Về trang chủ

Người Anh của tôi

06/02/2015 , Trước Cách mạng Tháng Tám 1945

Thiếu tướng Trần Đình Cửu – nguyên Cục trưởng Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị QĐNDVN

 

Chủ nhiệm Chính trị Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ Hoàng Thế Thiện cùng Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 410 (năm 1952). Từ trái sang phải: Trần Đình Cửu – Chính trị viên; Phạm Ngọc Thảo – Tiểu đoàn trưởng; Hoàng Thế Thiện; Lục Sĩ Hổ – Tiểu đoàn phó, Tham mưu trưởng.
Hiếm có đôi bạn nào mà ngay từ thưở thiếu niên cùng cắp sách đến trường đến khi tham gia cách mạng rồi cùng công tác trong Quân đội luôn gắn bó thân thiết với nhau, theo dõi từng bước trưởng thành của nhau; khi nghỉ hưu lại cùng nhau tham gia hoạt động đồng hương hướng về quê hương Hải Phòng. Đó là trường hợp của Anh Hoàng Thế Thiện và tôi.
Là một người bạn, một người em (Anh lớn hơn tôi hai tuổi), một người đồng chí, một đồng đội, một cán bộ cấp dưới của Anh, tôi xin ghi lại những kỷ niệm sâu sắc về Anh trong suốt một chặng đường dài hơn 50 năm gắn bó với Anh.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Anh là “Thời niên thiếu sôi động và yêu nước”.
Thành phố Hải Phòng là một thành phố của công nhân lao động có truyền thống cách mạng. Học sinh chúng tôi nghe nói từ trước năm 1930 đã có các đồng chí tiền bối hoạt động trong học sinh Trường Bonnal. Sau này, tôi được biết đó là Tổ “Học sinh Đoàn” do đồng chí Nguyễn Văn Linh phụ trách. Trong hoàn cảnh bị địch o ép, khủng bố, phong trào cách mạng ở Hải Phòng gặp rất nhiều khó khăn: nhiều cơ sở cách mạng bị tan rã, mất liên lạc, mật thám theo dõi khắp nơi, nhiều đồng chí bị địch bắt, tù đày. Phải nói rằng thời kỳ 1930 – 1945 ở Hải Phòng, những chiến sĩ cách mạng hoạt động rất khó khăn, có nhiều nguy hiểm luôn rình rập.
Năm 1939, tôi vào học năm thứ nhất Trường Bonnal lớp Cao đẳng tiểu học. Tôi gặp Anh lúc đó tên là Lưu Văn Thi đang học năm thứ hai. Anh em thường gọi Anh là Lưu Thi để phân biệt với anh Nguyễn Đình Thi học cùng trường. Với các anh học lớp trên, chúng tôi là học sinh mới nhập trường nên ít có quan hệ. Riêng với Anh Lưu Thi, tôi có một mối quan hệ “đặc biệt”.
