Về trang chủ

Một người con ưu tú của đất Cảng Hải Phòng

13/02/2015 , Trước Cách mạng Tháng Tám 1945

Lưu Văn Mẫn – nguyên: Phó Văn phòng Trung ương Đảng, Phó ban Tài chính – Quản trị Trung ương Đảng
Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở đất cảng Hải Phòng, thành phố “hoa phượng đỏ” tươi đẹp và cũng là thành phố của công nhân, lao động có truyền thống cách mạng lâu đời, có phong trào đấu tranh hết sức sôi động và quyết liệt chống thực dân, đế quốc.
Thời Pháp thuộc, do việc đô thị hóa và công cuộc đầu tư khai thác của Pháp, Hải Phòng đã nhanh chóng trở thành một trung tâm công nghiệp lớn ở Bắc Kỳ, một trong những nơi ra đời sớm của giai cấp công nhân Việt Nam. Với vị trí đặc biệt là một hải cảng quốc tế, Hải Phòng đã trở thành một đầu cầu quan trọng mà Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các vị tiền bối cách mạng như Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng… đã lựa chọn làm nơi đưa tài liệu từ nước ngoài về truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào Việt Nam. Việc sớm thành lập các tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội những năm 1926 – 1928 và các tổ chức Cộng sản ngay từ đầu năm 1929 đã đưa phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân, trí thức, học sinh và các tầng lớp nhân dân Hải Phòng phát triển mạnh mẽ từ thành thị đến nông thôn, dưới ngọn cờ của Đảng.
Thực dân Pháp điên cuồng khủng bố trắng. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng ở Hải Phòng như Nguyễn Hữu Cảnh, Lương Khánh Thiện, Tô Hiệu… liên tiếp bị địch bắt và sát hại. Đồng chí Nguyễn Văn Cúc (tức Nguyễn Văn Linh, sau này là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI) và nhiều đồng chí lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hải Phòng cũng bị địch bắt ở Hải Phòng và đưa đi tù đày ở Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo và các nơi khác.
Phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thành phố đã gieo vào lòng các tầng lớp nhân dân từ già tới trẻ những ấn tượng sâu sắc, khắc sâu chí căm thù giặc và thúc đẩy lòng yêu nước thiết tha, người trước ngã xuống, người sau đứng lên.
Tháng 9 năm 1940, chúng tôi được vào học Trường Cao đẳng tiểu học Bonnal, Hải Phòng. Dưới sự lãnh đạo của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, sau này là Đảng bộ Cộng sản Hải Phòng, Trường Bonnal đã có truyền thống yêu nước và cách mạng từ rất sớm. Nhiều nhân vật nổi tiếng đã từng học ở ngôi trường này như: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao…
Nhiều thầy giáo của Trường đã nhiệt tình, khéo léo truyền cho học sinh lòng yêu nước, thương dân, căm ghét thực dân, phong kiến. Nhiều học sinh của Trường đã tham gia các cuộc đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh và nhiều cuộc vận động cách mạng trong thành phố.
Khi mới vào Trường, truyền thống yêu nước và cách mạng của một số thầy giáo và các anh chị học sinh lớp trước đã thấm dần vào lớp học sinh trẻ chúng tôi.
Năm 1942, phong trào Truyền bá quốc ngữ phát triển rầm rộ trong thành phố Hải Phòng kêu gọi sự đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, học sinh… Với lòng yêu nước sẵn có, một số anh em chúng tôi hăng hái tham gia, mở đầu cuộc đời tham gia công tác ngoài xã hội.
Ở đây, tôi rất vui mừng được gặp lại Anh Lưu Văn Thi. Trước kia Anh đã học tiểu học cùng với anh tôi là Lưu Văn Minh và tôi học cùng với anh Lưu Văn Huấn, em Anh. Chúng tôi được biết Anh cũng đã học tại Trường Bonnal, đến năm thứ hai, vì nhà nghèo, Anh phải thôi học, đi làm để giúp gia đình.
