Để văn học về LLVT và chiến tranh cách mạng xứng tầm hiện thực: Tiểu thuyết sử thi và sự đổi mới thi pháp
19/12/2015 , Bài viết có liên quan đến Hoàng Thế Thiện
Chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu tiểu thuyết sử thi bởi nó được coi như cái cột chống của ngôi nhà văn học. Ngôi nhà có cao ráo thoáng mát, bề thế vững chãi là nhờ ở những cái cột chống. Do vậy tìm hiểu cái cột chống tiểu thuyết sử thi cũng là một cách xem xét ngôi nhà văn học mở cửa về hướng nào, tình trạng ra sao… Do tính chất của bài viết, chúng tôi chỉ xin đi sâu vào những nét thi pháp cơ bản là cấu trúc nhân vật và tư duy trần thuật.
Thể loại luôn được coi như là một cách tiếp cận, một phương thức chiếm lĩnh đời sống, một kênh giao tiếp với người đọc. Thể loại vừa ổn định, bền vững, vừa đổi mới trong từng giai đoạn phát triển của lịch sử văn học. Do vậy khái niệm thể loại không thể coi là bất biến vì nó luôn mở ra tiếp nhận và đổi thay những yếu tố mới do tiến trình văn học và do tài năng sáng tạo của nhà văn đem lại. Cũng không nên quá lệ thuộc vào cách gọi tên thể loại của tác giả để tiếp nhận nội dung tác phẩm, ví dụ, L.Tôn-xtôi không gọi Chiến tranh và hòa bình là tiểu thuyết, Gô-gôn gọi Những linh hồn chết là trường ca, Goóc-ky gọi Người mẹ là truyện vừa… trong khi chúng đều là những tiểu thuyết đích thực… Hay, có tác phẩm còn đề cả tên thể loại rõ ràng như: Tây du ký (Ngô Thừa Ân), Tây sương ký (Vương Thực Phủ) nhưng chúng vẫn là tiểu thuyết, Nhật ký người điên (Lỗ Tấn) lại là truyện ngắn… Thậm chí có trường hợp đấy là một bài thơ hay (Chùa Hương – Nguyễn Nhược Pháp) nhưng tác giả lại nói với độc giả rằng, đấy là: “Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa”… Nhìn vào thể loại tiểu thuyết của Việt Nam chúng tôi cũng thấy có hiện tượng này, giai đoạn 1945-1975 các nhà văn gọi tên tác phẩm của mình là tiểu thuyết nhưng thực ra chúng lại rất gần với sử thi, có thể kể tên rất nhiều: Đất nước đứng lên, Xung đột, Vỡ bờ… Dấu chân người lính, Hòn Đất… Còn ở ngày hôm nay chúng ta gọi là tiểu thuyết sử thi nhưng đọc kỹ thì thấy chất sử thi đã nhạt đi rất nhiều để nổi lên chất đời tư thế sự, có thể gọi đó là tính chất giải sử thi.
Sử thi nguyên khối nguyên chất bao giờ cũng ngợi ca sự nghiệp anh hùng có tính chất toàn dân mang ý nghĩa trọng đại đối với một dân tộc, một cộng đồng mà tiêu biểu là I-li-át và Ô-đi-xê của Hy Lạp, Mahabharata của Ấn Độ, Trường ca Đam San của Việt Nam… Có thể coi tiểu thuyết sử thi là “mảnh vỡ” của sử thi với các tác phẩm nổi tiếng như: Chiến tranh và hòa bình hay Sông Đông êm đềm của nước Nga. Ở Việt Nam trước 1975 có một thể loại lực lưỡng trong ngôi nhà văn học là tiểu thuyết sử thi với: Xung kích, Con trâu, Vùng mỏ, Xung đột, Đất nước đứng lên, Dấu chân người lính, Chiến sĩ, Vùng trời, Rừng U Minh, Mẫn và tôi, Đất Quảng… Các nhà tiểu thuyết hôm nay lại rất có ý thức sử dụng chất liệu đời tư cá nhân làm cho tác phẩm gần với cuộc sống hơn, sinh động hơn. Lý giải điều này, theo chúng tôi cần căn cứ vào hai phương diện cơ bản là chủ thể nhà văn và đặc trưng thể loại. Xét ở mặt chủ thể, tác giả của tiểu thuyết về đề tài này phần lớn là những người trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhưng cuộc chiến đã lùi xa hơn 30 năm nên họ viết về chiến tranh hôm qua bằng cái nhìn, sự suy nghĩ và sự tác động bởi những đổi thay của hoàn cảnh lịch sử ở ngày hôm nay. Xét ở mặt thể loại thì tiểu thuyết về đề tài chiến tranh vẫn phải tuân theo những đặc trưng thể loại, mà đặc trưng nổi bật của tiểu thuyết là yếu tố đời tư. Có thể hình dung như thế này: Dòng sông sử thi được khởi nguồn từ miền núi cổ đại, nước nguồn trong vắt, nguyên thủy. Càng chảy về miền hiện tại, vì càng nhận được nhiều phù sa cuộc đời mà dòng nước vừa đổi chất vừa đổi màu, pha tạp hơn, đa sắc hơn và cũng giàu có “chất đạm cuộc sống” nhiều hơn. “Khoảng cách sử thi” trong tiểu thuyết về đề tài chiến tranh theo quy luật cứ ngày càng rút hẹp dần, dĩ nhiên nó không bao giờ bị phá vỡ hoàn toàn, tuy không còn nguyên khối nguyên chất nhưng chất sử thi vẫn chiếm vị trí chủ đạo.