Những năm 1936 – 1939, Đảng ta chủ trương thành lập những hội, đoàn để tập hợp và giáo dục quần chúng như Hội Ái hữu, Hội Tương tế, Hội Hướng đạo… Lúc này, ở Hải Phòng có hai tổ chức Hướng đạo: đạo Yên Tử gồm các thanh niên, học sinh nhà giàu; đạo Cửa Cấm gồm những thanh niên, học sinh nhà nghèo, tự nhuộm quần áo đồng phục, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn nhưng rất tích cực và luôn gần gũi đồng bào nghèo. Anh Lưu Thi và tôi cùng sinh hoạt trong đạo Cửa Cấm. Tôi ở đoàn Quang Trung. Anh là một trong những huynh trưởng của đoàn Lý Thường Kiệt do anh Vũ Quý (Quý đen) làm Đoàn trưởng (anh Vũ Quý là một lãnh đạo chủ chốt khôi phục tổ chức Đảng và quần chúng ở Hải Phòng thời kỳ 1942 – 1943). Anh Lưu Thi và anh Vũ Quý đã có mối quan hệ mật thiết ngay từ lúc đó. Anh Lưu Thi và tôi thường gặp nhau trong các buổi cắm trại, diễn kịch, ngâm thơ, diễn thuyết. Tôi thấy Anh là người hoạt bát, cởi mở. Tuy gia đình Anh rất nghèo nhưng Anh vẫn hoạt động rất hăng hái, sôi nổi, nhiệt tình. Anh thấy tôi là một học sinh nghèo, đồng cảnh ngộ với Anh nên rất ân cần giúp đỡ tôi. Tranh thủ các buổi sinh hoạt hướng đạo, Anh thường chủ động gặp tôi và các bạn học sinh nghèo để tìm hiểu và nói chuyện tâm tình. Anh bảo tôi tìm hai người bạn thân cũng là học sinh nghèo lập thành tổ ba người do Anh trực tiếp theo dõi, dìu dắt. Tôi đã tìm anh Sâm và anh Thung để lập tổ. Anh Lưu Thi chỉ định tôi phụ trách tổ và liên lạc trực tiếp với Anh. Anh đã từng bước tìm hiểu và thử thách chúng tôi. Anh giao một số công việc cho chúng tôi với tư cách là huynh trưởng hướng đạo giao việc cho tráng sinh.
Đầu tiên, Anh bảo chúng tôi phải tham gia đều các buổi sinh hoạt hướng đạo và phải phổ biến cho các bạn khác hát những bài hát ca ngợi lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc như: Lời cha già (lời cụ Nguyễn Phi Khanh nói với Nguyễn Trãi ở biên ải trước lúc bị lưu đầy sang Trung Quốc), Bạch Đằng Giang, Bóng cờ lau… Những bài hát này bước đầu đã giáo dục cho chúng tôi lòng yêu nước và tự hào dân tộc rất sâu sắc.
Việc thứ hai là Anh giao cho chúng tôi dạy truyền bá quốc ngữ cho công nhân, thợ thuyền nghèo ở Trường Hạ Lý gần nhà tôi dưới danh nghĩa là Hướng đạo sinh. Qua các buổi dạy học, chúng tôi đã tìm hiểu thêm hoàn cảnh, tâm tư của đồng bào nghèo và càng thêm cảm thông với cuộc sống cơ cực của họ.
Việc thứ ba là Anh giao cho chúng tôi đi làm việc thiện. Anh bảo chúng tôi đi quyên cơm nắm ở các nhà giàu rồi phân phát cho các gia đình nghèo khó. Anh còn khuyên chúng tôi lập nên các tổ học tập để giúp đỡ lẫn nhau. Anh nói:
– Chúng mình cùng là những học sinh nghèo nên phải thương yêu, đùm bọc lẫn nhau và phải cùng nhau chăm học để khỏi phụ công ơn cha mẹ.
Chúng tôi đã làm theo lời Anh dặn. Lúc đó, học phí mỗi tháng phải đóng 4 đồng mà gia đình chúng tôi rất nghèo nên eo hẹp. Với lòng cảm thông sâu sắc, Anh hướng dẫn chúng tôi đi dạy thêm cho con em nhà giàu từ 7 giờ đến 9 giờ tối để lấy 5 đồng tiền công hàng tháng, 4 đồng đóng học phí còn 1 đồng dành mua sách học. Những việc làm của Anh đã giáo dục cho chúng tôi lòng nhân hậu, lòng thương yêu, đùm bọc người nghèo, tình đồng bào rất sâu sắc.
