Về trang chủ

Tiểu sử tóm tắt đồng chí cố Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện

21/12/2017 23:10 , Tin tức

Đồng chí Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện nguyên là: Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban B.68 Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực đầu tiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam khóa II, Chính ủy đầu tiên Cục Không quân, Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Chính ủy đầu tiên Quân đoàn 4, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định.

Đồng chí Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện là cán bộ lão thành cách mạng, tham gia cách mạng từ năm 1940, đã ba lần Nam tiến tham gia chiến đấu vì miền Nam ruột thịt trong các năm 1949, 1964, 1975. Chặng đường chiến đấu của đồng chí ở Nam Bộ gắn liền với các đơn vị chủ lực, với quá trình xây dựng, chiến đấu và công tác của lực lượng vũ trang chủ lực ở Nam Bộ, từ trung đoàn đến cấp quân đoàn, quân khu. Đồng chí có mặt ở hầu khắp các chiến trường Nam Bộ, từ miền Tây, miền Trung lên miền Đông và Thành phố Sài Gòn, từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến kháng chiến chống đế quốc Mỹ và những ngày tháng sôi động sau khi đất nước hòa bình, thống nhất. Với tư cách một người lính cầm súng, trên dọc đường hành quân đánh giặc, Nam Bộ là nơi đồng chí dừng chân nhiều nhất, cũng là nơi đồng chí dừng lại sau cùng.

Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét về đồng chí Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện: “Đồng chí Hoàng Thế Thiện là một cán bộ cao cấp của Đảng, một vị tướng của Quân đội. Đồng chí đã từng đảm nhiệm những chức vụ quan trọng. Suốt đời chiến đấu vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Đồng chí có ưu điểm nổi bật là dù ở cương vị nào cũng là tấm gương đoàn kết và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng chí, đồng đội tin yêu”.

Đồng chí Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện tên khai sinh là Lưu Văn Thi, sinh ngày 20-10-1922 tại ngõ Mai Viên, thành phố Hải Phòng. Quê quán: thôn Lê Xá, xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Sinh trưởng trong một gia đình dân nghèo thành thị có truyền thống yêu nước, ngay từ đầu năm 1940 đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng trong Tiểu tổ bí mật và tích cực tham gia vào các hoạt động yêu nước của phong trào Hướng đạo sinh, phong trào Truyền bá quốc ngữ và Đoàn Thanh niên Cứu quốc tại thành phố Hải Phòng.

Tháng 3-1943, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 5 năm tù khổ sai, giam tại nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội, rồi đày lên nhà tù Sơn La. Tháng 3-1945, đồng chí vượt ngục tập thể, rồi về Thái Nguyên tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 4-1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được phân công làm Đội trưởng Đội Vũ trang tuyên truyền Cứu quốc quân huyện Võ Nhai.

Từ tháng 8-1945 đến tháng 8-1949, đồng chí tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Thái Nguyên, rồi được cử giữ các chức vụ: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời - Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Vĩnh Yên, Trưởng Phòng Chính trị Liên Khu 10 - Quân khu ủy viên, Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Sông Lô.

Từ tháng 9-1949 đến năm 1954, đồng chí được cử làm Trưởng Đoàn Cán bộ quân sự Trung ương vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ, rồi được cử giữ các chức vụ: Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Tây Đô, Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Cửu Long, Chủ nhiệm Chính trị Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ - Quân khu ủy viên, Ủy viên Ban Tuyên huấn và Ủy viên Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam.

Từ năm 1955 đến tháng 9-1964, đồng chí tập kết ra miền Bắc, rồi được cử giữ các chức vụ: Trưởng Ban Đại diện miền Tây Nam Bộ, Chủ nhiệm Chính trị Liên khu 3 - Quân khu ủy viên, Chính ủy đầu tiên Ban Nghiên cứu sân bay, Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Cục Không quân.

Tháng 10-1964, đồng chí trở lại chiến trường Nam Bộ bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển với bí danh là Hoàng Dân tức Tư Dân.

Từ tháng 12-1964 đến tháng 1-1975, đồng chí được cử giữ các chức vụ: Phó Chính ủy Quân khu 8, Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị đầu tiên Sư đoàn 9, Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 1, Đảng ủy viên Mặt trận Tây Nguyên, Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 304, Phó Chính ủy Mặt trận 968 - Nam Lào, tham gia Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn kiêm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh khu vực 470, Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Từ tháng 2-1975 đến tháng 9-1978, đồng chí được cử giữ các chức vụ: Chính ủy đầu tiên - Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 4, Phó Chính ủy Mặt trận phía Đông thuộc Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, tham gia chỉ huy Chiến dịch Xuân Lộc đập tan chiến tuyến phòng thủ kiên cố nhất của địch, mở toang cánh cửa phía Đông, tạo thuận lợi cho các quân đoàn chủ lực triển khai lực lượng tiến công giải phóng Sài Gòn và tham gia chỉ huy cánh quân hướng Đông - một trong năm cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế - Bí thư Đảng ủy Tổng cục.

Từ tháng 10-1978 đến tháng 6-1982, đồng chí được cử giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Trưởng Ban B.68 Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Đoàn Chuyên gia Việt Nam toàn Campuchia, Cố vấn cho Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia, Phó Tổng Đoàn Chuyên gia Việt Nam tại Campuchia, Phó Tư lệnh Chính trị Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia kiêm Trưởng Đoàn Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia.

Từ tháng 7-1982 đến tháng 6-1989, đồng chí được cử giữ các chức vụ: Thứ trưởng thứ nhất Bộ Thương binh và Xã hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa II, Thứ trưởng thường trực đầu tiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch danh dự đầu tiên Làng trẻ em SOS Việt Nam.

Đồng chí được nghỉ chế độ từ tháng 10-1987, nghỉ hưu chính thức từ tháng 7-1989, rồi tham gia công tác Cựu chiến binh tại thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ đầu trên cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Quận 1 khóa I.

Đồng chí từ trần ngày 05-09-1995 tại thành phố Hồ Chí Minh sau một cơn bạo bệnh, hưởng thọ 73 tuổi.

Đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12-1976); được phong quân hàm Thượng tá tháng 12-1958, thăng quân hàm Đại tá tháng 2-1966, thăng quân hàm Thiếu tướng tháng 4-1974.

Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng, do đã có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Dân tộc, đồng chí Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng các phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Hai Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Quân công Giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhất; Huy hiệu 50 tuổi Đảng; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; Kỷ niệm chương Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày; Huy hiệu Vì nghĩa vụ Quốc tế; Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc; và nhiều huy chương, kỷ niệm chương, huy hiệu cao quý khác./.

Video

Chuyên mục

Tag