Mở đường cho Chính phủ lâm thời về Thủ đô
06/02/2015 , Sau Cách mạng Tháng Tám 1945
Những ngày Thu này của 65 năm về trước, dưới ngọn cờ lãnh đạo tài tình của Đảng mà đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc ta đã cùng “giũ bùn đứng dậy chói lòa” làm lên cuộc Cách mạng tháng Tám long trời lở đất. Chỉ trong vòng 15 ngày (13/08 – 28/08/1945), trên khắp Tổ quốc, chính quyền Cách mạng được thành lập chấm dứt gần 100 năm xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp, 5 năm chiếm đóng của phát-xít Nhật và gần 1000 năm tồn tại của chế độ phong kiến quân chủ.
Ngày mùng 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước đông đảo quốc dân đồng bào, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở ra một thời kỳ mới cho dân tộc, thời kỳ “dân tộc, dân chủ tiến lên xây dựng Xã hội Chủ nghĩa”.
Ở độ tuổi 20, tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, với lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm trước vận mệnh của dân tộc, hàng vạn thanh niên đem hết tài năng, sức lực cũng như trí tuệ đưa lịch sử sang trang. Nhiều người trong số họ sau này trở thành những lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh Quân đội.
Trong bài viết này, Đất Việt xin giới thiệu với bạn đọc về tuổi 20 của một số vị tướng Quân đội Nhân Dân Việt Nam trong những ngày tháng lịch sử đó:
…
Mở đường cho Chính phủ lâm thời về Thủ đô
18 tuổi tham gia Cách mạng tại thành phố cảng quê hương, 21 tuổi bị kết án tù khổ sai và bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) rồi Sơn La cùng nhiều tên tuổi khác như Trần Đăng Ninh, Trần Quốc Hoàn, Đỗ Nhuận…, tháng 3/1945, người thanh niên Hoàng Thế Thiện vượt ngục và được cử làm Đội trưởng Đội Vũ trang tuyên truyền Cứu quốc quân huyện Võ Nhai. Ngày 19/8, ông nhạy bén nắm bắt thời cơ chuyển cuộc mít tinh của trên 5000 người ở sân vận động thị xã Thái Nguyên do nhóm thanh niên Việt Minh và Vũ trang Tuyên truyền Võ Nhai chỉ đạo sang tuần hành vũ trang thị uy vào nội ô thị xã khiến cho quân Nhật sợ hãi, án binh bất động. Đây là bước thắng lợi có ý nghĩa quyết định đầu tiên để ngày 20/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền hoàn thành ở Thái Nguyên. Thắng lợi trên tạo điều kiện cho Chính phủ lâm thời cùng Giải phóng quân từ Tuyên Quang qua Thái Nguyên, sớm về Hà Nội, chủ tịch Hồ Chí Minh công bố nước Việt Nam mới trước quốc dân đồng bào và thế giới, ở thời điểm kịp thời. Liên quan tới sự kiện này, trong hồi ức Những chặng đường lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Chúng tôi tới Thịnh Đán thì được tin có một đội tuyên truyên xung phong từ Võ Nhai tiến xuống hôm trước, đã đột nhập thị xã, tổ chức quần chúng tuần hành thị uy. Một đội dân quân của Phú Bình, Phổ Yên cũng đã vào thị xã lùng bắt một số tay chân của địch. Tình hình bảo an binh đang hết sức hoang mang”. Sau khi Cách mạng thành công, ở tuổi 23, tướng Hoàng Thế Thiện đã được bầu vào Ban thường vụ Tỉnh ủy lâm thời Thái Nguyên, đồng thời làm Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Nguyên. Sau này, tướng Hoàng Thế Thiện giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng.
…
Nguồn: Trích trong bài viết “Tuổi 20 và những ngày thu tháng Tám” đăng trên baodatviet.vn