Cú lừa địch ở Tây Nguyên
09/04/2015 , Bài viết có liên quan đến Hoàng Thế Thiện
Ở tuổi ngoài 70, dù đã xa quân ngũ, Đại tá Lê Quang Huân vẫn giữ được tác phong quân nhân nhanh nhẹn cộng với đức tính giản dị, khiêm nhường của người lính Cụ Hồ nên khiến ai lần đầu tiếp xúc đều thấy quý mến và kính trọng ông. Trong căn phòng tư gia ấm cúng, ông từ tốn kể cho tôi nghe về trận đánh “điệu hổ ly sơn” ngày ấy.
Ngày 12/12/1974, đồng chí Lê Quang Huân vừa học xong lớp giáo viên tại Học viện Quân sự cấp cao, được giao nhiệm vụ về giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bộ binh 19, Sư đoàn 968. Ngày nhận nhiệm vụ, ông được xe Đoàn 559 (Binh đoàn Trường Sơn) chở về thẳng sư đoàn. Sau khi gặp gỡ, làm quen cán bộ, Lê Quang Huân cùng đơn vị nhanh chóng hành quân từ đất bạn Lào về Tổ quốc chiến đấu.
Trở về nước lần này, nhiệm vụ của Sư đoàn 968 nói chung và Trung đoàn 19 nói riêng vô cùng quan trọng nên đích thân Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, Chính ủy Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn xuống tận sư đoàn giao nhiệm vụ, động viên. Ông nói: “Chiến dịch này Sư đoàn 968 có nhiệm vụ rất quan trọng, đó là nghi binh chiến lược. Sư đoàn giao cho Trung đoàn 19 bước đầu phòng ngự chiếm giữ phía tây và bắc Đường 19. Trung đoàn 19 bố trí Tiểu đoàn 2 thay thế Sư đoàn 320 (nam Đường 19), Tiểu đoàn 3 bố trí phòng ngự Chưkara – Chư Giong Giàng (bắc Đồn Tầm – Chốt Mỹ), Tiểu đoàn 1 sẵn sàng cơ động”.
Để giữ yếu tố bí mật, quá trình phòng ngự ở tây Pleiku, Trung đoàn 19 lấy phiên hiệu là Mặt trận Y. Để nghi binh lừa địch, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 19 lấy phiên hiệu là Sư đoàn 320, Tiểu đoàn 3 lấy phiên hiệu là Sư đoàn 10… Các đơn vị liên tục hoạt động, làm công sự phòng ngự, cùng dân quân du kích ở các làng bản mở đường quân sự, làm gấp gáp sân bay Đức Cơ.
Lúc bấy giờ, để tiếp tục đưa địch vào sai lầm, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 968 quyết định tạo ra một mạng thông tin giả để đánh lừa đối phương. Đầu tháng 2/1975, mạng thông tin giả được tung lên không trung ở Pleiku xuất hiện cụm đài Bộ Chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên, do Tổ cơ yếu của Trung đoàn 19 đảm nhiệm và cụm đài của sư đoàn do Tiểu đoàn 4 đảm nhiệm. Khi các cụm đài phát lên không trung, lập tức máy bay trinh sát L19, OV10 của địch thay phiên nhau ngày đêm đan chéo trên bầu trời để định vị vị trí các cụm đài của ta. Máy bay B-52 liên tiếp ném bom tọa độ xuống xung quanh Pleiku, Kon Tum, đồng thời địch tăng cường các toán biệt kích ra thăm dò, phát hiện ta, có ngày chúng phái đến Pleiku 45 toán biệt kích thám báo. Đúng như ý định của ta, địch đã phán đoán, hiện có các Sư đoàn 320, Sư đoàn 10, Sư đoàn 968, nay là Mặt trận Y hoạt động ở tây Pleiku, như vậy là Việt cộng đã tăng quân ở hướng này.
Ngày 15/2/1975, Sư đoàn trưởng Thanh Sơn và Chính ủy Trần Trác gọi Trung đoàn trưởng Lê Quang Huân và Chính ủy Trung đoàn Ngô Xuân Hình lên nhận nhiệm vụ tấn công địch ở Đồn Tầm – Chốt Mỹ. 14 giờ ngày 26/2, đồng chí Huân báo cáo quyết tâm với Thường vụ, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 968 về tổ chức tấn công quân địch ở Đồn Tầm – Chốt Mỹ, một cứ điểm tiền duyên nằm trên trục Đường 19 giáp với quận lỵ Thanh Bình – Thanh An cũng là cứ điểm tướng ngụy Phạm Văn Phú coi đó là vững chắc nhất, vì vị trí này cách Bộ Tư lệnh quân ngụy chỉ khoảng 20km.
Trong quyết tâm của chỉ huy Trung đoàn 19 có nhiều điều bàn cãi nên mãi đến 18 giờ cùng ngày, đồng chí Thanh Sơn mới ra quyết định: “Trung đoàn Bộ binh 19 được tăng cường một trung đoàn pháo binh thiếu của sư đoàn, 1 tiểu đoàn cao xạ, 1 tiểu đoàn công binh thiếu, 1 đại đội hóa học và các lực lượng bảo đảm khác tấn công quân địch ở Đồn Tầm – Chốt Mỹ, phát triển đánh địch ở cao điểm 605 đến quận lỵ Thanh Bình – Thanh An – Hòn Rồng, đánh tiêu diệt Liên đoàn biệt động 22 ngụy và làm thiệt hại Liên đoàn biệt động 25, kéo được một phần lực lượng của Sư đoàn 45 ra Cẩm Ga – Thuần Mẫn.
