Về trang chủ

Lịch sử một tấm ảnh

09/01/2016 , Tập kết ra miền Bắc

Hồi ức của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, in trong tập hồi ức Bác của chúng ta (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985), Khắc sâu lời Bác (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001), Kể chuyện Bác Hồ tập 5 (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2015).

 

 

Trong ảnh: Cục trưởng Cục Không quân Đặng Tính (**) và Chính ủy Cục Không quân Hoàng Thế Thiện (*).

Trong cuốn sách ảnh truyền thống của Không quân nhân dân Việt Nam, ngay sau trang ảnh màu chụp Bác Hồ đang tươi cười vẫy tay là một tấm ảnh khổ to, chiếm gần hai trang sách. Trong ảnh, Bác mặc quần áo trắng, đi dép cao su đen, ngồi thoải mái trên nền xi-măng trước cửa nhà sửa chữa máy bay ở sân bay Gia Lâm. Xung quanh, một khối rất đông đảo cán bộ, chiến sĩ trong Cục Không quân, ngồi quây quần, xúm xít; hầu như mọi nét mặt đều hiện khá rõ, mỗi người một vẻ, rất tươi. Tất cả đều hướng về Bác. Phía sau, trên nền sẫm đầy góc cạnh của những nhà kho và máy bay đỗ thành hàng ngay ngắn là một bầu trời sáng lấp lánh. Bức ảnh mang một không khí đầm ấm của một gia đình lớn, mà tôi thấy đó là một trong những tấm ảnh được ghi lại một cách khéo léo, hài hòa.
Nhìn lại tấm ảnh, tôi bỗng bồi hồi nhớ Bác, nhớ những đồng chí đã cùng tôi sống trong Cục Không quân những ngày mới thành lập. Hiện nay có người còn trong Quân đội, có người đã chuyển ra cơ quan Nhà nước, có người đã già yếu nghỉ hưu và có cả những người đã khuất. Tôi tuy không được ngồi ngay sát cạnh Bác, nhưng tấm ảnh đó đối với tôi là một kỷ niệm sâu sắc. Cùng với Bác, tấm ảnh còn giữ lại hình ảnh nhiều đồng chí đã gắn bó với tôi trong những tháng năm đầu xây dựng Cục Không quân và ngành Hàng không dân dụng của ta. Riêng với tôi, tấm ảnh gợi nhớ lại một ngày đầu năm đẹp đẽ, cách đây trên 14 năm, mà chúng tôi đã được Bác chăm sóc ân cần và… có lẽ còn ít người nhớ được nguồn gốc để có được tấm ảnh mang ý nghĩa lịch sử đối với Không quân nhân dân Việt Nam như vậy.
Trung đoàn Hàng không đầu tiên của ta được thành lập đúng dịp kỷ niệm lần thứ 69 ngày sinh của Bác – ngày 19 tháng 5 năm 1959. Ngày 19 tháng 5 năm 1959 từ đó được xem như ngày hội truyền thống của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam. Cục Không quân thuộc Bộ Quốc phòng cũng ra đời vào thời kỳ này, hình thành trên cơ sở Ban Nghiên cứu sân bay thuộc Bộ Tổng Tham mưu phát triển lên, để quản lý và chỉ đạo các hoạt động không quân trong Quân đội. Anh Đặng Tính là Cục trưởng. Tôi là Chính ủy. Nhiệm vụ của chúng tôi lúc đó được Bộ Tổng Tham mưu giao cho là xây dựng những cơ sở ban đầu của Không quân nhân dân Việt Nam, tiếp quản, quản lý các sân bay trong nước từ Đồng Hới trở ra, xây dựng các đoàn bay sử dụng máy bay vận tải, đảm nhiệm các đường bay chính trong nước, xây dựng các cơ sở hậu cần, kỹ thuật… Cả những việc lựa chọn người đi học đào tạo phi công và thợ máy ở các nước bạn để đảm nhiệm các nhiệm vụ của Quân chủng Không quân hiện đại sau này, ngay từ lúc đó đã phải lo toan rồi.
Chúng tôi tập hợp những chiến sĩ lái máy bay các loại (do nước bạn Liên Xô trang bị cho ta như máy bay vận tải AN-2, IL-2, IL-14 và máy bay lên thẳng MI-4) cùng với các chiến sĩ thợ máy và những cán bộ chỉ huy, hậu cần, kỹ thuật ở sân bay Gia Lâm thành lập trung đoàn hàng không đầu tiên của Quân đội ta, lấy phiên hiệu là Trung đoàn 919.