Cuối năm học thứ nhất, khi chúng tôi có thể đọc thạo tiếng Pháp, Anh khuyên chúng tôi nên đọc thêm sách. Đầu tiên Anh đưa cuốn Những người cùng khổ của Vích-to Huy-gô (Victor Hugo) Chúng tôi đọc ngấu nghiến và thông cảm với quần chúng lao khổ Pháp trong đời sống chính trị, xã hội lớn lao của Thế kỷ XIX, đồng thời rất khâm phục tinh thần đấu tranh của họ. Chúng tôi liên hệ với tình hình Việt Nam lúc đó và nhận thấy chỉ có đấu tranh mới giành được quyền sống cho mình. Tiếp theo, Anh đưa cuốn Người mẹ của Mắc-xim Goóc-ki (Maxim Gorki) nói về một người mẹ công nhân đã giác ngộ một công nhân đứng vào hàng ngũ cách mạng. Cuốn sách này bị nhà cầm quyền Pháp cấm nghiêm ngặt vì là sách văn học Xô Viết. Chúng tôi bí mật đọc một cách say sưa và chuyền tay cho một số bạn thân cùng đọc. Anh bảo chúng tôi phải tóm tắt lại nội dung những cuốn sách đã đọc để xem chúng tôi đã học tập, tiếp thu được điều gì. Nếu chưa rõ, Anh sẽ giảng giải thêm. Anh đã dẫn dắt chúng tôi khởi đầu từ lòng yêu nước, thương đồng bào, sự cảm thông với cuộc sống của dân nghèo rồi tiến thêm một bước là khơi dậy ý thức đấu tranh giai cấp.
Năm 1941, phát xít Nhật vào Hải Phòng, theo chân Nhật là một số đảng phái phản động của bọn Việt gian. Một trong số đó là đảng “Đại Việt quốc gia liên minh” nấp dưới chiêu bài thuyết “Đại Đông Á” của phát xít Nhật. Nhiều thanh niên, học sinh ở Hải Phòng lúc đó, do lòng yêu nước bồng bột lại bị sức hấp dẫn giả tạo của thuyết “Đại Đông Á” lôi kéo nên đã gia nhập đảng này. Trước tình hình đó, Anh Lưu Thi đã nói ngay với chúng tôi:
– Các em phải cảnh giác trước bọn Nhật vì chúng ở trong hệ thống phát xít. Hiện nay ở Việt Bắc, chúng ta đã có phong trào Việt Minh đang phát triển mạnh nên các em đừng nghe theo lời tuyên truyền lừa mị của bọn “Đại Việt”.
Hải Phòng lúc đó còn có tủ sách Hàn Thuyên do những người theo phái Trốt-kít lập ra. Họ tuyên truyền yêu nước là phải dùng bạo lực, đấu tranh quá khích. Anh cũng cảnh giác chúng tôi trước học thuyết phản động này và khuyên chúng tôi nên xác định một tư tưởng yêu nước chân chính. Sau này nghĩ lại, chúng tôi luôn nhớ ơn Anh vì Anh đã kịp thời cảnh tỉnh cho chúng tôi không chệch hướng đi theo những tư tưởng phản động trong lúc chúng tôi còn ở lứa tuổi học trò rất bồng bột, dễ bị lôi kéo, kích động. Ngay từ lúc đó, Anh đã hướng cho chúng tôi đi theo con đường chân lý của cách mạng mặc dù Anh chưa lần nào giảng cho chúng tôi nghe về chủ nghĩa Cộng sản.
Năm 1942, tôi học năm thứ hai còn Anh đang học năm thứ ba. Bỗng một hôm Anh gặp tôi, trông Anh rất buồn, Anh nói:
– Cửu ơi, mình bây giờ không tiếp tục học được nữa. Gia đình mình quá khó khăn, thầy mình[1] vừa thất nghiệp. Mình phải đi làm để giúp đỡ gia đình nuôi các em ăn học. Cửu và các bạn cứ duy trì sinh hoạt tổ ba người, sẽ có người thay mình tiếp tục dìu dắt các em.
