Về trang chủ

Một vị tướng ba lần đánh giặc ở phương Nam

11/03/2015 , Thân thế và sự nghiệp

Trang web hoangthethien.net xin giới thiệu bài viết của nhà báo Đinh Phong đăng trên nguyệt san “Đại Đoàn Kết” số 164 (tháng 12-2004), trang 5, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Bài viết này đã được nhà báo Đinh Phong phát triển thành kịch bản phim tài liệu về Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện để Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh dựng thành bộ phim tài liệu “Ba lần Nam tiến” vào năm 2005.

 

 

Quân đội ta có nhiều vị tướng giỏi trưởng thành từ các đội du kích, Cứu quốc quân, Giải phóng quân, Tự vệ đỏ… và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Trong số hàng trăm vị tướng lĩnh, có một vị tướng đã được giao nhiều nhiệm vụ khác nhau ở nhiều chiến trường. Đó là Lưu Văn Thi tức Hoàng Thế Thiện – Hoàng Dân quê ở Hải Phòng, tham gia cách mạng lúc 18 tuổi, bị địch bắt, kết án 5 năm tù giam ở Sơn La. Tháng 3-1945, ông vượt ngục về Thái Nguyên làm Đội trưởng Đội võ trang tuyên truyền Võ Nhai, tham gia khởi nghĩa tại Thái Nguyên. Tháng 4-1947, ông được điều vào Quân đội, rồi làm Chính ủy Trung đoàn Sông Lô. Từ đó vị tướng này được Đảng và Quân đội tín nhiệm ba lần cử về phương Nam đánh giặc.

Tháng 9-1949 – lúc 27 tuổi – ông được cử làm Trưởng đoàn cán bộ quân sự vào Nam Bộ giúp Bộ Tư lệnh Nam Bộ xây dựng bộ đội chủ lực, mở các chiến dịch lớn. Ông và đoàn đã qua Khu 4, Khu 5, vượt Trường Sơn vào Nam.

Tháng 7-1950, ông được giao nhiệm vụ Phái viên kiểm tra của Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Tháng 11-1950, ông làm Chính ủy Trung đoàn Tây Đô. Cuối năm 1951, ông làm Chính ủy Trung đoàn Cửu Long – Một trung đoàn gồm các tiểu đoàn đánh giặc giỏi như 307 đã lập nên các chiến thắng vang dội ở Mộc Hóa, La Bang… Tháng 10-1952, ông được cử làm Chủ nhiệm Chính trị Phân liên khu miền Tây Nam Bộ. Ông tham gia chiến đấu rất dũng cảm và linh hoạt trên chiến trường sông nước Cửu Long, luôn có mặt ở các đơn vị quân đội trong các rừng đước, rừng tràm ven sông rạch U Minh.

Trong những năm công tác ở Nam Bộ, ông được cán bộ, chiến sĩ yêu mến tài năng, đức độ, tác phong sâu sát đơn vị, gần gũi với nhân dân. Mọi người cũng rất quý mến mối tình của ông và bà Hào Kim Oanh một cán bộ điệp báo của Hà Nội. Bà đã dũng cảm vượt qua các vùng chiến tranh, vượt Trường Sơn vào đến Nam Bộ chiến đấu bên cạnh chồng. Bà là người phụ nữ đầu tiên đi bộ từ Bắc vào Nam tham gia kháng chiến.

Năm 1955, vợ chồng ông tập kết ra Bắc. Ông được giao nhiệm vụ làm đại diện cho bộ đội Tây Nam Bộ trên đất Bắc. Sau đó ông được giao làm Chủ nhiệm Chính trị Liên khu 3.

Ngày đó, chúng ta cần khôi phục nhanh một số sân bay phục vụ cho hoạt động của Ủy ban quốc tế kiểm sát Hiệp định Giơ-ne-vơ. Hoàng Thế Thiện được giao nhiệm vụ Chính ủy Ban Nghiên cứu sân bay. Ông cùng đồng đội khôi phục các sân bay, bảo đảm an toàn cho một số hoạt động của Ủy ban quốc tế và các vị lãnh đạo nhà nước ta.

Tháng 1-1959, ông được giao làm Chính ủy Cục Không quân – tiền thân của Bộ Tư lệnh Không quân sau này. Cùng với Cục trưởng Đặng Tính, Hoàng Thế Thiện đã chọn nhiều cán bộ chiến sĩ có năng lực đi học ngành không quân ở nước ngoài, tạo nên những người lãnh đạo ngành không quân tài ba, những anh hùng lái máy bay trong đánh Mỹ…

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời ngày 20-12-1960. Ngày 15-2-1961 các lực lượng võ trang yêu nước thống nhất thành Quân giải phóng. Những trận đánh tập trung đầu tiên ở Ấp Bắc (1963), việc thành lập các Trung đoàn 1, Trung đoàn 2 ở miền Đông, đặt ra một yêu cầu cấp bách phải ra đời các đơn vị chủ lực lớn, đòi hỏi các công tác chính trị trong quân đội ngày càng có nền nếp.

Tháng 10-1964, Hoàng Thế Thiện – với tên bí mật Hoàng Dân (Tư Dân) – được điều về Nam Bộ, cụ thể là về đồng bằng sông Cửu Long thành lập đơn vị cấp sư đoàn. Ông đã theo tàu không số chở vũ khí (Đoàn 125) lênh đênh trên biển hai tháng ròng mới cập vào biển Bến Tre. Do hoàn cảnh chưa thành lập được đơn vị chủ lực cấp sư đoàn ở miền Tây, Quân ủy Trung ương điều ông về làm Phó Chính ủy Quân 8 (miền Trung Nam Bộ). Ông lại lăn lộn trên vùng sông nước Cửu Long, Đồng Tháp Mười ngày nào để xây dựng các trung đoàn, tiểu đoàn chủ lực.

