Về trang chủ

Những ngày đầu truyền bá Quốc ngữ ở Hải Phòng

08/03/2015 , Bài viết của Hoàng Thế Thiện

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ (1938 – 1988) ngày 04-08-1988 tại Hà Nội. Ông Hoàng Thế Thiện là người trong ảnh có đánh dấu hình ngôi sao đỏ.
Hồi ký của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện – nguyên Ủy viên Ban Trị sự Hội Truyền bá Quốc ngữ TP. Hải Phòng
Sau khi Pháp đầu hàng Đức ở chính quốc, ngày 22 tháng 6 năm 1940, phát xít Nhật liền tìm cách nhảy vào chiếm thuộc địa Đông Dương của Pháp. Phát xít Nhật buộc chính quyền Đông Dương phải nhượng cho chúng nhiều quyền lợi. Để làm áp lực cho đòi hỏi này, ngày 22 tháng 9 năm 1940, phát xít Nhật cho quân vượt biên giới Việt – Trung đánh vào Lạng Sơn, đồng thời cho 6.000 quân theo đường biển đổ bộ lên đò Khuể ở Kiến An. Chính quyền Pháp ở Hải Phòng cũng nhượng bộ ngay, đồng ý để quân Nhật có quyền đóng quân tại một số địa điểm trong thành phố. Ngày 23 tháng 9 năm 1940, đoàn quân Nhật này hành quân từ Kiến An theo đường bộ về Hải Phòng. Một anh bạn rủ tôi đi xem. Chúng tôi đứng ở vỉa hè cạnh trại lính khố xanh phố Xa-đi Cac-nô (Avenue Sadi Carnot)[1]. Đi đầu đoàn quân là một viên đại úy người Pháp cưỡi ngựa dẫn đường. Các tốp quân bộ binh Nhật với súng máy và sau cùng là xe tăng lần lượt đi qua. Những quân cảnh Nhật mặc đồ chiến đứng giữ trật tự ở các ngã tư. Lúc đó, một đồng bào ta có việc gấp phải chạy ngang qua đoàn quân để sang đường. Thế là tên quân cảnh Nhật chạy đến đá người đồng bào này ngã lăn ra đường và đánh liên tiếp bằng cây gậy. Khi tan cuộc, chúng tôi thấy cảm thấy đau xót. Anh bạn tôi chửi rủa phát xít Nhật và thú nhận rằng anh ta thất vọng đối với người Nhật.
Sau khi việc đóng quân ở Hải Phòng được thực hiện, quân Nhật yêu sách đòi người Pháp cho mở các lớp dạy tiếng Nhật ở một số địa điểm. Lúc đó, có nhiều người náo nức đi học tiếng Nhật miễn phí. Người Pháp bực tức lắm, nhưng cũng phải cắn răng chịu đựng. Lợi dụng mâu thuẫn này, Hội Truyền bá quốc ngữ ở Hà Nội liền xin phép nhà cầm quyền Pháp cho mở các lớp truyền bá quốc ngữ ở Hải Phòng (ở Hà Nội đã có từ trước). Đốc lý Hải Phòng liền tức khắc đồng ý.
Hội Truyền bá quốc ngữ Hà Nội liền phái các anh Nguyễn Hữu Đang, Trần Văn Nghĩa xuống Hải Phòng tổ chức các lớp truyền bá quốc ngữ. Tôi và một số anh chị em học sinh Trường Bonnal và ở các phố được các anh chọn làm giáo viên. Chúng tôi được học một lớp cấp tốc ba ngày về phương pháp dạy quốc ngữ mới của ông Hoàng Xuân Hãn, phương pháp đọc lên thành tiếng và so sánh hình tượng như :
i, tờ giống móc cả hai
i ngắn có chấm, tờ dài có ngang
tờ i đọc nhanh thành ti…
Thế là chỉ trong vòng một tuần lễ, các lớp học truyền bá quốc ngữ đầu tiên được mở ra ở trường Trí Tri. Tôi đứng dạy một lớp. Sau các lớp đợt đầu có kết quả, chúng tôi tổ chức tiếp các lớp đợt hai. Các anh Đang và Nghĩa thấy tôi có “năng khiếu sư phạm” liền cử tôi làm người phụ trách việc giảng dạy. Lúc ấy tôi chưa có tri thức gì về sư phạm. Các Anh đưa cho tôi một cuốn sách nhỏ tiếng Pháp về những điều cần biết về sư phạm. Tôi học một vài đoạn cần thiết rồi đọc kỹ để hiểu thêm về phương pháp sư phạm. Có một tối, tôi đến một lớp học ở trường Trí Tri do cô giáo Phương đứng lớp. Đa số học sinh của lớp này là các em nghèo. Tôi thấy ở gần bảng đen có một em trai bị cô Phương bắt quỳ. Tôi khéo léo mời cô ra ngoài hành lang và gợi ý cô tha cho em trai ấy vì điều ấy không hợp với tôn chỉ của Hội Truyền bá quốc ngữ. Cô Phương nhất trí ngay.
