Về trang chủ

Đột phá Xuân Lộc – Long Khánh mở toang cánh cửa vào Sài Gòn

18/03/2015 , Bài viết có liên quan đến Hoàng Thế Thiện

Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh
Sau khi tham gia giải phóng một vùng rộng lớn từ An Lộc Chơn Thành đến Thủ Dầu Một (Đường 13), giải phóng Định Quán – Lâm Đồng Tuyên Đức Jiring (Đường 20), Quân đoàn 4 mở rộng bàn đạp phía Đông Bắc Sài Gòn để tiến vào Sài Gòn. Từ 30 tháng 3 năm 1975, Quân đoàn 4 được lệnh mở chiến dịch giải phóng thị xã Xuân Lộc tỉnh Long Khánh. Trong đợt 1 chiến dịch, Bộ Tư lệnh Quân đoàn tập trung lực lượng tấn công quân địch ở thị xã Xuân Lộc để giải phóng tỉnh Long Khánh trong một thời gian ngắn, lúc địch đã tổ chức phòng thủ với lực lượng tương đối mạnh, nhưng chưa được tăng cường lực lượng tổng dự bị lớn và thế bố trí chưa được củng cố vững chắc.
Từ ngày 9 tháng 4 tới 11 tháng 4, qua ba ngày đêm chiến đấu tuy địch bị tổn thất nặng, có đơn vị của ta đã vào chiếm dinh Tỉnh trưởng, nhưng ta chưa tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn địch và chưa chiếm được thị xã Xuân Lộc, tổn thất ta tương đối lớn. Trước tình hình nguy ngập uy hiếp tuyến phòng thủ Đông Bắc Sài Gòn, Tổng thống Mỹ cử tướng Phrederich Weyand, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, nguyên Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã cùng đội quân xâm lược Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam sau hiệp định Paris (27-1-1973), nay lại trở lại hỗ trợ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Chúng tăng cường lực lượng của Quân đoàn 3 ngụy và một bộ phận tổng dự bị ra phòng thủ thị xã Xuân Lộc Long Khánh.
Lực lượng địch ở thị xã và xung quanh gồm 6 trung đoàn của hai sư đoàn (sư 18 và sư 5), 4 thiết đoàn thiết giáp, 8 tiểu đoàn pháo gồm 50 khẩu có hai khẩu pháo lớn l5 ly (tầm bắn trên 20 km), với số quân lên tới 25.000 tên có chi viện bằng máy bay với đủ các loại bom có uy lực mạnh (CBU). Địch tổ chức một khu vực phòng thủ vững chắc ở thị xã Xuân Lộc, được ví như một “Điện Biên Phủ thứ hai”.
Weyand đánh giá “Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn” Lê Minh Đảo tư lệnh sư đoàn 18 thì hò hét “tử thủ bằng mọi giá”!.
Tối ngày l0 tháng 4, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, sau khi vào căn cứ, Sở chỉ huy Miền ở Lộc Ninh đã gọi điện thoại nói chuyện với đồng chí Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn 4. “Tình hình các Quân đoàn (3 và 2) các cánh quân phía Bắc đang phát triển thuận lợi, Quân đoàn 4 phải “dứt điểm” Xuân Lộc, nhưng cách đánh phải thay đổi không tiếp tục tiến công vào thị xã Xuân Lộc nữa, mà chuyển ra đánh địch ở vòng ngoài, chia cắt hậu phương địch, tiến tới giải phóng thị xã Xuân Lộc sau”.
Ngày 13-4-l975 Thượng tướng Trần Văn Trà, Phó tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, tới Sở chỉ huy Quân đoàn 4 chỉ đạo cách đánh cụ thể: Quân đoàn chuyển lực lượng ra đánh địch ở ngã ba Dầu Giây, Núi Thị, một bộ phận tiếp tục bao vây kiềm chế địch ở thị xã Xuân Lộc, đánh địch phản kích và tiến tới tiến công giải phóng Xuân Lộc. Thực hiện phương án tác chiến mới này, 16 giờ 55 phút ngày 15-4-1975, sư 6 (của quân khu 7 tăng cường cho Quân đoàn 4) bắt đầu tấn công địch. Sau một giờ chiến đấu ta tiêu diệt và đánh tan chiến đoàn 52, diệt gọn một tiểu đoàn pháo binh giải phóng hoàn toàn chi khu Gia Kiệm và đoạn đường 20 giáp Đường số 1.
Đến ngày 17-4-l975, quân ta tiếp tục đánh bại các cuộc phản kích của địch.
