Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, một cán bộ chính trị – quân sự kiên trung, xuất sắc của Đảng
05/02/2015 , Thân thế và sự nghiệp
Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Vương Hồng – Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện sinh trưởng trong một gia đình yêu nước. Sớm giác ngộ cách mạng, lúc 17 tuổi, đồng chí tham gia hoạt động trong Tiểu tổ bí mật, Truyền bá quốc ngữ và được cử làm Ủy viên Ban Trị sự Hội Truyền bá quốc ngữ thành phố Hải Phòng. Đầu năm 1942, đồng chí tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc và được giao phụ trách một cơ sở bí mật trong thanh niên, học sinh Hải Phòng.
Tháng 3 năm 1943, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 5 năm tù khổ sai, giam tại Hỏa Lò (Hà Nội) rồi bị đày lên nhà tù Sơn La. Trong lao tù đế quốc, bị tra tấn và đọa đày dã man nhưng đồng chí vẫn một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng. Tháng 3 năm 1945, đồng chí được Đảng tổ chức vượt ngục về Thái Nguyên tiếp tục hoạt động, được kết nạp vào Đảng (tháng 4 năm 1945) và được phân công làm Đội trưởng Đội Vũ trang tuyên truyền Cứu quốc quân ở huyện Võ Nhai, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Thái Nguyên (tháng 8 năm 1945).
Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Hoàng Thế Thiện được cử làm Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Nguyên, tiếp đó làm Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Vĩnh Yên (tháng 10 năm 1946).
Nhằm phát triển lực lượng quân đội, nhất là tăng cường đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy ở các chiến khu, năm 1947, đồng chí được Đảng điều động vào Quân đội. Từ Phái viên chính trị Khu 10 (tháng 4 năm 1947) rồi Trưởng phòng Chính trị Liên khu 10 – Quân khu ủy viên, đồng chí được cử làm Chính ủy – Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Sông Lô (tháng 7 năm 1948). Với cương vị Chính ủy trung đoàn, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy, xây dựng đơn vị không ngừng lớn mạnh và chỉ huy bộ đội chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc trên các chiến trường Vĩnh Yên, Việt Trì và trên dòng sông Thao, sông Lô những năm 1948 – 1949.
Nam Bộ là chiến trường xa, việc nắm tình hình của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng – Tổng Tư lệnh có nhiều khó khăn. Cuối năm 1949, Bộ Quốc phòng – Tổng Tư lệnh cử đồng chí Hoàng Thế Thiện làm Trưởng đoàn cán bộ quân sự vào Nam Bộ kiểm tra nắm tình hình để kịp thời giúp Bộ Tư lệnh Nam Bộ chỉ đạo xây dựng các đơn vị bộ đội chủ lực, mở các chiến dịch đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, giành quyền chủ động trên chiến trường. Trong những năm 1950 – 1952, đồng chí được cử làm Chính ủy – Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Tây Đô (Khu 9) và Chính ủy – Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Cửu Long (Phân Liên khu miền Tây). Trên cương vị được giao, đồng chí Hoàng Thế Thiện luôn nêu tấm gương tiêu biểu về phẩm chất cao đẹp của người đảng viên, đặc biệt là một Chính ủy mẫu mực, am hiểu sâu về quân sự qua thực tiễn chỉ huy chiến đấu. Đồng chí đã chú trọng, chăm lo xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, góp phần vào sự lớn mạnh của các đơn vị đồng chí công tác, đẩy mạnh các hoạt động tác chiến, tiêu hao sinh lực địch, giữ vững khu căn cứ. Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến, đồng chí được cử làm Trưởng phòng Chính trị rồi Chủ nhiệm Chính trị Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ – Quân khu ủy viên, Ủy viên Ban Tuyên huấn và Ủy viên Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam. Với cương vị mới, đồng chí đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của người cán bộ chính trị, cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy bộ đội tác chiến trong Đông – Xuân 1953 – 1954, góp phần vào thắng lợi chung, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Theo chủ trương của Đảng, cuối năm 1954, cùng với cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội ở chiến trường Nam Bộ và toàn miền Nam, đồng chí Hoàng Thế Thiện tập kết ra Bắc. Trong những năm đầu xây dựng quân đội chính quy, hiện đại, đồng chí được cử làm Chính ủy Ban Nghiên cứu sân bay (tháng 7 năm 1956), sau đó làm Chính ủy – Bí thư Đảng ủy Cục Không quân (tháng 1 năm 1959). Để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ xây dựng lực lượng Không quân, từ tháng 12 năm 1960 đến tháng 12 năm 1962, đồng chí Hoàng Thế Thiện và nhiều cán bộ Cục Không quân được cử sang học tập tại Học viện Không quân Trung Quốc. Đồng chí đã cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập rồi trở về nước tiếp tục cùng toàn quân thực hiện nhiệm vụ xây dựng quân đội chính quy, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc và thực hiện chi viện chiến trường miền Nam.
