Về trang chủ

Anh Tư Thiện ở Công trường 9

29/03/2015 , Kháng chiến chống Mỹ (Nam tiến lần thứ ba)

Trung tướng Lê Văn Tưởng (Lê Chân) – nguyên: Phó Chính ủy Quân giải phóng miền Nam, Chính ủy Quân khu 9
Sau thắng lợi của chiến dịch Bình Giã (cuối năm 1964) và chiến dịch Đồng Xoài (từ ngày 10 tháng 5 đến ngày 22 tháng 7 năm 1965), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Chính ủy Quân giải phóng miền Nam tổ chức tổng kết và rút ra những bài học kinh nghiệm rất quan trọng góp phần thúc đẩy bước phát triển mới về lượng và chất cho Quân giải phóng miền Nam.
Qua tổng kết, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đề ra phương châm đánh Mỹ nổi tiếng: “Bám lấy thắt lưng địch mà đánh”. Khẩu hiệu thể hiện rõ quyết tâm đánh giặc Mỹ xâm lược và chỉ ra cách đánh hữu hiệu nhất, vừa hạn chế mức sát thương bởi phi pháo và vũ khí hiện đại của địch, vừa phát huy cách đánh sáng tạo của ta: “Lấy ít đánh nhiều, đánh cận chiến bằng vũ khí bộ binh nhẹ có hạn của ta, lấy quyết tâm vì chính nghĩa đánh thắng bạo lực phi nghĩa”. Cũng qua tổng kết hai chiến dịch này, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền xác định ta có thể xây dựng lực lượng vũ trang lớn hơn nữa để đánh Mỹ. Do vậy, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã xin ý kiến Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh để thành lập sư đoàn chủ lực đầu tiên cho Quân giải phóng miền Nam.

 

Bộ Tư lệnh đầu tiên của Sư đoàn 9. Từ trái sang phải: Sư trưởng Hoàng Cầm, Chính ủy Lê Văn Tưởng, Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Hoàng Thế Thiện (*), Phó Chủ nhiệm Chính trị Nguyễn Văn Quảng.
Ngày 2 tháng 9 năm 1965, tại khu rừng bên bờ suối Nhung (Phước Thành) thuộc Chiến khu “D”, quyết định thành lập Sư đoàn 9 được công bố. Bộ Chỉ huy của Sư đoàn đầu tiên được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng bổ nhiệm gồm có:
– Sư trưởng: Đại tá Hoàng Cầm (Năm Thạch) nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 (Sư đoàn 312).
– Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Sư đoàn: Đại tá Lê Văn Tưởng (Lê Chân) nguyên Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 330.
– Tham mưu trưởng: Thượng tá Nguyễn Thế Bôn.
– Chủ nhiệm Hậu cần: đồng chí Huỳnh Văn Ngân (Ba Vinh).
Sau đó mấy hôm, anh Trần Độ (Chín Vinh), Phó Chính ủy Quân giải phóng miền Nam gọi tôi lên văn phòng của anh và cho biết: Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền dự định bổ nhiệm Thượng tá Hoàng Thế Thiện (Tư Dân, Tư Thiện) nguyên Phó Chính ủy Quân khu 8 làm Phó Chính ủy Sư đoàn 9.
Được biết tin này, tôi rất băn khoăn vì Anh Tư Thiện là cán bộ Nam tiến. Trong đánh Pháp, Anh từng là Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ, lúc bấy giờ tôi mới chỉ là cán bộ của Trung đoàn 120 ở Tân An. Giờ đây, Anh về làm Phó Chính ủy Sư đoàn 9, tức là làm “phó” cho tôi, tôi cảm thấy như có gì “nghịch lý”.
Dù vậy, anh Trần Độ động viên và yêu cầu tôi cứ để Anh Tư Thiện về nhận nhiệm vụ ở Sư đoàn 9 như đã phân công.
Tôi còn nhớ lúc Anh Tư Thiện xuống gặp anh Hoàng Cầm và tôi để nhận nhiệm vụ thì Sư đoàn 9 đang đóng tại Long Nguyên (Bến Cát). Chúng tôi đang củng cố tổ chức thì được tin sư đoàn 1 “Anh cả đỏ” Mỹ vào đóng quân tại Lai Khê. Chúng thường bung ra đi càn vùng phụ cận, đánh phá ngoại vi căn cứ ta. Lúc bấy giờ, Bộ Chỉ huy Miền giao chỉ tiêu trận ra quân cho Sư đoàn 9 phải diệt được từ một đến hai đại đội bộ binh Mỹ. Đảng ủy Sư đoàn họp thảo luận sôi nổi. Cán bộ, chiến sĩ băn khoăn về chỉ tiêu. Anh em nghĩ: có bao nhiêu quân, Bộ Chỉ huy Miền tin tưởng giao hết cho mình nên chỉ tiêu trận đầu không thể chỉ diệt một, hai đại đội Mỹ. Ý cán bộ, chiến sĩ muốn nâng chỉ tiêu lên nhưng không có cơ sở thực tế vì các trung đoàn trước khi hợp thành sư đoàn chỉ đánh với quân chính quy ngụy Sài Gòn có cố vấn Mỹ tham gia chỉ huy chứ chưa trực tiếp đánh với quân Mỹ trận nào. Để giải đáp thỏa đáng vấn đề tư tưởng này, Ban Chấp hành Đảng ủy Sư đoàn hoãn biểu quyết chỉ tiêu và quyết định: mỗi trung đoàn thuộc Sư đoàn phải tổ chức đoàn cán bộ gồm cán bộ tác chiến, tham mưu, chính trị có cấp bậc từ trung đội trưởng đến tiểu đoàn trưởng đi xuống chiến trường Long Nguyên, Thanh Tuyền (Bến Cát) để nghiên cứu cách đánh Mỹ của dân quân du kích vùng này rồi trở về họp lại để biểu quyết chỉ tiêu.
Khi xuống thực địa, đoàn gặp một số bà mẹ chí cốt ở Long Nguyên, các mẹ nói:
– Mỹ nó mạnh lắm: súng ống xe pháo đủ loại, đủ cỡ, nó ăn gạo Thái Lan đem qua, uống nước từ Mã Lai chở tới, quần áo đi càn dơ nó mang về Sài Gòn giặt, tắm thì có máy bay trực thăng phun nước xuống tắm một lần cả trung đội. Vậy mình làm sao mà đánh lại nó?
Người dân thì nói vậy, nhưng khi đoàn gặp du kích địa phương, anh em du kích nói: “Đánh Mỹ dễ ợt, muốn lấy súng nó thì tối nay đi với tụi tôi”.
Anh em kể:
– Mỹ đi càn ở đâu, ngủ đâu, ăn đâu, làm gì tụi tôi đều biết. Tối tụi nó ngủ ngồi, ngủ võng cũng vậy, võng giăng đầu cao, đầu thấp. Tụi Mỹ ngồi dựa ngửa, súng kề vai, mặt mày bôi thuốc chống muỗi cách xa mấy chục mét cũng nghe mùi. Mình cứ bò vào theo lối đặc công, đợi nó ngủ gục rồi giật súng.
Thực tế, du kích Long Nguyên, Thanh Tuyền đã nhiều lần lấy được súng Mỹ theo cách này và cũng tập kích bất ngờ diệt được lính Mỹ khi đi càn đóng quân dã ngoại.
Sau khi đi nghiên cứu thực tế về, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn phấn khởi, tự tin, biểu quyết chỉ tiêu diệt Mỹ trong trận đầu ra quân của Sư đoàn là từ hai đại đội đến một tiểu đoàn bộ binh Mỹ.
Trận Bàu Bàng ngày 12 tháng 11 năm 1965, Anh Hoàng Thế Thiện cùng ra trận địa với Ban Chỉ huy Tiền phương Sư đoàn 9:
Sư đoàn 9 ra quân đánh trận đầu cấp sư đoàn do vậy anh Hoàng Cầm – Sư trưởng và tôi – Chính ủy cùng ra Ban Chỉ huy Tiền phương, phân công Anh Tư Thiện – Phó Chính ủy trực Sở Chỉ huy cơ bản (đóng ở Căm Xe, Dầu Tiếng) cùng cán bộ tham mưu, tác chiến của Sư đoàn. Nhưng Anh Tư Thiện bày tỏ ý muốn tham gia Ban Chỉ huy Tiền phương cùng chúng tôi.
Anh nói:
– Tôi muốn cùng với các anh ra trận địa, khi nổ súng tôi sẽ quay về Sở Chỉ huy cơ bản.
Tôi trao đổi với anh Hoàng Cầm:
– Anh Tư Thiện xin cùng ra trận với Ban Chỉ huy Tiền phương. Anh là Sư trưởng, tùy anh quyết định.
Anh Hoàng Cầm nói:
– Anh là Chính ủy vừa là Bí thư Đảng ủy, anh quyết đi.
Tôi liền nói:
– Như vậy cả hai đứa mình đồng ý để Anh Tư Thiện cùng ra trận nhé!
Sau khi nổ súng chừng mười phút, máy bay B-52 tới đánh trên khu vực Sở Chỉ huy Sư đoàn. Bom nổ ì ầm, mặt đất chấn động. Cả một vùng rừng chìm ngập trong khói bom. Sau đợt ném bom, chiến sĩ trinh sát báo:
– May quá, Anh Tư Thiện đi với mấy anh chứ nếu ở lại Chỉ huy sở thì đã hy sinh rồi. Bom đánh đúng ngay căn hầm của anh Tư.
Trận ấy, hai tiểu đoàn bộ binh thuộc lữ đoàn 3 – sư đoàn 1 “Anh cả đỏ” Mỹ xuất phát từ Lai Khê phối hợp với hai chi đoàn thiết vận xa, một đại đội pháo hành quân lên phía bắc Lai Khê (ngày 11 tháng 11 năm 1965).
Buổi tối, chúng đóng quân ngoài bãi trống phía tây bắc ấp chiến lược Bàu Bàng một cụm; phía nam ấp chiến lược Đồng Sở một cụm. Chúng đóng quân thành cụm vòng cung hình thành hai tuyến: tuyến ngoài là bộ binh với công sự, tuyến trong là xe thiết giáp tạo thành lá chắn thép bảo vệ bộ binh. Lực lượng địch đông nhưng chúng đóng quân dã ngoại ở trảng trống, công sự sơ sài, có nhiều sơ hở. Sư trưởng Hoàng Cầm quyết định sử dụng lực lượng toàn Sư đoàn (thiếu hai tiểu đoàn) để diệt gọn cả hai cụm quân địch.
Sau hai mươi phút nổ súng, quân ta chiếm các mục tiêu, diệt xong bộ binh, còn một cụm xe tăng do Trung đoàn 3 đang vây đánh.
Đêm đó, anh Trần Văn Trà – Tư lệnh B2 từ căn cứ Bộ Tư lệnh đi xe đạp thị sát chiến trường. Đến Sở Chỉ huy Tiền phương, gặp chúng tôi, anh hỏi:
– Đánh đấm ra sao rồi?
Anh Hoàng Cầm báo cáo:
– Đã diệt xong hai tiểu đoàn bộ binh Mỹ, hiện còn một cụm xe tăng do Trung đoàn 3 đang vây đánh.
Cùng lúc đó, anh Trà nhận được điện của anh Nguyễn Chí Thanh từ Suối Tiên – Đất Đỏ gọi. Anh Thanh hỏi về kết quả trận đánh và gọi anh Trà, anh Hoàng Cầm và tôi về căn cứ báo cáo trực tiếp. Anh Tư Thiện ở lại trực Chỉ huy sở và lo giải quyết chính sách thương binh, tử sĩ.
Về đến chỗ anh Thanh, anh Hoàng Cầm xác nhận kết quả trận đánh: diệt hai tiểu đoàn bộ binh Mỹ và Trung đoàn 3 đang vây đánh tổ xe tăng còn lại. Ngay lúc ấy, anh Tư Bình vào báo cáo với anh Thanh:
– Trung đoàn 3 vừa điện báo đã diệt xong cụm xe tăng.
Nghe xong, anh Thanh rất vui, nhận xét ngay:
– Trận Vạn Tường (Quân khu 5), bộ đội ta dám đánh Mỹ. Trận Bàu Bàng này, bộ đội B2 chẳng những dám đánh Mỹ mà còn đánh thắng Mỹ.
Sau trận Bàu Bàng, anh Hoàng Cầm và tôi về Bộ Chỉ huy Sư đoàn 9 lo sơ kết trận đánh, làm công tác củng cố tổ chức để chuẩn bị các trận tiếp theo. Còn Anh Tư Thiện được Bộ Tổng Tư lệnh điều về Mặt trận Tây Nguyên (B3) công tác.
Tôi kể lại kỷ niệm nhỏ về Anh Hoàng Thế Thiện để tưởng nhớ đến Anh, người đồng đội đã cùng chúng tôi chiến đấu ở “Công trường 9” trên chiến trường miền Đông Nam Bộ “gian lao mà anh dũng” năm nào.
Năm Dân ghi
—————
“Công trường 9” là mật danh của Sư đoàn 9

 

Tag

Các bài viết liên quan

Video

Chuyên mục

Tag