Về trang chủ

Vài kỷ niệm với anh Hoàng Thế Thiện ở Học viện Không quân Trung Quốc

10/03/2015 , Tập kết ra miền Bắc

Đại tá Phan Tương – nguyên Tổng Giám đốc Cục Hàng không dân dụng khu vực phía Nam

Năm 1960, tôi cùng Anh Hoàng Thế Thiện trong đoàn học viên của Cục Không quân sang Bắc Kinh học tại Học viện Không quân Trung Quốc về công tác chỉ huy, lãnh đạo, điều hành. Trong đoàn chỉ có tôi đã được bồi dưỡng tiếng Hoa hơn một năm ở Trường Văn hóa Lạng Sơn nên được phân công làm trợ giáo về tiếng Hoa cho anh em trong đoàn.

Tôi thấy Anh Thiện rất thông minh. Tôi học tập được ở Anh một việc. Trong quá trình học tiếng Hoa, Anh có một quyển sổ tay nhỏ ghi chép từ ngữ, ngữ pháp. Đi đâu Anh cũng mang theo quyển sổ đó và học suốt ngày. Gặp chỗ nào không hiểu thì Anh lại hỏi tôi. Ngày chủ nhật, cả đoàn đi chơi, thăm quan, Anh vẫn luôn mang quyển sổ đó bên mình để tự học…

Trong Đoàn học viên của ta có cả hai thủ trưởng cao nhất của Cục Không quân là anh Đặng Tính – Cục trưởng và Anh Hoàng Thế Thiện – Chính ủy.

Trong quá trình học tập, phía bạn rất quý Chính ủy. Bạn gọi Anh là “Hoàng chính ủy”. Việc gì có liên quan đến đoàn, bạn cũng hỏi ý kiến của “Hoàng chính ủy” (Anh là Bí thư Chi bộ Đoàn học viên)…

Anh Thiện sống rất tình nghĩa, không phải là thứ tình nghĩa của một cán bộ chính trị dùng để xoa dịu hay lấy lòng người mà là tình nghĩa chân thành của một con người nhân hậu. Anh có trình độ chính trị cao, có hiểu biết, có học thức. Học thức ở đây là thông hiểu sự phát triển của thế giới và xã hội. Anh không bảo thủ. Anh quan niệm: Cái mà hôm nay ta cho là đúng chưa chắc ngày mai cũng đúng…

Còn nhớ lúc đó, bạn đang chuẩn bị bỏ quân hàm trong Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc để chống tệ quan liêu. Bạn không tuyên truyền công khai. Khi được bạn thăm dò ý kiến, Anh Thiện đã trả lời: “Lúc mới thành lập, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc chưa có quân hàm, sau ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới đặt ra quân hàm. Việc bỏ hay để là tùy nhận định của mỗi nước. Trước đây, có người nói vì Trung Quốc đặt ra quân hàm nên Việt Nam cũng học theo. Nhưng chúng tôi thấy không phải như vậy. Tình hình phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam đến giai đoạn đó cần phải đặt ra quân hàm. Chúng tôi không học theo ai cả. Vì vậy, việc bỏ hay để quân hàm là tùy các đồng chí quyết định. Chúng tôi xin không có ý kiến.”. Câu trả lời của Anh thể hiện sự khôn khéo trong ngoại giao nhưng cũng có chính kiến rõ ràng…

Tôi còn nhớ mãi hai kỷ niệm về Anh.

Kỷ niệm thứ nhất: Khi chúng tôi kết thúc khóa học, chuẩn bị về nước, bạn tổ chức chiêu đãi đoàn. Anh Thiện vốn không rượu, không thuốc nên khi được bạn chúc rượu, Anh phải nhờ tôi uống hộ. Tôi uống nhiều nên hơi mệt. Sau đó, bạn mời đoàn lên hội trường xem văn nghệ. Trong lúc ngồi xem tôi buồn nôn. Anh Thiện liền rút ngay hai cái găng tay mới của Anh đưa cho tôi bảo cứ nôn vào đấy. Thế là chúng tôi cùng ngồi xem văn nghệ yên ổn cho đến cuối buổi.

Kỷ niệm thứ hai: Thời đó đang có phong trào chơi tem thư. Có một cô nhân viên Trung Quốc ở Học viện Không quân cũng rất mê tem thư như tôi. Vì vậy chúng tôi hay gặp nhau để trao đổi tem thư, có khi cùng nhau đi thăm quan các thắng cảnh ở Bắc Kinh. Tình bạn của chúng tôi trong sáng là vậy nhưng lại xảy ra một rắc rối nhỏ. Gia đình cô nhân viên nọ gây khó dễ với tôi vì nghĩ tôi đang tán tỉnh cô ta. Khi họp Chi bộ, tôi thành thật báo cáo tất cả sự việc với Chi bộ. Có mấy ý kiến cho rằng cần phải kiểm điểm tôi thật gay gắt vì đụng chạm đến vấn đề yêu đương, nhất là với bạn. Anh Thiện kết luận và nói: “Việc đó chả có gì quan trọng phải làm to chuyện vì mối quan hệ của đồng chí Tương với cô gái kia là tình bạn trong sáng. Đồng chí Tương cũng đã thành thật báo cáo với Chi bộ rồi nên không cần phải kiểm điểm nữa”. Vậy là mọi việc lại bình thường.

Tôi rất nhớ và kính phục Anh Hoàng Thế Thiện, một con người có trình độ cao, có trí tuệ, có tình, có nghĩa. Mặc dù những ngày mà Anh Thiện và tôi cùng sang Trung Quốc học đã qua hơn 45 năm, Anh vẫn để lại trong lòng tôi một ấn tượng sâu sắc, mãi không quên./.

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6 năm 2005

Tag

Video

Chuyên mục

Tag