Về trang chủ

Người Thầy dạy đầu đời của các em tôi

16/02/2015 , Trước Cách mạng Tháng Tám 1945

Đại tá Nguyễn Hải Trừng – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Khoa học – Xã hội và Nhân văn, Học viện Quân y
Tôi còn nhớ mãi lần đầu gặp Anh khoảng đầu năm 1941 ở trụ sở Hội Trí Tri ở phố Cát Dài, thành phố Hải Phòng. Lúc này, Hội Truyền bá quốc ngữ Hải Phòng mới thành lập ít lâu, đặt nhờ trụ sở ở nơi đó. Tôi đang còn nhỏ, thỉnh thoảng cũng theo cha tôi[1] là Hội phó Hội Truyền bá quốc ngữ tới đây vì các ngày nghỉ bọn trẻ chúng tôi hay tới nô đùa ở sân quần vợt của Hội Trí Tri. Không nhớ hôm đó tôi có hành động gì tốt nhưng bỗng thấy một anh lớn đến ôm lấy tôi, khen là ngoan. Thái độ niềm nở và chân tình đó đã khiến tôi có cảm tình ngay với Anh. Đó là Anh Lưu Thi (tên gọi lúc đó của Anh Hoàng Thế Thiện).
Sau đó ít lâu, có lẽ do hiểu rõ Anh qua những ngày cùng công tác ở Hội Truyền bá quốc ngữ nên cha tôi mời Anh làm gia sư dạy các em tôi lúc đó 8, 9, 10 tuổi. Còn tôi lúc đó đang học ở Trường Bonnal. Anh gọi cha tôi là thầy, mẹ tôi là cô vì cha tôi cũng là thầy dạy Anh ở Trường Bonnal. Quan hệ giữa Anh và gia đình tôi ngày càng thân mật.
Nhớ lại hình ảnh của Anh lúc đó: một thanh niên khoảng 19, 20 tuổi nhưng dáng vẻ rất chững chạc, người dong dỏng cao, mặt mũi hồng hào, tươi cười rất dễ mến, lanh lợi nhưng chân thật, ăn mặc đơn sơ như nhiều học trò thời đó là áo dài đen, quần ta trắng, đi guốc mộc.
Anh dạy các em tôi rất nghiêm nhưng thái độ lại thoải mái và do phương pháp dạy của Anh, chắc là nhờ chịu khó tìm tòi nên kết quả rất tốt. Ngay từ hồi đó, Anh đã biết vận dụng cách đưa học trò đi chơi nơi có cảnh thiên nhiên tươi đẹp như hồ Rào (gần cầu Rào ngày nay). Các em tôi rất quý mến Anh.
Hồi đó cha tôi dạy ở Trường Cao đẳng tiểu học Bonnal. Ông rất coi trọng giáo dục toàn diện cho học sinh nên ngoài việc giảng dạy trên lớp, ông còn vận dụng hình thức giáo dục của Hướng đạo sinh cho học trò. Trong điều kiện bị thực dân Pháp thống trị, đây là một hình thức giáo dục thanh niên tốt[2]. Trong thực tế, nhiều phương pháp giáo dục của Hội Hướng đạo đã tỏ ra thích hợp với lứa tuổi thanh, thiếu niên. Các đêm lửa trại với các vở kịch về đề tài lịch sử khơi gợi lòng yêu nước, các chuyến đi thăm di tích lịch sử của các anh hùng dân tộc… đã có tác dụng đưa nhiều thanh niên tách xa các hình thức lôi kéo đầu độc của thực dân Pháp để tiếp thu một sự giáo dục lành mạnh, khêu gợi lòng yêu nước. Rất nhiều Hướng đạo sinh sau này trở thành những cán bộ cao cấp của nước Việt Nam độc lập.
Cũng do hoạt động như thế nên cha tôi được nhiều học sinh quý mến, hay tới thăm. Trong những người hay đến nhà tôi còn có thêm anh Vũ Quý, anh Đỗ Nhuận… Anh Lưu Thi và anh Vũ Quý cùng tham gia Hướng đạo sinh nên quan hệ với nhau cũng là bình thường. Sau này tôi mới biết là hai anh cùng hoạt động cách mạng.
Khoảng giữa năm 1942, nhà tôi bỗng có một vị khách không mời đến thăm. Một lúc sau, cha tôi mới biết đó là một tên mật thám của Pháp. Hắn ra vẻ lễ phép xin xem tủ sách rất lớn của cha tôi nhưng đã lục soát rất kỹ tất cả các ngăn. Sau mới biết là hắn muốn tìm các tài liệu cách mạng nghi là cất giữ ở đây. Không thấy gì, hắn vẫn nói rằng cha tôi có nhiều sách không nên đọc. Đó là một số sách theo khuynh hướng cách mạng và một số sách của các tác giả nổi tiếng nhưng là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Rất may hôm đó hắn không lục tìm tủ sách đặt ở nhà dưới, nơi tôi và các em tôi ở và học. Chính nơi đó đã cất giữ cho Anh Lưu Thi một số tài liệu của Đảng. Anh cất khéo ở những chỗ bất ngờ nhưng tôi đều biết và luôn chú ý bảo vệ.
Điều lộ rõ là mật thám đã theo dõi nhà tôi từ khá lâu. Cha tôi vẫn tiến hành đều các cuộc cắm trại, đi thăm các di tích lịch sử oai hùng cho học sinh. Anh Vũ Quý vẫn đến bàn chuyện hướng đạo. Anh Lưu Thi vẫn dạy học.
Nhưng mấy tháng sau, Anh Lưu Thi tìm cách xin nghỉ dạy học. Bỗng một hôm, khoảng sau Tết năm 1943, chúng tôi sửng sốt, đau buồn nghe gia đình Anh đến báo tin: Anh đã bị địch bắt. Anh Đỗ Nhuận cũng bị bắt. Riêng anh Vũ Quý nhanh trí đã trốn thoát được và tiếp tục hoạt động cách mạng.
Nhờ ảnh hưởng của các anh, tháng 3 năm 1945, tôi tham gia Thanh niên cứu quốc.
Trong các chặng đường hoạt động hơn 40 năm tiếp theo, nhất là trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ, hiểm nguy lại xa cách nhau về không gian nhưng trong trái tim và trí óc tôi vẫn luôn có hình ảnh của Anh Lưu Thi kính mến và đã được động viên nhiều nhờ tấm gương cao đẹp về ý chí cách mạng kiên cường và tình cảm sâu sắc của Anh.
Riêng các em tôi vẫn mãi mãi nhớ Anh – người Thầy dạy đầu đời thân yêu.
N.H.T
[1] Nhà giáo Nguyễn Hữu Tảo, dạy Cao đẳng tiểu học Hải Phòng thời kỳ 1926 – 1945, về sau làm Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý giáo dục ở Đại học Sư phạm Hà Nội.
[2] Năm 1935, nghị quyết về “Vận động thanh niên” của Đại hội Đảng lần I đã nêu: “phải chen vào các đoàn thể thanh niên cách mạng tiểu tư sản… nhất là Hướng đạo đoàn, kéo quần chúng sang phe Thanh niên Cộng sản” (Văn kiện Đảng 1929 – 1935, trang 472-476, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1964).

Các bài viết liên quan

Video

Chuyên mục

Tag