Sau đợt hai của các lớp truyền bá quốc ngữ, phong trào Truyền bá quốc ngữ được hưởng ứng sôi nổi, một mặt làm giảm uy thế của các lớp học tiếng Nhật, mặt khác lại làm cho người Pháp lo sợ. Nhà cầm quyền Pháp cho tay chân của họ là bọn chỉ điểm (rancarder) đến ngồi ở phía sau các lớp học để theo dõi. Chúng tôi biết ngay điều đó và căn dặn anh chị em giáo viên cứ giảng dạy như thường. Chúng tôi kiểm điểm thấy được kết quả to lớn của hoạt động truyền bá quốc ngữ này nhưng có một điều chưa đạt được mục đích của phong trào là : những học sinh đi học truyền bá quốc ngữ ở trường Trí Tri đa số là các em nhỏ, còn ít người lớn và người lao động.
Tôi và một số anh em khác được chọn làm cán bộ của Truyền bá quốc ngữ ở Hải Phòng. Các anh bàn với chúng tôi là nên chính thức hóa Hội Truyền bá quốc ngữ ở Hải Phòng. Công việc từ đầu đến lúc đó đều do Hội Truyền bá quốc ngữ Hà Nội đứng ra tổ chức. Các anh Đang và Nghĩa bèn lập ra Hội Truyền bá quốc ngữ Hải Phòng, xin phép đốc lý Hải Phòng lập ra Ban Trị sự của Hội do một bác sĩ người Việt (tôi đã quên tên ông ấy) làm Hội trưởng. Tôi được cử vào Ban Trị sự làm Ủy viên giáo dục.
Sau khi được hoạt động chính thức, chúng tôi liền mở rộng các lớp truyền bá quốc ngữ về các nơi có đông đảo nhân dân lao động. Chúng tôi chọn khu Lạc Viên. Ở đây có nhiều anh, chị em lao động như thợ thuyền, người làm nghề bốc vác ở cảng Sáu Kho, các cô đẩy xe goòng… Hội Truyền bá quốc ngữ Hà Nội phái anh Kiên xuống giúp chúng tôi mở các lớp này. Anh là một thợ in khỏe mạnh và tháo vát. Anh và tôi đến xem một ngôi đình để mở lớp học. Ngôi đình này không có điện. Anh Kiên đi mua dây điện và bóng đèn. Rồi chúng tôi kéo điện từ dây đèn đường vào lớp học. Anh Kiên làm rất giỏi và nhanh. Chúng tôi mắc xong điện cho các lớp truyền bá quốc ngữ ở khu Lạc Viên. Thế là lớp học được khai giảng. Tôi còn giữ mãi cảm tưởng tốt đẹp khi khai giảng các lớp học ban đêm ở khu Lạc Viên này. Dưới ánh sáng của đèn điện, các bàn ghế học sinh được kê ngay ngắn, bảng đen mới được sơn. Ngồi ở các hàng ghế là những thợ thuyền, người lao động, trong đó có các cô gái đẩy goòng ở cảng Sáu Kho, quần áo chỉnh tề : áo trắng, quần đen, chít khăn mỏ quạ, nét mặt rạng rỡ ngồi học. Một niềm lạc quan tràn trề trong lòng chúng tôi. Đồng bào tôi sẽ thoát khỏi cảnh mù chữ và sẽ được giác ngộ cách mạng, sẽ đọc được những lời hay lẽ phải của cách mạng.
Sau đó, nhiều lớp học ở các khu vực khác ở Hải Phòng được tiếp tục thành lập. Sau này, chúng tôi có mời thêm vợ chồng nhà tư sản dân tộc Nguyễn Sơn Hà tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ. Ông bà Nguyễn Sơn Hà nhận lời ngay. Chúng tôi cử bà Nguyễn Sơn Hà làm Hội viên danh dự của của Hội. Công việc của Hội Truyền bá quốc ngữ được tiếp tục trong hai năm nữa cho đến khi người Pháp ra mặt cản trở thì các lớp học của Hội cũng tạm thời ngừng hoạt động…
[1]. Nay là phố Tô Hiệu, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng.

Các bài viết liên quan

Video

Chuyên mục

Tag