Chuyến vượt biển của bà Nguyễn Thụy Nga, phu nhân cố Tổng bí thư Lê Duẩn
12/03/2015 , Bài viết có liên quan đến Hoàng Thế Thiện
Chắc hẳn trong hình dung của đông đảo bạn đọc, chủ nhân trên các chuyến Tàu không số mỗi lần ra khơi là một lần được Tổ quốc truy điệu sống, không thể là nơi dành cho các “nữ nhi thường tình”. Vậy mà có một người phụ nữ đã làm nên một kỳ tích trong bản hùng ca huyền thoại về Đường Hồ Chí Minh trên biển. Bà là Nguyễn Thụy Nga (tên thường gọi Bảy Vân), phu nhân của cố Tổng bí thư Lê Duẩn.
Lên tàu
Năm nay bà Bảy Vân đã qua ngưỡng bát thập. Dù sức khỏe đã cạn dần theo thời gian nhưng ký ức những năm tháng hoạt động cách mạng gian khổ, hào hùng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bà vẫn nhớ như in. Với bà, những ngày đi trên chuyến Tàu không số vượt biển từ Bắc vào Nam năm 1964 là một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời hoạt động cách mạng của mình. Khi chúng tôi hỏi về kỷ niệm một thời đáng nhớ ấy, bà mở tủ lấy ra một cuốn sách đưa cho chúng tôi:
– Những dấu ấn sâu sắc trong những năm tháng hoạt động cách mạng, trong đó có chuyến vượt biển bằng Tàu không số, cô đã ghi lại trong này. Cháu đọc qua, có gì cần trao đổi thêm, cô sẽ cung cấp.
Đó là bản thảo cuốn hồi ký bà mới viết trong thời gian gần đây. Trong hơn 200 trang sách, bà đã dành gần 20 trang kể về ký ức chuyến vượt biển có một không hai này.
Năm 1964, đồng chí Bảy Vân lúc đó là Ủy viên Ban biên tập Báo Hải Phòng. Do yêu cầu nhiệm vụ, phong trào cách mạng ở Nam Bộ đang cần những người phụ nữ làm công tác tuyên giáo, báo chí để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao hiệu quả đấu tranh chính trị kết hợp khởi nghĩa vũ trang nên Bảy Vân đã đề xuất với phu quân của mình là đồng chí Lê Duẩn cho mình được trở về miền Nam công tác. Để lại 3 đứa con thơ ở Hà Nội, Bảy Vân gác lại tình riêng, lên đường trở về miền Nam. Bà kể: “Lúc đầu, tổ chức định bố trí cho tôi đi cùng chuyến với anh Nguyễn Chí Thanh bằng tàu Trung Quốc chở vũ khí vào cảng Xi-ha-núc. Tôi sẽ đóng giả là vợ của vị thuyền trưởng. Nhưng rồi dự tính ấy không thực hiện được do một số người giữ cương vị quan trọng trên chuyến tàu ấy không đồng ý, sợ đưa phụ nữ đi cùng sẽ gặp rắc rối. Thế là phương án đưa tôi trở về miền Nam được thay thế bằng Tàu không số. Trước khi lên tàu, tôi đến ở tại số 4, Bà Huyện Thanh Quan (Hà Nội). Các anh ở Văn phòng Trung ương tổ chức một bữa cơm chia tay tôi, có anh Ba (đồng chí Lê Duẩn) và hơn 20 đồng chí khác tham dự. Gọi là tiệc liên hoan chia tay nhưng tôi chẳng ăn uống được gì. Anh Ba cũng rất lo lắng cho tôi. Sau khi có xe ô tô đưa xuống Hải Phòng, tôi được bố trí ở trong một căn nhà mà bây giờ tôi không còn nhớ nằm ở địa chỉ nào. Tôi rời Hải Phòng vào một đêm trời tối đen như mực. Đồng chí Đỗ Trình đưa tôi đến tàu, giao tôi cho đồng chí Tư Phước, Trưởng bến. Tôi được đồng chí Tư Phước dặn dò và cẩn thận đưa lên tàu, sắp xếp chỗ nằm cho tôi. Cùng đi trên chuyến tàu ấy có bốn sĩ quan của quân đội ta, gồm: Bác sĩ Quân y Nguyễn Thiện Thành (thân phụ của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân), đồng chí Hoàng Thế Thiện, đồng chí Xuyên Khung và một đồng chí chuyên gia về thông tin mà bây giờ tôi không nhớ tên (về chi tiết này, theo Đại tá Trần Phong, cán bộ Tham mưu của Đoàn tàu không số, người tham gia tổ chức chuyến đi thì con tàu chở đồng chí Bảy Vân có bí số 69. Người phụ trách thông tin mà bà Bảy Vân nhắc đến là đồng chí Nguyễn Duy Nhương). Trước đó, tôi có nghe anh Ba nói, lẽ ra đồng chí Nguyễn Thiện Thành đã vào Nam bằng một chuyến tàu khác, nhưng anh Ba đã sắp xếp đồng chí ấy đi chuyến này để tiện chăm sóc sức khỏe cho tôi và các đồng chí đi cùng”.
