Về trang chủ

Giải mã về người đứng đầu cơ quan mang mật danh B.68 (Phần II)

08/02/2015 , Thân thế và sự nghiệp

“Một điều làm chúng tôi luôn trân trọng là từ năm 1973 khi chiến tranh chưa kết thúc, anh Thiện đã cùng Bộ tư lệnh 559 chủ trương lập các đội tìm kiếm mộ, bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh trên Trường Sơn chuẩn bị cho việc xây dựng nghĩa trang liệt sĩ của Bộ đội Trường Sơn. Trong 2 năm tìm kiếm được hơn 10.000 hài cốt liệt sĩ và đến đầu năm 1975 (khi chưa giải phóng hoàn toàn miền Nam), Bộ tư lệnh 559 đã tổ chức xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ở Gio Linh, Quảng Trị- một nghĩa trang có qui mô lớn nhất nước ta được xây dựng rất sớm”, Thiếu tướng Võ Sở thổ lộ.

Nghĩa tình với Nam Bộ

Cuối năm 1949, trước tình hình chiến trường Nam Bộ xa xôi gặp nhiều khó khăn về thông tin, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh quyết định cử Hoàng Thế Thiện làm trưởng Đoàn Cán bộ quân sự vào Nam Bộ kiểm tra nắm tình hình, giúp Bộ tư lệnh Nam Bộ xây dựng các đơn vị bộ đội chủ lực, sớm giành quyền chủ động trên chiến trường. Cũng từ đây, ông có nhiều duyên nợ với chiến trường phía Nam này của Tổ quốc, lần lượt được cử làm chính ủy Trung đoàn Tây Đô, chính ủy Trung đoàn Cửu Long, chủ nhiệm chính trị Phân liên khu miền Tây Nam Bộ… cho tới khi cuộc kháng Pháp kết thúc. Hồi tưởng về tướng Thiện thời gian này, ông Dương Đình Thảo cho biết: “Đầu năm 1954 anh cử tôi phụ trách Trường Chỉnh huấn của Phân liên khu cho đối tượng chính trị viên đại đội, tiểu đoàn. Bài học lớn nhất cho tôi là bài học biết thuyết phục. Trong các cuộc họp do anh chủ trì bàn về chương trình, kế hoạch thảo luận nội dung các bài học, luôn luôn anh lắng nghe ý kiến của anh em, ý kiến của tôi. Tôi lấy làm lạ, khi có sự tranh cãi ý kiến giữa tôi với anh em, lắm khi không ngã ngũ được, anh phát biểu ý kiến kết luận, trong nhiều trường hợp, anh bảo vệ và làm rõ thêm ý kiến của tôi, thế mà không còn ai phản bác. Trong một thời gian tôi cứ nghĩ anh em chấp nhận ý kiến của anh là do uy thế “thủ trưởng” của anh. Dần dần tôi mới nhận ra “uy thế” của anh là từ trình độ kiến thức, phạm vi hiểu biết, sức nhạy cảm và đặc biệt là thái độ khiêm nhường, chân tình”.

Năm 1964, để tăng cường lực lượng cho Nam Bộ, Quân ủy Trung ương chọn một số cán bộ có năng lực và từng quen thuộc chiến trường xa xôi này. Hoàng Thế Thiện là một trong những người được chọn đầu tiên và ông nhanh chóng vượt biển trở lại miền Nam trên con tàu “Không số” – Đoàn 125, với bí danh Hoàng Dân (Tư Dân) về thẳng miền Tây chuẩn bị cho việc xây dựng sư đoàn chủ lực. Tuy nhiên, do điều kiện chưa cho phép, ông lên miền Đông tham gia xây dựng Sư đoàn 9 chủ lực đầu tiên của Nam Bộ, làm phó chính ủy kiêm chủ nhiệm chính trị sư đoàn. Một thời gian sau, theo đề nghị của tướng Chu Huy Mân cần bổ sung một chính ủy cho sư đoàn chủ lực đầu tiên đang được thành lập ở Mặt trận Tây Nguyên, Quân ủy Trung ương đã điều Hoàng Thế Thiện lên làm chính ủy Sư đoàn 1. Đến tháng 2.1975, sau khi Quân đoàn 4 được thành lập, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đã trở lại chiến trường Nam Bộ giữ cương vị chính ủy đầu tiên của quân đoàn, chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ huy một trong năm cánh quân từ hướng đông tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Thiếu tướng Trần Đình Cửu, bạn học từ thuở thiếu thời của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện ở Hải Phòng đã thổ lộ: “Nhìn lại cuộc đời hoạt động của anh Hoàng Thế Thiện, tôi thấy ở anh nổi lên tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt”. Tuy sinh ra và lớn lên ở quê hương miền Bắc nhưng anh rất xứng đáng là người con thân yêu của Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”. Qua hai cuộc kháng chiến, anh đã có những đóng góp xứng đáng trong bước đầu xây dựng lực lượng quân sự ở chiến trường Nam Bộ. Công lao của anh được đồng bào, chiến sĩ miền Nam nhất là ở Khu 9 và miền Đông Nam Bộ luôn nhớ mãi”.