Đồng chí Lê Quang Huân kể: Khi nghe kết luận, tôi rất lo lắng vì nghĩ đây là nhiệm vụ quá nặng nề với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 19 và các lực lượng tăng cường. Trận tiến công địch trong công sự vững chắc không phải trong phạm vi trung đoàn mà lực lượng tăng cường quá lớn, cho nên tôi xác định đây là trận đánh hợp đồng binh chủng quy mô lớn. Tiến công địch, làm chủ và phát triển để tiêu hao, thu hút kéo địch về Pleiku, hay khái quát lại, đây là trận đánh làm địch nhầm tưởng là hướng chính của chiến dịch, tướng Phú phải có lực lượng đối phó, lực lượng ứng cứu để giữ Pleiku.
Đảng ủy Trung đoàn 19 giao nhiệm vụ cho các đơn vị đều gặp thuận lợi vì các lực lượng trong trung đoàn và các lực lượng tăng cường đều muốn ra trận chiến đấu trên quê hương. Đảng ủy quyết định: Hướng tấn công chủ yếu của trung đoàn là Tiểu đoàn 2 được tăng cường binh khí kỹ thuật của trung đoàn và sư đoàn đánh từ phía nam, tây nam Đồn Tầm – Chốt Mỹ, hoàn thành nhiệm vụ phát triển vào bắc Thanh Bình – Thanh An. Hướng tấn công thứ yếu là Tiểu đoàn 3 được tăng cường binh khí kỹ thuật từ bắc – đông bắc Đồn Tầm – Chốt Mỹ, hoàn thành nhiệm vụ phát triển vào bắc Thanh Bình – Thanh An. Dự bị là Tiểu đoàn 1, sau khi trung đoàn hoàn thành nhiệm vụ đánh Đồn Tầm – Chốt Mỹ, tiểu đoàn sẽ là lực lượng chủ yếu tấn công quân địch ở quận lỵ Thanh Bình – Thanh An.
15 giờ 40 phút ngày 1/3/1975, tại vị trí chỉ huy, Trung đoàn trưởng Lê Quang Huân kiểm tra lại toàn bộ đội hình đã tiếp cận theo ý định. Kiểm tra mục tiêu Đồn Tầm – Chốt Mỹ vẫn hiện rõ cờ và hoạt động của địch. Đúng 16 giờ, 3 quả pháo hiệu giật lên từ vị trí chỉ huy, lập tức pháo 85, cối 120mm, ĐKZ75 và các hỏa lực giội bão lửa lên cao điểm Đồn Tầm – Chốt Mỹ. Lợi dụng pháo bắn, Trung đoàn trưởng Lê Quang Huân ra lệnh cho Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 3 mở cửa bằng bộc phá liên tục. Đúng 16 giờ 35 phút, ra lệnh cho pháo chuyển làn về cao điểm 605 và quận lỵ Thanh Bình – Thanh An. Bộ binh và các đơn vị xung phong đánh chiếm lô cốt đầu cầu và phát triển vào trung tâm; đến 17 giờ 15 phút, cơ bản ta đã làm chủ được cứ điểm Đồn Tầm – Chốt Mỹ.
“Khi làm chủ được Đồn Tầm – Chốt Mỹ, tôi lệnh cho Tiểu đoàn 2 tiếp tục đánh chiếm cao điểm 605, Tiểu đoàn 3 đánh vào bắc Thanh Bình – Thanh An, lệnh cho Tiểu đoàn 1 áp sát nam Thanh Bình – Thanh An và chuẩn bị tác chiến cho những ngày sau. Thế là trung đoàn chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc trận đánh Đồn Tầm – Chốt Mỹ, trận đánh mở đầu cho chiến dịch. Tuy vậy, thông tin trên mạng lại là Sư đoàn 320 và Sư đoàn 10 đã tiến công Đồn Tầm – Chốt Mỹ (trong lúc 2 sư đoàn đã có mặt ở hướng chính chiến dịch mà địch không biết)” – đồng chí Lê Quang Huân kể.
Như vậy, với cú lừa địch ấy, Trung đoàn 19 đã tạo thuận lợi cho các đơn vị tấn công Buôn Ma Thuột. Không ai có thể lường được, sau trận đánh Đồn Tầm – Chốt Mỹ, Trung đoàn 19 phải liên tục tác chiến với các Liên đoàn biệt động 25 ngụy, lực lượng Liên đoàn biệt động 22 và 1 trung đoàn của Sư đoàn 45.
Sau khi tiêu diệt Đồn Tầm – Chốt Mỹ, Trung đoàn 19 được Bộ Quốc phòng đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Và ngay khi hướng chính Buôn Ma Thuột nổ súng, Trung đoàn 19 từng bước làm chủ Thanh Bình, Thanh An, Hòn Rồng… đánh địch chạy từ Đường số 7 xuống Phú Bổn và từ Phú Bổn đi Nha Trang.
Trịnh Dũng
Nguồn: petrotimes.vn
Các bài viết liên quan
- Thức dậy những ký ức hào hùng
- Chiến dịch Xuân Lộc (từ 9 đến 20/4/1975)
- Bộ chỉ huy Miền trong tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975
- Họp bàn Tổng tấn công
- Đột phá Xuân Lộc – Long Khánh mở toang cánh cửa vào Sài Gòn
- Bảo vật Quốc gia: Tấm bản đồ huyền thoại
- Chuyến vượt biển của bà Nguyễn Thụy Nga, phu nhân cố Tổng bí thư Lê Duẩn
- Đánh Trảng Bom, vào Sài Gòn
- Giải phóng Sài Gòn – Hoàn thành Lời thề Độc lập
- Trung đoàn Không quân đầu tiên của Việt Nam được thành lập thế nào