Tôi nghe xong cũng rất buồn mà chẳng biết làm cách nào giúp Anh. Anh nghỉ học và ra làm thư ký đánh máy công nhật ở Ngân hàng Đông Dương gần bến Bính. Chúng tôi cũng không còn liên lạc với Anh nữa. Vào một buổi sáng, mật thám Pháp đến khám xét các ngăn kéo bàn học của học sinh toàn trường. Giám thị trường và bọn mật thám tra hỏi chúng tôi về Anh Lưu Thi nhưng chúng tôi đều nói là không biết. Sau này, trong một buổi đi cắm trại, tôi được các anh khác cho biết là mật thám đã bắt Anh ngay tại Ngân hàng Đông Dương vì nghi ngờ Anh tổ chức một cơ sở Việt Minh ở Trường Bonnal. Cho đến lúc này, chúng tôi mới biết Anh là một cán bộ Việt Minh và rất tự hào vì Anh đã tin tưởng, giác ngộ chúng tôi. Chúng tôi nhắc nhau phải cẩn thận trong hoạt động và tiếp tục làm tốt các công việc mà Anh đã dặn dò.
Anh Lưu Thi là một thanh niên yêu nước, ham hoạt động, có lòng nhân hậu, luôn gần gũi học sinh nghèo. Ngay từ khi ở tuổi học trò, Anh đã sớm được giác ngộ cách mạng. Anh là một người Anh, một người Thầy đã dạy cho chúng tôi những bài học sơ đẳng nhất về lòng yêu nước, thương nòi và khơi dậy cho chúng tôi một ý chí đấu tranh cho một xã hội công bằng, tiến bộ. Tôi luôn nhớ ơn Anh là người Thầy đầu tiên đã giác ngộ cho tôi về lòng yêu nước và chỉ dẫn cho tôi đi theo con đường của cách mạng. Những lời dạy dỗ của Anh đã ảnh hưởng, gắn bó với tôi suốt cả cuộc đời mình.
Ấn tượng thứ hai của tôi về Anh là tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt”.
Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Nam Bộ rất cần những kinh nghiệm về công tác xây dựng các đơn vị quân đội, công tác đảng, công tác chính trị để từng bước đưa quân đội ở Nam Bộ trưởng thành, tiếp thu những kinh nghiệm của Bộ Tổng Tư lệnh.
Năm 1950, khi đang làm Chính trị viên một trung đoàn chủ lực ở Khu 7, tôi đã đón tiếp một đoàn cán bộ quân sự từ miền Bắc vào tăng cường cho miền Nam. Thật bất ngờ, Trưởng đoàn lại là Anh Lưu Thi, lúc này Anh đã lấy tên là Hoàng Thế Thiện. Sau nhiều năm mất liên lạc, nay gặp lại nhau, chúng tôi vui mừng khôn xiết. Anh xuống thăm trung đoàn của tôi, anh em hàn huyên tâm sự. Anh kể cho tôi nghe về những ngày đi đày Sơn La, sau đó vượt ngục và tham gia cướp chính quyền ở Thái Nguyên, rồi vào Quân đội chiến đấu ở Khu 10. Anh vẫn như trước đây: rất tình cảm, sôi nổi, lạc quan, nhiệt tình cách mạng cao. Một buổi tối, Anh trao đổi với tôi những kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị ở miền Bắc và đưa cho tôi một số tài liệu của Trung ương về công tác chính trị. Tôi coi đây là “cẩm nang” của mình và rất cần cho việc xây dựng những đơn vị chủ lực ở miền Đông Nam Bộ lúc đó. Rồi Anh về Khu 9 công tác, tôi vẫn ở Khu 7. Năm 1951, tôi về miền Tây làm Chính trị viên Tiểu đoàn 307 chủ lực thuộc Trung đoàn Cửu Long do Anh làm Chính ủy. Tôi đã cùng Anh chiến đấu trong những trận chống càn Giồng Sao, trận đánh đồn Bảy Ngàn (Cần Thơ)… Tuy là cấp chỉ huy trung đoàn nhưng Anh rất dũng cảm, luôn ra chiến trường, theo sát các đơn vị chiến đấu, kịp thời chỉ đạo, động viên anh em giành thắng lợi lớn. Khi thành lập Phân Liên khu miền Tây, Anh về làm Chủ nhiệm Chính trị Phân Liên khu, tôi về làm Chính trị viên một tiểu đoàn chủ lực của tỉnh Cần Thơ. Tôi thường