Đứng đầu Ban B.68 giúp giải phóng Campuchia

Tháng 10.1978, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện là thứ trưởng Bộ Quốc phòng được đặc phái sang chiến trường Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế giữ trọng trách trưởng Ban B.68 Trung ương Đảng, bí thư Đảng uỷ Đoàn chuyên gia Việt Nam, cố vấn cho Tổng bí thư Đảng nhân dân cách mạng Campuchia, phó tổng Đoàn chuyên gia Việt Nam, phó tư lệnh chính trị Quân tình nguyện kiêm trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam (Đoàn 478).

Nhớ lại thời điểm năm 1978, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nước ta do bọn Pol Pot- Ieng Sary gây hấn hơn 3 năm đã trở nên ác liệt. Nhiều làng mạc, trường học, bệnh xá, chùa chiền, nhà thờ… bị chúng tràn sang xoá sạch, quét sạch, làm hơn 5000 dân thường Việt Nam thiệt mạng, bắt và thủ tiêu hơn 20.000 người. Trong khi đó, nước ta còn phải lo cưu mang hàng vạn dân Campuchia chạy sang tị nạn, thoát khỏi đao búa của tập đoàn diệt chủng Khmer Đỏ đang biến đất nước Chùa Tháp thành lò thiêu người khổng lồ. Đứng trước tình hình đó, ngày 16.6.1978 Bộ Chính trị ra quyết định thành lập Ban B.68 trực thuộc Trung ương Đảng để giúp cách mạng Campuchia. Lúc đầu Ban B.68 do Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hoàng- viện phó Viện Khoa học quân sự làm trưởng ban. Tuy nhiên, 4 tháng sau, do tình hình biến chuyển nhanh chóng, Bộ Chính trị đã điều động Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện- thứ trưởng Bộ Quốc phòng sang nhận nhiệm vụ trưởng Ban B.68, khẩn trương chuẩn bị đưa quân tình nguyện Việt Nam sang cứu giúp nước bạn, đồng thời với việc thành lập Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia- một sự kiện có ý nghĩa to lớn mà dấu ấn của tướng Thiện rất sâu đậm.

Ngày 23.12.1978, theo tiếng gọi khẩn thiết của nhân dân xứ Chùa Tháp mà đại diện là Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, rồi phối hợp với các lực lượng vũ trang nước bạn đập tan quân đội Khmer đỏ, tiến sang giải phóng Phom Penh, xoá bỏ chế độ diệt chủng của tập đoàn Pol Pot- Ieng sary. Một chiến công lịch sử chỉ trong vòng 20 ngày đêm, sứ mạng nghĩa vụ quốc tế cao cả của quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành. Chiến công ấy được cả thế giới tiến bộ ghi nhận, khi cứu thoát cả một dân tộc đang bên bờ vực lâm nguy.

Ngày 07.01.1979, đất nước Campuchia được hoàn toàn giải phóng.

Ban B.68 Trung ương do tướng Hoàng Thế Thiện đứng đầu đặt đại bản doanh tại nhà số 606 Trần Hưng Đạo, quận 5, TP.HCM. Không khí nơi đây nhộn nhịp khác thường. Được sự đồng ý của Bộ Chính trị, ngày 25.01.1979, Ban B.68 đã giúp nước bạn tổ chức Lễ mừng chiến thắng tại thủ đô Phnom Penh. Sau đó, Ban B.68 chuyển văn phòng sang trực tiếp giúp bạn tổ chức hệ thống chính quyền từ trung ương đến cơ sở trong 19 tỉnh thành. Bên cạnh đó, Ban B.68 còn nghiên cứu, chọn lọc để đề nghị Trung ương Đảng điều động cán bộ ta cho 19 đoàn chuyên gia. Tình hình đất nước Campuchia dần đi vào ổn định, hệ thống kinh tế- xã hội được khôi phục, dân tị nạn được hồi hương về quê cũ, những cánh đồng chết dần sống lại trong màu xanh… Thành quả ấy có nhiều đóng góp của Trưởng Ban B.68 Hoàng Thế Thiện!

Ông Vũ Oanh- nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, lúc bấy giờ là phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng luôn sát cánh bên tướng Hoàng Thế Thiện, đã nhớ lại: “Hai anh em cùng ở chung trong một căn nhà, ngày đêm cùng bàn bạc công việc với nhau nên tôi hiểu rằng đồng chí Hoàng Thế Thiện thực sự là một con người đã được tôi luyện trong ngục tù đế quốc (thời kỳ trước năm 1945) và trong những năm tháng ác liệt của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta. Đồng chí rất xứng đáng được Đảng tin cậy giao cho trách nhiệm hết sức nặng nề trong những ngày đầu khó khăn, gian khổ để thực hiện một công việc chưa có tiền lệ của ta là giúp bạn hồi sinh lại đất nước; xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng; xoá bỏ những tàn dư của chế độ diệt chủng; xây dựng lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân bạn”. Cũng theo ông Vũ Oanh: “Qua gần bốn năm làm công tác giúp bạn, đồng chí Hoàng Thế Thiện đã để lại những tình cảm quốc tế cao đẹp trong lòng cán bộ và nhân dân Campuchia cũng như những ấn tượng sâu sắc, không thể phai mờ về một đồng chí Trưởng ban có tấm lòng đức độ, giàu nhiệt huyết nhưng rất mực khiêm nhường trong lòng cán bộ và công nhân viên Ban B.68 chúng tôi, những người đầu tiên đã cùng cộng tác với đồng chí trong công tác giúp bạn xây dựng lại đất nước”.