Các nhân vật chính diện của sử thi luôn là những anh hùng tráng sĩ tiêu biểu cho sức mạnh thể chất và tinh thần, cho ý chí, lòng dũng cảm, trí tuệ của cả một cộng đồng. Bên cạnh những phẩm chất sử thi vốn có, nhân vật người lính của tiểu thuyết hôm nay luôn được các nhà văn xây dựng gần với con người đời thường, có tốt có xấu, nhiều hay và cũng lắm dở. Trước hết là vấn đề lý lịch. Một thời chúng ta vướng vào cái vòng “chủ nghĩa lý lịch” với quan niệm người cách mạng là phải có tiểu sử rõ ràng trong sạch, ông bà cha mẹ phải nghèo, phải là tầng lớp bần nông không tài sản không bóc lột ai mà chỉ có người khác bóc lột mình. Điều hạn chế ấy thuộc về lịch sử, chịu sự quy định của lịch sử, cái được của nó là góp phần làm “trong sạch hóa” đội ngũ, nhưng cái dở của nó là làm mất đi nhiều tài năng. Tiểu thuyết hôm nay như muốn “phản biện” lại vấn đề này với những lý lịch rất “có vấn đề” của các nhân vật lãnh đạo chỉ huy như: Lâm (Khúc bi tráng cuối cùng, 2004 – Chu Lai) – một sư đoàn trưởng, tư lệnh phó quân đoàn nhưng quá khứ lại có “tì vết” từng có mối tình tay ba thời học sinh, có con đẻ ngoài giá thú là Hùng – một trung tá ngụy thiện chiến và khét tiếng chống Cộng, có bạn là Phạm Ngọc Tuấn – một thiếu tướng ngụy nổi danh. Là Hùng Phong (Những bức tường lửa, 2005 – Khuất Quang Thụy) – một anh hùng trên chiến trường nhưng hôm qua có một quá khứ “lăng nhăng” với những hành vi “khốn nạn” thời học sinh, lại có người bố là “kẻ phản phúc” đã “đấu tố” không thương tiếc người thầy học của mình trong cuộc cải cách ruộng đất. Là Ngoãn (Thượng Đức, 2005 – Nguyễn Bảo) – một tiểu đoàn trưởng mà lại có người bố nghiện thuốc phiện và thù địch ra mặt với chính quyền địa phương.