Hơn một năm sau ngày thành lập Trung đoàn, Ban chỉ huy Trung đoàn 919 tổ chức ngày hội mừng công, sơ kết một năm thi đua xây dựng và hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Đó là một ngày tháng 10 năm 1960. Đây là hội nghị mừng công đầu tiên của Trung đoàn 919 – trung đoàn không quân đầu tiên trong lực lượng vũ trang ta. Hội nghị đã bình bầu được tám Chiến sĩ Thi đua tiêu biểu cho mọi lực lượng có mặt trong ngành Hàng không dân dụng. Trong số tám Chiến sĩ Thi đua này, có đồng chí Phan Như Cẩn là một chiến sĩ lái máy bay rất trẻ, say sưa yêu nghề và chịu khó tìm tòi học hỏi. Đồng chí Cẩn đã lái hàng nghìn ki-lô-mét an toàn, có nhiều tiến bộ vượt bậc trong kỹ thuật bay, gắn bó với anh em thợ máy và đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ cùng phân đội, cùng tổ bay trong khi bay (sau này đồng chí Phan Như Cẩn đã anh dũng hy sinh trong lúc lái máy bay chiến đấu chống bọn “cướp trời” Mỹ, được tuyên dương là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân). Số chiến sĩ thi đua còn lại đều thuộc các lực lượng phục vụ cho các chuyến bay như : thợ máy, công binh bảo dưỡng đường băng, hoa tiêu, khí tượng, thông tin chỉ huy và anh nuôi, y tá… Tôi đã theo dõi Hội nghị với tư cách là Bí thư Đảng ủy Cục Không quân, nghe các bản báo cáo điển hình và thấy rõ tính chất đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể trong quá trình xây dựng ngành Hàng không dân dụng, xây dựng Không quân là rất quan trọng. Hội nghị tổ chức ngay ở sân bay, nên không khí càng náo nức, sôi động.
Làm việc đến ngày thứ hai, độ quá nửa buổi sáng thì tổng đài thông tin sân bay báo cáo cho biết : “Máy bay trực thăng chở Bác Hồ sẽ xuống sân bay Gia Lâm. Bác sẽ đi xe con về Hà Nội”.
Tôi mừng quá. Bác thường đi công tác bằng máy bay qua sân bay Gia Lâm và chúng tôi được xác định trách nhiệm đặc biệt bảo đảm an toàn và sức khỏe cho Bác. Nhưng lần này thì có cái đặc biệt hơn là anh em đón Bác đi qua ngay trong lúc đang tiến hành hội nghị thi đua đầu tiên của đơn vị. Tôi bỗng nảy ra một ước mơ, rất thầm kín thôi, làm sao mời được Bác ghé vào thăm, động viên các Chiến sĩ Thi đua dự Hội nghị, dù chỉ vài chục phút thôi cũng được. Nhưng rồi tôi lại băn khoăn, Bác đang bận trăm công nghìn việc của đất nước. Một trung đoàn hàng không mới thành lập, thành tích chưa có gì lớn lao, mình đề ra ước mong đó có làm phiền Bác không ? Có thể Bác thương yêu anh em, Bác không nỡ từ chối. Nhưng làm như thế, liệu có nhỡ công việc của Bác không ?… Vả lại, thời gian “sát nút” quá rồi. Chỉ còn 30 phút nữa là máy bay của Bác sẽ hạ cánh xuống sân bay rồi.
Một số anh em trong Hội nghị cũng nhận được tin này, họ nắm lấy vai tôi :
– Dịp may hiếm có, đề nghị Chính ủy thay mặt Hội nghị ra mời Bác.
Anh em bày tỏ nguyện vọng chân tình và tha thiết quá làm cho tôi thấy mạnh dạn thêm… Tôi gọi điện thoại trao đổi với Cục trưởng Đặng Tính đang làm việc bên Hà Nội. Anh Đặng Tính nói :
– Anh cố mời Bác vào thăm đơn vị. Đó là điều hạnh phúc, vinh dự không chỉ riêng cho đơn vị mà cho cả ngành Hàng không dân dụng ta. Mỗi lời chỉ dẫn, cổ vũ của Bác lúc này là viên ngọc quý giúp cho việc xây dựng Cục Không quân.
Cùng anh gắn bó trong nhiệm vụ xây dựng Không quân, tôi hiểu ý anh tha thiết với nguyện vọng lớn lao ấy như thế nào. Nhất là ngành Hàng không dân dụng mới bước đầu được thành lập, nếu được Bác đến thăm thì chắc Bác sẽ chỉ thị cho nhiều điều rất cơ bản về phương hướng, phương châm xây dựng ngành, mà chúng tôi thì đang vô cùng bỡ ngỡ.
Chúng tôi trao đổi với nhau trên điện thoại một lúc, cuối cùng anh Tính vui vẻ nói :
– Anh cứ chân thành báo cáo với Bác nguyện vọng của anh em. Anh trình bày thật tha thiết nhưng ngắn gọn. Có thể được Bác chấp nhận đấy.
Như được tiếp thêm nghị lực, tôi nhảy lên chiếc xe Gát 69 đi thẳng ra bãi đỗ trực thăng của sân bay, sẵn sàng đón Bác. Cùng đi với tôi có đồng chí Hồ Văn Luật lúc đó là Chính ủy Trung đoàn 919. Ngồi trên xe, tôi trao đổi với anh Luật :
– Tôi có gọi điện trao đổi với anh Đặng Tính. Anh Tính rất hoan nghênh. Nhưng bây giờ tôi và anh là người trực tiếp đi mời Bác, ta phải tùy tình hình mà xử sự sao cho khỏi ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc của Bác.
Anh Luật vui vẻ hưởng ứng ngay :
– Tôi cũng nghĩ như anh. Đúng ! Nếu Bác vui vẻ, mạnh khỏe thì ta mời. Nhưng nếu thấy Bác có vẻ yếu mệt sau chuyến bay thì ta không nên làm ảnh hưởng đến sức khỏe của Bác, anh ạ.