Sau chiến dịch Bình Giã (12-1964), Đồng Xoài (5-1965), yêu cầu phải có “quả đấm” lớn trên chiến trường miền Đông. Hoàng Thế Thiện lại được điều về tham gia xây dựng sư đoàn chủ lực đầu tiên của Nam Bộ. Ông đã cùng các đồng chí Hoàng Cầm, Lê Văn Tưởng, Nguyễn Thế Bôn thành lập Sư đoàn 9. Ngày 2-9-1965, Sư đoàn 9 chính thức ra đời. Hoàng Thế Thiện với cương vị Phó Chính ủy đã cùng Chính ủy Lê Văn Tưởng xây dựng công tác chính trị cấp sư đoàn và từng chiến dịch Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Bắc Sông Bé, Gian-xơn Xi-ti… Một lần nữa, Hoàng Thế Thiện đã vận dụng đúng đắn sự chỉ đạo về công tác chính trị của Chính ủy Quân giải phóng: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Đường mòn Hồ Chí Minh – Trường Sơn đã trở thành con đường vận chuyển chiến lược cho chiến trường miền Nam. Địch đánh phá ác liệt và đưa cả quân đội lên phá những kho hàng của ta.

Trung ương quyết định mở rộng, kéo dài đường vận chuyển và lập các đơn vị quân đội chiến đấu bảo vệ đường vận chuyển chiến lược. Quyết tâm cao song phải giáo dục, động viên bộ đội khắc phục thiếu thốn, nêu cao tinh thần dũng cảm, dám hy sinh cho Tổ quốc. Hoàng Thế Thiện lại được Đảng và Quân đội điều ra Trường Sơn.

Tháng 7-1970, Hoàng Thế Thiện được giao nhiệm vụ Phó Chính ủy Mặt trận 968 – Nam Lào. Ông tham gia chỉ huy Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (1-1971) lập nên những chiến công vang dội. Tháng 6-1971, ông được cử làm Phó Chính ủy và tháng 5-1973 làm Chính ủy Bộ Tư lệnh bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559).

Với tấm lòng yêu quý đồng đội và trách nhiệm cao với thương binh liệt sĩ, Hoàng Thế Thiện cùng các đồng chí lãnh đạo bộ đội Trường Sơn đã cho xây dựng nghĩa trang và cử người đi tìm hài cốt đồng đội. Đó là Nghĩa trang Trường Sơn ra đời trong chiến tranh, tạo cơ sở cho việc xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn to lớn hôm nay.

Chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công mùa Xuân 1975, Trung ương huy động nhiều cánh quân bao vây Sài Gòn tiến đến tiêu diệt hang ổ cuối cùng của địch. Ngày 20-7-1974, Quân đoàn 4 – quân đoàn chủ lực đầu tiên của Nam Bộ được thành lập. Trong Quân đoàn có Sư đoàn 9, đơn vị mà Hoàng Thế Thiện từng là Phó Chính ủy.

Tháng 2-1975, Hoàng Thế Thiện được điều vào Nam Bộ lần thứ 3 và được cử làm Chính ủy Quân đoàn 4, bên cạnh Tư lệnh là vị tướng tài ba Hoàng Cầm đã từng là Sư trưởng Sư đoàn 9. Cùng những cán bộ đã cộng tác với ông mười năm trước, Hoàng Thế Thiện đã tổ chức nhiều trận đánh với quy mô lớn. Ông được giao làm Phó Chính ủy Mặt trận phía đông, trực tiếp chỉ huy hướng tiến công Dầu Tiếng – Chơn Thành.

Tháng 4-1975, Hoàng Thế Thiện được giao nhiệm vụ tham gia chỉ huy cánh quân phía Đông đánh phá cửa ngõ Xuân Lộc, mở đường tiến vào Sài Gòn. Sư đoàn 7 mũi nhọn của Quân đoàn 4,đã giải phóng Xuân Lộc, Biên Hòa và tiến vào Sài Gòn, thực hiện nhiệm vụ quân quản thành phố vừa giải phóng.

Tháng 5-1975, Hoàng Thế Thiện được cử vào Ban Thường vụ Thành ủy Sài Gòn – Gia Định tham gia lãnh đạo việc lập lại trật tự và ổn định thành phố mới giải phóng.

Tháng 12-1976, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông cũng là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa II).

Từ 1978, chiến tranh biên giới Việt Nam – Campuchia liên tiếp xảy ra ác liệt. Hoàng Thế Thiện đang làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế lại được gọi ra mặt trận. Ông tham gia chỉ huy các trận đánh bọn xâm lược, xây dựng lực lượng chính trị và quân sự cho quân đội bạn. Ông đã góp phần huy động lực lượng quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với các đơn vị võ trang cách mạng Campuchia giải phóng Phnôm Pênh và toàn đất nước Chùa Tháp.

Hoàng Thế Thiện là một vị tướng có mặt khắp các chiến trường Việt Bắc, Nam Bộ, Tây Nguyên, Trường Sơn, Lào, Campuchia… Ông là vị tướng trong cuộc đời lính đã được giao nhiều nhiệm vụ ở nhiều chiến trường trong đó có ba lần được cử đi đánh giặc ở phương Nam.

Các bài viết liên quan

Video

Chuyên mục

Tag