Ngoại hình các nhân vật người lính cũng rất “đời thường”. Thủ trưởng Đoàn 33 là Hai Lù (Rừng thiêng nước trong, 2004 – Trần Văn Tuấn) là linh hồn của đơn vị nhưng lại có một ngoại hình “nhỏ con, ốm nhom ốm nhách chỉ hơn 40 ký”, thậm chí khi đi công tác bị liệt chân được đồng chí giao liên “kẹp nách ông Hai Lù mà đi”. Hai Lù “có bàn chân đen đúa, thô kệch đầy những nốt sần và sẹo”, “bàn tay bé nhỏ dài nhẳng”, nói năng thì “rề rà giải thích lòng vòng” đôi khi triết lý thì lại “sơ sài, tối nghĩa”. Cũng trong tiểu thuyết này nhà văn đã triệt để “giải sử thi” cả tên các nhân vật anh hùng sao cho thật quê mùa dân dã với Tư Túi, Tư Râu, Hai Lù, Ba Tánh, Út Tửng… Nhân vật anh hùng Phạm Đọt (Bến đò xưa lặng lẽ , 2004 – Xuân Đức) – “con gấu xám Đường 9” mà lại là người “cử chỉ có phần thô tháp”, nói năng thì “cục cằn”, ăn mặc thì “lôi thôi”. Nhân vật Hướng (Những bức tường lửa, 2005 – Khuất Quang Thụy) – một dũng sĩ nhưng sở hữu một ngoại hình đen đúa, gầy gò khẳng khiu vừa “điếc lòi tai” lại hay nói tục… Ngoại hình các nhân vật luôn được xây dựng theo nguyên tắc mang đậm dấu ấn chiến tranh, trên hình hài họ như còn đang vương khói lửa chiến trường. Điều này đã nói lên tính chân thực của hoàn cảnh, chiến tranh là đói khát, là khoảng cách mong manh và đầy căng thẳng giữa cái sống và cái chết nên người lính không thể có một ngoại hình đẹp đẽ, phương phi cường tráng, không thể có một ngôn từ “có cánh” lịch sự, khuôn mẫu, đúng chuẩn mực… Qua ngoại hình nhân vật, dù thường được miêu tả ở ngôi thứ ba cũng cho người đọc có cảm giác người trần thuật là người trong cuộc hoặc ở vị thế rất gần với nhân vật.
Nhân vật người lính trong tiểu thuyết giai đọan 1945-1975 thường rất ít tính xấu, thói xấu vì nó được miêu tả trong ánh hào quang chiến thắng, cũng do vậy mà cấu trúc nhân vật dễ bị hiểu là đơn giản, một chiều, sơ lược. Chiến tranh không chỉ có chiến thắng mà còn có cả chiến bại. Tiểu thuyết hôm nay đã khắc phục cái hạn chế sơ lược đơn giản trên bằng cách đặt nhân vật người lính vào giữa bối cảnh cuộc chiến. Sự khốc liệt của nó đúng là một thứ “thuốc thử” để phơi bày cái hay dở của con người. Đó là bệnh chủ quan nóng vội duy ý chí. Ở ngày hôm nay bạn đọc khó tưởng tượng được cái ngày chiến tranh ấy lại có cả một tập thể lãnh đạo chỉ huy trung đoàn đã có một sai lầm hết sức nghiêm trọng, đơn giản, ấu trĩ và thiếu tình người khi quyết định tử hình một đồng đội tên T “vì tội đầu hàng địch và chỉ điểm cho B-52 đánh vào kiềng của trung đoàn”. T bị địch bắt là có thật, đầu hàng địch là có thể nhưng tội “chỉ điểm” thì hoàn toàn không phải. Hàng chục năm sau tướng Hùng Phong và giáo sư Lân mới nhận ra một điều đơn giản: “Một thằng ú ớ như thế làm sao đọc được bản đồ, đến bọn trinh sát có sỏi trong đầu như chúng mình có khi còn chưa xác định được vị trí trên bản đồ nữa là…” (Những bức tường lửa). Là một tư lệnh phó quân đoàn – Đại tá Hoàng Đan nổi tiếng tài chỉ huy, thế mà đã ba lần đánh Thượng Đức là ba lần thất bại, đến lần đánh thứ tư vẫn không tránh được bệnh chủ quan khinh địch:
“… Sau khi pháo bắn, bộ binh chỉ việc lên bắt tù binh, thu chiến lợi phẩm”.
Chúng tôi dùng rồng lửa. Rồng lửa đó nổ là cuốn bay tất cả. Bộ đội cứ thế xung phong” (Thượng Đức).
