngày gạo.
16-5-1973
Đúng lịch trình định sẵn, bọn mình vượt sông sang thị xã A Tô Pơ. A Tô Pơ rất đẹp, cây cối xanh rờn. Những hàng dừa nhấp nhô. Trên dòng sông hiền hòa, những con thuyền độc mộc dài thon như những con thoi chở bộ đội qua sông. Ba người một đò. Cô gái Lào duyên dáng cầm mái chèo mềm mại khua nước đưa thuyền qua sông. Phố ở A Tô Pơ nhỏ, có nhiều hàng tạp hóa. Phần lớn nhà làm hai tầng bằng gỗ. Đặc điểm Lào rõ nhất là hai mái nhà lợp tôn cao nhọn; nhà hai tầng nhưng vẫn thấy hình dáng là nhà sàn, có quây kín tầng dưới.
Tình cờ gặp một ông già Việt kiều trên đường phố. Thấy mình đi qua, ông chạy tới tay bắt mặt mừng, mắt đỏ hoe, nghẹn ngào chào hỏi.
Qua A Tô Pơ xinh đẹp, phải hành quân trong một vùng rừng khoọc rộng lớn. Gần trưa, trời bỗng nắng gắt, hơi nóng bốc lên hầm hập. Đã có người nôn oẹ, say nắng.
Khi mặt trời lặn, bọn mình mới đến trạm 79, nơi chờ ca nô. Đêm nay mắc võng ngủ ngoài trời. Không biết hôm nay là ngày bao nhiêu âm lịch mà trăng sáng thế.
Đi ca nô trên sông Sê Kông
19-5-1973
Đồng chí trạm trưởng trạm 79 thông báo: “Chiều nay, có ca nô từ đây vào trạm 83. Các anh chuẩn bị lên đường đi. Cùng đi ca nô với các anh còn có đoàn cán bộ tham mưu và quân y. Để thống nhất quản lý đi đường, trạm cử anh làm trưởng ca nô đấy!”.
17 giờ 30 phút, ca nô mở máy chạy xuôi theo dòng sông Sê Kông. Chiếc ca nô bằng gỗ, gài kín lá ngụy trang, có máy nổ đặt ở sau lái.
Nguồn: qdnd.vn

Các bài viết liên quan

Video

Chuyên mục

Tag