Thức dậy những ký ức hào hùng
05/04/2015 , Bài viết có liên quan đến Hoàng Thế Thiện
Chỉ 6 ngày sau cuộc họp báo ở Hà Nội, buổi họp báo thứ 2 của Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến” tổ chức tại TPHCM (sáng 17/7 tại Bảo tàng Quân khu 7) đã có thêm nhiều hiện vật đặc biệt để công bố.
Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND VN – Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động phát biểu:
“Ngay từ đầu giờ sáng, tôi đã thấy có nhiều người mang kỷ vật đến tặng. Có những kỷ vật nhỏ nhưng gắn liền với chiến công lớn. Chúng ta không chỉ vận động trong nhân dân cả nước mà còn mở rộng ra kiều bào ở nước ngoài, bạn bè quốc tế và cả những người trước đây đứng bên kia chiến tuyến… ”.
Những ký ức xanh
Chiếc bàn đặt bên ngoài sảnh của Bảo tàng Quân khu 7 sáng 17/7 tiếp nhận khá nhiều kỷ vật đặc biệt: Sổ ghi chép của Thiếu tướng Phan Khắc Hy khi ông là Phó Tư lệnh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ; 29 bức thư trong tổng số 542 bức ông viết gửi vợ từ kháng chiến chống Pháp tới chống Mỹ; tấm ảnh chụp đúng ngày Mùng 1 Tết Quí Sửu (3/2/1973) khi đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm Binh trạm 12 Đoàn 559 tại Quảng Trị; chiếc kính của Đại tá Ngô Quang Bình – nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân trang Tổng cục Hậu cần…
Nhà thơ Dương Kỳ Anh- Tổng biên tập báo Tiền phong – Trưởng Ban tổ chức Cuộc vận động tiết lộ với báo giới ở TPHCM:
“Tôi vừa nhận được điện thoại của một Đại tá hứa rằng ông sẽ chuyển cho Cuộc vận động này một kỷ vật đặc biệt. Cuộc vận động này cũng là dịp để chúng ta tìm lại những kỷ vật nổi tiếng từng được ghi lại trong văn học thời kháng chiến, cụ thể mái chèo của mẹ Suốt đã tìm lại được rồi, nay tiếp tục tìm kiếm khẩu súng trong bài O du kích nhỏ của Tố Hữu…
Kỷ vật và những câu chuyện xung quanh nó sẽ tiếp tục đốt lên ngọn lửa truyền thống yêu nước, đặc biệt là trong giới trẻ hôm nay”.
Tác phong vẫn hào sảng pha lẫn sự hóm hỉnh trẻ trung, Trung tướng Lê Nam Phong khiến buổi họp báo thêm phần sôi động khi ông nhắc lại biệt danh Năm bình toong của mình:
“Từ anh nông dân đặc sệt trở thành Trung tướng như tôi cũng có nhiều chuyện để kể lắm. Có những kỷ vật mình rất tiếc, muốn giữ lại theo mình, nhưng đây là một Cuộc vận động có ý nghĩa nên tôi sẵn sàng tham gia”!
Và đích thân Trung tướng Lê Nam Phong đã trao lại cho Thiếu tướng Lê Mã Lương- Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN một số kỷ vật trong đó có hộp dao cạo râu ông thu được của một sĩ quan cao cấp Mỹ trong trận đánh năm 1968.
Làm ngay còn kịp
Mái tóc đã gần bạc trắng, Trung tướng Lê Thành Tâm- Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh VN tâm sự:
“Đây là dịp để tìm lại người thật, việc thật. Hội Cựu chiến binh VN hiện có khoảng hơn 2 triệu hội viên, thời gian trôi qua mỗi năm lại mất đi một Sư đoàn, riêng ở TPHCM mỗi năm mất đi 2 Tiểu đoàn mà chúng tôi thường nói là đi theo Bác cả rồi… Sáng kiến thực hiện Cuộc vận động này cần được tiến hành ngay còn kịp. Tôi sẽ vận động anh em hội viên hưởng ứng”.
Hướng về phía Trung tướng Lê Nam Phong, Trung tướng Lê Thành Tâm giơ cao chiếc bình toong xưa cũ: “Cái bình toong này từng 2 lần đựng rượu tôi mua cho anh Nam Phong đây”.