Xe chạy từ Sở chỉ huy Trung đoàn 919 ra thẳng chỗ đỗ trực thăng. Vừa bước chân ra khỏi xe, chúng tôi đã thấy bóng dáng chiếc máy bay MI-4 màu trắng quen thuộc đang là là bay tới, hạ độ cao. Đúng là chiếc chuyên cơ thường xuyên phục vụ các chuyến đi của Bác do Chính phủ Liên Xô tặng Bác năm 1959. Chiếc MI-4 này do một đồng chí phi công lành nghề của Liên Xô lái. Chiếc máy bay trực thăng hạ cánh cách chỗ chúng tôi đứng đón Bác chừng mười lăm mét. Chờ cho cánh quạt máy bay dừng hẳn, tôi và anh Luật vội rảo bước đến, nhưng cửa máy bay chưa mở hẳn. Một lát sau thì cửa mở và Bác nhanh nhẹn đi ra, bước xuống cầu thang.
Bác vẫn mặc bộ quần áo ka-ki trắng, đi đôi dép cao su đen, quai to, đã cũ. Da dẻ Bác hồng hào. Nét mặt Bác vui tươi. Chúng tôi thấy Bác vui, đã như mở cờ trong bụng.
Đi cạnh Bác là một đồng chí cán bộ bảo vệ mà chúng tôi rất quen biết : đồng chí Lý. Chúng tôi đứng nghiêm, đưa tay lên chào theo kiểu quân sự, nhưng miệng lại muốn reo lên :
– Chúng cháu chào Bác ạ !
Bác nhìn chúng tôi, nét mặt vui mà đầy xúc động.
Một tay Bác vịn cầu thang, một tay Bác cầm mũ giơ lên vẫy vẫy :
– Các chú ở Không quân ra đón Bác đấy à ?… Các chú có khỏe không ?
Bác vừa nói vừa bước vội xuống cầu thang máy bay, rồi giang tay ôm lấy chúng tôi như người cha đi vắng lâu ngày về gặp con cái. Chúng tôi mừng mà muốn rơi nước mắt. Sau phút giây xúc động, tôi mới nói được mấy tiếng nghẹn ngào trong cổ :
– Dạ thưa Bác, chúng cháu khỏe ạ.
Đồng chí Luật, giữ được trầm tĩnh hơn, còn nhớ đến việc hỏi thăm sức khỏe Bác :
– Dạ thưa Bác, Bác đi xa về có khỏe không ạ ? Thời tiết có được tốt không ạ ?
Bác mỉm cười, nhìn chúng tôi bằng ánh mắt lấp lánh, giọng nói ấm và vui :
– Bác khỏe – Bác đưa tay chỉ vào chiếc máy bay trực thăng – khỏe là nhờ cái tàu bay này.
Cả Bác và mấy anh em chúng tôi đều cười vui vẻ. Vậy là không khí thuận lợi quá rồi. Anh Luật nháy tôi ra hiệu. Tôi bước lên một bước, đến gần Bác :
– Dạ thưa Bác, chúng cháu có một nguyện vọng…
– Ừ, nguyện vọng gì cứ nói đi, Bác nghe đây.
– Thưa Bác, Trung đoàn Hàng không của Cục Không quân thành lập đã một năm nay, hôm nay mở Hội nghị thi đua đầu tiên của Ngành… Anh em muốn mời Bác đến để… anh em được trông thấy Bác ạ…
Tôi vừa nói vừa liếc nhìn sang Bác. Bác chỉ nghe và cứ tiếp tục bước đi. Tôi hồi hộp chờ đợi. Rồi, chỉ vài bước sau, Bác quay lại, trìu mến nhìn tôi, nét mặt biểu lộ tất cả sự đôn hậu xưa nay vốn có của Bác :
– Được ! Được ! Bác sẽ đến, nhưng không phải để anh em nhìn mà Bác đến thăm sức khỏe các cô, các chú. Được không nào ?
– Dạ !
– Thế thì chú dẫn đường cho Bác đi !
Tôi mừng quá. Chiếc xe con màu trắng đón Bác đã mở cửa. Bác cúi người ngồi vào ghế trong rồi ân cần kéo tay tôi vào theo. Anh Luật cho phóng chiếc xe Gát 69 lách lên trước dẫn đường.
Ngồi bên Bác, như được truyền thêm hơi ấm áp của tình cha con, mà tôi vẫn chưa hết băn khoăn. Tôi chỉ lo làm thế này có mất thì giờ của Bác chăng ? Tôi mạnh dạn thưa với Bác :
– Dạ thưa Bác, chỗ chúng cháu họp cũng ngay trên đường xe ô-tô đưa Bác sang Hà Nội ạ. Được Bác đến, chắc anh em mừng lắm. Thì giờ của Bác…
Tôi chưa nói hết câu thì Bác đã gạt đi :
– Thôi, chú không phải băn khoăn gì cho Bác cả. Bây giờ chú yêu cầu Bác phát biểu với anh chị em thế nào nào ?
Rồi không đợi trả lời, vì tôi cũng quá lúng túng, chưa biết nói ra sao đây với Bác, thì Bác đã mỉm cười, chủ động đặt câu hỏi mới :
– Chú Thiện tranh thủ nói qua cho Bác biết vài nét về tình hình của đơn vị Không quân và Hội nghị Chiến sĩ Thi đua đang họp ở đó.
