Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện: Một cuộc đời sôi động mà lặng lẽ
08/03/2015 , Thân thế và sự nghiệp
Trang web hoangthethien.net xin giới thiệu bài viết hay của nhà báo Vũ Hân, là một góc nhìn rất đời thường về cuộc đời Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện và gia đình. Bài viết được đăng trên đặc san “Đang yêu” của Báo Phụ nữ Thủ đô số 60 ra ngày 27-07-2012. Xin cảm ơn Vũ Hân, một nhà báo trẻ rất tâm huyết với lịch sử.
Nhân cách lớn sau cuộc đời giản dị
Cuộc đời Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện là sự song hành kỳ lạ của 2 yếu tố đối lập. Ông đã có một cuộc đời sôi sục, chiến đấu từ năm 17 tuổi cho đến khi nghỉ hưu, đã qua tù ngục đế quốc, từ Hỏa Lò đến nhà tù Sơn La; đã có mặt trên hầu hết các chiến trường ác liệt nhất với 3 lần Nam tiến. Thế nhưng ông cũng lặng lẽ đến mức có thời người ta quên mất ông. Lặng lẽ đến độ ngay cả các con ông cũng chỉ biết bố mình là cán bộ cao cấp, là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, rồi Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội vậy thôi. Đến mãi tận sau này, khi ông đã qua đời, trong quá trình thu thập tài liệu để làm một cuốn sách các đồng đội nói về ông, người con út Hoàng Anh Thi mới nhận ra chân dung lớn của cha mình. Để đến lúc đọc được vài comment trên mạng, nói Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện không nổi tiếng vì tìm kiếm trên google chẳng thấy ông, Hoàng Anh Thi mới đắng lòng thương cha, thương cả cuộc đời lặng lẽ đóng góp không chút toan tính của ông. Cái sự nghiệp ông đã đổi bằng máu, bằng cuộc đời đằng đẵng vợ Nam chồng Bắc lại bị đánh giá bởi vài cái kết quả google? Còn biết bao vị tướng khác sau khi hoàn thành sứ mệnh của đời mình đã chìm lẫn vào trong cuộc đời này ở một miền quê nào đó không có internet, không có nhà báo thì sao?
Tôi đã đọc hết một lượt cuốn “Nhớ Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện”, với 56 bài viết các đồng đội nhớ về ông, trong đó có cả những dòng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên… Những cụm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất nói rằng ông là “hạt nhân đoàn kết”, nói ông sống giản dị, không quan cách, chân thành, thương yêu đồng đội. Nếp giản dị ấy ông giữ đến cuối đời, từ nếp ăn nếp ở, từ cách đi đứng ăn mặc. Là Tướng về hưu, từng giữ những chức vụ cao, thế mà về già ông toàn đi xe đạp. Cứ cái mũ phớt, cái xe cọc cạch, ông đạp hết phố này quận nọ, từ họp cựu chiến binh đến viếng bạn qua đời. Hoàng Anh Thi – người con út của ông nói, lúc mất trong tay không có tài sản gì, vì cái nhà đang ở lúc đó cũng là nhà do nhà nước cho thuê. Cả cuộc đời, lúc nào ông cũng ở nhà thuê.
Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện tên thật là Lưu Văn Thi. Ông sinh năm 1922 ở ngõ Mai Viên đường Agent Blambay, TP Hải Phòng, trong một gia đình nghèo thành thị. Từ thuở nhỏ ông đã thông minh, học giỏi và sớm giác ngộ cách mạng do ảnh hưởng từ cha mình. Năm 17 tuổi, khi đang học tại trường Bonnal nay là trường Ngô Quyền ở Hải Phòng (cùng trường với cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nhà văn Nguyễn Đình Thi…) ông đã tham gia phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ và bồi dưỡng lý tưởng cho nhiều học sinh khóa sau. Vì nhà quá nghèo, sau đó chẳng bao lâu, ông phải nghỉ học để làm thư ký đánh máy tại ngân hàng Đông Dương. Tiểu sử ghi về lý do nghỉ học của ông chỉ có thế. Nhưng con trai út Hoàng Anh Thi của ông kể rằng hồi đó, do mẹ ông nghèo, bán hàng nước để nuôi con học, cóp nhặt từng đồng tiền lẻ, những đồng rách thì được cụ bà cẩn thận dán lại bằng cơm. Lần đó Hoàng Thế Thiện đóng tiền học cho trường, thấy ông nộp một nắm tiền lẻ chắp vá, viên thu tiền người Pháp đã cầm nắm tiền lẻ đó ném vào mặt ông. Ông phẫn uất quá mà nghỉ học từ đấy. Nghỉ học nhưng ông vẫn tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Đến năm 1943, ông bị giặc bắt vì tham gia Việt Minh, bị kết án 5 năm khổ sai, đưa vào Hỏa Lò rồi bị chuyển lên Sơn La. Trong những năm ở tù, dù bị tra tấn hết sức dã man, nhưng ông tuyệt đối không khai một lời nào. Ông Đào An Thái – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, người bạn tù của ông có kể rằng những ngày đó dù trong tù vô cùng gian khổ, nhưng các ông đã biến nó thành một trường học sôi động, đến nỗi Hoàng Thế Thiện có lần còn bảo thấy “may” vì được… đi tù, nếu không ông chẳng bao giờ được học về học thuyết Mác – Lê nin một cách đàng hoàng như thế. Ở trong tù, Hoàng Thế Thiện biết tiếng Pháp thì dạy tiếng Pháp, nhạc sỹ Đỗ Nhuận thì dạy nhạc, họ biểu diễn văn nghệ bằng những nhạc cụ tự tạo. Hoàng Thế Thiện gợi ý lấy cành bàng nhỏ, thẳng, thuôn cho rỗng để khoét sáo. Họ hì hục làm cả tuần liền, Đào An Thái kỳ công gọt giũa cho lỗ sáo kỳ tròn, nhưng đưa cho nhạc sỹ Đỗ Nhuận thì ông không ưng, vì lỗ sáo phải hình… hạt chanh chứ không được tròn. Đồng đội của ông cũng kể rằng, vì ông có đôi mắt sáng, dáng cao thanh mảnh, đặc biệt là đôi môi lúc nào cũng đỏ hồng nên rất được “tín nhiệm” đóng vai con gái. Vữa trát của những bức tường lở loét trong tù được dùng làm phấn bôi lên mặt, nên diễn xong kịch là ông bị dị ứng, ngứa cả tuần không khỏi. Ông bảo sẽ không bao giờ diễn vai nữ nữa. Thế nhưng lần sau đồng đội tín nhiệm quá, ông lại diễn. Ở trong tù bị đàn áp, ông lúc nào cũng nhận ở ngoài để hứng đòn, che cho anh em yếu hơn. Có lần Đào An Thái kiên quyết đòi ở ngoài vì: “Tớ không nhát, tớ chịu được” đã bị ông quát cho: “Cậu gầy như con mắm, nó quật cho một cái thì gẫy cổ” rồi kiên quyết đẩy bạn vào trong. Ông đã chứng tỏ bản tính “vị tha, giành khó về mình, nhường dễ cho bạn” ngay cả trong những hoàn cảnh ngặt nghèo như thế.
Cả cuộc đời ông, ông đã sống đúng với cái tên “Thiện” của mình. Nhà báo Phan Trác Hiệu, người đã từng chiến đấu cùng ông trong chiến trường miền Nam kể lại: Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, quân đội ta ở miền Nam chuẩn bị tập kết ra Bắc. Tuy nhiên, phía Pháp cho biết, họ không thể di chuyển các thương, bệnh binh nặng của chúng ta bằng máy bay; mà các thương, bệnh binh này cũng không thể di chuyển bằng tàu thủy của Liên Xô, Ba Lan giúp ta. Trại thương binh miền Tây lúc đó đã đầy những thương, bệnh binh nặng đang khao khát được ra Bắc để trị thương. Không cam tâm để đồng đội lại vùng địch, ông đã liên tục lên đề nghị Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây đề nghị Trung ương đấu tranh quyết liệt với quân đội Pháp, yêu cầu thực hiện việc di chuyển bệnh binh nặng bằng máy bay. Cuối cùng, yêu cầu này được chấp nhận và toàn bộ các thương binh nặng đã được chuyển ra Bắc.