Được sự quan tâm săn sóc của Anh Lưu Văn Thi, chúng tôi hăng hái tham gia mọi công tác của Hội Truyền bá quốc ngữ Hải Phòng: lúc đầu là đi vận động các gia đình trong thành phố đóng góp tiền, của cho Hội hoạt động, sau đó là vận động các gia đình khá giả cho các người giúp việc trong nhà được đến lớp học truyền bá quốc ngữ.
Một số buổi tối và chủ nhật, chúng tôi lại đến trụ sở của Hội khi đó đóng ở Hội Trí Tri ở phố Cát Dài (nay là phố Hai Bà Trưng) để học cách dạy học theo kiểu truyền bá quốc ngữ… Anh Lưu Văn Thi khi đó là Ủy viên Giáo dục của Hội đã trực tiếp truyền đạt. Chúng tôi không bao giờ quên hình ảnh của Anh đứng trên bục giảng là một thanh niên dong dỏng cao, mặc áo the đen, quần ta trắng, hoạt bát, lúc nào cũng tươi cười, dễ mến.
Từ sự giảng dạy đầy nhiệt tình và dễ hiểu của Anh, chúng tôi nhanh chóng tiếp nhận được phương pháp dạy chữ quốc ngữ mới, gọi nôm na là theo kiểu “i tờ”, rất có hiệu quả và một số kinh nghiệm sư phạm truyền thụ kiến thức cho người lớn tuổi lần đầu đi học trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn.
Sau đó, chúng tôi trở thành những giáo viên truyền bá quốc ngữ, lặn lội đến các lớp học giúp anh chị em lao động, phần lớn là các người giúp việc của các gia đình khá giả trong thành phố, học chữ.
Thật là kỳ diệu, chỉ trong vòng ba tháng học vào các buổi tối, mỗi tối khoảng hai giờ, nhiều anh chị em đã đọc, viết tương đối thông thạo chữ quốc ngữ và làm được mấy phép tính đơn giản; một số người viết chữ khá đẹp, giữ vở sạch sẽ đáng khen. Một điều phấn khởi nữa là sau ba tháng học, hầu như anh chị em nào cũng đều ăn mặc sạch sẽ, tươm tất hơn, đi học đúng giờ, phát biểu rành mạch. Thật là một chủ trương nâng cao dân trí của Đảng có kết quả thiết thực. Đối với lớp học sinh trẻ chúng tôi, đây cũng là thời gian được rèn luyện trong công tác xã hội, được gần gũi anh chị em lao động và cũng cảm thấy phải cố gắng làm nhiều việc công ích hơn.
Trong dịp nghỉ hè năm 1942, không ngày nào chúng tôi vắng mặt ở trụ sở của Hội Truyền bá Quốc ngữ, giúp đỡ mọi công việc mà Hội cần. Sau các buổi họp chung, Anh Lưu Văn Thi thường gặp một số anh em chúng tôi hỏi han về tình hình bản thân, gia đình, bạn bè, lớp học… Nhiều lần, Anh gặp tôi tại lớp, hoặc dắt xe hay đạp xe trên đường phố nói chuyện. Dần dần, Anh giảng giải cho tôi về những âm mưu và tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật, nói cho tôi rõ về Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về nước lãnh đạo cách mạng, Mặt trận Việt Minh đã được thành lập có chương trình đoàn kết đánh Pháp, đuổi Nhật cứu nước… Anh đưa một số tờ báo Cứu quốc, Cờ giải phóng và một số sách báo khác cho chúng tôi đọc, hướng dẫn chúng tôi cách cất giấu tài liệu, cách hoạt động bí mật từng tổ ba người một, cách vận động quần chúng… Những lời dặn dò của Anh, sách báo mà Anh đưa cho đọc như mở ra cho chúng tôi một chân trời mới, hiểu rõ hơn tình hình đất nước và chỉ cho chúng tôi con đường phải đi.
Tháng 9 năm 1942, chúng tôi vào học năm thứ ba. Anh Lưu Văn Thi tổ chức chúng tôi thành một Tiểu tổ Việt Minh hoạt động bí mật trong nhà trường gồm có tôi làm Tiểu tổ trưởng và các anh Phạm Văn Thái tức Trần Kiên (sau này là Phó Tổng Biên tập báo Nhân dân), anh Vũ Thành Đạt (sau làm Chuyên viên Ban Dân tộc Trung ương). Từ đó, hoạt động của chúng tôi trong nhà trường, dưới sự hướng dẫn của Anh, đã có phương hướng và kết quả hơn.
