Bộ chỉ huy Miền trong tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975
25/03/2015 , Bài viết có liên quan đến Hoàng Thế Thiện
Từ giữa năm 1974, khi ngụy quân ngụy quyền bắt đầu bộc lộ sự suy yếu toàn diện, khó có khả năng gượng dậy trước sức tiến công liên tục của lực lượng cách mạng miền Nam, Bộ Chỉ huy Miền đã gửi nhiều báo cáo với các số liệu tỉ mỉ, phân tích tình hình, nhận định đánh giá và đề đạt ý kiến với Trung ương Cục, Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị Trung ương Đảng.
Bộ Tư lệnh – Quân ủy Miền và chỉ huy các quân đoàn chụp ảnh lưu niệm tại phiên họp cuối cùng sau ngày giải phóng miền Nam. (Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện – Chính ủy Quân đoàn 4 là người trong ảnh có đánh dấu hình ngôi sao đỏ)
Điều kiện chín muồi
Căn cứ vào tình hình thực tế tại chiến trường tháng 9-1974, Bộ Chỉ huy Miền tiếp tục gửi báo cáo đóng góp ý kiến vào ý đồ kế hoạch giải phóng miền Nam trong vòng hai năm 1975-1976. Bộ Chỉ huy Miền cũng đề xuất các bước đi, cách đánh, phân chia các khu vực cần giải phóng theo thứ tự ưu tiên.
Tháng 10-1974, Bộ Chính trị ra dự thảo Nghị quyết với nội dung cơ bản trong thời gian 1975-1976 hoàn thành mọi công tác chuẩn bị tạo điều kiện chín muồi tiến hành tổng công kích tổng khởi nghĩa đánh đổ ngụy quyền, giải phóng miền Nam. Trên cơ sở ý định của Trung ương, Bộ Chỉ huy Miền xây dựng kế hoạch mùa khô 1974-1975 với những mục tiêu cơ bản: Tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng lực lượng và phương tiện chiến tranh của địch; phá cơ bản kế hoạch bình định của chúng trọng điểm ở đồng bằng sông Cửu Long; hoàn chỉnh căn cứ địa miền Đông Nam bộ, giải phóng đường 14 Phước Long nối liền với Tây Ninh, tạo bàn đạp bao vây Sài Gòn từ hướng Bắc, giải phóng lộ 20 Tánh Linh – Võ Đắc – Xuân Lộc, tạo bàn đạp bao vây cô lập Sài Gòn từ hướng Đông; giải phóng Dầu Tiếng – Bàu Đồn – Truông Mít, uy hiếp lộ 22, tạo bàn đạp bao vây Sài Gòn từ phía Tây Bắc; giải phóng khu vực Bến Cát – Quéo Ba – phân tuyến Vàm Cỏ Đông, mở hành lang xuống đồng bằng, tạo bàn đạp bao vây Sài Gòn từ phía Tây, Tây Nam; đưa lực lượng đặc công biệt động bám vào Sài Gòn – Gia Định, tạo thế tại chỗ cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Cuối tháng 10-1974, Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng và Tư lệnh Miền Trần Văn Trà ra Hà Nội báo cáo nội dung kế hoạch với Trung ương. Do được chuẩn bị chu đáo từ trước, kế hoạch mùa khô 1974-1975 được các lực lượng vũ trang Miền triển khai thuận lợi và có hiệu quả. Ngày 6-1-1975, tỉnh Phước Long hoàn toàn giải phóng. Chiến thắng đường 14 – Phước Long chứng tỏ khả năng to lớn của quân chủ lực Miền trong việc đánh bại địch, giải phóng tỉnh và thị xã, rút ra những kinh nghiệm về chiến dịch, chiến thuật, thăm dò được phản ứng của quân ngụy, đặc biệt là của Mỹ. Thời cơ chiến lược để giải phóng miền Nam bắt đầu lộ diện.
Tháng 1-1975, Bộ Chính trị họp hội nghị thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam. Bộ Chỉ huy Miền điều chỉnh kế hoạch đợt 2 mùa khô 1974-1975 và thành lập Đoàn bộ binh 232 (tương đương quân đoàn, gồm Sư đoàn 5, Sư đoàn 3, Trung đoàn 16 do Nguyễn Minh Châu làm Tư lệnh, Lê Văn Tưởng làm Chính ủy). Ngày 1-4-1975, Bộ Chính trị họp hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Ngày 7-4-1975, phương án đánh vào Sài Gòn do Bộ Chỉ huy Miền soạn thảo được Trung ương Cục miền Nam thông qua. Nhưng sau đó, Bộ Chính trị chỉ đạo điều chỉnh, chủ trương tổ chức một chiến dịch quy mô lớn tập trung lực lượng với ưu thế áp đảo gồm 15 sư đoàn đánh thẳng vào Sài Gòn. Ngày 8-4, Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định (ngày 14-4 được Bộ Chính trị quyết định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh) được thành lập do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh.