Trái tim nhân hậu

Không chỉ là một vị tướng chiến trường tài năng, mà Hoàng Thế Thiện còn là một hạt nhân đoàn kết, một đồng đội đầy tinh thần trách nhiệm, một con người có tấm lòng nhân nghĩa. Tháng 7.1982, ông rời chiến trường Campuchia về nước nhận nhiệm vụ thứ trưởng thứ nhất Bộ Thương binh và xã hội. Điều này không có gì lạ, nếu ta biết rằng, vị tướng có tấm lòng nhân hậu này ngay trong mưa bom bão đạn của chiến tranh chống Mỹ đã nghĩ đến việc đền ơn đáp nghĩa những người đã hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc. Hãy nghe Thiếu tướng Võ Sở thổ lộ: “Một điều làm chúng tôi luôn trân trọng là từ năm 1973 khi chiến tranh chưa kết thúc, anh Thiện đã cùng Bộ tư lệnh 559 chủ trương lập các đội tìm kiếm mộ, bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh trên Trường Sơn chuẩn bị cho việc xây dựng nghĩa trang liêt sĩ của Bộ đội Trường Sơn. Trong 2 năm tìm kiếm được hơn 10.000 hài cốt liệt sĩ và đến đầu năm 1975 (khi chưa giải phóng hoàn toàn miền Nam), Bộ tư lệnh 559 đã tổ chức xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ở Gio Linh, Quảng Trị- một nghĩa trang có qui mô lớn nhất nước ta được xây dựng rất sớm”. Có thể nói, việc làm có ý nghĩa đó thể hiện một tầm nhìn, một tinh thần trách nhiệm và một tấm lòng nhân nghĩa cao đẹp.

Đại tá Nguyễn Văn Quảng nguyên tư lệnh kiêm chính ủy Quân đoàn 4, vốn là thuộc cấp trước đây của tướng Thiện đã tâm sự: “Trong từng bước đi và trưởng thành, tôi rất quí các kinh nghiệm của anh về phát triển tư duy và sáng tạo mà không hề là những công thức theo một khuôn mẫu xơ cứng. Và điều vui ở cuối đời phục vụ cách mạng, anh và tôi được trên điều động cùng về làm Thứ trưởng Bộ Lao động- thương binh và xã hội. Ở đây, anh và tôi lại cùng gặp nhau rất “ý hiệp tâm đầu”. Nghĩa là thời chiến tranh, hai anh em cùng góp sức đánh địch ở chiến trường miền Nam, cùng đi giúp bạn, nay thắng lợi và đất nước có hòa bình, anh và tôi cùng được về góp sức nhằm thực hiện các chính sách hậu phương, góp phần khắc phục các hậu quả chiến tranh, góp một phần công sức cho ổn định và phát triển”.

Chẳng những đối với người đã hy sinh vì tổ quốc, mà tướng Hoàng Thế Thiện còn có những đóng góp mang ý nghĩa chiến lược vào công tác hoạt động nhân đạo từ thiện, đặc biệt là việc tổ chức các Làng trẻ em SOS quốc tế tại Việt Nam. Vì lẽ đó mà ông đã được Hội đồng Viện Hàn lâm Hermann gmeiner thuộc Tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế trao tặng giải thưởng Kim vàng danh dự.

Có thể nói cuộc đời và sự nghiệp phong phú sôi động của tướng Hoàng Thế Thiện là một phần không thể thiếu của lịch sử. Hình ảnh ông, công lao ông đáng được ghi nhận trong ký ức dân tộc ta lẫn xứ sở Chùa Tháp. Một bộ phim chân dung tướng Hoàng Thế Thiện đã được Đài Truyền hình TP.HCM thực hiện. Và năm 2003, nhân 8 năm ngày mất của tướng Thiện, lễ tưởng niệm ông cũng được Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với các cơ quan quân đội và gia đình tổ chức trang trọng tại Hà Nội và TP.HCM.

Kỷ niệm 30 năm ngày quân dân ta tiến hành cuộc tổng phản công chiến lược đập tan tập đoàn diệt chủng Pol Pot, hình ảnh vị chính ủy tiêu biểu Hoàng Thế Thiện như đang hiện diện đâu đây trong ký ức mọi người, nhất là những người lính từng sát cánh cùng ông trên chiến trường ác liệt xứ sở Chùa Tháp.

Phan Hoàng

Các bài viết liên quan

Video

Chuyên mục

Tag