Tôi trình bày vắn tắt với Bác về ý nghĩa, nội dung và thành phần, thành tích của các Chiến sĩ Thi đua tiêu biểu của ngành Hàng không dân dụng đang công tác trong Trung đoàn 919. Trên quãng đường ngắn chỉ độ mười lăm phút xe đến địa điểm, vậy mà tôi cũng không làm sao nói được gọn hơn. Dù sao vẫn phải trình bày với Bác rằng đây là hội nghị của những đồng chí lập công xuất sắc trong Trung đoàn Hàng không. Các đồng chí đó đã thường xuyên thực hiện các chuyến bay an toàn, đạt yêu cầu cao trong công tác huấn luyện, biết giữ gìn máy móc, xe cộ, tiết kiệm xăng dầu, bảo đảm chỉ huy thông suốt, phục vụ và bảo vệ các đường bay, kho tàng, các phương tiện kỹ thuật để cho các chuyến bay thực hiện được đều đặn, an toàn.
Nghe xong, Bác hỏi thêm cụ thể anh em đã gặp những khó khăn của từng công việc như thế nào. Tôi báo cáo với Bác và không quên nói cả nhiệm vụ thực hiện các chuyến bay phục vụ trực tiếp cho công cuộc chi viện các chiến trường miền Nam… (tức là những chuyến bay thả dù tiếp cho Đoàn 559 thời kỳ anh Võ Bẩm phụ trách). Bác chăm chú nghe xong nhìn tôi âu yếm :
– Như vậy thành tích của anh em, cái quý nhất là ai cũng quyết tâm giữ được an toàn cho các chuyến bay.
Tôi sung sướng như reo lên :
– Dạ thưa Bác, đúng vậy ạ !
– Thế còn tinh thần say mê tập luyện, học hành của anh chị em – Bác hỏi tiếp.
– Dạ thưa Bác, anh chị em có rất nhiều cố gắng. Học lẫn nhau, học trong sách, học các đồng chí chuyên gia. Có nhiều anh em quê ở miền Nam, trước đây kháng chiến ít được học hành, nay bỏ cả tiền túi ra tìm mua sách, tìm thầy, tìm lớp học văn hóa và tiếng nước ngoài ạ !
– Vậy là tốt. Nhưng theo chú thì anh em còn điều gì thiếu sót nhất ?
Tôi suy nghĩ một lát, rồi mạnh dạn thưa với Bác :
– Dạ, thiếu sót nhất ở anh em hiện nay là có tư tưởng nôn nóng muốn có trang bị hiện đại ngay, và muốn chỉ chốc lát có được trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến… Vì thế, nhiều anh em thiếu phấn khởi khi được giao lái những chiếc máy bay đã cũ. Anh em cho như vậy là lỗi thời…
Bác nhìn tôi một lúc rồi nghiêm nghị :
– Đúng ! Nước mình rồi phải có Không quân hiện đại, phải có những chiến sĩ lái máy bay phản lực. Nhưng bước đầu thì phải đi từ những cái dễ hiểu, dễ sử dụng, rồi dần dần đầu óc sẽ được mở mang ra, chân tay thuần thục khéo léo thêm, thì rồi cái gì, dù tinh vi phức tạp đến đâu, ta cũng có thể nắm được, hiểu được và làm được. Đất nước giàu mạnh lên, Quân đội cũng có đủ trang bị hiện đại như máy bay, xe tăng, tên lửa. Điều cốt yếu là các chú phải động viên, dìu dắt anh em luôn gắng công học hỏi…
Tôi bỗng thấy sáng ra một điều mà xưa nay mình đang mò mẫm suy nghĩ : Phải vững vàng từng bước tiến lên xây dựng lượng lượng Không quân hiện đại – Đây cũng là phương hướng đi lên của Cục Không quân mà chúng tôi là những người được Đảng và Nhà nước giao trọng trách bước đầu xây dựng. Qua câu chuyện ngày càng trở nên gần gũi, tôi mạnh dạn bộc lộ với Bác câu nói vui đầu cửa miệng của anh em là : Hàng không dân dụng, nhưng gọi chệch đi là Hàng không “răng rụng” – ý nói máy bay ta đang dùng đã cổ xưa rồi.
Nghe đến đây, Bác không cười mà nói thêm :
– Chú nhớ bảo ban anh em là muốn học hay, hành giỏi thì điều trước tiên là phải rất khiêm tốn ! Có khiêm tốn thì mới không tự mãn dừng lại, mà luôn tự cường, học tập để vươn lên.
Nghĩ một lát, rồi Bác dặn thêm :
– Nước ta còn nghèo, máy móc, xăng dầu đều phải mua của nước ngoài. Anh em phải biết giữ gìn thật tốt và tiết kiệm trong lúc sử dụng. Đó chính là lòng yêu nước, thương dân.
Câu chuyện đến đây thì ô-tô vừa đến đơn vị.
Chúng tôi mời Bác vào luôn chỗ Hội nghị Chiến sĩ Thi đua. Mới nhìn thấy Bác, cả hội trường reo lên như sấm dậy :
– Hồ Chủ tịch muôn năm !
