Về trang chủ

GIẢI MÃ VỀ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN MANG MẬT DANH B.68 (PHẦN I)

08/02/2015 , Thân thế và sự nghiệp

Đánh giá về Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Suốt đời chiến đấu vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc, đồng chí có ưu điểm nổi bật là dù ở cương vị nào cũng là tấm gương đoàn kết và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng chí, đồng đội tin yêu”.
Học sinh yêu nước của Hải Phòng
Hoàng Thế Thiện tên thật là Lưu Văn Thi, sinh trưởng ở Hải Phòng. Cha là một nhà Nho nghèo yêu nước và là một đầu bếp giỏi ở thành phố cảng, từng tổ chức đưa người sang Trung Quốc cho chí sĩ Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du, về sau là cơ sở hoạt động cách mạng cho “Anh cả đỏ” Nguyễn Lương Bằng. Được sự giáo dục của cha, cậu học trò Lưu Thi (bạn bè hay gọi tắt như thế) sớm có tinh thần yêu nước, tích cực tham gia phong trào hướng đạo sinh, rồi Đoàn Thanh niên cứu quốc, giúp đỡ nhiều học sinh đi vào con đường cứu dân cứu nước. Tháng 3.1943, ông bị thực dân Pháp bắt, kêu án 5 năm tù khổ sai, giam ở nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội sau đó đày lên ngục Sơn La. Ở đây, ông được gặp và học hỏi rất nhiều ở nhà cách mạng đàn anh Trần Đăng Ninh về công tác bí mật và vận động quần chúng đấu tranh. Hai năm sau, ông cùng một số đồng chí tổ chức vượt ngục thành công, về làm đội trưởng Đội Vũ trang tuyên truyền cứu quốc huyện Võ Nhai thuộc Chiến khu Hoàng Hoa Thám, tham gia tổng khởi nghĩa cướp chính quyền, được cử làm chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt minh tỉnh Thái Nguyên rồi tỉnh Vĩnh Yên.
Tháng 4.1947, do yêu cầu của chiến trường, ông được điều vào quân đội làm phái viên, trưởng Phòng Chính trị Liên khu 10; rồi chuyển sang làm chính ủy Trung đoàn Sông Lô. Từ đây, Hoàng Thế Thiện gắn liền với cuộc đời binh nghiệp, xông pha lửa đạn chinh chiến khắp các chiến trường, từ Việt Bắc đến Tây Nguyên, Nam Bộ và làm nghĩa vụ quốc tế nước bạn Campuchia, giữ nhiều trọng trách trong quân đội và chính phủ. “Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Thế Thiện là một tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, một vị tướng trưởng thành từ cơ sở, qua nhiều cương vị, là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội đứng mũi chịu sào của đơn vị. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí đã được Đảng tin cậy giao nhiệm vụ vào chiến trường Nam bộ trong thời điểm khó khắn nhất, nhưng đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”- Thiếu tướng Phó giáo sư Tiến sĩ Trịnh Vương Hồng- viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam nhận định- “Là một vị tướng có uy tín của quân đội, công lao và thành tích xuất sắc của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đã được Đảng, Nhà nước và quân đội ta ghi nhận. Lịch sử hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta và lịch sử quá trình xây dựng, chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng còn mãi mãi ghi đậm hình ảnh và công lao vị tướng có tài tổ chức và chỉ huy chiến đấu, một chính ủy kiên trung, mẫu mực…”.
Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất. Và năm 2003, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với các cơ quan của quân đội đã tổ chức lễ tưởng niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện rất trang trọng tại Hà Nội và TP.HCM.
Vị chính uỷ xuất sắc