gặp Anh trong các buổi họp tổng kết công tác chính trị, tổng kết các trận chiến đấu và rút kinh nghiệm công tác đảng cho các đơn vị ở Phân Liên khu. Đến Hiệp định Giơ-ne-vơ, Anh tổ chức một lớp chỉnh huấn cho cán bộ trung, cao cấp toàn Phân Liên khu ở Cạnh Đền gần Chắc Băng. Lớp này có khoảng 200 người, gồm các cán bộ chủ chốt các tỉnh và cán bộ chỉ huy các đơn vị chủ lực để nghiên cứu thắng lợi của Hiệp định Giơ-ne-vơ và trách nhiệm của chúng ta trước tình hình mới. Lúc tập kết, Anh rút tôi lên làm Trưởng phòng Tuyên huấn của Phòng Chính trị Phân Liên khu. Anh và chúng tôi đã cùng góp phần giáo dục kỷ luật quân đội, tư tưởng đoàn kết Bắc – Nam, các kinh nghiệm tiếp xúc với đồng bào miền Bắc cho các đơn vị miền Nam đi tập kết. Năm 1957, tôi được điều về Cục Cán bộ – Tổng cục Chính trị công tác nên có điều kiện theo dõi sát quá trình công tác của Anh. Khi về làm Chính ủy Ban Nghiên cứu sân bay rồi Chính ủy đầu tiên của Cục Không quân, Anh đã cùng Cục trưởng Đặng Tính đề xuất kế hoạch với Cục Cán bộ lựa chọn một số cán bộ có năng lực đưa đi nước ngoài đào tạo thành phi công như các anh: Đào Đình Luyện, Trần Mạnh, Nguyễn Phúc Trạch… để góp phần xây dựng vững mạnh ngành hàng không còn non trẻ của ta lúc đó.
Năm 1964, Quân ủy Trung ương lựa chọn một số cán bộ có năng lực, đã quen thuộc với chiến trường miền Nam để tăng cường cho Nam Bộ, trong số này có Anh Hoàng Thế Thiện. Chuyến đi khá gấp, Anh trở lại miền Nam trên con tàu “không số”. Thời gian đi tuy nhanh nhưng là đường biển nên vô cùng nguy hiểm. Đầu tiên Anh về Bến Tre để thực hiện nhiệm vụ xây dựng một sư đoàn chủ lực ở miền Tây Nam Bộ nhưng do những điều kiện khách quan nên không thực hiện được. Anh lại lên miền Đông tham gia xây dựng Sư đoàn 9 – Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam. Lúc này ở Mặt trận Tây Nguyên (B3) đang thành lập sư đoàn chủ lực nên rất cần một chính ủy sư đoàn có kinh nghiệm xây dựng đơn vị tập trung để chuẩn bị đối đầu với quân Mỹ. Anh Chu Huy Mân – Tư lệnh kiêm Chính ủy B3 trực tiếp yêu cầu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Chính ủy Miền tăng cường Anh Thiện cho B3 làm Chính ủy Sư đoàn 1. Lúc này, ta có hai quan điểm: một quan điểm là choáng ngợp trước sức mạnh hiện đại của Mỹ, còn e dè chưa dám đương đầu; quan điểm thứ hai theo khẩu hiệu do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đề ra là “Dám đánh Mỹ sẽ tìm ra cách đánh Mỹ”, cứ mạnh dạn đương đầu với Mỹ rồi dần dần rút ra kinh nghiệm và cách đánh Mỹ. Anh Thiện về Sư đoàn 1, một trong những đơn vị đi đầu đánh Mỹ với chiến thắng Plây Me vang dội và cũng là nơi tập trung nhiều cán bộ quân sự giỏi mà sau này trở thành các tướng lĩnh tài ba của Quân đội ta như các anh: Nguyễn Hữu An, Lê Hữu Đức, Trần Văn Trân… Anh Nguyễn Hữu An nổi tiếng là một Tư lệnh rất “kén” Chính ủy nhưng khi Anh Thiện về Sư đoàn 1 thì anh An rất hài lòng và Anh Thiện cũng rất xứng đáng với vai trò là “người quản gia” cho Tư lệnh. Các anh đoàn kết, dũng cảm, cùng nhau khắc phục mọi khó khăn, gian khổ tiến hành một loạt các chiến dịch tiêu diệt sư đoàn chủ lực của Mỹ. Thắng lợi này là bằng chứng hùng hồn chứng minh cho quan điểm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là hoàn toàn đúng.
