Người Trưởng Ban B.68 giàu tâm huyết và nhiệt tình giúp Bạn Cam-pu-chia
13/02/2015 , Làm nghĩa vụ Quốc tế giúp Cách mạng Campuchia
Vũ Oanh – Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị
Thưa các đồng chí!
Hôm nay, Ban liên lạc Ban B.68 Trung ương Đảng cùng với gia đình và được sự hỗ trợ nhiệt tình của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Lễ tưởng niệm 8 năm ngày mất của đồng chí Hoàng Thế Thiện.
Nhân dịp này, tôi xin phát biểu một số ý kiến về những kỷ niệm với đồng chí Hoàng Thế Thiện trong những ngày ở Ban B.68 Trung ương Đảng.
Ông Vũ Oanh phát biểu tại Lễ tưởng niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (Hà Nội – ngày 05-09-2003).
Thưa các đồng chí!
Thời gian đã qua đi, đến nay vừa tròn một phần tư thế kỷ, Ban B.68 đã kết thúc nhiệm vụ nhưng sự ra đời của Ban B.68 mãi mãi là một sự kiện lịch sử mang ý nghĩa quốc tế sâu sắc của Đảng ta, Dân tộc ta, Quân đội ta và lịch sử của các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và một số địa phương trong cả nước…
Nhắc đến Ban B.68, những chuyên gia của cơ quan Trung ương Đảng không bao giờ quên đồng chí Hoàng Thế Thiện – người Trưởng ban giàu tâm huyết và nhiệt tình trong những năm đầu giúp bạn đầy khó khăn, thiếu thốn và gian khổ. Những gì mà Ban B.68 đã làm được trong nhiệm vụ giúp bạn trong các năm đầu ấy đều gắn liền với sự lãnh đạo của tập thể cấp ủy và thủ trưởng cơ quan mà trong đó đồng chí Hoàng Thế Thiện làm Trưởng ban.
Thưa các đồng chí!
Vào thời điểm năm 1978, cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam nước ta do bè lũ Pôn Pốt – Iêng Xa-ry phát động đã kéo dài hơn ba năm và ngày càng quyết liệt.
Bọn “Khơ-me đỏ” đã gây ra những tội ác “trời không dung, đất không tha” đối với nhân dân ta. Bọn chúng đã giết hại hơn 5.000 dân thường Việt Nam, làm bị thương gần 5.000 người khác, bắt và đem đi thủ tiêu hơn 20.000 người. Hàng ngàn trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, nhà thờ, chùa chiền bị đốt phá; hàng ngàn trâu bò bị cướp, giết; hàng ngàn héc-ta lúa, hoa màu bị phá hoại; hàng vạn héc-ta ruộng đất và đồn điền cao su ở vùng biên giới Tây Nam bị bỏ hoang; nửa triệu dân sát biên giới phải bỏ nhà cửa, bỏ ruộng chạy dạt về phía đông, sống chen chúc bên những hố bom B-52 chưa kịp lấp.
Ở trong nước, nạn diệt chủng đối với nhân dân Cam-pu-chia diễn ra rất khốc liệt, sự khủng bố và kìm kẹp dã man của Pôn Pốt đã làm vùng lên hàng loạt cuộc nổi dậy chống chế độ diệt chủng ở khắp nơi, từ đông bắc đến tây nam mà đỉnh cao là quân khu Đông, Kông Pông Chàm, Prây Veng, Xoài Riêng… Hàng vạn dân Cam-pu-chia đã chạy thoát sang tị nạn ở Việt Nam.
Trước tình hình đó, căn cứ vào chủ trương về nghĩa vụ quốc tế của Đảng ta, ngày 16 tháng 6 năm 1978, Bộ Chính trị đã ra Quyết định thành lập Ban B.68 trực thuộc Trung ương Đảng để nghiên cứu tình hình, đề xuất ý kiến và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về đường lối, chính sách giúp Cách mạng Cam-pu-chia. Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hoàng, Viện phó Viện Khoa học Quân sự được cử làm Trưởng ban.
Tháng 10 năm 1978, chỉ bốn tháng sau khi Ban B.68 được thành lập, do sự phát triển nhanh chóng của tình hình Cách mạng Cam-pu-chia, Bộ Chính trị đã quyết định điều động đồng chí Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng (Khoá IV), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng sang giữ chức Trưởng ban thay đồng chí Nguyễn Xuân Hoàng.
