Về trang chủ

Chính ủy Hoàng Thế Thiện trong ký ức người dân “khu ổ chuột”

30/04/2015 , Thơ, văn về Hoàng Thế Thiện

Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung
Vào buổi chiều cuối tuần, một ông già đến tìm tôi ở cơ quan, trao cho tôi cái túi cói đựng con gà trống lớn, kèm theo cặp dứa chín. Khuôn mặt người cao tuổi nhưng rất ít nếp nhăn, da bóng, chứng tỏ người có cuộc sống viên mãn. “Xem truyền hình mới lần ra cậu ở đây. Biếu cậu chút quà miệt vườn!”. Ông già nói rồi cười chất phác. Tôi chưa kịp hỏi tên, ông đã hỏi tiếp: “Chính ủy Quân đoàn 4 Hoàng Thế Thiện hiện giờ ở đâu?”. Ông già từng là lính Quân đoàn 4 chăng? Khi nghe tôi trả lời Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện mất đã hơn mười năm rồi, ông già ngoảnh mặt ra cửa sổ, nhìn xa xăm:
– Cậu xá tội cho tuổi già lẩn thẩn. Nếu còn sống chắc năm nay tướng Thiện cũng phải trên dưới một trăm tuổi rồi. Chính ủy Hoàng Thế Thiện là anh bộ đội cấp bậc cao nhưng hết sức giản dị, giúp đỡ bà con bên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè hồi mới giải phóng nhiều lắm. Chính ủy đã làm thay đổi cuộc đời thằng đòi nợ mướn chui rúc trong khu ổ chuột xóm nước đen là tui. Hồi đó, cậu còn là lính mới, cậu nhớ nhà tui ở gần cầu Trương Minh Giảng không?
Tôi nhận ra ông già chính là Tám Tân, ở xóm nước đen bên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè vào những năm 70 của thế kỷ trước. Đâu dè, người được biệt danh là Tân “đòi nợ mướn” khét tiếng ở chợ Trương Minh Giảng hồi nào giờ là ông lão hiền từ thế này. Tôi lấy nước pha trà mời người trước kia thường dùng hai chai bia mở nắp rồi tu một hơi cạn một chai, trước khi xách cái dao quắm đi đòi nợ thuê. Đón ly trà nóng từ tay tôi, ông gật đầu cảm ơn, khiến tôi tưởng như mình đang tiếp một nhà giáo già. Rồi ông chậm rãi nói rằng, chỉ biết khi chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ quân quản, lên biên giới Tây Nam đánh giặc rồi sang tuốt Cam-pu-chia làm nghĩa vụ quốc tế, nhiều khi muốn tìm cũng chẳng lần ra mối. Rồi lại hỏi tôi, có nhớ hồi quân quản đưa Chính ủy Hoàng Thế Thiện đến với dân Nhiêu Lộc-Thị Nghè không?
Làm sao tôi có thể quên hồi Sài Gòn vừa giải phóng, tiểu đội tôi được giao nhiệm vụ dẫn Chính ủy Hoàng Thế Thiện đến thăm bà con các “khu ổ chuột” bên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Ngày ấy, Sài Gòn-Gia Định vừa giải phóng, đáng mừng là thành phố gần như nguyên vẹn, nhưng vẫn còn nhiều kẻ chống đối cách mạng. Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện với tư cách là Chính ủy Quân đoàn và là Thường vụ Thành ủy TP Sài Gòn-Gia Định, đã chỉ đạo các đơn vị phải chăm lo đến đời sống nhân dân. Vừa mới giải phóng, nhiều phường, xóm chưa có cán bộ, nhân viên, bộ đội phải đảm đương mọi việc, trước mắt là cứu trợ cho các gia đình thiếu đói. Bộ đội chia sẻ khẩu phần hằng ngày của mình để cứu trợ đồng bào nghèo. Chỉ lệnh của Ủy ban Quân quản có câu vậy. Tôi không ngờ, ở thành phố được xem là “Hòn ngọc Viễn Đông” này lại có nhiều người không đủ gạo ăn hằng ngày đến thế, nhất là những gia đình từ nông thôn chạy bom đạn lên đây dựng chòi bám theo hai bờ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè.