Khoảnh khắc của tình đồng đội chợt ùa về. 3 kỷ vật do Trung tướng Lê Thành Tâm hiến tặng đợt này gồm: bình toong, đài nghe thời sự trong chiến tranh và đèn dầu. Nhân dịp này, họa sĩ – Đại tá Phan Oánh – nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân khu 7 cũng hiến tặng một bức tranh khổ lớn về địa đạo Củ Chi.
Có những người đã mất hoặc tuổi cao sức yếu không còn đích thân đến tặng kỷ vật kháng chiến được nữa nhưng thế hệ sau đã thay họ làm việc này.
Năm nay bước vào tuổi 85, phải nằm một chỗ nhưng Đại tá Ngô Quang Bình biết tin có Cuộc vận động đã rất vui và cử con gái là chị Ngô Thị Minh Hồng đến trao lại nhiều kỷ vật trong đó có chiếc hộp bút khắc dòng chữ “Trường Sơn thắng Mỹ – Xuân 1972” do đồng đội dùng mảnh vỡ của máy bay làm tặng ông.
Anh Hoàng Anh Thi – Chủ nhiệm CLB Viet Stamp cũng có mặt tại cuộc họp báo. Nhưng anh đến đây không phải với tư cách nhà sưu tầm mà là người hiến tặng kỷ vật kháng chiến của cha mình – cố Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng).
Anh giới thiệu các kỷ vật:
“Đây là cuốn Nhật ký đường vào Nam của cha tôi viết trong thời gian từ 1949 – 1951.
Còn đây là chiếc mũ cối cha tôi sử dụng thời chiến tranh biên giới Tây – Nam.
Đã có người hỏi sao mũ của cha tôi lại ghi tên Đại tướng Lê Trọng Tấn. Cha tôi kể rằng trong một cuộc họp hai ông đã lấy nhầm mũ của nhau, thế là họ tặng luôn cho nhau làm kỷ niệm”.
Sức lan tỏa của Cuộc vận động
Với sự tham gia nhiệt tình của Hội Cựu chiến binh VN, Đoàn thanh niên cộng sản HCM, các cơ quan thông tấn báo chí như báo Tiền phong, báo Quân đội nhân dân, Đài TH VN, Thời báo Ngân hàng…, thông tin về Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến” đang lan đi rộng khắp.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN cũng bắt đầu tiếp nhận thêm những kỷ vật từ phía bên kia chiến tuyến. Vừa qua, nhân người bạn sang công tác tại VN, một cựu binh Mỹ đã gửi tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN chiếc huân chương ông được nhận trong cuộc chiến tại VN với mong muốn: Trưng bày nó ở Bảo tàng của VN sẽ có ý nghĩa hơn.
Thiếu tướng Lê Mã Lương cho biết tới đây Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN sẽ tổ chức lễ tiếp nhận lá cờ Đảng do một cựu binh Mỹ trao lại:
“Khi ra trận, thường thì Chính trị viên Đại đội hoặc Tiểu đội là người giữ lá cờ Đảng trong túi để chuẩn bị cho các trường hợp kết nạp đảng viên ngay sau trận đánh, tổ chức sơ kết trận đánh… Có lẽ cựu binh Mỹ này đã thu được lá cờ Đảng của ta trong một trận đánh khi người Chính trị viên hy sinh hoặc bị bắt”.
Ngày 18 tháng 07 năm 2008
Nguồn: Báo điện tử Tiền Phong
Các bài viết liên quan
- Chiến dịch Xuân Lộc (từ 9 đến 20/4/1975)
- Bộ chỉ huy Miền trong tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975
- Họp bàn Tổng tấn công
- Đột phá Xuân Lộc – Long Khánh mở toang cánh cửa vào Sài Gòn
- Bảo vật Quốc gia: Tấm bản đồ huyền thoại
- Chuyến vượt biển của bà Nguyễn Thụy Nga, phu nhân cố Tổng bí thư Lê Duẩn
- Đánh Trảng Bom, vào Sài Gòn
- Giải phóng Sài Gòn – Hoàn thành Lời thề Độc lập
- Trung đoàn Không quân đầu tiên của Việt Nam được thành lập thế nào
- Đi trong “Trận đồ bát quái” Trường Sơn