Năm 1964, quân và dân miền Nam đứng trước thời cơ thuận lợi mới. Để phát triển bộ đội chủ lực, đẩy mạnh tác chiến tập trung trên các chiến trường miền Nam, tháng 10 năm 1964, Bộ Chính trị cử nhiều cán bộ cao cấp quân đội có kinh nghiệm xây dựng bộ đội chủ lực, lãnh đạo, chỉ huy tác chiến tập trung vào chiến trường Nam Bộ. Khi được Đảng phân công trở lại chiến trường, với bí danh Hoàng Dân (tức Tư Dân), đồng chí cùng một số cán bộ cao cấp quân đội theo con tàu “không số” vào chiến trường Nam Bộ. Sau những ngày lênh đênh trên biển, cùng đồng đội vượt qua bao hiểm nguy, ác liệt vào tới chiến trường, đồng chí lần lượt được cử giữ các cương vị: Phó Chính ủy Quân khu 8 (tháng 12 năm 1964), Phó Chính ủy – Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 9 (tháng 9 năm 1965), được thăng quân hàm Đại tá (tháng 2 năm 1966), Chính ủy – Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 1 (tháng 8 năm 1966), Chính ủy – Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 304 (tháng 1 năm 1969), Phó Chính ủy – Thường vụ Đảng ủy Mặt trận 968 (tháng 7 năm 1970), Phó Chính ủy – Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn (Đoàn 559), kiêm Chính ủy – Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh khu vực 470 (tháng 6 năm 1971), Chính ủy – Phó Bí thư rồi Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn (tháng 5 năm 1973), được thăng quân hàm Thiếu tướng (tháng 4 năm 1974), Chính ủy – Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 4 (tháng 2 năm 1975). Trên cương vị là Chính ủy – Bí thư Đảng ủy ở các đơn vị khác nhau, đồng chí luôn chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh, luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên, giữ vững tính nguyên tắc của Đảng, góp phần cùng tập thể Đảng ủy lãnh đạo xây dựng các đơn vị đồng chí công tác thành lực lượng chủ lực mạnh, chiến đấu dũng cảm, kiên cường, lập nhiều chiến công trên các chiến trường Nam Bộ, Tây Nguyên, Đường 9 – Nam Lào, Trường Sơn, Cam-pu-chia… Là một Chính ủy dày dặn kinh nghiệm lãnh đạo và chỉ huy, đồng chí đã cùng lãnh đạo, chỉ huy cánh quân hướng đông trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chỉ huy bộ đội chiến đấu dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần giành thắng lợi vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tổ quốc thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trên các cương vị mới là: Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV (tháng 12 năm 1976), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế – Bí thư Đảng ủy Tổng cục (tháng 4 năm 1977), đồng chí Hoàng Thế Thiện đã có những đóng góp quan trọng, cùng với tập thể Đảng ủy và thủ trưởng Tổng cục đề xuất với Bộ Quốc phòng các chủ trương, kế hoạch chỉ đạo lực lượng tham gia xây dựng kinh tế và tổ chức các đơn vị quân đội chuyên làm kinh tế, góp phần rèn luyện cán bộ, chiến sĩ có trình độ khoa học kỹ thuật, biết làm kinh tế và quản lý kinh tế, vừa bảo vệ Tổ quốc, đồng thời lao động sản xuất giỏi.
Do yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế của Đảng, khi được giao nhiệm vụ giúp nhân dân nước bạn Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng của bọn phản động Pôn-pốt – Iêng Xa-ri, đồng chí Hoàng Thế Thiện đã nhận thức rõ trách nhiệm và nghiêm chỉnh thực hiện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp bạn là tự giúp mình”, từ tháng 10 năm 1978 đến tháng 6 năm 1982, trên cương vị là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí được cử kiêm nhiệm thêm các trọng trách: Trưởng ban B.68 Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Đoàn Chuyên gia Việt Nam, Phó Tổng đoàn Chuyên gia Việt Nam, Phó Tư lệnh Chính trị Quân tình nguyện Việt Nam kiêm Đoàn trưởng 478. Trên các cương vị được giao, đồng chí đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát cơ sở, nhất là những nơi tình hình phức tạp, khó khăn, động viên bộ đội hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế của Đảng.
Từ tháng 7 năm 1982, đồng chí được cử làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Thương binh và Xã hội. Trên cương vị mới, đồng chí đã có những đóng góp đáng kể, góp phần cùng toàn Đảng, toàn Quân và toàn Dân ta thực hiện tốt chính sách đối với các liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng và các đối tượng chính sách trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Cuộc đời và sự nghiệp của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện là một tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, một vị tướng trưởng thành từ cơ sở, qua nhiều cương vị, là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội đứng mũi chịu sào của nhiều đơn vị. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí đã được Đảng tin cậy giao nhiệm vụ vào chiến trường Nam Bộ trong những thời điểm khó khăn nhất, nhưng đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trên 50 năm hoạt động cách mạng, gần 40 năm chiến đấu và công tác trong Quân đội, đồng chí luôn thể hiện là một cán bộ chính trị – quân sự trung kiên, dũng cảm, trung thực, liêm khiết, sống gần gũi với đồng chí, đồng bào, nghiêm khắc với mọi biểu hiện cá nhân chủ nghĩa.
Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đã có nhiều công lao trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Là một vị tướng có uy tín của Quân đội, công lao và thành tích xuất sắc của đồng chí đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội ta ghi nhận. Lịch sử hai cuộc kháng chiến vĩ đại của Dân tộc ta và lịch sử quá trình xây dựng, chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng còn mãi mãi ghi đậm hình ảnh và công lao vị tướng có tài tổ chức và chỉ huy chiến đấu, một Chính ủy kiên trung, mẫu mực, một đảng viên ưu tú của Đảng.
Hà Nội, tháng 9 năm 2003
T.V.H