Ngày 18-4-1975 sư đoàn 7 của Quân đoàn 4 sử dụng trung đoàn bộ binh 14, cơ động xuống phía Nam thị xã, bao vây tiêu diệt và đánh tan lữ dù 1, giải phóng chiến khu Tân Phong, Sư đoàn 341 tiêu diệt quân địch ở Núi Thị và đông thị xã.
Tối 20-4-1975, địch phải rút chạy và đến 8 giờ ngày 21-4-l975, quân địch đã rút toàn bộ ra khỏi thị xã Xuân Lộc.
Sáng ngày 21-4-l975, 4 tiểu đoàn nguỵ bạc nhược còn lại cùng Tư lệnh sư đoàn 18 Lê Minh Đảo, giữa vùng gạch ngói đổ nát tan hoang, đã lên máy bay lên thẳng, rút chạy khỏi Xuân Lộc.
Khu vực phòng thủ án ngữ Đông Bắc Sài Gòn sụp đổ tan tành. Quân đoàn 4 đã tiêu diệt các chiến đoàn (52, 43, 48) của sư 18 nguỵ cùng 3 lữ đoàn thiết giáp.
Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Chiến thắng Xuân Lộc đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn, làm cho tinh thần ngụy càng thêm suy sụp…”. Trong quá trình quân ta tiến công đợt 2 của chiến dịch, trước nguy cơ Xuân Lộc thất thủ, ngày 18-4-1975, Tổng thống Mỹ đã phải ra lệnh tất cả người Mỹ di tản khỏi Sài Gòn. Tướng Weyand, tác giả của kế hoạch phòng thủ Xuân Lộc – Long Khánh đã phải thốt lên: “Thế là hết! Tình hình quân sự là tuyệt vọng!”.
Hai ngày sau (23-4-1975), trong một bài diễn văn đọc tại trường Đại học New Orleans, Tổng thống Mỹ Gérald Eord tuyên bố: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với Mỹ! Không thể giúp đỡ người Việt Nam được nữa! Họ phải đương đầu vời bất cứ số phận nào đang đợi họ”.
Từ trưa 21-4-1975, được tin Xuân Lộc thất thủ, Thiệu đã triệu tập Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và Phó tổng thống Trần Văn Hương đến văn phòng buồn rầu nói với họ là “ông ta từ chức, tình hình quân sự theo ông ta diễn tả là tuyệt vọng, nếu ông ta cứ tiếp tục tại chức, thì không có mục đích gì cả, và việc này là chỉ cản trở một giải pháp mà thôi…”.
Chiều ngày 21-4-1975, Thiệu tuyên bố từ chức, giao quyền cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương, một ông già đã 71 tuổi, ốm yếu vì bệnh thấp khớp nặng, đôi mắt gần như bị lòa, nhưng vẫn hứa: “Sẽ giữ vững Sài Gòn cho đến khi quân đội chết hết hoặc đất nước bị mất…”. Sau khi tuyên bố từ chức, Thiệu lặng lẽ cuốn gói đồ đạc tài sản để trốn ra nước ngoài.
Còn Trần Văn Hương chỉ “giữ vững được 5 ngày, đến ngày 26-4-1975 trút bỏ gánh nặng cho Dương Văn Minh, để đầu hàng vô điều kiện khi quân ta tiến vào Dinh Độc Lập, giải phóng Sài Gòn vào 11 giờ 30 ngày 30-4-1975. Quân đoàn 4 đã giành được thắng lợi rực rỡ đó là nhờ:
Có sự lãnh đạo sáng suốt của Quân ủy Trưng ương, Quân ủy Miền và chỉ đạo của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với điện lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam! Quyết chiến và toàn thắng!”.
Có sự chỉ đạo của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, khi chỉ thị cho đồng chí Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn về chuyển hướng tấn công chủ yếu của chiến dịch giải phóng Xuân Lộc.
Có sự chỉ đạo trực tiếp về cách đánh cụ thể của Thượng tướng Trần Văn Trà, khi xuống Sở chỉ huy Quân đoàn 4 bàn bạc về phương án tác chiến với Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4.
Có sự chỉ đạo của Đại tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh phó chiến dịch Hồ Chí Minh, Tư lệnh cánh Đông (gồm Quân đoàn 2, Quân đoàn 4) tăng cường kịp thời trung đoàn 95B (sư đoàn 325) pháo và đạn pháo chỉ thị để kiên quyết nhanh chóng “dứt điểm Xuân Lộc”.
