Về trang chủ

Có một anh bộ đội Cụ Hồ như thế!

08/02/2015 , Thân thế và sự nghiệp

Nhà báo, Nhà văn Trần Thế Tuyển – Tổng Biên tập báo Sài Gòn giải phóng, nguyên: Cục phó Cục Báo chí, Bộ Văn hóa Thông tin; Trưởng ban đại diện phía Nam báo Quân đội nhân dân

Năm 1922, Ông sinh ra ở thành phố Hải Phòng nhưng chính gốc ở thôn Hạ, xã Lê Xá, tổng Đội Sơn, huyện Duy Tiên, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Vì kế sinh nhai, cả chi họ Lưu (tên thật của Ông là Lưu Văn Thi) đã rời quê ra Hải Phòng lập nghiệp.

Cha Ông là cụ Lưu Văn Ngữ (1892 – 1946), một nhà Nho và là một đầu bếp giỏi ở Hải Phòng. Cụ là người có tư tưởng yêu nước, tham gia tổ chức đưa người sang Trung Quốc cho chí sĩ Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du. Gia đình Cụ là cơ sở cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng (sau là Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) từ những năm hai mươi. Năm 1927, Cụ tham gia rải truyền đơn trong vụ người Việt và Hoa kiều đánh nhau ở Hải Phòng và bị thực dân Pháp bắt giam 6 tháng. Những năm 1936 – 1938, Cụ tham gia phong trào Mặt trận Bình dân, là Sáng lập viên và là Ủy viên Ban trị sự Hội Ái hữu Công nhân tư gia thành phố Hải Phòng. Sau Cách mạng Tháng Tám, Cụ tham gia Hội Phụ lão cứu quốc và là nhân viên Ban Tuyên truyền Huyện bộ Việt Minh huyện Hải An, thành phố Hải Phòng. Năm 1946, Cụ mất đột ngột sau một cơn sốt rét ác tính khi lên thăm Lưu Văn Thi ở Thái Nguyên.

Có lẽ thế mà ngay từ nhỏ, Lưu Văn Thi đã sớm chịu ảnh hưởng tư tưởng yêu nước của cha. Năm 1940, Ông tham gia Tiểu tổ bí mật do đồng chí Vũ Quý phụ trách rồi sau đó tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc ở Hải Phòng. Năm 1943, do sự phản bội của phần tử AB chui vào tổ chức, Ông bị thực dân Pháp bắt tại ngân hàng Đông Dương, kết án 5 năm tù khổ sai và bị giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) sau đó đưa lên nhà tù Sơn La. Tháng 3 năm 1945, Ông được Đảng tổ chức cho vượt ngục trong nhóm của đồng chí Trần Quốc Hoàn (sau là Bộ trưởng Bộ Nội Vụ) rồi về Thái Nguyên tiếp tục hoạt động cách mạng.

Từ đó, người thanh niên thành phố cảng Lưu Văn Thi với nhiều bí danh khác nhau, được Đảng cử đi hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhieu địa phương trong cả nước…

