Về trang chủ

Chiến dịch Xuân Lộc (từ 9 đến 20/4/1975)

01/04/2015 , Bài viết có liên quan đến Hoàng Thế Thiện

Trần Nga
Chiến dịch Xuân Lộc (từ 9 đến 20/4/1975) – chiến dịch tiến công của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975 nhằm đánh chiếm khu vực phòng thủ trọng yếu của quân đội Sài Gòn ở phía đông bắc Sài Gòn (Biên Hòa – Xuân Lộc – Bà Rịa – Vũng Tàu), tạo đà trực tiếp cho Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26 đến 30/4/1975), giải phóng Sài Gòn – Gia Định, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam.
Tư lệnh chiến dịch: Hoàng Cầm.
Chính ủy: Hoàng Thế Thiện.
Lực lượng của ta: Quân đoàn 4 (Thiếu Sư đoàn 9); Sư đoàn bộ binh 6 (Quân khu 7); 1 trung đoàn tăng, thiết giáp; 1 trung đoàn pháo binh; Trung đoàn 95B thuộc Sư đoàn bộ binh 325 (được tăng cường vào thời gian cuối chiến dịch); 1 đại đội xe tăng.
Lực lượng địch: Sư đoàn bộ binh 18 (Quân đoàn 3), 1 liên đoàn Biệt động quân, 1 trung đoàn Thiết giáp, 9 tiểu đoàn Bảo an; được chi viện hỏa lực pháo binh, máy bay. Trong quá trình chiến đấu được tăng cường Lữ đoàn Dù 1, Trung đoàn Bộ binh 8 (Sư đoàn 5); 1 liên đoàn Biệt động quân; 1 trung đoàn Thiết giáp.
Diễn biến chiến dịch:
Sáng ngày 9/4/1975, chiến dịch mở màn. Trên các hướng, ta đồng loạt nổ súng tiến công địch vào Xuân Lộc và tiểu khu Long Khánh. Địch chống trả quyết liệt. Chúng dùng trực thăng đổ bộ 1 lữ đoàn Dù xuống ven thị xã Long Khánh để chi viện, tiếp đó tăng viện thêm 2 lữ đoàn Thủy quân lục chiến, 1 liên đoàn Biệt động quân, 1 trung đoàn Bộ binh của Sư đoàn 5, 8 tiểu đoàn Pháo binh và 2 chiến đoàn Xe tăng – Thiết giáp.
Ở ngã ba Dầu Giây, Sư đoàn 6 tập kích chiếm 5 chốt của địch và làm chủ đoạn từ Hưng Nghĩa đến đèo Mẹ Bồng Con (trên Quốc lộ 1). Kết thúc ngày đầu chiến dịch, ta làm chủ được một nửa thị xã, cắt đường 1 đoạn ngã ba Dầu Giây –đèo Mẹ Bồng Con.
Ngày 10/4, ta chiếm sân bay, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 43 (Sư đoàn 18), đánh Lữ đoàn Dù 1 vừa đổ xuống Tân Phong. Địch phải điều thêm 1 liên đoàn Biệt động quân, Trung đoàn 8 (Sư đoàn bộ binh 5) để tăng viện cho Xuân Lộc.
Ngày 12/4, để giữ Xuân Lộc, địch tăng cường lực lượng, vũ khí và phương tiện chiến tranh, bao gồm: Lữ đoàn 1, Lữ đoàn 3 Thủy quân lục chiến, Chiến đoàn 318, chiến đoàn 322 Biệt động quân, Trung đoàn 8, Sư đoàn 5, tập trung 80 lần chiếc máy bay chiến đấu mỗi ngày trực tiếp chi viện cho các mũi phản kích.
Ngày 13/4, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định thay đổi cách đánh: bao vây Xuân Lộc, đánh quân tiếp viện của địch. Bố trí một bộ phận lực lượng ở lại kiềm chế, nghi binh địch, còn đại bộ phận nhanh chóng rút về tuyến sau để củng cố lực lượng.
Sáng 15/4, Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B tập kích diệt Trung đoàn 52 (Sư đoàn 18) ở ngã ba Dầu Giây, tạo thế bao vây, cô lập hoàn toàn thị xã Long Khánh.
Ngày 18/4, trước nguy cơ bị tiêu diệt, Sư đoàn 18 rút chạy khỏi Xuân Lộc.
Ngày 20/4, lợi dụng lúc trời mưa lớn, toàn bộ quân địch ở Xuân Lộc đã tháo chạy về hướng Bà Rịa – Vũng Tàu theo tỉnh lộ 2. Ta truy kích bắt đại tá tỉnh trưởng tỉnh Long Khánh. Chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc thắng lợi. Thừa thắng, quân và dân các địa phương đã tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh Long Khánh.
Kết quả, ý nghĩa:
Kết quả: Ta đã đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 18, Lữ đoàn Dù 1, diệt 2.056 tên, bắt 2,785 tên địch, thu 48 ô tô, 1.499 súng các loạt, phá hủy 42 xe tăng, xe thiết giáp, 16 xe ô tô, giải phóng Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh.
Chiến dịch tiến công Xuân Lộc thắng lợi đã đập tan “cánh cửa thép” cửa ngõ phía Đông Sài Gòn làm rung chuyển cả hệ thống phòng thủ còn lại của địch ở xung quanh Sài Gòn. Thắng lợi của chiến dịch đã tạo ra một địa bàn tập kết thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực tiến công vào Sài Gòn từ hướng Đông, một thế trận mới có lợi cho chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn – Gia Định, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam./.
Nguồn: btlsqsvn.org.vn

Tag

Các bài viết liên quan

Video

Chuyên mục

Tag