Sự náo nhiệt kéo dài như không muốn ngớt. Bác phải đưa tay lên cao, rồi vẫy xuống hai, ba lần. Ai cũng muốn dướn cao hơn người khác, tiến lên phía trên để được gần Bác và trông thấy Bác cho thật rõ.
Bác đứng thẳng trên bục kê dãy bàn của Chủ tịch đoàn hội nghị để mọi người ở trong hội trường cùng nhìn rõ Bác, lúc đó trật tự mới thật được ổn định. Tôi thấy Bác rút ở trong túi ra một tờ giấy nhỏ. Bác nhìn vào giấy rồi bỏ kính ra khỏi mắt, Bác nói giọng ấm áp và dịu dàng :
– Trước hết, Bác nghe nói các cô, chú ở Trung đoàn Hàng không mở hội nghị kết thúc một năm thi đua yêu nước, bầu được tám chiến sĩ xuất sắc. Bác rất vui mừng và khen ngợi sự cố gắng chung của các cô, chú và toàn đơn vị. Bác mong rằng các cô, các chú luôn giữ vững và phát huy thành tích, lần sau Bác đến được nghe báo cáo nhiều thành tích to lớn hơn nữa.
Tiếng reo hò lại vang lên như muốn phá tung cả mái hội trường. Bác lại đưa tay ra hiệu và mọi người lại ngồi xuống yên lặng.
Sau đó, Bác nói thêm với riêng các chiến sĩ lái máy bay. Bác nói :
– Hồi Bác sang Liên Xô sau thời kỳ nội chiến, Nhà nước Liên Xô còn đang gặp nhiều khó khăn, nhân dân còn rất nhiều thiếu thốn, gian khổ, nhưng vẫn có những người được đặc biệt chăm sóc, đó là các cháu thiếu nhi và các chiến sĩ lái máy bay…
Năm tiếng “Chiến sĩ lái máy bay”, Bác nói rành rọt và to hơn, làm cho chúng tôi ai nấy đều cảm động.
Bác dừng lại, nhìn xuống hàng ghế các chiến sĩ lái máy bay ngồi.
– Các cháu có hiểu tại sao lại thế không ?
Ở hàng ghế ngồi, có tiếng đáp : “’Thưa Bác hiểu ạ !”, lại có tiếng “Dạ chưa ạ !”, rộn rã lên một lúc; Bác giảng giải luôn :
– Các cháu thiếu nhi luôn được chăm sóc thì ở Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa nào cũng vậy. Nhất là ở Liên Xô, nước làm cách mạng vô sản đầu tiên, thì các mầm non càng được nâng niu, quý trọng. Còn các chiến sĩ lái máy bay là những người lao động đặc biệt vì không phải chỉ cầm súng, cầm lái, đấu tranh với kẻ địch, thiên nhiên và kỹ thuật, mà còn phải làm việc đó ngay trên trời cao, đòi hỏi phải tiêu hao rất nhiều sức lực và năng lượng. Vì vậy, Đảng và Nhà nước phải chăm sóc và nuôi dưỡng đầy đủ để bù đắp lại sức lực đã tiêu hao đó. Có phải thế không nào ?
Tiếng reo hò và tiếng vỗ tay lại vang lên như sấm dậy một hồi lâu. Bác nhìn sang các anh chị em công tác ở mặt đất, ngồi về một phía hội trường, nói thêm, vẫn giọng đầm ấm đầy tình thương cao cả :
– Nhưng nếu trong ngành Hàng không dân dụng chỉ có các chiến sĩ lái máy bay thôi thì không đủ. Muốn lái máy bay tốt, an toàn, phải có máy móc tốt, nghĩa là các chiến sĩ thợ máy phải làm việc giỏi, lại phải có người chỉ huy có tài vạch đường chỉ hướng đúng đắn, có người báo tin tức dẫn đường, thông báo thời tiết chính xác lại còn phải có sân bay sạch sẽ, đường băng quang quẻ vững chắc… Mọi nguời phải được ăn uống no đủ, được chăm sóc sức khỏe lành mạnh… Vậy là tất cả các cô, các chú đều góp công sức vào cho các chuyến bay được đến đích, nhanh chóng và an toàn phục vụ cho Nhân dân, cho Chính phủ và Quân đội. Vì vậy các cô, các chú phải biết đoàn kết thương yêu nhau, cùng nhau đồng lòng, góp sức làm tốt mọi nhiệm vụ.
Hầu như không ai bảo ai, mà tất cả đều òa lên một lời đáp thống nhất : “Thưa Bác đúng ạ !”. Bác lại nói tiếp :
– Điều thứ nhất, Bác muốn dặn các cô, các chú là mỗi người đều phải vì dân, vì nước mà cố gắng lập công xuất sắc. Điều thứ hai là mọi người đều phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau trong mọi mặt công tác, học hành và đời sống hàng ngày. Còn điều thứ ba là các cô, các chú, từ đồng chí lãnh đạo đến người nhân viên phục vụ, đã có thành tích rồi thì càng phải khiêm tốn học hỏi và gắng công nhiều hơn nữa. Lần này, Bác vào thăm, Trung đoàn mới có tám Chiến sĩ Thi đua. Mong rằng lần sau Bác đến, sẽ có số người lập công xuất sắc gấp năm, gấp mười như thế. Lần này vì chưa chuẩn bị nên Bác không có quà tặng. Có dịp đi qua đây sau này, Bác sẽ tặng quà và khen thưởng những cô chú nào lập được thành tích xuất sắc.
