Cảm nhận về hỏa lò của những sỹ quan làm công tác nghiên cứu lịch sử quân đội
08/10/2016 , Bài viết có liên quan đến Hoàng Thế Thiện
Nhân dịp kỷ niệm 62 năm ngày giải phóng Thủ đô, hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến, Ban Tổng kết và Biên soạn lịch sử – Bộ Tổng Tham mưu, do Đại tá Dương Văn Thụy – Trưởng ban làm trưởng đoàn đã có buổi dâng hương tưởng niệm và tham quan Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Đoàn gồm 10 thành viên là những sỹ quan làm công tác nghiên cứu lịch sử của Bộ Tổng Tham mưu – Quân đội nhân dân Việt Nam.
Là những người làm sử nên các thành viên trong đoàn đều hết sức quan tâm và chăm chú lắng nghe cán bộ chuyên môn giới thiệu về các nội dung đang trưng bày tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Ở mỗi phòng, đoàn đều dừng chân khá lâu để quan sát kỹ từng tài liệu, hiện vật, hình ảnh trên hệ thống trưng bày thường xuyên và cùng trao đổi thông tin với cán bộ chuyên môn của Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Bước chân vào khu trại giam nam, đoàn được nghe kể câu chuyện về những chiến sỹ cách mạng từng bị thực dân Pháp bắt, giam giữ, trong số đó có nhiều người sau này giữ các cương vị quan trọng trong lực lượng Quân đội. Nhiều người đã trở thành những vị tướng tài ba nơi trận mạc, là những người chỉ huy mẫu mực đối với nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam. Có thể kể ra đây những tên tuổi của các vị tướng đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi chiến sỹ, cán bộ, sỹ quan quân đội, đó là: Đại tướng Văn Tiến Dũng – Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Là Thượng tướng Song Hào – Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Đinh Đức Thiện – Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lê Hiến Mai – Nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng; Thiếu tướng Trần Tử Bình – Nguyên Tổng Thanh tra Quân đội; Là vị “Bao công” của Việt Nam, tướng Trần Đăng Ninh – Nguyên Chủ nhiệm đầu tiên của Tổng cục Hậu cần; Thiếu tướng Trần Thế Môn – Nguyên Chính ủy Binh chủng Công binh; Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện – Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng…
Đặc biệt, đoàn đã dừng chân khá lâu tại khu trại giam nữ, là những sỹ quan quân đội, là những người đàn ông luôn vững vàng trong mọi nhiệm vụ được giao, vậy mà các anh cũng không tránh khỏi những giây phút xúc động khi được tận mắt chứng kiến những phòng giam trong khu trại nữ. Có những giọt nước mắt đã trực trào ra trên khóe mắt chị em nữ trong đoàn khi được nghe kể về những năm tháng tù đày của bà Nguyễn Thị Quang Thái, em ruột nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai và là phu nhân của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Tham quan khu trưng bày về cuộc sống, sinh hoạt của tù binh phi công Mỹ, các thành viên trong đoàn đều có chung cảm nhận: Sự khoan hồng và bao dung của người Việt Nam luôn được trao truyền qua các thế hệ. Với các anh, các chị, những người làm sử trong quân đội là những người hiểu rất rõ về hoàn cảnh đất nước trong những năm kháng chiến chống Mỹ: cuộc sống của người dân và các chiến sỹ Quân đội Việt Nam còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề, vậy mà tù binh phi công Mỹ vẫn được đối xử như “những vị khách đặc biệt”. Khi được trao trả cho Chính phủ Hoa Kỳ, những tù binh phi công còn được khoác trên mình những bộ trang phục sang trọng, nhìn họ như những vị khách du lịch đến Việt Nam và đang quay trở về nước.
Kết thúc chuyến tham quan, Đại tá Dương Văn Thụy thay mặt đoàn đã ghi lại những dòng cảm xúc: “…Chúng tôi vô cùng khâm phục ý chí đấu tranh quật cường của các chiến sỹ cách mạng, các tù nhân tại Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, trong đó có các mẹ, các chị và sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ khi tuổi đời còn rất trẻ… Chúng tôi nguyện noi gương các đồng chí, phấn đấu học tập, rèn luyện, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào công tác giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc…”. Đó cũng chính là tâm nguyện của đội ngũ cán bộ, viên chức của Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò – những người đã và đang làm công tác nghiên cứu lịch sử, đang góp phần làm lan tỏa truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc tới các thế hệ người Việt Nam và khẳng định vị thế của đất nước Việt Nam trước bạn bè quốc tế./.
Nguyễn Khánh Hồng – Phòng Trưng bày Tuyên truyền, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò
Nguồn: http://hoalo.vn/Articles/12/263/Cam-nhan-ve-Hoa-Lo-cua-nhung-sy-quan-lam-cong-tac-nghien-cuu-lich-su-Quan-doi.html
Các bài viết liên quan
- Ngôi trường không có ngày khai giảng
- Chuyện ít biết về bức ảnh
- Ý nghĩa cuộc khởi nghĩa ở Thái Nguyên trong Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 (1)
- Trưởng ban tuyên giáo thành ủy TP.HCM đến thăm gia đình cố Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện
- Ngày 30/4/1975 của các vị tướng
- Quân đoàn 4 – “Quả đấm thép” hướng Đông trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
- Quân đoàn 4 – Cánh quân hướng Đông trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
- Để văn học về LLVT và chiến tranh cách mạng xứng tầm hiện thực: Tiểu thuyết sử thi và sự đổi mới thi pháp
- Họa sĩ Trần Duy nói về Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện
- Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện trong sách “Những người được Bác Hồ đặt tên”