Nhận nhiệm vụ, đồng chí Hoàng Thế Thiện đã cùng tập thể lãnh đạo Ban B.68 bắt tay ngay vào giúp bạn những công việc cấp bách…
Sau một thời gian ngắn khẩn trương chuẩn bị, ngày 2 tháng 12 năm 1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia đã được thành lập và ra mắt nhân dân tại Snoul tỉnh Kro-chi-ê. Trong đó, công lao của đồng chí Hoàng Thế Thiện rõ ràng là một công đầu rất quan trọng.
Đây là một sự kiện có ý nghĩa to lớn, quyết định đến quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân Cam-pu-chia để tiêu diệt chế độ diệt chủng Pôn Pốt.
Sau khi ra mắt nhân dân, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã kêu gọi và đề nghị Việt Nam: “Hãy cứu giúp chúng tôi, không phải chỉ giúp mấy vạn người tị nạn mà phải cứu giúp cả một dân tộc!”.
Theo tiếng gọi khẩn thiết của nhân dân Cam-pu-chia và Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, cùng với sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, ngày 23 tháng 12 năm 1979, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược đập tan cuộc tiến công toàn tuyến hòng đánh chiếm thị xã Tây Ninh của Pôn Pốt và sau đó chuyển sang tiến công, cùng với các lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia mới được thành lập đã đánh tan lực lượng quân sự của Pôn Pốt và xóa bỏ chế độ diệt chủng của chúng.
Lúc này, bao nhiêu công việc nặng nề được đặt ra với Ban B.68, việc gì cũng khẩn trương nhưng số lượng cán bộ qua ít… Trụ sở làm việc của Ban B.68 được đặt tại nhà số 606 đường Trần Hưng Đạo, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh nhộn nhịp khác thường.
Đồng chí Hoàng Thế Thiện đã chủ trì cuộc họp để phân công trong lãnh đạo Ban B.68 và các cơ quan giúp việc.
Sau khi báo cáo Bộ Chính trị, đồng chí Lê Đức Thọ – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã giao cho tôi (lúc đó là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó ban Tổ chức Trung ương) cùng với đồng chí Hoàng Thế Thiện được quyền điều động cán bộ bổ sung vào Ban B.68. Vì thế, tôi có điều kiện cùng sống và làm việc với đồng chí Hoàng Thế Thiện. Hai anh em cùng ở chung trong một căn nhà, ngày đêm cùng bàn bạc công việc với nhau nên tôi hiểu rằng đồng chí Hoàng Thế Thiện thực sự là một con người đã được tôi luyện trong ngục tù đế quốc (thời kỳ trước 1945) và trong những năm tháng ác liệt của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta. Đồng chí rất xứng đáng được Đảng tin cậy giao cho trách nhiệm hết sức nặng nề trong những ngày đầu khó khăn, gian khổ để thực hiện một công việc chưa có tiền lệ của ta là giúp bạn hồi sinh lại đất nước; xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng; xóa bỏ những tàn dư của chế độ diệt chủng; xây dựng lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân bạn.
Ngày 7 tháng 1 năm 1979 tức là sau 20 ngày phản công và tiến công, toàn bộ đất nước Cam-pu-chia đã được hoàn toàn giải phóng khỏi chế độ diệt chủng. Được sự đồng ý của Bộ Chính trị, Ban B.68 quyết định giúp bạn tổ chức Lễ mừng chiến thắng tại thủ đô Phnôm Pênh vào sáng ngày 25 tháng 1 năm 1979.
Chỉ sau hơn một tuần lễ, công tác chuẩn bị đã cơ bản xong… Tiếp đến là giúp bạn về công tác tổ chức, sắp xếp các cơ quan từ trung ương tới 19 tỉnh, thành phố của bạn. Đồng chí Hoàng Thế Thiện đã cùng với tập thể lãnh đạo Ban B.68 nghiên cứu, chọn lọc để đề nghị với Trung ương Đảng điều động những cán bộ giỏi của ta cho 19 đoàn chuyên gia. Nhiều cán bộ lãnh đạo của các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc sở một số tỉnh của ta lần lượt về trụ sở 606 Trần Hưng Đạo để nhận nhiệm vụ. Tất cả cùng nhau hợp lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta để giúp bạn xây dựng lại đất nước từ không đến có…
Ngày 25 tháng 1 năm 1979, Lễ mừng chiến thắng đã được tổ chức trọng thể và đầy xúc động trước Quảng trường Hoàng cung ở thủ đô Phnôm Pênh.