Tôi và anh Hồ Văn Luật, cùng một số anh em phụ trách Trung đoàn, ngồi ngay ở hàng ghế đầu. Chúng tôi liếc nhìn nhau nhưng càng thấm thía từng câu Bác dạy. Tuy chỉ ngắn gọn và mộc mạc vậy thôi nhưng tình Bác sâu sắc quá. Những lời súc tích của Bác đã gợi ra cho chúng tôi trách nhiệm và tình thương và chỉ ra cho chúng tôi cả một phương hướng phấn đấu đi lên của ngành Hàng không dân dụng và Cục Không quân. Chúng tôi dõi theo từng cử chỉ của Bác : Bác cất kính vào hộp, chúc mọi người sức khỏe, tiến bộ, rồi Bác vẫy chào tạm biệt tất cả. Buổi đến thăm của Bác sao mà ngắn ngủi. Lời dạy của Người như đang thấm vào tim, vào máu mỗi người thì Bác đã đi ra cửa. Tôi và các đồng chí đi theo Bác lòng tràn ngập niềm vui sướng, hạnh phúc.
Ra khỏi hội trường, Bác không đi ra phía chiếc xe ô-tô mầu trắng đang chờ sẵn ở sân bay mà dừng lại trước sân và rẽ vào khu nhà ở của đoàn chiến sĩ lái máy bay. Tay vẫn cặp điếu thuốc lá hút dở, Bác nhìn tôi và nói :
– Thế nào, chú Thiện, chỗ anh em ăn ở có khá không ?
Tôi vui mừng báo cáo :
– Dạ thưa Bác, chúng cháu đã dành chỗ ở tốt nhất cho các chiến sĩ lái máy bay. Khu nhà này là nhà của phi công Pháp cũ, mọi tiện nghi đều khá tốt ạ.
Tâm tư tôi lúc đó cũng muốn mời Bác đi thăm khu doanh trại này, vì tôi nghĩ rằng với sự ưu ái của Cục Không quân, việc bố trí chỗ ở cho anh em lái máy bay như vậy sẽ được Bác vừa lòng. Mấy dãy nhà một tầng theo kiểu kiến trúc của Pháp trước đây, xây đẹp nên nổi hẳn lên trong khu vực sân bay. Đồ đạc và tiện nghi tương đối đầy đủ và sang trọng (so với thời kỳ đó).
Bác giục :
– Ta vào khu nhà ở của anh em xem thử.
Tôi dẫn Bác đi vào khu nhà ngủ. Trước mặt chúng tôi là những căn phòng sáng sủa, khang trang, cửa kính, cửa chớp trong ánh nắng ban trưa lấp lánh, tiếng nhạc đài theo các loa phóng thanh vang lên rộn rã. Bác vào từng buồng ngủ. Nhìn hàng chăn gối sạch sẽ, gọn gàng; giày dép, súng ống sắp xếp ngay ngắn, thống nhất, Bác gật đầu khen tốt.
Nhưng đến khu công trình phụ thì những biểu hiện sinh hoạt còn bừa bãi của anh em đã làm tôi xấu hổ.
– Chú Thiện, chú nói nhà ở đẹp nhất, tốt nhất mà như thế này à ?
Mặt và hai tai tôi nóng ran. Tôi ngượng ngùng thưa với Bác :
– Dạ… về mặt này, chúng cháu còn thiếu sót…
Vào nhà ăn, thấy bữa ăn được chuẩn bị cho anh em ngon lành, sạch sẽ, Bác cũng khen. Bác chỉ vào các mâm cơm và hỏi :
– Anh em ăn thế này đã đảm bảo để đủ làm việc chưa ?
Chúng tôi đều trả lời :
– Dạ, đủ ạ !
– Thế là tốt – Bác nhìn chúng tôi tỏ ý hài lòng.
Được Bác khen, nhưng tôi vẫn chưa hết buồn vì những thiếu sót về vệ sinh của anh em. Các đồng chí trong Ban Chỉ huy Trung đoàn 919 cùng đi hôm đó cũng có tâm trạng giống như tôi.
Tiễn Bác lên ô-tô về Hà Nội, tôi quay lại Hội nghị.
Bác về rồi, tôi và anh Luật cùng mọi người dự Hội nghị đến lúc này mới ngớ người ra là đã quên không mời Bác chụp chung với anh chị em một kiểu ảnh lưu niệm… Đúng là bỏ lỡ mất một thời cơ hiếm có. Chúng tôi bâng khuâng nhìn nhau như muốn hỏi : “Làm sao bây giờ ?”.
Nhưng rồi một ý kiến nào đó làm mọi người thích thú, hy vọng :
– Bác còn đi máy bay qua Gia Lâm nhiều chuyến. Thế nào anh em mình cũng có dịp được chụp ảnh chung với Bác.