Cuối năm 1970, Trung ương có hướng chuẩn bị tăng cường chi viện nhân lực và vật lực cho chiến trường miền Nam nên việc củng cố và phát triển Đường 559 – con đường vận tải chiến lược là yêu cầu cấp thiết lúc đó. Năm 1970, đang là Chính ủy Sư đoàn 304, Anh Thiện lại ra B4 tham gia chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, sau đó đảm nhiệm Phó Chính ủy rồi Chính ủy Đoàn 559. Năm 1974, tôi là phái viên Tổng cục Chính trị vào B2 lại gặp Anh trên đường Trường Sơn ác liệt, đầy bom đạn. Anh đưa tôi đi thăm các tuyến đường vận tải, xuống các binh trạm… Năm 1975, tôi lại gặp Anh ở B2 khi Anh về làm Chính ủy Quân đoàn 4 chủ lực ở Nam Bộ chuẩn bị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Anh Thiện vào đây rất “đắc địa”. Anh phát huy hết khả năng và kiến thức của mình về công tác hiệp đồng binh chủng vào các trận đánh. Anh đã kết hợp tốt công tác đảng và công tác quân sự, cùng Tư lệnh Hoàng Cầm và toàn Quân đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Quân đoàn 4 đã chọc thủng “cánh cửa thép” Xuân Lộc, mở đường cho các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn…
Năm 1976, Anh Thiện và tôi cùng là đại biểu Đảng bộ Quân đội đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV. Tôi được bầu làm Thư ký bầu cử nên biết rõ Anh có tín nhiệm khá cao khi được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cuối năm 1978, Anh lại đem hết tài năng và kinh nghiệm của mình sang giúp nước bạn Cam-pu-chia trong những ngày đầu nước bạn vừa mới được giải phóng đầy khó khăn, nguy hiểm, nhưng Anh đã vượt qua tất cả để hoàn thành tốt trọng trách của mình…
Nhìn lại cả cuộc đời hoạt động của Anh Hoàng Thế Thiện, tôi thấy ở Anh nổi lên tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt”. Tuy sinh ra và lớn lên ở quê hương miền Bắc, nhưng Anh rất xứng đáng là người con thân yêu của Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”. Qua hai cuộc kháng chiến, Anh đã có những đóng góp xứng đáng trong bước đầu xây dựng lực lượng quân sự ở chiến trường Nam Bộ. Công lao của Anh được đồng bào, chiến sĩ miền Nam nhất là ở Khu 9 và miền Đông Nam Bộ luôn nhớ mãi. Các chiến sĩ ở Khu 9, Chắc Băng, Huyện Sử, rừng U minh đều nhắc đến “Anh Tư Thiện”, một con người tình nghĩa, cởi mở, lạc quan, tiêu biểu cho tình đoàn kết Bắc – Nam với lòng quý trọng, thương mến. Anh em luôn ghi nhớ hình ảnh của một cán bộ chỉ huy nhiệt tình, dũng cảm, nhân hậu, khiêm tốn, có đạo đức trong sáng, có tài năng, giàu kinh nghiệm về công tác đảng, công tác chính trị, công tác vận động quần chúng và cả công tác quân sự.
Anh đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho miền Nam ruột thịt và đã đóng góp công sức cùng những kinh nghiệm quý báu của mình trong việc xây dựng lực lượng Quân đội ta ngày càng vững mạnh hơn.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6 năm 1999
T.Đ.C
[1] Cụ Lưu Văn Ngữ (1892 – 1946), thân phụ của Anh Hoàng Thế Thiện.

 

Video

Chuyên mục

Tag