Đêm pháo hoa rực rỡ bầu trời Phnôm Pênh.
Ban B.68 bắt đầu những ngày làm việc trên đất bạn. Trong những ngày đầu làm việc trên đất bạn trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, đồng chí Hoàng Thế Thiện đã trăn trở, lo lắng từ những việc nhỏ nhất là chăm lo chu đáo cho đời sống của cán bộ, công nhân viên Ban B.68 đến những việc lớn của công tác giúp bạn mà đồng chí đã được Đảng tin cậy giao phó.
Thưa các đồng chí!
Quán triệt lời dạy của Bác Hồ: “Giúp bạn là tự giúp mình”, với lòng yêu nước chân chính và tinh thần quốc tế trong sáng, Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam đã hết lòng giúp đỡ các lực lượng yêu nước và Cách mạng Cam-pu-chia thực hiện cuộc hồi sinh dân tộc kỳ diệu, phát động các phong trào hành động cách mạng trong nhân dân và từ các phong trào đó đã nhanh chóng hình thành lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang.
Sức mạnh của nhân dân Cam-pu-chia hun đúc từ lòng căm thù chế độ diệt chủng Pôn Pốt, khao khát hồi sinh từng con người, từng gia đình, hồi sinh cả dân tộc, quyết tâm xây dựng lực lượng để làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh dân tộc của mình.
Từ vực thẳm của thảm họa diệt chủng, được sự giúp đỡ to lớn của Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam, nhân dân Cam-pu-chia bằng chính lực lượng vũ trang và hệ thống chính trị của mình đã vươn lên tự đảm đương lấy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Sau khi giúp bạn ổn định tình hình đất nước, xây dựng xong hệ thống tổ chức đảng và hệ thống chính quyền từ trung ương đến làng, xã, khôi phục kinh tế, phát triển giáo dục và y tế, khôi phục ngân hàng và phát hành tiền mới của chính quyền cách mạng, đưa dân hồi hương về quê cũ, tháng 6 năm 1982, đồng chí Hoàng Thế Thiện rời Ban B.68 đi nhận nhiệm vụ mới.
Qua gần bốn năm làm công tác giúp bạn, đồng chí Hoàng Thế Thiện đã để lại những tình cảm quốc tế cao đẹp trong lòng cán bộ và nhân dân Cam-pu-chia cũng như những ấn tượng sâu sắc, không thể phai mờ về một đồng chí Trưởng ban có tấm lòng đức độ, giàu nhiệt huyết nhưng rất mực khiêm nhường trong lòng cán bộ và công nhân viên Ban B.68 chúng tôi, những người đầu tiên đã cùng cộng tác với đồng chí trong công tác giúp bạn xây dựng lại đất nước.
Thưa các đồng chí!
Hôm nay, chúng ta tưởng niệm đồng chí Hoàng Thế Thiện, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và Dân tộc ta, đồng thời đã góp một phần rất quan trọng trong công việc chưa có tiền lệ của ta là giúp bạn hồi sinh lại đất nước sau một thời gian dài phải gánh chịu hậu quả thê thảm của nạn diệt chủng.
Nhân dịp này, tôi xin gửi tới gia đình đồng chí Hoàng Thế Thiện những lời tâm huyết, những tình cảm thân thương về người bạn, người đồng chí của tôi. Cầu chúc cho hương hồn đồng chí Hoàng Thế Thiện được thanh thản nơi cõi vĩnh hằng sau khi đã làm tròn nghĩa vụ với đất nước, với nhân dân. Xin chúc gia đình đồng chí luôn hạnh phúc, yên vui trong cuộc sống.
Nội dung bài phát biểu của đồng chí Vũ Oanh – Trưởng ban liên lạc Cựu chuyên gia Việt Nam giúp Cách mạng Cam-pu-chia trong Lễ Tưởng niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện tổ chức tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (Hà Nội) ngày 5 tháng 9 năm 2003. Ban biên soạn xin được lược trích. Xin được thông cảm.