Hơn nửa thế kỷ làm cách mạng, có bao nhiêu kỷ niệm vui buồn đến với Ông. Và trong lòng nhân dân, đồng đội, Ông đã để lại những ấn tượng khó phai mờ. Trung tướng – Phó Giáo sư Lê Hữu Đức nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, bạn chiến đấu với Ông giữa năm 1966 ở Sư đoàn 1 (Mặt trận Tây Nguyên) nhận xét rằng Ông là một Chính ủy đích thực và xuất sắc. Cái đích thực và xuất sắc ấy, theo Trung tướng Lê Hữu Đức, là ở chỗ Ông sống trung thực, thẳng thắn, có nghĩa có tình và luôn lắng nghe, trân trọng ý kiến của tập thể. Trung tướng kể lại: “Có một đêm hai chúng tôi ngồi tâm sự bên bếp lửa trong căn hầm kín giữa rừng Tây Nguyên, tôi giãi bày: “Tôi vào chiến trường sau các anh, kinh nghiệm chưa bằng các anh. Tôi xin phát huy sở trường xông xáo, sâu sát các đơn vị”. Chính ủy Sư đoàn Hoàng Thế Thiện vỗ vai tôi thân mật: “Ấy chết, sao ông lại nói thế? Trong khi bom đạn Mỹ đánh phá ác liệt, ông xông xáo là quý lắm, giúp cho Thường vụ và Bộ Tư lệnh Sư đoàn có cơ sở hạ quyết tâm chính xác…”. Lời động viên ấy của Chính ủy đã giúp tôi vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”. Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh nguyên Tham mưu trưởng Binh đoàn Cửu Long tâm sự: “Chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô 1970 – 1971, cùng đi với Anh Hoàng Thế Thiện vào tuyến lửa Trường Sơn, tôi được Anh kể cho nghe cuộc đời hoạt động cách mạng của Anh. Sau này, được cùng công tác với Anh, đặc biệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những lúc chiến trường đặt ra tình thế khó khăn tưởng như không giải quyết nổi, tôi mới thấy chất Chính ủy trong Anh thật tuyệt vời”. Còn Thiếu tướng Tô Thuận nguyên Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Pháo binh kể lại: “Đầu Xuân Mậu Thân 1968, tôi nhận nhiệm vụ vào chiến trường Tây Nguyên tham gia chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 1. Nghe tin ấy, Anh Thiện mừng lắm, mời tôi lên gặp ngay. Chắc do tôi mới ở hậu phương lớn vào còn hồng hào, béo tốt, giọng nói oang oang, cặp mắt to nên Anh Thiện nhầm tôi là người dân tộc. Khi giao nhiệm vụ xong, Anh Thiện và anh Lê Hữu Đức mang bánh kẹo mời tôi. Đang nhấm nháp, anh Đức hỏi: “Xin lỗi, đồng chí là người dân tộc, vậy dân tộc Thái hay Mường?”. Tôi cười đáp: “Vâng, tôi là người dân tộc Thái… Bình”. Chúng tôi cùng cười vang. Từ đó, mỗi lần gặp, Chính ủy Hoàng Thế Thiện lại gọi tôi là “đồng chí dân tộc Thái Bình”. Những lúc chiến đấu ác liệt, phút giây thư giãn ấy của Chính ủy như tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ”. Phẩm chất Chính ủy của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện không chỉ có trong chiến đấu mà ngay trong lúc sinh hoạt bình thường. Nhà báo Đinh Phong – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, kể lại: “Cuối năm 1965, là phóng viên báo Nhân Dân từ Cần Thơ, tôi được lệnh về công tác tại “Công trường 9”, sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tôi và Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn Tư Dân (bí danh của Ông Hoàng Thế Thiện) làm tôi hơi… ớn. Trước mặt tôi là một cán bộ quân đội cao lớn, khỏe mạnh và khá đẹp trai, giống công chức, nhà văn, nhà thơ hơn là một nhà quân sự. Ông dặn dò tôi cặn kẽ từ việc đào hầm, hành quân, lấy gạo, xuống đơn vị đến cách khai thác tài liệu. Một lần, tôi xin phép Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn xuống thăm anh trai là bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện K.70, đóng quân ở suối Bồ. Anh em gặp nhau chưa kịp nói gì thì B-52 đến ném bom trúng đơn vị gần đó. Thương binh được khiêng đến chật cả bệnh viện. Anh tôi và các thầy thuốc đứng mổ suốt đêm. Hơn 7 giờ sáng, anh tôi mới về lán thì mệt quá ngủ thiếp đi. Tôi chờ đến chiều mới thấy anh dậy, chỉ kịp hỏi qua việc nhà rồi lật đật chạy về Sư đoàn. Về đến nơi, tôi hốt hoảng khi thấy cả đơn vị đã trang bị gọn gàng chuẩn bị hành quân. Dường như Ông Tư Dân và mọi người đã chờ tôi từ lâu. Nét mặt thật nghiêm, Ông nói: “Bộ đội hành quân không có định trước. Đi thăm anh thì không có gì sai, nhưng phải về đúng hẹn. Chuẩn bị nhanh để hành quân!”. Tôi lo mãi, nhưng khi hành quân, anh em Phòng Chính trị cho tôi biết, Ông Tư Dân lo cho tôi không an toàn, nhất là phóng viên Hà Nội mới vào chiến trường, tôi càng cảm phục và kính trọng Ông”…

Còn nhiều kỷ niệm của những người cùng thời nói về Ông nhưng bài viết ngắn này không thể nào diễn tả hết được. Tôi xin khép lại chuyện kể về người lính bộ đội Cụ Hồ này bằng bài thơ Chén rượu nồng của cố Thiếu tướng Nguyễn Đan Thành – người bạn xóm giềng – viết tặng Ông vào xuân Mậu Thìn (năm 1988), khi hai cụ đã về nghỉ hưu:

Cái tết năm nay, tết năm Rồng

Mừng anh “treo ấn”, viết đôi dòng

Kháng chiến gian lao nên vất vả

Nam Bắc bôn ba chẳng nản lòng.

Đất nước thanh bình vang tiếng hát

Thân cò lặn lội vẫn bên sông

Non nước tang bồng, âu là thế

Hạt cát phù sa, thế cũng xong.

Điền viên vui thú từ nay nhé

Sớm tối quây quần chị đỡ mong

Pháo nổ đì đùng mừng năm mới

Chén rượu đầu xuân, chén rượu nồng.

Nhưng vui thú điền viên chẳng được bao lâu. Hồi 14 giờ 40 phút ngày 5 tháng 9 năm 1995, đúng sáu năm nghỉ hưu, Ông đã trút hơi thở cuối cùng.

Có một anh bộ đội Cụ Hồ như thế!

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 2000

T.T.T

Ghi chú:

Bài viết được đăng trên báo Văn nghệ số 33-2000 ngày 7 tháng 9 năm 2000, báo Quân đội nhân dân cuối tuần số 245 (522) ngày 10 tháng 9 năm 2000, in trong tập bút ký Quê hương và đồng đội (Nhà xuất bản Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 2004). Ban biên soạn xin được lược trích. Xin được thông cảm.

Các bài viết liên quan

Video

Chuyên mục

Tag