Đồng loạt tiến công
Thực hiện ý định của Trung ương, Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo sắp xếp lại các đơn vị chủ lực, thành lập mới Sư đoàn đặc công 2, điều chuyển các đoàn hậu cần khu vực từ nhiệm vụ phục vụ cho các chiến dịch của Miền và các quân khu chuyển sang phục vụ cho 5 quân đoàn chủ lực của chiến dịch; chỉ huy lực lượng vũ trang B2 bắt đầu thực hiện các đòn chia cắt chiến lược. Quân đoàn 4 tiến công căn cứ Sư đoàn 18 ngụy tại Xuân Lộc. Lực lượng vũ trang đồng bằng sông Cửu Long tiến sát lộ 4, TP. Cần Thơ, TX. Vĩnh Long, các tỉnh lỵ, huyện lỵ. Toàn bộ lực lượng vũ trang thành đội Sài Gòn – Gia Định đã chiếm lĩnh các vị trí bàn đạp sát nội đô chuẩn bị sẵn sàng nổi dậy tại Sài Gòn.
Phương án thực hành Chiến dịch Hồ Chí Minh cơ bản như Bộ Chỉ huy Miền đã đề nghị trước đó nhưng được Bộ Chỉ huy Chiến dịch hoàn chỉnh hơn về nghệ thuật chiến dịch với việc sử dụng lực lượng áp đảo và các mũi đột kích thọc sâu. 5 cánh quân tiến từ 4 hướng vào Sài Gòn hình thành. Hướng Tây Bắc, mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất do Quân đoàn 3 (Tư lệnh: Vũ Lăng, Chính ủy: Đặng Vũ Hiệp) đảm nhiệm. Hướng Bắc và Đông Bắc, mục tiêu Bộ tổng Tham mưu do Quân đoàn 1 (Tư lệnh: Nguyễn Hòa, Chính ủy: Hoàng Minh Thi) đảm nhiệm. Hướng Đông và Đông Nam, mục tiêu Dinh Độc Lập do Quân đoàn 4 (Tư lệnh: Hoàng Cầm, Chính ủy: Hoàng Thế Thiện) và Quân đoàn 2 (Tư lệnh: Nguyễn Hữu An, Chính ủy: Lê Linh) đảm nhiệm. Hướng Tây và Tây Nam là hướng tiến công hiểm yếu, địa hình sông nước phức tạp. Bộ Chỉ huy Miền cử các phó tư lệnh và phó chính ủy Miền trực tiếp chỉ huy, mục tiêu: Biệt khu Thủ Đô và Tổng nha Cảnh sát, lực lượng: Đoàn 232 và các đơn vị địa phương (Tư lệnh: Lê Đức Anh, Chính ủy: Lê Văn Tưởng).
Ngoài một số đồng chí trong Bộ Chỉ huy và các cơ quan tham gia Bộ Tư lệnh và các cơ quan Chiến dịch Hồ Chí Minh, bộ phận còn lại chủ yếu là ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần của Bộ Chỉ huy Miền tập trung vào mặt trận đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn vào ngày 26-4, ngày 28-4 các cuộc tiến công và nổi dậy nổ ra đồng loạt trên toàn đồng bằng sông Cửu Long đến hết ngày 1-5-1975.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Bộ Chỉ huy Miền tự hào đã góp một phần công sức vào thắng lợi chung, từ việc nhận định tình hình, đề đạt phương án tác chiến, tạo thế tạo lực, tham gia chỉ đạo chỉ huy trong Chiến dịch Hồ Chí Minh và tổng tiến công và nổi dậy ở đồng bằng sông Cửu Long, giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước!
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sơn Đài
Nguồn: baodongnai.com.vn
Các bài viết liên quan
- Họp bàn Tổng tấn công
- Đột phá Xuân Lộc – Long Khánh mở toang cánh cửa vào Sài Gòn
- Bảo vật Quốc gia: Tấm bản đồ huyền thoại
- Chuyến vượt biển của bà Nguyễn Thụy Nga, phu nhân cố Tổng bí thư Lê Duẩn
- Đánh Trảng Bom, vào Sài Gòn
- Giải phóng Sài Gòn – Hoàn thành Lời thề Độc lập
- Trung đoàn Không quân đầu tiên của Việt Nam được thành lập thế nào
- Đi trong “Trận đồ bát quái” Trường Sơn
- Đường Hồ Chí Minh trên biển đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam
- Quân đoàn 4 – “Quả đấm thép” phía Nam: Ra đời trên chiến trường