Thế mà những ý kiến ấy đưa ra trong một cuộc họp bàn phương án tác chiến lại không hề có ý kiến phản biện thì cả một tập thể lãnh đạo chỉ huy ấy thật thiếu trách nhiệm. Vì vội vàng, phiến diện không cho điều tra kỹ mà cấp trên đã đình chỉ công tác của Bí thư huyện ủy Hoàng Thủy dẫn tới những hậu quả phong trào quần chúng đi xuống, cơ sở bị vỡ, cán bộ hoang mang (Thượng Đức). Cấp trên chủ quan, cấp dưới lơ là, đến nỗi “ngày càng nhiều những vụ bộ đội ta để lộ nơi đóng quân, bị máy bay trinh sát địch phát hiện”. Chúng tôi mượn lời nhân vật chính ủy Hoàng Thế Thiện (Xuân Lộc, 2005 – Hoàng Đình Quang) đánh giá về chính căn bệnh thường gặp này: “Chúng ta quá chủ quan. Không chỉ có chỉ huy các cấp mà từ cấp dưới, từ anh em chiến sĩ cũng tỏ ra lạc quan tếu. Ai đời quyết tâm của bộ đội còn cao hơn cả tư lệnh. Mấy hôm trước, tôi ghé vào thăm một đơn vị của 341, toàn tân binh, toàn lính nông trường trồng dứa từ Hà Tĩnh vào, thế mà một mực đòi thủ trưởng cho chúng em đánh ngay đi…”. Đó là tình trạng của bộ đội chủ lực, ở bộ đội địa phương lại càng nóng vội duy ý chí. Đây là lời của bí thư huyện ủy kiêm huyện đội trưởng trong cuộc họp bàn về phương án một chiến dịch lớn: “Tôi đề nghị ta chỉ bàn việc tiến công không ai được bàn lùi. Ai bàn lui thì đừng phát biểu. Ở đây chỉ bàn cách sáp vào…” (Thượng Đức). Câu nói này vừa thể hiện sự thiếu dân chủ vừa bộc lộ rõ một tầm nhìn chật hẹp, một ý thức cực đoan, phiến diện.
Tiểu thuyết sử thi 1945-1975 rất “kỵ huý” việc miêu tả “bản năng gốc” của người chiến sĩ. Điều ấy hoàn toàn có lý vì đó là cái thời “nén tình riêng vì nghĩa lớn”. Câu khẩu hiệu “vui duyên mới không quên nhiệm vụ” thường được căng trang trọng trong các lễ cưới, hôm nay nghĩ lại thấy có thể là hài hước nhưng trong bối cảnh thời ấy thì lại đúng mực, rất đáng trân trọng. Tiểu thuyết hôm nay phá vỡ bức tường kiêng kỵ đó để đi sâu vào miền bản năng của người lính, để tìm hiểu những vẻ đẹp tình cảm riêng tư, những khát khao tình dục rất đời thường của con người. Đó là Đại tá – Tư lệnh phó quân đoàn Hoàng Đan “đánh giặc hết mình, nói tục hết cỡ” và “đối với đàn bà con gái thì tình cảm dạt dào lắm” (Thượng Đức), là San – Trưởng đoàn chuyên gia quân sự trên đất bạn Lào, dù đã có vợ con ở quê nhưng vẫn có tình cảm với một thiếu phụ người Lào (Seo Mảy). Những cuộc giao tình giữa họ, nói như Ma Văn Kháng ở Lời giới thiệu tiểu thuyết Xiêng Khoảng mù sương “diễn ra thật êm ả, đậm mùi vị sắc dục xác thịt, mà không hề vướng bận cảm giác thô lậu”. Là Lâm, khi còn là chiến sĩ đã yêu Huyền Trang, “chàng trai đã để cho da thịt trinh nữ đốt cháy nốt chút lý trí sáng leo lét trong đầu mình để rồi cũng hấp tấp ghì chặt lấy cô” (Khúc bi tráng cuối cùng). Là quan hệ tình yêu tay ba: Hùng Phong – Đào – Thanh (Những bức tường lửa). Rồi những quan hệ nồng nàn của Nguyễn Quỳ – Thắm; Ngoãn – Hân (Thượng Đức)… Gần đây nhất, trong Sóng chìm (2007 – Đình Kính) đã xây dựng một nhân vật phụ nữ (Năm Hồng) theo nguyên tắc bản năng. Vì thương những người lính (cả ta cả ngụy) ra trận là đi vào chỗ chết mà Năm Hồng cho họ “biết mùi đời”. Bản năng tình thương hay bản năng dục tính ở người phụ nữ này cái nào trội hơn? Mẫu nhân vật này không mới vì đã có trong văn học Nga Xô-viết về cuộc chiến tranh vệ quốc 1945 nhưng qua nhân vật này lại cho thấy một góc nhìn khác về tính phi nhân của chiến tranh, cái lò lửa chiến tranh phi nghĩa sẽ cuốn vào đó và sẽ thiêu cháy tất cả những gì mà cuộc sống có, những gì thuộc về con người, từ tính mạng cho đến những khát vọng, dù là nhỏ nhoi nhất, bản năng nhất.