Ba mươi năm trôi qua, chúng ta không thể không nhớ đến Thượng tướng Hoàng Cầm là Tư lệnh Quân đoàn, “một vị tướng trận mạc”, đã trải qua một chặng đường dài 10.000 ngày chiến đấu không mệt mỏi, với nhiều chiến công lẫy lừng trên người đầy thương tích, trên ngực đeo nhiều huân chương cao quí. Chính ủy quân đoàn lúc đó là đồng chí Hoàng Thế Thiện (nay đã từ trần), một cán bộ chính trị cao cấp của quân đội, đã lặn lộn nhiều năm chiến trường miền Tây và miền Đông Nam Bộ, trên đường chiến lược Trường Sơn, đã đi sát động viên, lãnh đạo bộ đội trong các trận chiến đấu ác liệt ở những thời điểm rất khó khăn.
Nhiều cán bộ, chiến sĩ của Quân đoàn 4 và các đơn vị tăng cường cùng một số liệt sĩ của lực lượng vũ trang giải phóng và nhân dân quân Xuân Lộc – Long Khánh đã hy sinh trước cửa ngõ Sài Gòn, trước hơn 10 ngày giải phóng miền Nam. Chúng ta vô cùng thương tiếc các anh hùng liệt sĩ, cán bộ chiến sĩ Quân đoàn 4 và các đơn vị tăng cường, cán bộ chiến sĩ bộ đội địa phương và dân quân du kích và những người dân Xuân Lộc – Long khánh đã đổ máu hy sinh cuộc đời mình để cho nhân dân Xuân Lộc trong cuộc sống hôm nay, xây dựng quê hương tươi đẹp này!
Xuân Lộc và vùng phụ cận đã có cơ sở Đảng từ năm 1936. Những “hạt giống đỏ” đó đã chuẩn bị các điều kiện cùng toàn quốc tiến hành Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 thành công, kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm thắng lợi. Vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Xuân Lộc ở một vùng sâu bốn bề dày đặc những đồn bốt địch. Chúng càn quét đốt phá làng mạc, ruộng đồng, nương rẫy, hốt dân vào các ấp chiến lược để dễ bề kìm cặp khống chế.
Nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Xuân Lộc vẫn kiên trì bám trụ, gây cơ sở trong dân, thành lập các chi bộ để làm hạt nhân giữ vũng và phát triển phong trào; lập các đội biệt động ra vào hoạt động trong thị xã, diệt ác, phá tề, thu thập tình hình cung cấp cho các lực lương vũ trang đánh địch.
Đến tháng 3 năm 1975, Đảng bộ Xuân Lộc đã lãnh đạo nhân dân và các lực lượng vũ trang của địa phương mình nổi dậy làm chủ vùng ven thị xã, gồm 4 ấp (Bảo Vinh A, Bảo Vinh B, Suối Chồn, Bình Lộc) cửa ngõ của Bắc thị xã.
Đến tháng 4-1975, khi Quân đoàn 4 được lệnh gấp vào mở chiến dịch giải phóng Xuân Lộc Long Khánh, trong thời gian chuẩn bị rất ngắn, chưa nắm được tình hình cụ thể các mặt, đã được nhân dân nội ngoại thị xã Xuân Lộc hưởng ứng ủng hộ rất nhiệt tình.
Thị ủy Xuân Lộc đã vận dộng nhân dân chuẩn bị sẵn sàng hàng ngàn giạ lúa, nhiều thực phẩm thuốc men, hàng trăm thùng phuy nước (vì ở đây mùa khô hiếm nước) phục vụ Quân đoàn 4 trong suốt quá trình chiến dịch. Trong quá trình chiến dịch, bộ đội địa phương và dân quân du kích Xuân Lộc – Long Khánh đã kề vai sát cánh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực Quân đoàn 4 trong các trận chiến đấu quyết liệt tiêu diệt các chiến đoàn, các chi khu của địch, và độc lập tác chiến tiêu diệt nhiều đồn bốt đích trên đường giao thông và ven thị xã.
Những việc làm trên, những thành tích lớn lao đó của Đảng bộ chính quyền, nhân dân Xuân Lộc – Long Khánh đã thực sự là “người mở đường chuẩn bị các điều kiện thuận lợi cho Quân đoàn 4, là người dẫn đường và bảo đảm hậu phương, hậu cần cho Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng Xuân Lộc, trong thời gian chuẩn bị gấp và chưa quen thuộc tình hình ở địa phương.
Bài viết được đăng trên tạp chí Xưa & Nay số 233 (năm 2005), trang 6-8.

Tag

Các bài viết liên quan

Video

Chuyên mục

Tag