Có mặt ở hầu khắp các chiến trường ác liệt nhất trong thời chiến, ông từng chiến đấu từ Việt Bắc đến Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Lào, Trường Sơn… Tháng 4 năm 1975, ông tham gia chỉ huy cánh quân hướng Đông, một trong 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đất nước thống nhất, ông lúc đó đang là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lại làm nhiệm vụ quốc tế với cương vị Trưởng ban B.68 Trung ương Đảng, Phó Tổng đoàn kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn Chuyên gia Việt Nam sang Campuchia giúp nước bạn ổn định tình hình sau nạn diệt chủng với vai trò Cố vấn cho Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia. Ông đã có những cống hiến lớn lao, cùng với Ban B.68 giúp bạn vực dậy từ đống đổ nát, ổn định cả về an ninh, chính trị, kinh tế… Về cuối đời, ông là Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội trước khi nghỉ hưu. Dù ở cương vị nào thì đức tính giản dị, gần gũi của ông cũng không mất đi. Con cái ông cũng bảo thời đương chức ông chẳng tơ hào gì cho con, cả gia đình đều sống cảnh bình dị. Thậm chí có những lúc ông phải chịu thiệt thòi, nhưng cũng vẫn cứ lẳng lặng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Một người bạn là ông Võ Quang Anh – Nguyên Thường vụ khu ủy, Bí thư Quân khu ủy Quân khu 9, Phó Tư lệnh Phân liên khu miền Tây Nam Bộ còn làm vài câu thơ “trêu” ông, mà cũng là xót cho ông: “Thiện là chẳng ác phải không nào?/ “Tu” mãi mà còn tướng một sao/ Bù lại, trời cho chức lớn khác/ Cũng là phần thưởng buổi niên cao”.
Suốt cuộc đời chồng Nam vợ Bắc
Ông bà gặp nhau lần đầu ở Thái Nguyên, lúc đó ông đang là Chủ nhiệm tỉnh bộ Việt Minh, còn bà thì vừa được tổ chức đưa lên thoát ly hoạt động cùng bà Lê Song Toàn (sau này là phu nhân của cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn) sau khi thực hiện vụ bắt cóc một tên phản động Việt cách không thành. Bà tên là Hào Kim Oanh, là tiểu thư của một công chức gốc Hoa của Ngân hàng Đông Dương. Từ năm 1944, với bí danh là Lan, bà đã tham gia Thanh niên cứu quốc, sau Cách mạng thì được tuyển chọn vào Ban Trinh sát đặc biệt thuộc Kỳ bộ Việt Minh Bắc Kỳ do Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ Nguyễn Văn Trân phụ trách, có nhiệm vụ thu thập tài liệu của bọn phản động Việt Cách. Vì bà là người gốc Hoa nên có một vỏ bọc rất tốt để hoạt động. Lúc đó, một tên Bí thư của Nguyễn Hải Thần – đảng trưởng đảng Việt Cách tên là Nha rất mê bà vì bà rất đẹp, thường đến nhà chơi. Từ tên này, bà cùng các đồng đội đã lấy được rất nhiều tài liệu quan trọng. Lần đó, tổ chức giao nhiệm vụ phải bắt cóc tên này. Bà cùng bà Lê Song Toàn đã giả vờ mời hắn đến nhà chơi, trong nhà đã bố trí sẵn 3 đồng chí trinh sát, chờ ra hiệu là xông ra bịt thuốc mê rồi cho hắn vào bao bí mật mang đi. Nhưng xui làm sao bữa đó thuốc mê không hiệu quả, sau khi cho vào bao thì tên này tỉnh lại, kêu lên được. Một tên Quốc dân đảng người Hoa ở gần đó nghe thấy, liền báo cho bọn Tàu Tưởng đến giải cứu. Sau nhiệm vụ không thành đó, bị kẻ thù truy bắt, tổ chức đưa 2 bà lên thoát ly hoạt động ở Thái Nguyên. Hồi đó bà mới 18, 19 tuổi, đang độ rực rỡ nhất và rất xinh đẹp. Bây giờ ông bà đều đã qua đời, không còn ai để kể chuyện tình hồi đó của 2 người nữa, nhưng con cái thì biết rằng ông dù lúc đó cũng nổi tiếng đẹp trai, cũng phải năm phen bảy lượt mới chinh phục được bà. Gia đình bà lúc đó có đạo, dù thoát ly hoạt động rồi, bố mẹ của bà vẫn yêu cầu đám cưới phải tổ chức trong nhà thờ, theo đúng nghi lễ của đạo Thiên Chúa. Ông dù lúc đó làm cán bộ cách mạng, nhưng cũng chiều ý bố mẹ vợ, miễn là cưới được vợ về. Được cái các đồng chí lãnh đạo lúc đó đều rất ủng hộ 2 người, vì đều là đồng chí chung một lý tưởng.
Sau ngày cưới, bà trở thành chỗ dựa của ông trong suốt cuộc đời chiến đấu. Cả cuộc đời, tính ra ông bà chỉ ở với nhau được chừng hơn chục năm, còn lại khi thì vợ Bắc chồng Nam, khi thì ngược lại. Kể cả sau này đất nước đã hòa bình, ông thì vì nhiệm vụ lúc ở Campuchia, khi ở Hà Nội, trong khi bà và các con thì ở miền Nam. Năm 1949, khi bà mới sinh người con đầu Hoàng Quốc Trung chưa tròn 1 tuổi, ông được lệnh Nam tiến. Bà một mình ở lại Việt Bắc cho đến năm 1952, tổ chức muốn tạo điều kiện cho 2 người ở gần nhau, bà được theo đoàn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi bộ vào Nam công tác. Đoàn lúc đó chỉ có 2 người phụ nữ, có thể nói bà là một trong những người phụ nữ đầu tiên đi bộ từ Bắc vào Nam. Năm 1953, ông và bà đoàn tụ ở miền Tây, khi ông đang là Chủ nhiệm Chính trị Phân liên khu miền Tây Nam Bộ. Các đồng đội của ông vẫn nhớ khi đó ông thường một mình tự chống xuồng chở bà đi, chứ không bao giờ ỉ lại rằng ở Bắc vào mà nhờ đồng đội. Năm 1954, người con thứ 2 của ông bà ra đời tại Bạc Liêu, được đặt tên là Hoàng Hiếu Dân. Sau Hiệp định Giơ-ne- vơ năm 1954, ông bà cùng con tập kết ra Bắc. Ở với nhau chẳng được bao lâu, ông lại nhận nhiệm vụ mới, sang Trung Quốc học tại Học viện Không quân để xây dựng lực lượng không quân Việt Nam. Ông lúc đó là Chính ủy Ban Nghiên cứu sân bay, rồi trở thành Chính ủy – Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Cục Không quân. Đến năm 1964, do yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ, ông lại một lần nữa Nam tiến trên con tàu Không số và biệt tích mất vài năm, không một dòng tin về cho gia đình. Mãi đến khi mọi thứ đã ổn định, ông mới báo được ra cho bà là mình còn sống và đang làm nhiệm vụ. Cứ thế cho đến tận 11 năm sau, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông bà mới được chính thức đoàn tụ, còn lại chỉ là những cuộc gặp chóng vánh khi ông ra Bắc họp hoặc qua những cánh thư. Hoàng Anh Thi kể lại rằng ngày ông vào Nam năm 1949, bà đóng cho ông một cuốn sổ nhỏ, bọc vải màu xanh lam, trên đó có thêu 2 chữ T và O màu trắng lồng vào nhau nghĩa là Thi – Oanh, để những lúc ông nhớ vợ con, gia đình, có cuốn sổ nhỏ đó mà trút bầu tâm sự. Hiện nay Hoàng Anh Thi còn giữ rất nhiều những tài liệu viết tay của bố mẹ, đó là những trang thấm đẫm yêu thương trong những năm xa cách. Trong số đó, có một bức thư đặc biệt nhất mà Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mong muốn sưu tập làm kỷ vật để trưng bày chuyên đề “Những bức thư thời chiến”, nhưng Hoàng Anh Thi đã giữ lại như một kỷ vật thiêng liêng của gia đình. Đó là bức thư bà gửi cho ông năm 1950, khi ông đang chiến đấu trong Nam. Thời đó đưa thư bằng giao liên, trải qua khó khăn, bom đạn, có khi hàng năm trời mới tới. Đến lúc bức thư tới tay ông thì đã bị mưa gió đường trường làm ướt nhẹp, không còn dịch ra được chữ gì nữa. Đau lòng, ông mới viết vào đó mấy câu thơ: “Thư em là ngọn lửa nồng/ Tới đây sôi ấm tấm lòng tha hương/ Ngờ đâu mưa gió đường trường/ Phũ phàng xóa hết 8 chương tiếng lòng (thư bà viết 8 trang – PV)/ Giờ đây cất kín thư câm/ Ngày về em phải đọc thầm tai anh.” Và bức thư đó ông giữ mãi cho đến sau này, luôn bên ông trong những ngày chiến đấu gian khổ nhất.
Trong suốt những quãng thời gian xa chồng, bà trở thành trụ cột, lo lắng mọi thứ cho các con. Các con bà đều nhớ rằng bà rất khéo léo, từ nấu ăn, đan lát, thêu thùa, may quần áo… cái gì cũng làm được. Cuộc sống khó khăn đã biến một cô tiểu thư như bà trở thành người phụ nữ biết lo toan, vun vén, thậm chí ki cóp để lo cho chồng cho con. Thấy một cái đinh ốc, cái cúc áo rơi, bà cũng phải nhặt cất đi để lần sau cần đến thì dùng. Cái bản tính rèn được trong những ngày gian khổ đó đến sau này sung sướng bà cũng không bỏ. Các con bà kể lại có những lần phát cáu lên với bà, vì thậm chí đến đồ lót rách bà cũng mang ra khâu vá để mặc tiếp, chứ kiên quyết không bỏ để mặc đồ mới. Đến lúc bà mất, con cái lục ra không biết bao nhiêu những bọc đồ mới bà chưa mặc một lần nào. Hoàng Anh Thi kể vừa mới tuần trước thôi mới lên lầu 2 dọn những thứ đồ bà để lại, tìm thấy toàn đồ cũ kỹ những cái cúc cái đinh ốc đã mục nát… tài sản một thời khốn khó của bà.
Có lẽ vì bà đẹp như thế, đẹp từ trong ra ngoài, vì bà hi sinh cả đời cho ông như thế, nên ông cũng yêu thương bà hết mực. Dù xa nhau luôn, nhưng tình yêu của ông bà như ngọn lửa bền bỉ không bao giờ tắt. Ông rất lãng mạn, ngày sinh nhật của bà, kỷ niệm ngày cưới, hay thậm chí là lần đầu tỏ tình… ông đều không bao giờ quên, luôn có quà tặng bà. Đi công tác nước ngoài hay đi bất cứ đâu, ông cũng luôn nhớ mua về cho bà những món quả nhỏ, trích từ tiền công tác phí. Con cái bảo ông bà lãng mạn đến tận cuối đời, lúc nào cũng anh – em ngọt ngào lắm, chỉ thi thoảng giận nhau mới gọi ông – tôi. Chuyện ông thương vợ thế nào thì ngay cả một số cán bộ cấp dưới của ông cũng biết. Một cán bộ phiên dịch thường xuyên đi nước ngoài công tác cùng ông khi ở Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội kể lại: Khi 2 chú cháu ngồi trên bờ biển Đen ngắm nhìn những con hải âu bay lượn, ông bảo “Cậu có biết không? Có lần mình tỉnh dậy lúc nửa đêm, thấy vợ đang ngồi khóc, lo quá, mình vội hỏi có chuyện gì. Bà ấy nhìn vào thằng cu út còn bé tí nằm bên cạnh và sụt sịt “Con còn nhỏ quá mà vợ chồng mình đã luống tuổi. Nhỡ một mai, con chưa trưởng thành mà chúng mình đã già yếu, mất đi thì con sẽ sống sao?”. Đúng là phụ nữ họ lo xa hơn mình cậu nhỉ? Điều ấy mình cũng chưa bao giờ nghĩ tới. Thật thương bà ấy quá…” Nhưng sau này, điều bà lo lắng cũng trở nên có lý. Khi ông mất, cậu út “bé tí” của ông bà mới 21 tuổi, đang học Đại học, không còn bé nhưng cũng chưa hẳn đã lớn. Bà lại một lần nữa thay ông bám trụ tới cùng, ở bên cậu út cho đến ngày cậu thực sự trưởng thành rồi mới xuôi tay nhắm mắt.
Hoàng Anh Thi bảo từ sau khi ông mất, bà lúc nào cũng thấy cô đơn. Nỗi cô đơn của việc không còn gì để chờ đợi. Bà biết rằng giờ bà có chờ 10 năm, 20 năm hay lâu hơn thế, ông cũng chẳng bao giờ trở về nữa. Đây là nỗi day dứt lớn nhất đời bà. Xa nhau biền biệt, đến tận lúc ông nghỉ hưu mới được ở bên nhau, vậy mà chỉ mới hơn 5 năm ngắn ngủi, ông đã vội vã lìa đời. Ông mất ở tuổi 73 khi vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, vẫn ngày ngày đạp xe đi họp, thăm đồng đội, khi làn da vẫn hồng hào như thuở thanh niên. Có lẽ vì thế mà sự ra đi của ông càng khó chấp nhận đối với gia đình. Anh Thi phải nghỉ việc quanh quẩn ở nhà với mẹ cho mẹ đỡ cô quạnh. Đến những năm cuối đời mẹ, anh phải dọn cả vào buồng mẹ ngủ, để bà có người trò chuyện. Thế nhưng, anh vẫn bắt gặp những lúc bà tha thẩn nhớ ông, như 2 câu thơ bà viết trong cuốn sổ để bên đầu giường sau khi ông mất tròn 1 tháng: “Anh ơi sao anh đi, đi mãi?/ Hồn em thổn thức nhớ thương anh”. Tận sau này, đến năm 2005, kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông, khi Hoàng Anh Thi đã tập hợp được một cuốn sách về ông, làm được phim tài liệu, đúc tượng đồng về ông, rồi ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh, khi cuộc đời, sự nghiệp của ông dần bước ra ánh sáng, khi người ta nhìn ông đúng với sự hi sinh cống hiến của ông, bà mới bớt buồn. Bà già rồi, chịu khổ cả đời rồi, đâu có cầu mấy cái danh hão. Nhưng những gì thuộc về lịch sử phải trả lại cho lịch sử. Mà cuộc đời hi sinh từng ấy của hai người, cũng xứng đáng để nhận những tiếng thơm lắm chứ.
Có những phần về ông thuộc về lịch sử, chẳng gì xóa được, như ông là một trong các tướng lĩnh chỉ huy 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh; như ông là Chính ủy đầu tiên của Cục Không quân, nền móng đầu tiên của Không quân Việt Nam và cả Hàng không dân dụng hiện nay. Còn có những chiến công khác của ông chưa được đánh giá đúng, thậm chí bị quên lãng đi, nhưng ông vẫn là một phần của quá khứ hào hùng của dân tộc, mà những ai có tâm lật lại sử sách, sẽ thấy những trang đẹp đẽ về ông. Trên bia mộ ông, con cái khắc lên 2 dòng thơ do cố Thiếu tướng Nguyễn Đan Thành viết tặng khi ông về hưu: “Non nước tang bồng âu là thế/ Hạt cát phù sa thế cũng xong”. Ông như hạt phù sa ấy, lặng lẽ bồi đắp rồi lặng lẽ xuôi đi.
Các bài viết liên quan
- Nhớ về người đồng chí đàn anh
- GIẢI MÃ VỀ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN MANG MẬT DANH B.68 (PHẦN I)
- Có một anh bộ đội Cụ Hồ như thế!
- Giải mã về người đứng đầu cơ quan mang mật danh B.68 (Phần II)
- Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, hình ảnh Chính ủy tiêu biểu trên chiến trường
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét về Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện
- Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện với Nam Bộ
- Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, một cán bộ chính trị – quân sự kiên trung, xuất sắc của Đảng