Đúng như vậy, mấy tuần lễ sau, lại được tin Bác sẽ đáp máy bay lên thẳng về qua sân bay Gia Lâm. Bác đi công tác bằng xe ô-tô, về bằng máy bay lên thẳng nên Cục Không quân chỉ báo trước cho “đơn vị bay”’ hai tiếng đồng hồ. Chuyến này phải mời được Bác chụp ảnh chung cùng các Chiến sĩ Thi đua dự Hội nghị mừng công lần đầu tiên của Trung đoàn Hàng không 919, nhưng cũng đột ngột quá. Chỉ có hai tiếng đồng hồ thôi mà phải triệu tập cho đủ các Chiến sĩ Thi đua đã dự Hội nghị, đã được gặp Bác vừa rồi. Lại phải bố trí chụp ảnh, ghế ngồi, quang cảnh, bài trí sao cho Bác thấy hoàn toàn thuận tiện và thoải mái. Việc bảo vệ an toàn cho Bác cũng không thể xem nhẹ. Tôi lo nhất là kỹ thuật chụp. Chọn ai làm việc này đây ? Cơ hội hiếm có, chụp phải được chắc chắn. Phải là người có trình độ chụp ảnh cao đã đành, lại phải là người đáng tin cậy…
Tôi gọi điện thoại trao đổi cùng anh Đặng Tính đang trực chỉ huy ở Cục Không quân. Anh Tính trả lời tôi :
– Hay đấy, anh Thiện ạ ! Tôi sẽ đến ngay để cùng đón Bác. Đây là vinh dự chung của Cục Không quân đấy. Còn số Chiến sĩ Thi đua của Trung đoàn 919, ta cố gắng triệu tập cho đủ và nhắc anh em mang đủ quân hàm, quân hiệu…
Đồng chí Kim Dương – trợ lý Tuyên huấn được cử ngay sang gặp anh Đinh Đăng Định, xin người của cơ quan nhiếp ảnh thuộc Phủ Thủ tướng sang chụp. Anh Định vừa đi công tác xa về, còn mệt. Một đồng chí phóng viên nhiếp ảnh, tay nghề vào loại khá vững và đã nhiều lần chụp ảnh hoạt động của Bác đăng trên các báo ở Trung ương, được cử đến. Phim, máy đã sẵn sàng, chu tất cả. Chúng tôi còn bố trí sẵn cả một dãy ghế thấp và một dãy ghế cao kê sát nhau. Đặc biệt, chỗ chụp được bố trí ngay gần đường băng dự kiến Bác sẽ đi qua. Phải làm sao, chụp được nhanh để không làm phiền Bác. Chúng tôi hối hả đốc nhau chạy lo mọi việc. Gần đến giờ Bác đến thì tất cả đã đâu vào đấy. Chúng tôi còn đủ thì giờ tập dượt sắp xếp anh chị em để khi Bác đến là nhanh chóng đứng vào đội hình định sẵn, chỉ việc mời Bác ngồi vào chiếc ghế dành riêng ở chính giữa, thợ ảnh bấm “tách” một cái là xong. Lần này, cả anh Đặng Tính và tôi cùng lên xe con, ra tận vị trí đỗ trực thăng để đón Bác.
Độ 3 giờ chiều, chiếc máy bay MI-4 quen thuộc đã xuất hiện ở chân trời phía tây đang bay về. Ít phút sau, máy bay sà xuống rồi đỗ hẳn trên đường bay. Cửa trực thăng hé mở, Bác bước ra nhanh rồi giơ tay vẫy, chào mọi người đón Bác. Bác không đội mũ, ánh nắng chiếu soi vào mái tóc bạc phơ lấp lánh trên vầng trán cao rộng. Bác như một ông tiên trong truyện cổ hiện ra nhưng lại gần gũi như một người Cha thân yêu, giản dị.
Anh Đặng Tính bước lên chào Bác. Bác giang hai tay ra ôm chặt anh. Chúng tôi cũng chào và nói :
– Bác đi công tác có được khỏe không ạ ?
– Cảm ơn các chú, Bác vẫn khỏe.
Sau đó, đến lượt Bác hỏi thăm sức khỏe từng người chúng tôi. Thấy Bác rất vui, tôi liền xởi lởi thưa luôn với Bác :
– Thưa Bác, lần trước anh chị em dự Hội nghị Chiến sĩ Thi đua được đón Bác nhưng chưa được chụp ảnh cùng với Bác…
Chưa kịp nói hết câu thì Bác, dường như đã đoán biết nguyện vọng của chúng tôi, ngắt ngang lời tôi :
– Lần ấy chưa chụp thì hôm nay chụp.
Rồi Bác nhìn quanh thấy một số Chiến sĩ Thi đua của Trung đoàn 919 đã trang phục chỉnh tề. Bác nói vui :
– Các chú đã “cân đai bối tử” thế này rồi kia à ?
Tất cả chúng tôi đều mừng vui.
Đến nơi, Bác không vào chỗ chúng tôi đã bố trí hàng ghế mà Bác đi thẳng vào hướng khu nhà sửa chữa máy bay. Ở đó, anh chị em cán bộ, chiến sĩ cơ quan và thợ sửa chữa đang đứng chen nhau, ai cũng muốn len người ra phía trước để được trông thấy Bác chụp ảnh cùng các Chiến sĩ Thi đua. Những anh chị em này không có nhiệm vụ đón Bác. Một số đồng chí chuyên gia nước bạn cũng đứng ở đấy nhìn về phía Bác. Đi tới được vài bước, dường như đã ngắm thấy vị trí chụp đẹp (cách đây mấy chục năm, Bác từng làm thợ ảnh ở Pa-ri, thủ đô nước Pháp), Bác dừng lại. Tôi và anh Đặng Tính lúng túng chưa biết xử trí thế nào thì Bác ngẩng đầu lên, nhìn hướng mặt trời và khoát tay ra hiệu cho chúng tôi và cả những anh em ở khu nhà chữa máy bay cùng ra chụp ảnh với Bác.
