Về trang chủ

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện trong lịch sử bộ đội sản xuất, xây dựng kinh tế

06/09/2016 , Tin tức

Phát huy kế sách “ngụ binh ư nông” trong lịch sử dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam ngay từ khi ra đời đã vừa làm nhiệm vụ chiến đấu, phát triển lực lượng, vừa phải tăng gia, sản xuất tự túc lương thực, thực phẩm để nuôi quân, mua sắm vũ khí, trang bị để chiến đấu và công tác; hoàn thành tốt chức năng là “Đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất” như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dạy.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện chủ trương của Đảng về giảm quân số và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngày 23-08-1956, Bộ Quốc phòng đã ra Nghị định số 030/NĐ thành lập Cục Nông binh để tham mưu cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ sản xuất – xây dựng kinh tế; đồng thời, điều chuyển gần 8 vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng đất nước. Đây là mốc son đánh dấu một chặng đường mới khi quân đội chuyển sang hoạt động xây dựng kinh tế với quy mô lớn, cách tổ chức chặt chẽ và có hệ thống.
Ngay sau khi được thành lập, “Đội quân sản xuất” là lực lượng tiên phong đến những miền đất gian khó, hoang vu, hoặc trở lại các chiến trường chưa hết bom đạn để “khai sơn, phá thạch”, xây dựng nên những nông trường, lâm trường, nhà máy, xí nghiệp, các công trình giao thông, thủy lợi, bệnh viện, trường học.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với phong trào tăng gia sản xuất phục vụ nhiệm vụ ở chiến trường, lực lượng quân đội đã khắc phục khó khăn gian khổ, mở đường xẻ dọc Trường Sơn, thiết lập những binh trạm, căn cứ hậu cần tại rừng U Minh, Chiến khu D, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên… sản xuất vũ khí, cung cấp nhu yếu phẩm cho bộ đội; vừa chuẩn bị thực hiện chức năng của kinh tế quốc doanh khi miền Nam được giải phóng.
Ngay sau khi thống nhất đất nước, Chính phủ ra Nghị định số 59/CP, ngày 05-04-1976, thành lập Tổng cục Xây dựng kinh tế; đồng thời, điều chuyển một lực lượng lớn của quân đội (gần 28 vạn cán bộ, chiến sĩ) sang làm kinh tế, xây dựng đất nước. Tổng cục Xây dựng kinh tế đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ quản lý và chỉ đạo toàn quân làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế theo quyết định của Chính phủ.
Ngày 12-06-1976, tại Đồ Sơn, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp, có mặt các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Văn Tiến Dũng thông qua đề án về bộ đội làm kinh tế, chuẩn y việc sắp xếp cán bộ chỉ huy Tổng cục Xây dựng kinh tế như sau:
– Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục. Năm 1977, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên được cử làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đồng chí Hoàng Thế Thiện được cử thay phụ trách Tổng cục.
– Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện – Phó Chủ nhiệm Tổng cục phụ trách về Chính trị. Tháng 04-1977, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện được cử làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm, Bí thư Đảng ủy Tổng cục Xây dựng kinh tế cho đến khi Tổng cục này giải thể cuối năm 1979.
– Các đồng chí: Nguyễn Lang, Phan Khắc Hy, Đặng Quốc Tuyển, Phạm Văn Diêu, Lê Xy, Đào Hữu Liêu – Phó Chủ nhiệm Tổng cục. Sau bổ sung thêm đồng chí Đặng Kinh, nguyên Tư lệnh Quân khu 3 giữ chức Phó Chủ nhiệm thứ nhất.
Sau khi Tổng cục Xây dựng kinh tế giải thể, thực hiện nhiệm vụ quân đội tham gia xây dựng kinh tế, đã có nhiều mô hình quản lý được ra đời, thay thế nhau như: Cục Kế hoạch – Kinh tế, Tổng cục Kinh tế, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế. Ngày 24-12-1998, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 249/1998/QĐ-TTg tổ chức lại Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế, để thành lập hai cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng là Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Cục Kinh tế. Qua đó cho thấy, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương,  Bộ Quốc phòng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội và xác định sản xuất, xây dựng kinh tế là một trong 3 chức năng nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam và trở thành bản chất truyền thống của Quân đội ta. Sự lớn mạnh của lực lượng làm kinh tế của quân đội không chỉ góp phần tạo ra khối lượng của cải vật chất lớn trong lúc đất nước còn đang khó khăn mà còn tạo điều kiện để thực hiện việc điều chỉnh lực lượng quân đội trong giai đoạn mới, tạo cơ sở để bố trí lại thế chiến lược trên các địa bàn trọng yếu của Tổ quốc.
60 năm qua, Bộ đội sản xuất, xây dựng kinh tế luôn tích cực luôn tích cực lao động sản xuất, góp phần làm ra của cải vật chất cho xã hội và tự giải quyết một phần nhu cầu của quân đội. 60 năm qua là một chặng đường nhiều khó khăn, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào của Bộ đội sản xuất, xây dựng kinh tế.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội sản xuất, xây dựng kinh tế, Ngày truyền thống Cục Kinh tế – Bộ Quốc phòng (23-08-1956 – 23-08-2016), Cục trưởng Cục kinh tế – Thiếu tướng Võ Hồng Thắng đã gửi tặng Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện quyển sách “Quân đội trên mặt trận sản xuất, xây dựng kinh tế – 60 năm hành trình cùng đất nước” do Đảng ủy, Chỉ huy Cục Kinh tế – Bộ Quốc phòng chỉ đạo và tổ chức biên soạn (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2016).
Trang web hoangthethien.net xin trân trọng giới thiệu một số trang trong quyển sách có nói đến Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện./.

 

Thượng tướng Trần Văn Trà, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) và Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm, Bí thư Đảng ủy Tổng cục Xây dựng Kinh tế (*) chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí Thủ trưởng Tổng cục Xây dựng Kinh tế trước tòa nhà làm việc của Tổng cục do Trung đoàn 573 xây dựng.

 

 

Cục trưởng Cục kinh tế – Thiếu tướng Võ Hồng Thắng (đứng giữa) thắp hương bàn thờ Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện.

Tag

Các bài viết liên quan

Video

Chuyên mục

Tag