Vì cận kề cái chết nên sự hèn nhát của người lính càng được biểu hiện rõ. Đi trinh sát mà chiến sĩ Định (Thượng Đức) sợ hãi tới mức chỉ một tiếng pháo địch bắn cầm canh mà anh ta “hốt hoảng tới mức nhảy dựng lên rồi phóc một cái chồm cả người lên rồi lổm ngổm bò lộn trở ra…”. Cũng vì thế mà Định bị chết tức tưởi do lộ mục tiêu, địch thi nhau nã pháo. Anh chàng Vững (Những bức tường lửa) trên đường ra chốt đạp nhầm vỏ lon coca, tưởng là mìn, sợ đến mức ỉa cả ra quần. Nhân vật quyền bí thư huyện ủy (Tiếng khóc của nàng Út, 2008 – Nguyễn Chí Trung) trong bối cảnh vùng Quảng Ngãi những năm 1954 – 1955 đang cần cán bộ lãnh đạo thì chỉ muốn đi tập kết để trốn tránh nhiệm vụ. Nhân vật Lân (Những bức tường lửa) lần đầu tiên chứng kiến cái chết của đồng đội mà “ngồi gục trên đống đá khóc hu hu, khóc rống lên từng hồi”. Đấy lại không phải là tiếng khóc cảm thương cho người bạn xấu số mà là khóc vì sợ hãi, thế cho nên sau đó anh ta ốm liệt do chấn động thần kinh nặng, rồi tiếp theo là sự thoái thác nhiệm vụ và đào ngũ. Lại có lối hèn nhát bạc tình kiểu Sở Khanh vẫn thấy có trong đời thường, nhưng nó xuất hiện ở thời chiến tranh thì còn nguy hiểm hơn nhiều, bởi con người chịu đựng chiến tranh là một lần khổ, lại chịu thêm một sự phản bội, lừa dối thì nỗi khổ tăng gấp bội lần. Nhân vật trung đội trưởng Nguyên Bình (Bên dòng Sầu Diện, 2007 – Nguyễn Đình Tú) là một trường hợp Sở Khanh mới. Trong một trận đánh với quân Pháp vùng đất Lãng Tiên, Nguyên Bình bị thương nặng rồi lạc đơn vị, may mắn được một cô gái (Mến) cứu sống rồi cưu mang chạy chữa cho đến khi lành khỏi vết thương, Nguyên Bình ra đi để lại cho ân nhân của mình cái thai đang dần lớn lên. Thế mà đến ngày hòa bình Nguyên Bình nhẫn tâm từ chối gặp gỡ người vừa là ân nhân vừa là vợ và cự tuyệt giọt máu của mình. Vì hắn sợ ảnh hưởng tới con đường công danh đang mở ra trước mắt, vì hắn sợ mang tiếng xấu là hủ hóa và che giấu tổ chức. Hắn đã phạm tội, tòa án công lý không xử thì tòa án lương tâm sẽ kết tội hắn một cách đích đáng nhất. Hèn nhát như vậy là đáng lên án, phê phán, chê trách còn hèn nhát dẫn đến phản bội Tổ quốc thì phải coi đó là một tội ác cần phải trừng trị.