Như một cái lò xo được nén chặt từ lâu, được lệnh Bác, tất cả mọi người ào ra, chạy về phía Bác như một dòng thác không gì ngăn cản được. Một cảnh quây quần, xúm xít, chen lấn nhau để được gần Bác. Thật là bất ngờ, bị động, chúng tôi hơi hoảng. Anh Trường, đi bảo vệ bên cạnh Bác người to lớn mà cũng bị đẩy ra vòng ngoài. Tôi và anh Đặng Tính bị xô ra một phía.
Đang lúc lộn xộn như vậy, Bác ra hiệu cho mọi người ngồi để bắt đầu chụp ảnh. Và cũng lại bất ngờ nữa : Bác ngồi, không cần ghế, ngay tại chỗ trên đường băng, giữa cả khối người quây quanh, tíu tít.
Anh em Chiến sĩ Thi đua và tất cả chúng tôi đều kéo nhau ngồi xuống, người ở sau cùng thì đứng thẳng, vây quanh Bác như một đàn con cháu đông vui đón Bác đi công tác mới về. Mấy đồng chí chuyên gia Liên Xô được đặc biệt chú ý. Bác kéo các đồng chí ấy ngồi ngay bên cạnh hoặc đứng sát sau lưng. Khung cảnh thật tự nhiên thoải mái nhưng rất trật tự. Nhiều người mải ngắm nhìn về phía Bác, quên không quay về phía ống kính của nhà nhiếp ảnh. Trong không khí ấm cúng ấy, tiếng Bác âu yếm, vừa như ra lệnh :
– Nào Bác cháu ta cùng cười… Một, hai, ba !
Tất cả chúng tôi ai nấy đều có một bộ mặt tươi vui hồn nhiên lạ thường. “Xạch” một cái, chiếc máy ảnh ghi lại được khoảnh khắc thật đặc biệt này. Vì kỹ thuật chụp tốt, hầu như mọi người quanh Bác đều được ghi rõ và mặt ai cũng hân hoan, vui sướng. Được một tấm ảnh như vậy thật là quý, hiếm biết bao nhiêu đối với chúng tôi. Bây giờ, nhìn lại tấm ảnh trong Bảo tàng Không quân, tôi còn thấy nhiều gương mặt thân quen. Có những người đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta. Có nhiều người đã giữ những chức vụ cao trong cơ quan Nhà nước và Quân đội. Tôi và anh Đặng Tính tuy đã bị bật ra phía xa nhưng vẫn ngồi ở hàng phía trên, người tôi bị che lấp từ ngực, nhưng mặt vẫn rõ ràng, tươi tắn, bộ tóc tôi lúc đó còn đen xanh… Nỗi lo phấp phỏng của tôi từ lúc đón Bác chỉ lo làm phiền Bác, khi chụp ảnh quanh Bác, lo chen lấn nhau đông, nhỡ Bác có làm sao… cho đến khi Bác lên xe về Hà Nội, lòng tôi mới thanh thản hẳn.
Trên đường chúng tôi về Sở Chỉ huy, anh Đặng Tính đã thốt lên một câu đầy kính nể và thương yêu mà chúng tôi thấy rất đồng tình vì lòng chúng tôi ai cũng nghĩ thế :
– Bác là một nhà lãnh tụ vô cùng tâm lý, sâu sắc và bình dị.
Riêng tôi cứ suy nghĩ mãi về buổi chụp ảnh. Bác đúng là một con người luôn chủ động từ việc lớn đến việc nhỏ. Bác đã xử lý rất tinh tế và kịp thời, tạo nên một cảnh chụp hoàn toàn theo ý Bác, có ý nghĩa nội dung sâu sắc, toát lên một tấm lòng ưu ái của Bác với Không quân, rất bình dị, chan hòa và gần gũi. Tấm ảnh trở thành một kỷ niệm sâu sắc của những người trong lần được gặp Bác, và không những thế, tấm ảnh mãi mãi đi vào lịch sử Không quân nhân dân và ngành Hàng không dân dụng của nước ta. Ở Bảo tàng Không quân, ở Phòng truyền thống ngành Hàng không dân dụng, tấm ảnh được phóng to cỡ lớn, được nhiều người chiêm ngưỡng. Nó được in trong các cuốn sách lịch sử của Không quân và Hàng không. Tấm ảnh ấy là một niềm vui sướng tự hào hiếm có trong cuộc đời chúng tôi, có nguồn gốc đầy ý nghĩa như tôi đã kể. Nó luôn cổ vũ chúng tôi trong bước đường xây dựng, chiến đấu của Không quân, soi sáng cho chúng tôi trong cách nhìn nhận đánh giá thành tích của tập thể, của đơn vị, như tấm lòng của Bác với mọi người.
Đại tá TRỌNG KHOÁT ghi

Tag

Các bài viết liên quan

Video

Chuyên mục

Tag