Vượt biển
Con tàu rời bến. Cái bến mà sau này khi trở lại Hải Phòng, bà Bảy Vân mới biết đó là bến Đồ Sơn. Anh em cho tàu chạy về hướng bắc đi Trung Quốc để đánh lạc hướng địch. Bến bờ, phố xá Hải Phòng xa dần. Hiện lên trước mắt người phụ nữ yêu nước là biển cả mênh mông vô tận. Con tàu như chiếc lá tre giữa đại dương với biết bao nguy hiểm đang chực chờ. Bà được anh em cán bộ, thủy thủ trên tàu yêu quý gọi là chị Ba. Hành trình của con tàu được Trung ương Đảng theo dõi, chỉ đạo sát sao. Mỗi lần phát hiện có dấu hiệu bị địch ngăn chặn là thủy thủ đoàn lại nhận được lệnh cho tàu quay lại để bảo đảm an toàn. Hải trình vượt biển của con tàu đã nhiều lần phải quay lại như vậy. Bà Bảy Vân vẫn nhớ như in có lần tàu cập bến ở đảo Hải Nam, được Hải quân Trung Quốc tặng rất nhiều thứ, gồm bột mì, thịt, rau quả các loại, đường, sữa… để làm nguồn lương thực, thực phẩm dự trữ. Là một phụ nữ Nam Bộ đảm đang, khi có được nguồn lương thực, thực phẩm ấy, chị Ba lại vào bếp chế biến các món ngon để cải thiện bữa ăn cho anh em trên tàu. Những món ăn như: Gà rô-ti, xà lách trộn dầu giấm, bánh Flan… qua bàn tay chế biến khéo léo của chị Ba được anh em rất thích thú.
Bà Bảy Vân kể lại một tình huống nguy hiểm đáng nhớ: “Khi con tàu chạy gần đến hải phận Phi-líp-pin thì gặp máy bay địch quần thảo. Nó đánh điện hỏi: Tàu gì? Tôi thấy anh em lôi ra một đống cờ, chọn một lá cờ của một nước nào đó rồi kéo lên, đánh tín hiệu trả lời là tàu đánh cá. Cùng lúc đó, tôi thấy các súng cao xạ giấu trong các giàn lưới đánh cá đều đã được anh em nạp đạn, lên nòng. Tất cả trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Anh em bảo tôi, có tài liệu, hình ảnh gì của miền Bắc thì giao cho anh em giữ để kịp thủ tiêu trong trường hợp bất khả kháng. Anh em cũng dặn tôi, nếu đụng trận thì tôi sẽ xuống chiếc xuồng cao su để cùng một số đồng chí bơi vào bờ. Trong lúc đó ở phía trong bờ, địch đã đánh hơi thấy chúng ta vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam bằng tàu thủy nên chúng sử dụng tàu tuần tra, bịt hết các vàm để chặn tàu của ta cập bến. Tình hình rất khó khăn”.