Với tinh thần chống lại chính sách ngu dân của địch, chúng tôi luôn nhắc nhủ nhau học tập thật tốt để sau này xây dựng nước nhà. Điều may mắn là nhiều thầy giáo của trường chúng tôi lúc bấy giờ cũng rất tâm huyết truyền thụ kiến thức, giáo dục đạo đức cho học sinh, được học sinh rất kính trọng. Do đó, phong trào học tập phát triển khá tốt. Anh em giúp đỡ lẫn nhau, phấn khởi học tập. Nhiều anh em cốt cán đứng nhất, nhì trong lớp. Hầu như không có học sinh yếu kém.
Lợi dụng các hình thức hợp pháp của địch muốn lôi kéo thanh niên ta vào các cuộc vui chơi, thể dục thể thao… để không tham gia hoạt động chính trị, chúng tôi tổ chức thường xuyên các buổi học hát các bài ca yêu nước của Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận, Hoàng Quý, Lưu Hữu Phước…; các buổi biểu diễn những vở kịch lịch sử; các buổi cắm trại ở các di tích lịch sử ơ Kiến An, Đồ Sơn, Yên Tử… Qua đó, nêu cao gương sáng quật cường của ông cha ta, khêu gợi lòng yêu nước, chí căm thù địch cũng như nhắc nhở anh em không mắc mưu địch, không tiêm nhiễm các thói hư tật xấu, luôn giữ nếp sống lành mạnh. Một phong trào yêu nước thầm lặng, bí mật nhưng rất sôi nổi đã được nhen nhóm và phát triển nhanh trong trường chúng tôi hồi đó.
Đến đầu năm 1943, bẵng đi một thời gian, chúng tôi không gặp Anh Lưu Văn Thi nữa. Tháng 6 năm 1943, anh Lại Đức Vân (cũng là một giáo viên truyền bá quốc ngữ quen thuộc) đến bắt liên lạc lại với chúng tôi và cho biết là Anh Lưu Văn Thi đã bị địch bắt hồi tháng 3 năm 1943, nay Thành bộ Việt Minh cử anh Vân về tiếp tục chỉ đạo chúng tôi hoạt động. Anh Vân nhất trí với chúng tôi tiếp tục thực hiện các ý kiến chỉ đạo trước đây của Anh Lưu Văn Thi, từng bước đưa phong trào của Trường Bonnal phát triển cả bề rộng và bề sâu. Những hoạt động của học sinh trong Trường hồi đó có ảnh hưởng tốt đến các trường khác và nhân dân thành phố Hải Phòng.
Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc (năm 1954), một số anh em chúng tôi được trở về Hà Nội công tác và rất phấn khởi được gặp lại anh Nguyễn Kiêm Tuấn (tức Nguyễn Mạnh Ái) khi đó đang công tác ở Cục Bảo vệ Quân đội (sau này anh về làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hải Phòng), được biết tin tức và hiểu rõ thêm về một số bạn bè cũ ở Hải Phòng. Cho đến lúc đó, chúng tôi mới biết rõ được những hoạt động cách mạng của các anh lớp trước trong thời kỳ bí mật ở Hải Phòng. Hình ảnh những ngày cùng hoạt động bí mật trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 như sống lại trong chúng tôi.
Anh Nguyễn Kiêm Tuấn tham gia cách mạng từ thời kỳ Mặt trận Bình dân và đã bắt liên lạc hoạt động cùng với Anh Lưu Văn Thi trong những năm 1941 – 1942. Năm 1943, sau khi Anh Lưu Văn Thi bị bắt, anh Tuấn vẫn tiếp tục hoạt động và được kết nạp vào Đảng, sau đó được cử làm Chủ nhiệm Thành bộ Việt Minh Hải phòng. Chính anh Tuấn đã cử anh Lại Đức Vân, bí danh Lê Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành Thành bộ Việt Minh, về bắt liên lạc với chúng tôi sau khi Anh Lưu Văn Thi bị bắt, để tiếp tục chỉ đạo chúng tôi hoạt động đến ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Sau ngày Nam tiến, anh Vân đã hy sinh tại Khu 5 năm 1947.
Anh Lưu Văn Thi thì hoạt động cách mạng từ đầu năm 1940. Khi đó, địch khủng bố ác liệt, nhiều đồng chí lãnh đạo của thành phố Hải Phòng bị bắt, cơ sở Đảng và các đoàn thể tan vỡ gần hết. Các anh Vũ Quý, Lưu Văn Thi và một số anh khác tập hợp lại. Đến cuối năm 1941, anh Vũ Quý bắt được liên lạc với Xứ ủy Bắc kỳ, tiếp thu được tinh thần Nghị quyết Trung ương tháng 5 năm 1945 về truyền đạt lại, phong trào được khôi phục dần. Cơ sở Việt Minh được xây dựng ở một số xí nghiệp, trường học, đường phố và nhiều nơi ở nông thôn.