Tưởng rằng ở nơi mà ranh giới giữa cái sống và cái chết rất mong manh thì sự cơ hội không có đất sống, thế mà vẫn có những người như Khoái (Những bức tường lửa). Khi chưa vào bộ đội anh ta đã là kẻ móc nối đường dây làm hồ sơ giám định sức khỏe giả rồi bán cho những phần tử xấu không chịu đi nghĩa vụ quân sự. Vào bộ đội Khoái tìm cách mua rẻ bán đắt các vật dụng của chiến sĩ. Bị kỷ luật phải “thu dung” về tuyến sau nhưng với bản chất xảo quyệt, lươn lẹo, ranh ma Khoái trở về hậu phương rồi leo dần từ bí thư đoàn trường đại học tới tỉnh uỷ viên, phó chủ tịch tỉnh. Các nhân vật: Đỗ Hà, Nguyễn Hoán, Hoàng Xuyên… (Xiêng Khoảng mù sương) vừa cơ hội vừa háo danh, đố kỵ, hèn hạ đến mức gán cho đồng chí mình (San) tội phản bội Tổ quốc… Nhưng tiêu biểu cho sự cơ hội chính trị trong và sau chiến tranh, theo chúng tôi lại là một nhân vật nữ – nhân vật Ly (Rừng thiêng nước trong). Trong tiểu thuyết này Trần Văn Tuấn tìm hiểu sự khốc liệt của chiến tranh ở một phương diện mới – chiến tranh làm tha hóa con người. Trước đó phần nhiều các nhà văn nhìn chiến tranh như là một cái lò lửa tôi luyện con người ta cứng rắn hơn, bản lĩnh, ngoan cường hơn theo xu hướng tốt đẹp tích cực. Nhưng thực tế thì không hoàn toàn như vậy. Thời niên thiếu, do chưa bị “ám” bởi khói lửa chiến tranh Ly hồn nhiên tươi vui như bao cô gái ở vùng đất với các tên làng Quách Xá, Tân Mỹ, An Hưng, Phước Tuyền… có bến đò Hói Cụ lịch sử. Chiến tranh đã biến cô gái Ly hồn nhiên thành một người đàn bà sắt đá, đầy bản lĩnh và ham hố quyền lực. Lấy chồng (Phạm Đọt) cũng không phải vì tình yêu mà là một cơ hội để thăng tiến. Rồi dứt tình máu mủ với đứa con thơ (Linh) để “yên bề hoạt động”. Mọi hành động và suy nghĩ của Ly đều vận hành theo nguyên tắc tiến tới quyền lực. Không có chiến tranh thì cô gái Ly hồn nhiên ngày trước sẽ là một bà Ly phúc hậu sau này. Nếu hình dung chiến tranh là một bi kịch lớn thì mỗi con người trong guồng quay của nó phải hứng chịu những bi kịch nhỏ với mức độ và màu sắc khác nhau.
Như vậy đi sâu tìm hiểu vào những góc khuất, vào mặt trái của hình tượng nhân vật người lính là những nét đổi mới của tiểu thuyết sử thi hôm nay. Đây là một bước tiến mới tiếp cận gần hơn với bản chất của thực tế lịch sử đồng thời khắc phục cái nhìn phiến diện một chiều chỉ miêu tả cái hay, cái tích cực, cái màu sáng mà không làm nổi rõ cái dở, cái tiêu cực, cái màu tối của những con người “quân ta” trong cuộc chiến cực kỳ khốc liệt. Điều này không hề hạ thấp hay coi thường những người lính từng xông pha khói lửa xả thân mình để giành độc lập tự do cho Tổ quốc mà là một cái nhìn trung thực hơn về chiến tranh, tố cáo, lên án chiến tranh phi nghĩa. Đồng thời nó làm cho bạn đọc hôm nay trân trọng hơn, tự hào hơn về chiến thắng vẻ vang mà chúng ta đã giành được vì trên chiến trường những người lính không chỉ phải vượt qua, phải chiến thắng sự tàn bạo, sự nham hiểm, sự khủng khiếp bởi vũ khí hiện đại, tối tân của kẻ thù mà còn phải vượt qua, phải chiến thắng sự dao động, hèn nhát, cơ hội, ích kỷ… có trong chính bản thân mình. Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh hôm nay hấp dẫn bạn đọc cũng một phần là nhờ nó đi sâu khám phá những miền tối khuất ấy của con người.
Nhà văn, PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân online ngày 05-11-2012
Các bài viết liên quan
- Họa sĩ Trần Duy nói về Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện
- Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện trong sách “Những người được Bác Hồ đặt tên”
- Về chuyến Nam tiến lần thứ nhất của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện
- Chiến dịch Hồ Chí Minh qua hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
- Chiến dịch Xuân Lộc qua hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
- Trích hồi ký “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
- Cú lừa địch ở Tây Nguyên
- Thức dậy những ký ức hào hùng
- Chiến dịch Xuân Lộc (từ 9 đến 20/4/1975)
- Bộ chỉ huy Miền trong tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975