Tháng 8.1966, sau khi tham gia xây dựng Sư đoàn 9 chủ lực đầu tiên của Nam Bộ, làm phó chính ủy kiêm chủ nhiệm chính trị sư đoàn, Hoàng Thế Thiện lại được Quân ủy Trung ương điều lên làm chính ủy Sư đoàn 1- sư đoàn chủ lực đầu tiên đang được thành lập ở Mặt trận Tây Nguyên. Trung tướng Phó giáo sư Lê Hữu Đức- nguyên sư đoàn phó kiêm tham mưu trưởng Sư đoàn 1 tâm sự rằng: “Trong lúc chiến đấu, cũng như khi về hậu cứ, bất cứ một đồng chí nào trong Bộ tư lệnh, trong Đảng ủy, chủ trì các cơ quan hay trung đoàn có gì lo âu đều không qua con mắt đầy tình người của anh. Anh luôn luôn chủ động trao đổi, giúp thêm nghị lực cho từng đồng chí”. Còn Thượng tướng Giáo sư Hoàng Minh Thảo- nguyên tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên cho rằng: “Điểm đặc biệt của anh Thiện: tuy làchính ủy nhưng rất chú ý đến quân sự. Anh nắm địch tương đối chắc. Anh hiểu phiên hiệu các đơn vị địch. Lúc đó, anh như một người chỉ huy quân sự. Do anh nắm chắc địch, từ các phiên hiệu đến các đơn vị địch, nên anh đã góp được nhiều ý kiến để bàn bạc với đồng chí sư trưởng trong việc đánh địch. Khi tôi gặp Bộ Chỉ huy sư đoàn để trao đổi, bàn bạc kế hoạch tác chiến thì ngoài công tác chính trị, công tác Đảng, anh cũng phát biểu về tình hình địch”. Chỉ riêng ở Mặt trận Tây Nguyên, Chính ủy Hoàng Thế Thiện đã cùng Sư trưởng Nguyễn Hữu An chỉ huy Sư đoàn 1 đánh nhiều trận hay, nhất là trận gây thiệt hại nặng cho Lữ đoàn dù 173 của Mỹ trong Chiến dịch Đăk Tô 1 trên Đồi 875 ở tây bắc Kontum mùa đông năm 1967.
Đến đầu năm 1971, khi Hoàng Thế Thiện đã về Bộ tư lệnh Đoàn 559- Trường Sơn, trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch đánh ra Đường Chín- Nam Lào, ông được phân công trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 2 (Quân khu 5) đánh chặn hai tiểu đoàn nguỵ Lào và nguỵ Thái không cho chúng tấn cộng xuống Sê Pôn phối hợp với quân Việt Nam cộng hòa. Rồi tháng 4.1971, ông trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 968 giải phóng vị trí Đồng Hến, để ba ngày sau quân ta bao vây chia cắt đánh ba tiểu đoàn nguỵ Lào và nguỵ Thái thiệt hại nặng phải rút chạy. “Trong những năm chiến đấu và công tác của anh Thiện trên chiến trường 559- Bộ đội Trường Sơn và sau này về chủ trì Tổng cục Xây dựng kinh tế, anh Thiện đã đem hết tâm trí, sức lực, tài năng vào nhiệm vụ được giao”- Thiếu tướng Võ Sở, nguyên phó tư lệnh Đoàn 559 nói- “Anh Thiện đã ghi lại dấu ấn của người cán bộ chính trị có trình độ toàn diện cả chính trị, quân sự, kinh nghiệm giải quyết các vấn đề khó khăn phức tạp. Anh Thiện cũng thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống cán bộ chiến sĩ, kiểm tra việc thực hiện các chế độ cung cấp nhu cầu ăn, ở, mặc cho bộ đội khi làm nhiệm vụ”.
Tháng 2.1975, sau khi Quân đoàn 4 được thành lập, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đã trở lại Nam Bộ giữ cương vị chính ủy quân đoàn chủ lực đầu tiên của chiến trường này. Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh- nguyên tham mưu trưởng Quân đoàn 4 cho biết ông cùng tướng Thiện sát cánh bên nhau “Từ Lộc Ninh, Bà Điểm đến Dầu Tiếng, An Lộc, Chơn Thành, qua Chiến khu D đến Xuân Lộc rồi vào tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ. Anh là một người lãnh đạo linh hoạt, sâu sát đơn vị trong chiến đấu; quan tâm đến đời sống cán bộ, chiến sĩ trong sinh hoạt; tác phong dân chủ, bình đẳng với mọi người…”. Vâng, có thể nói tướng Hoàng Thế Thiện là hình ảnh tiêu biểu của một chính ủy xuất sắc trên chiến trường. Từ cấp trung đoàn, sư đoàn cho đến quân đoàn, quân khu và cao hơn nữa, ở cương vị nào ông cũng thể hiện được bản lĩnh, tài năng, nhân cách và vai trò hạt nhân của một người tổ chức, chỉ huy.
Phan Hoàng

Tag

Video

Chuyên mục

Tag