Tháng 1 năm 1942, Anh Lưu Văn Thi được giao nhiệm vụ xây dựng Đoàn Thanh niên cứu quốc của Việt Minh thành phố Hải Phòng. Qua phong trào Truyền bá quốc ngữ và một số công tác khác, Anh đã tuyên truyền, giác ngộ một số thanh niên tham gia hoạt động Việt Minh bí mật. Trong công nhân có anh Lại Đức Vân là thợ sửa chữa đồng hồ và một số anh em khác. Trong học sinh có một số Tiểu tổ bí mật ở Trường Bonnal và một số cơ sở khác rải rác trong thành phố. Do đó, phong trào cách mạng có điều kiện phát triển rất thuận lợi.
Cuối năm 1942, sau một đợt đấu tranh treo cờ, phân phát truyền đơn toàn thành phố có kết quả, Anh Lưu Văn Thi được giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập Đoàn Thanh niên cứu quốc toàn thành phố và thống nhất đầu mối chỉ đạo. Nhưng đến tháng 3 năm 1943, do có sự phản bội của một tên được mật thám Pháp mua chuộc và gài vào nội bộ ta, Anh và nhiều đồng chí khác bị chính quyền Pháp bắt. Thực dân Pháp xử án Anh 5 năm tù khổ sai và đưa đi giam ở Hỏa Lò, Hà Nội rồi đày lên Sơn La. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Anh thoát khỏi nhà tù Sơn La cùng nhiều đồng chí khác dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Quốc Hoàn. Rồi Anh được Đảng cử lên tham gia Cứu quốc quân ở Võ Nhai, Thái Nguyên và liên tục hoạt động cách mạng đến sau này.
Theo một số đồng chí cùng bị tù với Anh Lưu Văn Thi cho biết: trong thời gian ở nhà tù, dù bị địch tra tấn rất dã man nhưng Anh vẫn giữ vững lòng trung thành với Đảng, kiên cường, bất khuất, không hề khai báo. Do đó, các đồng chí cùng hoạt động với Anh, các cơ sở Đảng và Đoàn do Anh tổ chức đều không bị địch phát hiện, không tan vỡ và vẫn tiếp tục đẩy mạnh phong trào cách mạng trong thành phố Hải Phòng cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Có thể nói, Anh Lưu Văn Thi và một số đồng chí bị địch bắt, tù đày năm 1943 đã giữ vững khí tiết cách mạng, quyết không khai báo nên đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của sự nghiệp đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân Hải Phòng trong những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sách Nhân vật lịch sử Hải Phòng tập II (Nhà xuất bản Hải Phòng, 2001) đã ghi nhận Anh Lưu Văn Thi – Hoàng Thế Thiện là một nhân vật lịch sử của thành phố cảng Hải Phòng.
Anh Lưu Văn Thi và chúng tôi tuy cùng hoạt động với nhau không bao lâu nhưng dấu ấn Anh để lại trong lòng chúng tôi từ thời thanh niên sôi nổi ấy thật là sâu đậm và khó quên.
Trên bước đường hoạt cách mạng hơn 50 năm sau, Anh còn đóng góp nhiều công lao đối với Đảng và Dân tộc. Anh là một Chính ủy kiên cường trên đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử đầy gian khổ hy sinh, một tướng lĩnh chỉ huy của Quân đoàn 4 cùng đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn thân yêu mùa Xuân năm 1975… và, đối với chúng tôi, Anh vẫn là Anh Lưu Văn Thi ngày xưa, một thanh niên dong dỏng cao, mặc áo the đen, quần ta trắng, luôn luôn tươi cười, vui vẻ, lòng đầy nhiệt huyết và chí khí cách mạng, một người Anh cả hiền hòa, thân thương, người đầu tiên dẫn dắt chúng tôi đi theo con đường cách mạng của Đảng, của Bác Hồ kính yêu.
Anh Lưu Văn Thi, chúng tôi luôn nhớ tới Anh và cũng đã sống xứng đáng với những gì Anh đã dặn dò và mong đợi ở chúng tôi.
L.V.M

Các bài viết liên quan

Video

Chuyên mục

Tag