Vượt qua bao khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, cái ngày con tàu cập bến cũng đã đến. Một hôm, chị Ba đang ngủ thì anh em thủy thủ vào lay gọi, đưa chị lên boong tàu. Mọi người không giấu được niềm vui khi nhìn thấy ánh đèn chớp chớp phía trước. Nơi đó là Hòn Khoai. Với chị Ba, Hòn Khoai là hòn đảo chứa nhiều kỷ niệm. Đó là nơi anh Nguyễn Ngọc Hiển tổ chức lực lượng khởi nghĩa năm 1940 và là nơi anh Ba tá túc những lúc khó khăn. Anh em trên tàu cũng phát tín hiệu báo tin cho lực lượng trên bờ. Từ Hòn Khoai, ánh đèn chớp chớp báo hiệu an toàn. Con tàu được hướng dẫn đi vào Rạch Gốc, Cà Mau. Đây là một con rạch khá hẹp và bí mật. Trời tối như mực nhưng anh em vẫn điều khiển được con tàu không bật đèn, chạy theo con rạch ngoằn nghèo. Vào sâu trong rạch hơn 2km thì tàu cập bến. Đồng đội trên bờ, dưới tàu mừng rỡ ôm chầm lấy nhau vì chuyến tàu chở vũ khí đã cập bến an toàn sau hải trình vượt biển vô cùng gian nan, nguy hiểm.
Nỗi nhớ miền Bắc
Bà Bảy Vân tâm sự với chúng tôi, hành trình vượt biển vào Nam bằng Tàu không số chính là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa đối với bà. Trong khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, bà thấy rõ phẩm chất cao đẹp, ý chí chiến đấu và khả năng xử lý tình huống tuyệt vời của những chiến sĩ Tàu không số. Chính điều ấy đã làm cho bà cảm thấy yên tâm vào con đường cách mạng mà bà được đồng chí Lê Duẩn dìu dắt, tin tưởng vào sự thắng lợi tất yếu của cuộc chiến tranh chính nghĩa của cả dân tộc ta. Những người lính trên Tàu không số không chỉ có ý chí, bản lĩnh thép, mà còn là những người rất chu đáo trong cuộc sống. Anh em quý trọng, chăm sóc chu đáo, bảo đảm an toàn cho bà như tình ruột thịt. “Sau khi tàu cặp bến, anh em chỉ nghỉ ngơi có hai ngày rồi lại ra khơi trở về miền Bắc. Anh em còn chu đáo dặn tôi, có gửi thư cho anh Ba thì viết, tụi em sẽ đem ra cho anh. Tôi viết mấy lời tâm sự gửi ra cho anh. Anh em Tàu không số đưa thư của tôi ra Hải Phòng giao lại cho Bộ tư lệnh Hải quân để chuyển cho anh Ba”.
Từ Rạch Gốc, đồng chí Bảy Vân được anh Tư Đức, Trưởng bến Rạch Gốc đưa về Khu ủy Khu 9. Bảy Vân được bố trí ở trong nhà dân để chuẩn bị cho những kế hoạch hoạt động sắp tới. Thời gian sau đó, bà được Khu ủy phân công làm Phó ban biên tập Báo Giải phóng Miền Tây, sau đó làm Phó ban tuyên huấn Khu 9. Năm 1972, bà được giao làm Phó ban Phụ vận Khu và Khu ủy viên. “Vào Nam rồi, tôi nhớ anh Ba và các con vô cùng. Nhiều đêm tôi trằn trọc không ngủ được”
– Bà Bảy Vân tâm sự.
Nhiệm vụ cách mạng bước vào thời kỳ cao trào. Tình yêu, nỗi nhớ đã trở thành động lực giúp bà hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, trở thành một nhà báo, một cán bộ làm công tác tuyên huấn có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Hoàng Mai
Bài viết đăng trên báo Quân đội nhân dân điện tử ngày 19-10-2011
Các bài viết liên quan
- Bảo vật Quốc gia: Tấm bản đồ huyền thoại
- Đánh Trảng Bom, vào Sài Gòn
- Giải phóng Sài Gòn – Hoàn thành Lời thề Độc lập
- Trung đoàn Không quân đầu tiên của Việt Nam được thành lập thế nào
- Đi trong “Trận đồ bát quái” Trường Sơn
- Đường Hồ Chí Minh trên biển đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam
- Quân đoàn 4 – “Quả đấm thép” phía Nam: Ra đời trên chiến trường
- Lần đầu đón xuân trên đất bạn
- Tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh