Về trang chủ

Một Chính ủy Quân đoàn mẫu mực

23/03/2015 , Kháng chiến chống Mỹ (Nam tiến lần thứ ba)

Đại tá Hoàng Minh Phương – nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4
Hôm nay, đông đảo bạn chiến đấu của đồng chí Hoàng Thế Thiện trong Ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Quân đoàn 4 tại thành phố Hồ Chí Minh vô cùng xúc động đến dự Lễ tưởng niệm đồng chí Chính ủy đầu tiên của Quân đoàn 4 anh hùng nhân kỷ niệm 8 năm ngày đồng chí qua đời và 81 năm ngày sinh của đồng chí.
Đồng chí Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện công tác ở Quân đoàn 4 tròn hai năm (từ tháng 3 năm 1975 đến tháng 3 năm 1977). Đó là một thời gian không lâu so với cuộc đời hoạt động cách mạng hơn 50 năm của đồng chí, nhưng lại là một quãng thời gian cực kỳ sôi động và đầy ý nghĩa, khi đồng chí cùng cán bộ và chiến sĩ Quân đoàn tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đại thắng mùa Xuân năm 1975, tiếp đó là làm nhiệm vụ quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định từ những ngày đầu giải phóng.
Từ đầu tháng 3 năm 1975, trên cương vị là Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Quân đoàn, đồng chí Hoàng Thế Thiện và Tư lệnh Hoàng Cầm đã cùng tập thể Đảng ủy và Bộ Tư lệnh lãnh đạo, chỉ huy Quân đoàn tiến công địch trên hai hướng chiến lược quan trọng: hướng Dầu Tiếng – Chơn Thành và hướng Định Quán – Lâm Đồng.
Sau gần 30 ngày đêm chiến đấu, phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, các đơn vị của Quân đoàn đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, lần lượt giải phóng Dầu Tiếng, Chơn Thành, toàn tỉnh Bình Long và Định Quán, Lâm Đồng. Phối hợp đắc lực với các đòn tiến công chiến lược khác, đặc biệt là cuộc tiến công chiến lược ở Tây Nguyên, chiến công của Quân đoàn 4 đã tạo nên một địa bàn đứng chân rộng lớn, tạo thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực từ phía Bắc theo các quốc lộ 13, 14 và 20 tiến về Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Chính ủy Hoàng Thế Thiện đã cùng Quân đoàn trải qua 12 ngày đêm chiến đấu gian khổ, ác liệt để giải phóng Xuân Lộc, “cánh cửa thép” của Mỹ – ngụy ở cửa ngõ đông bắc Sài Gòn. Tiếp đó, đồng chí đã cùng Tư lệnh Hoàng Cầm chỉ huy lực lượng của Quân đoàn tiêu diệt yếu khu Trảng Bom, đánh chiếm căn cứ quân đoàn 3 ngụy ở Biên Hòa và cuối cùng tham gia giải phóng Sài Gòn vào sáng 30 tháng 4 lịch sử.
Khi Quân đoàn được giao nhiệm vụ quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định, Chính ủy Hoàng Thế Thiện được chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, làm Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy. Trên cương vị đó, đồng chí đã cùng Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân đoàn lãnh đạo và chỉ huy các đơn vị đoàn kết, phối hợp với các ban, ngành của Trung ương và thành phố, với Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân các quận, huyện làm tốt việc tiếp thu các công sở, dinh thự, các cơ sở vật chất kỹ thuật của địch; giữ gìn trật tự, trấn áp các hoạt động phá hoại; xây dựng, củng cố chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng ở cơ sở; góp phần nhanh chóng đưa thành phố trở lại sản xuất và sinh hoạt bình thường.
Mùa thu năm 1976, cùng đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đoàn 4 tham dự Đại hội Đảng toàn quân, Chính ủy Hoàng Thế Thiện được bầu làm đại biểu quân đội đi dự Đại hội Đảng toàn quốc. Tháng 12 năm 1976, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đã bầu đồng chí làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây là vinh dự của đồng chí đồng thời là vinh dự chung của Đảng bộ Quân đoàn.
Đầu năm 1977, khi Quân đoàn bước vào thời kỳ xây dựng trong hòa bình thì đồng chí được giao trọng trách mới là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế. Đồng chí tạm biệt Quân đoàn trong sự tin yêu và mến phục của các đồng chí trong Đảng ủy và Bộ Tư lệnh, của đông đảo cán bộ, chiến sĩ từng làm việc dưới sự dìu dắt của đồng chí.
Thời gian công tác ở Quân đoàn tuy ngắn ngủi nhưng đồng chí Hoàng Thế Thiện đã để lại trong lòng mọi người những ấn tượng sâu đậm về phẩm chất, đức độ và tài năng của một Chính ủy, một Bí thư Đảng ủy Quân đoàn mẫu mực.
Mọi người học tập ở đồng chí tấm gương của một cán bộ lãnh đạo trung thành, tận tụy, trung thực, thẳng thắn, giản dị, chan hòa, sâu sát đơn vị, sống có nghĩa có tình với đồng chí, đồng đội. Khi cấp dưới phạm sai lầm, khuyết điểm, đồng chí có tinh thần rộng lượng, giải quyết có lý có tình, không nặng lời với bất cứ ai.
Là một cán bộ hoạt động cách mạng lâu năm, được tôi luyện trong ngục tù đế quốc, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo từ thấp lên cao, dạn dày kinh nghiệm, có trình độ toàn diện cả về chính trị và quân sự, nhưng đồng chí vẫn rất mực khiêm tốn, tôn trọng ý kiến của tập thể, lắng nghe ý kiến của cấp dưới.
Những cuộc họp Đảng ủy do đồng chí chủ trì trong thời chiến cũng như thời bình đều tràn đầy không khí dân chủ, các ý kiến khác nhau đều được khuyến khích phát biểu, chỉ khi mọi người thông suốt mới kết luận. Tác phong lãnh đạo đó đã tạo nên sự đoàn kết nhất trí cao trong Đảng ủy, hạt nhân của sự đoàn kết nhất trí toàn Quân đoàn, đoàn kết với địa phương và đơn vị bạn.
Đồng chí Tư lệnh Quân đoàn Hoàng Cầm từng phát biểu: “Có một Bí thư Đảng ủy, một Chính ủy như đồng chí Hoàng Thế Thiện ở cạnh mình để tham khảo ý kiến khi thuận lợi cũng như khi khó khăn, để có người chuyên lo công tác đảng, công tác chính trị, người chỉ huy quân sự cảm thấy rất yên tâm vì có một chỗ dựa chính trị và tinh thần vững chắc”.
Với những phẩm chất và tài năng lãnh đạo nêu trên, Chính ủy Hoàng Thế Thiện đã góp phần không nhỏ vào thành tích của Quân đoàn 4 trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam và trong thời kỳ làm nhiệm vụ quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định, một nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ, với không ít khó khăn ở một thành phố lớn vốn là hang ổ của ngụy quyền.
Cựu chiến binh Quân đoàn 4 nguyện học tập gương sáng của đồng chí Chính ủy đầu tiên của Quân đoàn.
Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh đồng chí!
Bài viết là bài phát biểu của Ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Quân đoàn 4 tại thành phố Hồ Chí Minh trong Lễ tưởng niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện tổ chức tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ (Thành phố Hồ Chí Minh) ngày 17 tháng 10 năm 2003.

Tag

Video

Chuyên mục

Tag