Các bạn trẻ hôm nay thấy được dòng Nhiêu Lộc-Thị Nghè với đường Trường Sa, Hoàng Sa cặp hai bên rộng rãi, thoáng mát, không thể hiểu nổi trước đây là những khu ổ chuột bám bíu, những gia đình chui rúc trong căn chòi vá víu bằng giấy dầu và họ đã phải lượm ve chai trên những đống rác để kiếm sống. Mà sao hồi đó, giữa trung tâm thành phố lại có nhiều đống rác lớn đến vậy. Nhà Tám Tân thuộc diện nghèo nhất, 7 người ở trong căn chòi cao cẳng cất de ra bờ kênh, cột là những cây đước xù xì, mái lợp giấy dầu, vách che bằng lá dừa nước. Nhưng Tám Tân ít khi ở nhà, chỗ ở của người đòi nợ mướn ban ngày là các nhà hàng, đêm ngủ ở sạp trong chợ Trương Minh Giảng. Nhưng từ khi giải phóng, cảnh đòi nợ mướn hầu như không còn. Hơn thế, chính quyền cách mạng và bộ đội quân quản ra tay triệt phá các băng nhóm tội phạm. Tám Tân phải ở nhà, ăn ngon uống say quen thói rồi khiến anh ta cảm thấy phát cuồng. Cho tới hôm Tám Tân tham gia vụ cướp giật bị bắt rồi đưa đi giáo dục, hồi đó có các lớp giáo dục thanh niên hư hỏng, đâu một tháng mới được cho về. Một lần, Chính ủy Hoàng Thế Thiện tới thăm bà con khu ổ chuột, ghé căn chòi nhà Tám Tân, biết được tội lỗi của Tám Tân nhưng cái nhìn của người Chính ủy Quân đoàn vẫn rất hiền từ. Ông hỏi Tám Tân học hết lớp mấy. Khi nghe Tám Tân trả lời chưa biết chữ thì mọi người cùng đi rất ngạc nhiên, ở giữa đô thị phồn vinh mà có thanh niên mù chữ? Thật không thể tin. Chính ủy Thiện nói, các đồng chí thấy cảnh gia đình chạy bom đạn từ đồng bằng lên, phải sống giữa khu ổ chuột thế này ăn chẳng đủ, lấy đâu tiền đi học. Ông khuyên Tám Tân cải tà quy chính, lo làm ăn. Khi biết Tám Tân không có phương tiện làm ăn, ông đã tặng một chiếc xe ba gác. Hồi đó, chiếc xe ấy trị giá ngang một chỉ vàng. Tám Tân đã dùng chiếc xe chở nước đá bỏ mối cho các hàng quán, gia đình có ngày ba bữa.
Cũng trong thời gian ấy, Chính ủy Hoàng Thế Thiện đã cùng với các tổ công tác quân quản gặp nhân dân các xóm nước đen, lấy nguyện vọng từng nhà, ai muốn trở về làng quê cũ, sẽ có xe bộ đội đưa tới nơi. Vậy là hằng ngày có hàng chục chuyến xe đưa đồng bào về quê cũ và có chiến sĩ đi cùng để giúp đỡ rà tháo chất nổ, dựng nhà cho đồng bào. Chính những biện pháp kịp thời này đã giảm áp lực người vô gia cư cho thành phố, tạo được cơ ngơi sinh sống trong làng ấp, làm việc trên cánh đồng do cha ông khai khẩn.
Trong thời gian quân quản, tôi thường ghé xóm nước đen. Những lần đầu, mùi hôi thối từ dòng nước đen màu hắc ín khiến tôi phát ho và nhức mũi, sau quen dần. Chính trong khu ổ chuột này có nhiều người khác thường, nhiều phế binh chế độ cũ, nghe đâu trước kia hung hãn, đến cảnh sát cũng ngán. Từ ngày bộ đội đến họ nhu mì hẳn. Cũng phải thôi, bộ đội tới giữ an ninh, cứu trợ cho đồng bào, trong đó có gia đình họ, vậy thì làm sao họ càn quấy như hồi xưa được. Chính tình cảm của bộ đội quân quản, một đội quân chiến thắng, khiến họ cảm phục nên luôn muốn tiếp cận trò chuyện. Các chiến sĩ xem họ là nạn nhân của chế độ cũ, cũng là đồng bào mình cả nên không bao giờ nhắc tới quá khứ buồn đau của từng người và giúp đỡ họ như mọi người khác. Nhiều người được giúp phương tiện làm ăn như xe nước mía, máy may…
Riêng anh Tám Tân, từ khi có chiếc ba gác, đã thay đổi hẳn. Hằng ngày, anh thức từ lúc ba giờ sáng, đạp xe đến cơ sở sản xuất nhận nước đá cục, những tảng dài và những bao tải đá viên, chở bỏ mối cho các tiệm cà phê, giải khát. Người Sài Gòn thích cà phê vào mờ sáng, nhiều người quen xài cà phê đá. Tám Tân tham gia tự vệ phường, bộ đội quân quản mời anh học lớp bổ túc văn hóa, mỗi tuần ba buổi. Theo được một năm, anh xin nghỉ vì học chữ không vô được nữa.
Tôi hỏi:
– Thưa chú, cuộc sống bà con ta ở xóm ổ chuột gần cầu Trương Minh Giảng giờ ra sao?
Ông cho biết, năm 1978, nghĩa là khi Sư đoàn 341 hoàn thành nhiệm vụ quân quản, lên giữ đất biên giới Tây Nam, ông cưới vợ. Sinh đứa con đầu lòng, lúc này thành phố đã đưa các gia đình sống trong khu ổ chuột đến các nơi khác có điều kiện tốt hơn, sau đó mới có chủ trương lớn đưa tất cả dân khỏi bờ kênh Nhiêu Lộc, một số đến khu chung cư Hồ Văn Huê, để cải tạo kênh nước trong. Nhận được tiền đền bù, ông đưa gia đình về quê ở Đồng Tháp làm ruộng và trồng cây kiểng. Đến nay, ba người con của ông đều tốt nghiệp đại học, có nhà riêng. Vậy là hạnh phúc lắm rồi.
Ông Tám Tân nói:
– Tụi tôi được làm chủ đất đai viên trạch, mùa trúng mùa thất, nhưng thóc gạo dư ăn, còn bán mỗi năm ba, bốn tấn. Vườn trồng cây ăn trái, cây kiểng, bán vào dịp Tết Nguyên đán, có ao thả cá, khu chăn nuôi gà, vịt. Mấy năm nay, nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, đường sá tráng nhựa hay đổ bê tông hết ráo, có nước ngọt dư xài… Vậy thì cậu biểu còn ao ước gì nữa.
Tôi thật sự mừng cho ông. Ông nói tiếp:
– Hôm rồi, bà con từng sống trong các xóm nước đen hiện nay ở Đồng Tháp có gặp nhau, tụi tôi nhớ tới bộ đội làm quân quản đã giúp đỡ khi thiếu đói rồi cho xe đưa về quê cũ, cho bộ đội công binh rà phá bom mìn, giúp vật liệu dựng nhà cửa. Nhiều người nhắc tới Chính ủy Hoàng Thế Thiện với lòng ngưỡng mộ. Tui tìm tới thăm chú cũng là vì vậy.
Tôi dẫn ông Tám Tân ra hành lang tòa nhà, ở tầng 9 này nhìn bao quát được một đoạn kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè với đường Hoàng Sa và Trường Sa cặp hai bên. Chú Tám Tân nói nhỏ:
– Cậu biết không, nhiều đêm tui vẫn mơ thấy sống giữa xóm nước đen, những con chuột lông thấm nước bò lên sàn nhà đấy. Ai dè, bây giờ đã trở thành dòng sông nhỏ giữa lòng thành phố đẹp đến vậy. Riêng các con tui, khi nghe kể chuyện cuộc sống cơ cực của người dân thời ở xóm nước đen, chúng nó không thể tin sao con người ta có thể sống trong hoàn cảnh như vậy. Sắp tới, tui sẽ dẫn chúng đến bờ kênh gia đình sống hồi xưa, kể cho chúng nghe cuộc sống của dân khu ổ chuột và sự giúp đỡ của Chính ủy Hoàng Thế Thiện để chúng hiểu thêm về Bộ đội Bác Hồ thời làm quân quản.
Ông Tám Tân nhìn tôi cười đôn hậu!
Bài viết đăng trên báo Quân đội nhân dân điện tử ngày 15-04-2015
Nguồn: http://sknc.qdnd.vn/sukiennhanchung/vi-vn/89/70/81/81/81/354981/Default.aspx

Tag

Các bài viết liên quan

Video

Chuyên mục

Tag